Cặp phạm trù Cái chung – Cái riêng
Cái chung, cái riêng, cái đơn nhất là gì? Phân tích nội dung, ý nghĩa cặp phạm trù cái chung và cái riêng?
Nội Dung
Các khái niệm
Cái Riêng: Cái riêng là phạm trù triết học dùng để chỉ một sự vật, một hiện tượng hoặc một quá trình riêng lẻ nhất định. Chẳng hạn: một người, một ngôi sao, một con sông, một lớp học…
Bạn đang xem: Cặp phạm trù Cái chung – Cái riêng
Cái Chung: Cái chung là một phạm trù triết học dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ giống nhau ở nhiều sự vật hiện tượng hay quá trình riêng lẻ. Chẳng hạn vận động, mâu thuẫn, đồng hóa, dị hóa, hô hấp…
Cái đơn nhất (Đặc thù): Cái đơn nhất là phạm trù triết học dùng để chỉ những nét, những mặt, những đặc điểm chỉ có ở một sự vật, hiện tượng nào đó mà không lặp lại ở các sự vật, hiện tượng khác.
Nội dung mối quan hệ biện chứng cái riêng và cái chung
Trong lịch sử triết học đã có hai xu hướng – duy thực và duy danh – đối lập nhau giải quyết vấn đề quan hệ giữa cái riêng và cái chung. Các nhà duy thực khẳng định, cái chung tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào cái riêng. Các nhà duy danh cho rằng, cái chung không tồn tại thực trong hiện thực khách quan. Chỉ có sự vật đơn lẻ, cái riêng mới tồn tại thực. Cái chung chỉ tồn tại trong tư duy con người. Cái chung chỉ là tên gọi, danh xưng của các đối tượng đơn lẻ. Tuy cùng coi cái riêng là duy nhất có thực, song các nhà duy đanh giải quyết khác nhau vấn đề hình thức tồn tại của nó. Một số (như Occam) cho rằng, cái riêng tồn tại như đối tượng vật chật cảm tính; số khác (Béccli) lại coi cảm giác là hình thức tồn tại của cái riêng…..
Chủ nghĩa duy vật biện chứng đã khắc phục những khiếm khuyết của cả hai xu hướng đó trong việc lý giải mối quan hệ cái chung – cái riêng: Cái riêng và cái chung tồn tại một cách khách quan và luôn quan hệ lẫn nhau. Không có riêng, chung tồn tại thuần túy không liên hệ.
Cả cái chung lẫn cái đơn nhất đều không tồn tại độc lập, tự thân, chúng là thuộc tính nên phải gắn với đối tượng xác định. Chỉ cái riêng (đối tượng, quá trình, hiện tượng riêng) mới tồn tại độc lập. Cái chung và cái đơn nhất đều chỉ tồn tại trong cái riêng, như là các mặt của cái riêng.
Cái chung không tồn tại độc lập, mà là một mặt của cái riêng và liên hệ không tách rời với cái đơn nhất, hệt như cái đơn nhất liên hệ chặt chẽ với cái chung. “Bất cứ cái chung nào cũng chỉ bao quát một cách đại khái tất cả mọi vật riêng lẻ. Bất cứ cái riêng nào cũng không gia nhập đầy đủ vào cái chung.. .”. Cái riêng không vĩnh cửu, nó xuất hiện, tồn tại một thời gian xác định rồi biến thành cái riêng khác, rồi lại thành cái riêng khác nữa… cứ thế mãi vô cùng, V.I. Lênin viết: “Bất cứ cái riêng nào cũng thông qua hàng nghìn sự chuyển hóa mà liên hệ với những cái riêng thuộc loại khác (sự vật, hiện tượng, quá trình). Nó “chỉ tồn tại trong mối liên hệ đưa đến cái chung” và có khả năng chuyển hóa ở những điều kiện phù hợp thành cái riêng bất kỳ khác.
Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng mà biểu hiện. Cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ với cái chung.
Xem thêm : Đặc trưng của nghệ thuật
Cái riêng là cái toàn thể phong phú hơn cái chung, vì ngoài những mặt những thuộc tính… gia nhập vào cái chung, nó còn những cái đơn nhất. Cái chung là cái bộ phận nhưng sâu sắc, bản chất hơn cái riêng. Bởi nó phản ánh những mặt những thuộc tính, những mối liên hệ bên trong, tất nhiên, ổn định, phổ biến tồn tại trong cái riêng cùng loại. Cái chung bởi thế thường gắn với bản chất quy định phương hướng tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng.
Cái đơn nhất và cái chung là những phạm trù cùng loại nên trong những mối liên hệ nhất định chúng có thể chuyển hóa lẫn nhau. Sở dĩ có điều này là do trong hiện thực, cái mới không bao giờ xuất hiện đầy đủ ngay một lúc, mà xuất hiện ở dạng cá biệt, đơn nhất rồi theo quy luật phát triển, hoàn thiện thành cái chung. Trong khi đó cái cũ từ là cái chung ngày càng biến dần thành cái đơn nhất.
Ý nghĩa phương pháp luận
Trong nhận thức cũng như trong hoạt động thực tiễn, cần phải biết phát hiện cái chung và vận dụng cái chung để cải tạo cái riêng. Nhưng muốn phát hiện cái chung phải xuất phát từ những cái riêng cụ thể.
Khi vận dụng cái chung vào cái riêng, phải biết cá biệt hóa cái chung cho phù hợp với những đặc điểm của cái riêng. Không áp đặt một cách nguyên xi cái chung cho mọi cái riêng.
Cần biết tạo điều kiện thuận lợi cho những cái đơn nhất có lợi chuyển hóa thành cái chung, ngược lại phải tạo điều kiện cho những cái chung lỗi thời không là điều mong muốn của ta biến thành cái đơn nhất.
Trong thực tiễn, khi vận dụng cặp phạm trù cái riêng và cái chung nếu tuyệt đối hóa vai trò của cái chung mà hạ thấp vai trò của cái riêng sẽ dẫn đến chủ nghĩa giáo điều, rập khuôn, máy móc (hữu khuynh). Ngược lại, nếu tuyệt đối hóa vai trò của cái riêng mà hạ thấp vai trò của cái chung sẽ dẫn đến tư tưởng địa phương chủ nghĩa, tập thể phường hội, chủ nghĩa cá nhân (tả khuynh).
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức