Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918)
Nội Dung
I – Nguyên nhân và tính chất của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất
1. Nguyên nhân
Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất là kết quả tất nhiên của sự phát triển kinh tế, chính trị của chủ nghĩa tư bản thế giới vào những năm đầu thế kỷ XX. Từ cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đã phát triển tới giai đoạn mới – giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.
Quy luật phát triển không đều giữa các nước tác động mạnh mẽ vào các mặt của đời sống xã hội. Một số nước đi vào con đường tư bản chủ nghĩa muộn, nhưng phát huy được những lợi thế riêng và lợi dụng được những thành tựu khoa học kỹ thuật nên đã có độ tăng trưởng nhảy vọt, vượt qua các nước tư bản cũ. Vào năm 1860, Anh và Pháp đứng đầu và thứ hai trong nền sản xuất công nghiệp thế giới, nhưng đến năm 1913, Mỹ và Đức lại chiếm địa vị đó.
Bạn đang xem: Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918)
Những nước phát triển sau cần có thị trường trong khi những nước đi trước tuy đã chiếm một số lớn thuộc địa, nhưng vẫn muốn chiếm thêm thị trường mới. Nhưng thế giới đã bị chia xong, không còn có “chỗ trống” như trong thế kỷ trước đây nữa. Do đó, nổ ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa các nước đế quốc để giành giật của nhau thị trường, thuộc địa và phân chia lại thế giới. Những cuộc đấu tranh ấy đã bắt đầu diễn ra từ những năm cuối của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ thứ XX: chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha (1898), chiến tranh Anh-Bôơ (1899-1902), chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905).
Sự tranh giành thị trường và thuộc địa giữa các nước đế quốc tất yếu đưa đến việc gây chiến tranh với nhau để chia lại đất đai trên thế giới. Đế quốc Đức hung hăng nhất vì Đức có tiềm lực kinh tế và quân sự nhưng lại có ít thuộc địa. Từ đó, ở châu Âu hình thành 2 tập đoàn gây chiến, chống đối nhau: một bên là Đức, Áo – Hung và Thổ Nhĩ Kỳ; một bên là Anh, Pháp, Nga. Cả hai tập đoàn đều ôm mộng xâm lược và điên cuồng chạy đua vũ trang.
Khi phát động chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đế quốc Đức muốn tiêu diệt kẻ kình địch của mình là Anh, Pháp và Bỉ để chiếm thuộc địa của các nước đó, làm suy yếu Nga hoàng, giật lấy Ba Lan, Ucraina và miền gần biển Ban Tích; Áo-Hung thì muốn chiếm Xécbi; Thổ thì mơ tưởng xâm chiếm miền Tơrăng Cápca của Nga. Còn phe đối lập thì Anh muốn đánh tan Đức, để tiêu diệt kẻ địch thủ nguy hiểm nhất trên thị trường thế giới, giật của Thổ miền Mêdôpôtami và Palétxtin, củng cố địa vị của mình ở Ai Cập; Pháp mong lấy lại miền Andát và Lôren đã bị Đức chiếm trước đây và xâm chiếm khu vực sông Xarơ; Nga muốn sáp nhập Galixi vào mình, phân chia Thổ Nhĩ Kỳ, xâm chiếm Côngxtăngtinốp và eo biển Hắc Hải.
Nhật tham chiến đứng về phía Anh với mục đích chiếm các thuộc địa của Đức ở Thái Bình Dương và lợi dụng cuộc tranh chấp giữa các nước đế quốc để củng cố địa vị ở Trung Quốc. Ý lúc đầu ngả nghiêng giữa hai khối, đã tham gia liên minh Đức và Áo-Hung sau được Anh-Pháp-Nga hứa hẹn nhiều nên ngả theo. Còn Mỹ làm giàu rất nhanh trong cuộc chiến tranh này, giữ thái độ “trung lập”, mãi đến năm 1917 mới tham chiến. Mỹ bí mật bán vũ khí cho hai phe và lợi dụng sự kiệt quệ của hai bên để buộc các nước tham chiến ký một hòa ước phù hợp với tham vọng làm bá chủ thế giới của Mỹ.
Như vậy là cuộc chiến tranh giữa các nước đế quốc bắt nguồn từ quy luật phát triển về kinh tế, chính trị của các nước tư bản chủ nghĩa và đã được chuẩn bị trong nhiều năm. Nguyên nhân cơ bản của cuộc chiến tranh là do mâu thuẫn giữa các đế quốc, chủ yếu là mâu thuẫn giữa đế quốc Đức và đế quốc Anh.
Ngoài mục đích phân chia lại thị trường, các nước đế quốc gây ra cuộc chiến tranh còn có một âm mưu khác: cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1900 ở châu Âu và cuộc Cách mạng 1905 ở Nga làm cho những mâu thuẫn xã hội trong các nước tư bản ngày càng trở nên gay gắt. Phong trào đấu tranh của công nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ. Giai cấp tư sản các nước đế quốc gây ra chiến tranh nhằm đánh lạc hướng chú ý của công nhân đối với các vấn đề chính trị và xã hội trong nước, tuyên truyền chủ nghĩa sô-vanh để ngăn cản sự phát triển của phong trào cách mạng trong nước, đàn áp giai cấp vô sản, chia rẽ phong trào công nhân thế giới. Giai cấp cầm quyền các nước đều muốn lợi dụng chiến tranh để đàn áp phong trào cách mạng và phong trào giải phóng dân tộc.
2. Tính chất
Cuộc chiến tranh do các nước đế quốc chuẩn bị và tiến hành nhằm giành giật thuộc địa của nhau là một cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa mang tính chất phi nghĩa, phản động. Nó là sự kế tục chính sách cướp bóc, nô dịch bằng thủ đoạn bạo lực đối với nhân dân các nước khác.
Về tính chất của cuộc chiến tranh này, Lênin đã chỉ rõ như sau :
“Về cả hai phía, cuộc chiến tranh đó đều là chiến tranh đế quốc chủ nghĩa, điều đó hiện nay không còn phải bàn cãi gì nữa. (…) Chiến tranh vô luận là do giai cấp tư sản Đức hoặc do giai cấp tư sản Anh-Pháp tiến hành, cũng đều nhằm mục đích cướp bóc các nước khác, bóp nghẹt các dân tộc nhược tiểu, thống trị thế giới về mặt tài chính, chia và chia lại thuộc địa, cứu chế độ tư bản chủ nghĩa đang giãy chết, bằng cách lừa bịp và chia rẽ công nhân các nước”
Như vậy, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đứng về cả hai phe tham chiến mà xét thì đều là chiến tranh ăn cướp, chiến tranh đế quốc, hậu quả của sự phát triển các lực lượng kinh tế, chính trị trên nền tảng chủ nghĩa tư bản độc quyền.
Để che đậy tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh, giai cấp tư sản các nước đế quốc đã ra sức tuyên truyền để lôi kéo quần chúng ủng hộ mình trong việc tiến hành chiến tranh. Các nước đều nêu lên khẩu hiệu chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ văn hóa, bảo vệ tự do của các dân tộc. Không phải chỉ ở Anh, Pháp, Đức, Nga mà ở bất cứ nước nào, các đảng tư sản và chính phủ đế quốc cũng đều che giấu mục đích thật sự của cuộc chiến tranh. Họ tìm cách làm cho nhân dân tin rằng tiến hành chiến tranh là để cứu vớt dân tộc, cố chứng minh rằng nước mình bị tấn công nên phải tiến hành chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc. Luận điệu tuyên truyền giả dối đó đã gây nên nhiều hậu quả tai hại trong phong trào công nhân và quần chúng nhân dân, không thấy rõ bản chất phản động của cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa.
II – Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, quá trình diễn biến của cuộc chiến tranh
Đến đầu thế kỷ XX, châu Âu bị phân chia thành 2 tập đoàn đế quốc: một bên là các nước Hiệp ước gồm có Anh, Pháp, Nga, sau thêm Nhật (1914), Ý (1915) và một bên là phe Liên minh gồm nước Đức, Áo-Hung, sau thêm Thổ Nhĩ Kỳ (1914), Bungari (1915).
Các cuộc khủng hoảng về vấn đề Marốc ở Bắc Phi (1905-1906 và 1911) và chiến tranh ở Ban Căng (1912-1913) là những tiếng súng báo hiệu khả năng nổ ra chiến tranh thế giới đang đến gần và khó tránh khỏi. Đến năm 1914, sự chuẩn bị chiến tranh của hai phe đế quốc chủ nghĩa trên cơ bản đã xong.
Ở Đức và Áo– Hung, chi phí quân sự chừng 4.000 triệu mác, chi phí quân sự ở Anh, Nga và Pháp chừng 4.760 triệu mác. Đức đã chuẩn bị xong 8 triệu quân được huấn luyện cẩn thận. Hàng năm, các nước Hiệp ước họp hội nghị các bộ tổng tham mưu, đặt kế hoạch tỉ mỉ về việc tác chiến chung. Hai bên chỉ còn chờ thời cơ để gây chiến tranh.
Ngày 28 tháng 6 năm 1914, chính phủ Áo-Hung tổ chức một cuộc tập trận ở Bôxnia. Thái tử Áo là Phơranxơ Phécđinan khi đến thủ đô Bôxnia là Xaragiêvô để tham quan cuộc tập trận thì bị những người thuộc tổ chức “Bàn tay đen” ám sát. Đó là một tổ chức yêu nước Xécbi chống ách thống trị của đế quốc Áo-Hung.
1. Chiến tranh bùng nổ
Vụ ám sát ở Xaragiêvô khiến đế quốc Đức có được cái cớ mà họ mong mỏi từ lâu. Vinhem II lợi dụng ngay cớ đó, hùng hổ đòi Áo phải lập tức tuyên chiến với Xécbi. Mặc dầu Xécbi đã chịu nhận hầu hết những điều kiện trong tối hậu thư, nhưng ngày 28-7-1914, Áo Hung vẫn tuyên chiến với Xécbi. Đức và Nga cùng một lúc đều động viên để viện trợ lực lượng đồng minh của mình: Đức viện trợ Áo-Hung, Nga giúp đỡ Xécbi.
Ngày 1-8-1914 Đức tuyên chiến với Nga. Hai hôm sau, tức ngày 3-8, Đức tuyên chiến với Pháp.
Kế hoạch tác chiến của Đức do tổng tham mưu trưởng Sơliphen đặt ra, dự định đầu tiên sẽ đánh một đòn chí mạng vào Pháp, đánh bại Pháp chớp nhoáng trong vòng nửa tháng rồi sẽ điều chủ lực sang mặt trận Nga. Kế hoạch của Sơliphen xuất phát từ hai giả thiết: một cho rằng Anh không lập tức tham chiến ngay, hai là Nga còn cần phải một thời gian nữa mới có thể động viên được lực lượng, mà trong thời gian đó, Đức có thể hoàn toàn đánh bại Pháp. Nhưng cả 2 giả thiết đều sai lầm. Ngày 4-8, một ngày sau khi Đức tuyên chiến với Pháp, Anh đã tuyên chiến với Đức. Còn Nga thì đã hoàn thành việc động viên một cách nhanh chóng. Khi chủ lực quân Đức chiếm được nước Bỉ trung lập, đang trên đường từ phía Bắc xâm nhập vào Pháp và tiến về Pari thì quân Nga đã tấn công ngay quân Đức ở phía đông để ủng hộ đồng minh của Nga là Pháp. Phía đông lại là đồn lũy của bọn quý tộc Đức, do đó Đức bị động phải rút ngay mấy sư đoàn ở mặt trận phía Tây sang phía Đông.
Mùa thu năm 1914 có hai trận chiến đấu xảy ra gần cùng một lúc, đó là trận chiến đấu giữa chủ lực quân Đức và quân đội Anh-Pháp trên sông Mácnơ gần Pari và trận chiến đấu giữa quân Nga và quân Đức do tướng Hinđenbua chỉ huy ở bờ hồ Maduyri thuộc Đông Phổ.
Trận kịch chiến trên sông Mácnơ, có 150 vạn quân tham gia. Quân Đức đã thất bại vì một bộ phận chủ lực phải điều sang phía đông. Pari được cứu thoát. Cuộc giao chiến dừng lại ở miền Bắc nước Pháp, và từ đó cho đến khi chiến tranh kết thúc, trong suốt mấy năm liền mặt trận vẫn ổn định. Hai bên đều nấp trong chiến hào, xây những công sự phòng ngự kiên cố. Trong trận ở bờ hồ Maduyri, quân Nga đã tràn vào Đông Phổ trong lúc chưa chuẩn bị một cách đầy đủ, nên bị thất bại và sau đó phải rút khỏi Đông Phổ.
Nhưng chiến tranh ngay từ đầu đã có lợi cho Nga. Quân đội Áo-Hung bị đánh tan, quân Nga chiếm được một phần tây Ucraina và vùng Bucôvina. Người Tiệp Khắc và những người Xlavơ trong quân đội ÁoHung không muốn đánh nhau cho Áo-Hung nên đã ra hàng hàng loạt. Tháng 10-1914, Thổ tham gia chiến đấu bên phe Đức, nhưng chỉ 2 tháng sau, quân Nga đã liên tiếp chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ trên mặt trận Nam Capcadơ.
Xem thêm : Tổng đài Agoda tại Việt Nam – Cách liên hệ Agoda tổng đài
Tình hình chung trong mấy tháng đầu của chiến tranh làm cho kế hoạch Sơliphen, “kế hoạch chiến thắng chớp nhoáng” của Đức bị phá sản, làm đảo lộn kế hoạch của Bộ tổng tham mưu Đức vạch ra cho một cuộc chiến tranh ngắn hạn. Chiến tranh trở thành lâu dài. Đức bị động buộc phải chiến đấu ở cả hai mặt trận cùng một lúc. Các nước đồng minh của Đức tỏ ra yếu đuối. Nhưng các nước Hiệp ước cũng không thể gây được một chuyển biến có lợi cho mình. Cả hai bên đều ở thế cầm cự.
2. Quá trình diễn biến của chiến tranh trong những năm 1915-1916
Chiến tranh bắt đầu ở châu Âu, lan tràn ra khắp thế giới. Tháng 51915, Ý gia nhập phe các nước Hiệp ước và tháng 10, Bungari gia nhập phe Đức; còn Nhật Bản mặc dầu trên thực tế chưa tham chiến, nhưng đã nhân cơ hội có lợi, cướp lấy thuộc địa của Đức ở Trung Quốc và Thái Bình Đương. Năm 1915, Nhật bắt Trung Quốc phải tiếp thu hiệp ước “21 điều khoản” như nhường tô giới, căn cứ cho Nhật, mời cố vấn Nhật v.v…, thực chất là ra điều kiện để nô dịch Trung Quốc. Ở châu Phi và những thuộc địa khác cũng đều xảy ra chiến tranh. Tại châu Phi, Anh và Pháp tiến hành cướp đoạt các thuộc địa của Đức. Chiến sự cũng diễn ra trên mặt biển và đại dương. Chiến tranh dần dần lan rộng, ngày càng lôi cuốn nhiều nước vào vòng chiến. Nó biến thành một cuộc chiến tranh có quy mô thế giới.
Ở mặt trận phía Tây châu Âu, trong 2 năm này không có một biến chuyển quan trọng nào lớn, tuy hai bên dồn sức và binh lực để cố đánh thắng đối phương. Hai bên đều sử dụng kỹ thuật mới trong chiến tranh. Đức đã dùng hơi ngạt còn Anh thì đưa xe tăng vừa mới phát minh ra chiến đấu. Máy bay và các kỹ thuật quân sự khác đều được nghiên cứu cải tiến nhanh chóng.
Mặt trận chính chuyển sang phía Đông. Đức dồn lực lượng sang phía Đông mong đè bẹp Nga vì Đức cho rằng nước Nga Sa hoàng là một khâu yếu trong hàng ngũ các nước Hiệp ước và sau khi đánh bại Nga, Đức sẽ rảnh tay đánh Pháp. Năm 1915, Đức và Áo dồn lực lượng đánh Nga và Xécbi. Mùa xuân 1915, Nga tiếp tục tấn công ở Tây Nam, đánh bại ÁoHung. Nhưng tháng 5-1915, quân Đức đem số quân đông gấp đôi quân Nga và số đại bác gấp 10 lần đại bác của Nga để chọc thủng chiến tuyến Nga. Nga thua lớn phải bỏ Galixia và Bucôvina. Tháng 7, Đức lại tấn công phía Bắc và Nga phải rút khỏi đất Phổ. Cuối cùng, hai bên lại bước vào thế cầm cự.
Cho đến giữa năm 1915, bên Anh, Pháp, Nga thêm Ý, nhưng Ý chẳng giúp được gì mấy. Đức, Áo-Hung và Thổ được thêm Bungari tham chiến là một thắng lợi quan trọng về ngoại giao và quân sự. Sau khi phá tan Xéc-bi, phe Liên minh cùng Bungari làm thành đường giao thông quan trọng từ Đức, Áo-Hung sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 1915, tuy phe Liên minh thắng lớn, song không đạt được kết quả hoàn toàn vì không đè bẹp nổi Nga, và Đức vẫn không dốc được toàn lực sang phía tây đánh Pháp như dự tính.
Sang năm 1916, mặt trận chính không cố định, khi ở phía Tây, khi chuyển sang Đông, hai bên đều tổn thất phần lớn binh lực. Đức muốn thoát khỏi cảnh khốn quẫn, liền mở cuộc tấn công dữ dội vào cứ điểm quan trọng Vécđoong của Pháp. Như vậy, Đức lại chuyển chủ lực từ Đông sang Tây. Trận Vécđoong diễn ra trong 7 tháng liền, số thương vong của cả hai bên lên tới 70 vạn. Trong lúc chiến sự xảy ra ở đây thì quân ÁoHung bắt đầu tấn công mặt trận Ý làm cho quân Ý hoang mang phải rút quân. Tháng 6-1916, quân Nga tấn công ở mặt trận Tây-Nam, đánh bại hoàn toàn quân đội Áo-Hung, tiêu diệt chủ lực quân của Áo-Hung. Rumani trước đây vẫn bàng quan, nay cũng tuyên chiến với Đức, song quân Rumani không giúp được gì mấy cho phe Hiệp ước. Còn quân Nga tuy đã giành được thắng lợi quan trọng bước đầu, nhưng vì thiếu đạn đại bác nên không tiến được xa sang phía tây và cuộc tấn công bị ngừng lại. Trong tình hình nghiêm trọng đó, Đức buộc phải điều quân đi khắp nơi để cầm cự. Bộ tham mưu Đức liền ngừng cuộc tấn công ở Vécđoong và hạ lệnh rút một số pháo đài ở Vécđoong mà quân Đức đã chiếm được. Trong lúc đó, bộ chỉ huy Áo-Hung cũng không cho quân tiến sang Ý nữa.
Năm 1915-1916, chiến tranh cũng diễn ra trên mặt biển. Hạm đội Anh phong tỏa nước Đức. Trong 2 ngày 31-5 và 1-6-1916 hạm đội Anh và hạm đội Đức đánh nhau quy mô lớn ở gần bờ biển Giutlan và sau này tàu chiến Đức không dám ra khỏi hải cảng của mình.
Kết quả là đến cuối năm 1916, Đức bị thiệt hại lớn, Áo cũng bị thiệt hại nặng ở vùng Galixia trước sức tấn công của quân Nga. Đức-Áo từ thế chủ động chuyển sang phòng ngự ở cả hai mặt trận Đông và Tây. Trong lúc đó, khả năng quốc phòng của Anh và Pháp càng được tăng cường. Trên mặt biển, Đức và Áo bị hải quân Anh phong tỏa. Phe Anh-Pháp định phản công một trận lớn – trận sông Xommơ – hòng đánh bại Đức, nhưng rút cục không đạt được mục đích, ở mặt trận phía Đông, Anh Pháp lôi kéo được Rumani, Hilạp và như vậy phe Hiệp ước đã thắng lợi về mặt ngoại giao, nhưng về mặt quân sự cũng không đạt được kết quả gì hơn.
Nhìn chung trong hai năm, phe Anh Pháp thì cố giành thế chủ động, còn phe Đức-Áo thì cố giữ. Cả hai bên đều không đạt được mục đích, nhưng ưu thế nghiêng dần về phe Hiệp ước.
3. Chiến tranh thế giới trong năm 1917
Mùa xuân năm 1917, phe Hiệp ước định mở một cuộc tấn công vào tất cả các mặt trận châu Âu để đánh bại Đức. Nga không tham gia vào kế hoạch đó vì ở trong nước bùng nổ cuộc cách mạng dân chủ tư sản Nga (tháng 2-1917). Anh cũng như Pháp dựa vào vũ khí mới, đánh vào mặt trận phía Tây, nhưng bị thất bại trong trận sông Enbơ tháng 4 và 5 năm 1917. Trước tình hình đó, Đức cố dồn lực lượng đánh vào điểm yếu của phe Hiệp ước để giành thế chủ động và củng cố bạn đồng minh Áo-Hung.
Chính phủ lâm thời Nga lúc bấy giờ do Kêrenxki đứng đầu cũng cho quân tấn công Đức ngày 1-7-1917 để làm giảm áp lực quân sự của Đức ở mặt trận phía Tây, nhưng quân Nga cũng bị thất bại liên tiếp. Cũng như Nga, dưới áp lực Anh-Pháp, quân Ý phải đánh nhau với
Áo tháng 10 năm 1917, nhưng Đức nhờ thắng được Nga nên đã đem quân giúp Áo đánh bại Ý.
Tháng 2 năm 1917, Đức tiến hành một cuộc chiến tranh tàu ngầm quyết liệt và đó là niềm hy vọng để Đức chiến thắng phe Hiệp ước. Lúc đó Đức tuyên bố rằng với chiến thuật này, Đức sẽ buộc Anh đầu hàng trong vòng 6 tháng. Chiến tranh tàu ngầm của Đức đã làm cho phe Hiệp ước nguy khốn vì bị phong tỏa, bị cắt đứt đường tiếp tế lương thực, nhất là đối với Anh và đồng thời cũng làm cho thương nghiệp Mỹ đình đốn.
Việc phát động chiến tranh tàu ngầm đã tạo cho chính phủ Mỹ cái cớ đang chờ đợi để cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức. Tháng 4-1917, Mỹ chính thức tuyên chiến với Đức với lý do chiến tranh tàu ngẩm của Đức là vô nhân đạo, đã tấn công vào các tàu buôn của Mỹ.
III – Phong trào công nhân trong những năm chiến tranh
1. Thái độ của các Đảng Xã hội dân chủ trong Quốc tế II đối với cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất
Các đại hội của Quốc tế II họp ở Stútga, Côpenhaghen và Balơ đã xét đến vấn đề thái độ của các đảng Xã hội dân chủ đối với cuộc chiến tranh thế giới sắp diễn ra. Trước sự đấu tranh của những lực lượng cách mạng trong Quốc tế II, trước hết là của Lênin và những người Bônsêvích Nga, các đại hội đó đã thông qua những nghị quyết cách mạng kêu gọi các Đảng Xã hội dân chủ và giai cấp công nhân các nước đấu tranh kiên quyết để ngăn ngừa bọn đế quốc gây chiến tranh.
Đối với cuộc chiến tranh đang bắt đầu xảy ra, tính chất của nó, đứng về cả hai phe tham chiến, đều là chiến tranh đế quốc phản lại sự tiến bộ của lịch sử. Nhưng trong các Đảng Xã hội dân chủ ở tất cả các nước đã bộc lộ quan điểm và đường lối cơ hội. Những thủ lĩnh xã hội dân chủ bó tay trước cuộc chiến tranh, cho đó là điều tất yếu khách quan của chủ nghĩa tư bản, không có cách gì ngăn được. Họ tán thành khẩu hiệu “bảo vệ Tổ quốc”, ủng hộ chính sách chiến tranh của chính phủ tư sản phản động, không dám phát động công nhân đấu tranh. Trái lại, họ thúc đẩy công nhân nước này đi bắn giết công nhân nước khác để “bảo vệ Tổ quốc” của bọn tư bản. Chủ trương sai lầm đó đã được chứng thực khi chiến tranh xảy ra. Ngày 4-8-1914, trong nghị viện Đức cũng như trong nghị viện Pháp, những nghị viên xã hội dân chủ đã bỏ phiếu tán thành ngân sách chiến tranh. Những đảng viên Đảng Xã hội Pháp và Bỉ đã tham gia các chính phủ tư sản phản động, củng cố khối liên minh với giai cấp tư sản. Ở Anh, các lãnh tụ Công đảng ủng hộ chính phủ không điều kiện, ở Nga, bọn Mensêvích tham gia các tổ chức do chính phủ Nga hoàng lập ra.
Sự phản bội của lãnh tụ các đảng Xã hội dân chủ và Quốc tế II là kết quả tất nhiên của chính sách dung túng chủ nghĩa cơ hội trong một thời gian dài trước chiến tranh. Cuộc chiến tranh thế giới đã vạch trần bản chất tư sản của chủ nghĩa cơ hội là những kẻ công khai bảo vệ chủ nghĩa tư bản, chống lại giai cấp công nhân.
2. Sự tan rã của Quốc tế II và cuộc đấu tranh của Lênin cho một tổ chức quốc tế mới
Do chính sách sô-vanh phản động mà khi chiến tranh bùng nổ, Quốc tế II bị tan rã, Lênin đã đấu tranh vạch mặt bọn chúng và chỉ ra rằng sự phá sản của Quốc tế II là hậu quả của sự phản bội không thể dung thứ được của số đông các Đảng Xã hội dân chủ đối với lý tưởng của mình, đối với những lời tuyên bố trịnh trọng ở các đại hội quốc tế Stútga và Balơ… Số đông các Đảng Xã hội dân chủ đã đứng sang phía chính phủ nước “mình”, ủng hộ giai cấp tư sản nước “mình” chống lại giai cấp vô sản.
Trong Quốc tế II lúc bấy giờ chỉ có Đảng Bônsêvích do Lênin đứng đầu là vạch ra một cương lĩnh mácxít cách mạng triệt để về vấn đề chiến tranh. Ngay từ những năm trước chiến tranh, Lênin và những người Bônsêvích đã tích cực hoạt động để tổ chức những lực lượng lẻ tẻ và chưa trưởng thành của cánh tả trong Quốc tế II, lôi kéo họ ra khỏi bọn cơ hội để tổ chức nhóm cánh tả rộng rãi. Trong thời gian đại hội Stútga (1907) cũng như đại hội Côpenhaghen (1910), Lênin đã triệu tập hội nghị những người cánh tả trong Quốc tế II. Nhưng hội nghị cánh tả cũng như lời kêu gọi của Đảng Bônsêvích chưa được hưởng ứng rộng rãi trong phong trào công nhân.
Cuộc hội nghị Dimécvan (Thụy Sĩ) họp từ 23 đến 26-8-1915 đã diễn ra cuộc đấu tranh gay go giữa những người cách mạng theo chủ nghĩa quốc tế và phái đa số Cauxki. vì “phái giữa” chiếm ưu thế, nên khi đó chưa thể thi hành một đường lối thực sự Bônsêvích. Trong hội nghị, Lênin đã tổ chức ra “nhóm Dimécvan” có 8 người và thông qua nhóm này, Lênin có thể đưa được nhiều nguyên lý của chủ nghĩa Mác cách mạng vào các nghị quyết của hội nghị.
Hội nghị Dimécvan lần thứ 2 họp ở Kintan (Thụy Sĩ) vào ngày 20-41916. Lúc này nhóm “Dimécvan tả” đã có 11 đại biểu.
Từ hội nghị Dimécvan lần thứ nhất, phong trào chống chiến tranh đã lên mạnh. Ở Đức thành lập nhóm “Spactacút” tháng 1-1916 gồm những người phái tả trong đảng Xã hội dân chủ Đức. Đó là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng vì rằng lúc bấy giờ, đảng Xã hội dân chủ Đức là một đảng lớn, nước Đức lại đóng vai trò chủ yếu trong chiến tranh. Cương lĩnh của nhóm đã nêu lên việc thành lập “Quốc tế công nhân mới”, song chưa vạch rõ những hành động cụ thể chống chiến tranh. Do tình hình quốc tế thay đổi, quần chúng lao động ngày càng biểu lộ thái độ tích cực chống chiến tranh, nên thái độ các đoàn đại biểu cũng có sự thay đổi.
3. Sách lược của Lênin và Đảng Bônsêvích Nga đối với chiến tranh và cách mạng
Xem thêm : Nhận thức là gì? [Triết học Mác Lênin]
Trong suốt thời gian chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Đảng Bônsêvích do Lênin lãnh đạo không bị dao động, vẫn trung thành với những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác cách mạng và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đảng Bônsêvích đã giương cao ngọn cờ đấu tranh kiên quyết chống chiến tranh đế quốc và chống chủ nghĩa xã hội sô-vanh.
Căn cứ vào những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề chiến tranh, Đảng Bônsêvích đã định ra sách lược của mình đối với cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đối với chính phủ Nga hoàng. Trung ương Đảng Xã hội dân chủ Nga đã ra một bản tuyên ngôn chống chiến tranh, trong đó nêu lên hai khẩu hiệu: “Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến” và “làm cho chính phủ mình thất bại trong chiến tranh đế quốc”.
Khẩu hiệu biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến có ý nghĩa là quần chúng lao động các nước đế quốc, trước hết là công nhân, nông dân mặc áo lính phải quay súng chống lại các chính phủ tư sản nước mình, làm cách mạng lật đổ các chính phủ nước mình, chứ không phải chống lại anh em mình ở các nước khác.
Khẩu hiệu làm cho chính phủ tư sản nước mình thất bại là biểu hiện chủ nghĩa quốc tế vô sản vì nó xuất phát từ lợi ích của cách mạng vô sản thế giới, đồng thời là biểu hiện của lòng yêu nước chân chính của những người Bônsêvích.
Đó là sách lược duy nhất đúng đắn lúc bấy giờ, vì nó căn cứ vào tính chất đế quốc của cuộc chiến tranh, xuất phát từ sự trung thành với lợi ích của giai cấp vô sản và tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Đảng Bônsêvích không chỉ kêu gọi chống chiến tranh, đình chỉ chiến tranh mà còn kêu gọi lợi dụng những khó khăn do chiến tranh gây ra để lật đổ Nga hoàng, kêu gọi giai cấp vô sản và quần chúng các nước cùng đứng lên đấu tranh cách mạng, kêu gọi binh sĩ quay súng chống Chính phủ đế quốc nước mình, đòi hòa bình chính nghĩa.
- Hoàn toàn không thỏa hiệp với giai cấp tư sản, cự tuyệt chính sách“hòa bình trong nước”.
- Thành lập những tổ chức bất hợp pháp hiện chưa có trong nhữngnước mà ở đó công tác của các tổ chức hợp pháp bị trở ngại.
- Ủng hộ sự thân thiện của binh lính ngoài mặt trận.
- Ủng hộ mọi hình thức đấu tranh cách mạng có tính chất quần chúngcủa giai cấp vô sản.
Các đảng tư sản và giai cấp tư sản buộc tội cho những người Bônsêvích chống khẩu hiệu “bảo vệ Tổ quốc” của giai cấp tư sản trong chiến tranh đế quốc chủ nghĩa là phản bội, là không có tinh thần yêu nước. Nhưng những người Bônsêvích không chống lại Tổ quốc nói chung mà chỉ chống lại Tổ quốc của địa chủ và tư sản.
Bàn về khả năng cách mạng ở nước Nga, Lênin vạch ra rằng không nên xem cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa xảy ra ở một nước nào đó trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa là một hiện tượng riêng lẻ, cô lập. Tất cả các nước đế quốc đều câu kết với nhau về mặt kinh tế và chính trị, thiết lập một hệ thống đế quốc chủ nghĩa thế giới thành một dây xích có những khâu gắn bó với nhau. Do tác động của quy luật phát triển không đều về kinh tế và chính trị nên cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa không thể tiến hành cùng một lúc trong toàn bộ hệ thống các nước đế quốc. Nó sẽ nổ ra ở khâu yếu nhất của dây chuyền đó, tức là ở một nước hay một số nước, ở đó những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản đạt tới điểm cực kỳ gay gắt, giai cấp thống trị tỏ ra bất lực trước phong trào cách mạng, còn lực lượng cách mạng thì rộng lớn và có tổ chức, có những điều kiện thuận lợi nhất để lật đổ chủ nghĩa tư bản. Khâu yếu nhất không nhất thiết phải ở một nước tư bản chủ nghĩa phát triển cao, mà có thể ở một nước tư bản kém phát triển. Thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trong một nước sẽ làm rung chuyển toàn bộ các khâu của hệ thống đế quốc chủ nghĩa và làm suy yếu hệ thống đó, đồng thời làm cho cuộc cách mạng mau chín muồi ở các nước tư bản khác.
Thất bại ở ngoài mặt trận, kinh tế bị phá sản ở hậu phương, hàng triệu người bị chết, sức sản xuất bị tàn phá ghê gớm. Những điều đó đã chứng tỏ chế độ Nga hoàng và giai cấp thống trị đã đưa nước Nga đến bờ thảm họa. Thủ tiêu chế độ chuyên chế, rút khỏi cuộc chiến tranh đế quốc đã trở thành một sự cần thiết khách quan. Nước Nga ở vào đêm trước của cuộc cách mạng sắp bùng nổ.
Những người Bônsêvích Nga đã dựa vào lý luận của Lênin về chiến tranh, hòa bình và cách mạng, tích cực lãnh đạo quần chúng thực hiện sách lược của Đảng trong thời kỳ chiến tranh, đẩy mạnh cách mạng.
Đầu năm 1917, các cuộc bãi công kinh tế đã chuyển thành bãi công chính trị, khởi nghĩa vũ trang nổi lên khắp nơi. Đảng Bônsêvích ra hiệu triệu đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lật đổ chế độ Nga hoàng, thành lập chính phủ lâm thời.
Do ảnh hưởng của những sự kiện cách mạng và hoạt động dũng cảm của những người Bônsêvích và công nhân, binh lính của chính phủ bắt đầu dao động. Sáng ngày 27-2 (theo lịch Nga) binh lính không chịu bắn vào công nhân biểu tình và nhảy sang hàng ngũ cách mạng. Thủ đô hoàn toàn vào tay nhân dân, cuộc khởi nghĩa lan rộng nhanh chóng. Chế độ chuyên chế Nga hoàng chấm dứt. Cuộc Cách mạng tháng Hai 1917 thắng lợi.
Cuộc cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai ở Nga không dừng lại ở đó, mà chỉ là bước đầu để tiến sang bước thứ hai là cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười.
Cuộc chiến tranh đã kéo dài ba năm làm cho cả hai bên tham chiến đều kiệt quệ và mệt mỏi. Năm 1917 Cách mạng tháng Mười Nga thành công. Giai cấp vô sản Nga lật đổ giai cấp tư sản, thành lập chính quyền Xôviết do Đảng Bônsêvích lãnh đạo. Lịch sử nước Nga bước sang trang mới. Nó có tác động trực tiếp đến diễn biến của chiến tranh và ảnh hưởng sâu rộng đối với lịch sử thế giới.
IV – Kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất
Nước Nga tuyên bố rút ra khỏi chiến tranh. Ngày 8 tháng 11 năm 1917, Lênin đọc sắc lệnh hòa bình, kêu gọi các chính phủ tham chiến mở ngay cuộc thương lượng tiến tới ký kết một hòa ước dân chủ và công bằng, không cắt đất và không bồi thường chiến phí. Nhưng phe Hiệp ước đã từ chối vì cho rằng chính quyền Xôviết không thể đứng vững được. Đức thì lại đồng ý, nhằm tìm cách chiếm đất và tiêu diệt chính quyền Xôviết trẻ tuổi. Đại biểu hai bên Nga Xôviết và Đức họp ở Brét Litôpxcơ tháng 12 năm 1917. Đức ra điều kiện thôn tính đất đai, đòi Nga nhượng cho Đức vùng Ba Lan, Lítva, một phần Bêlôrútxia và Vôlini. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của tình hình cách mạng mới thành công, Lênin quyết định tiếp nhận những điều khoản nghiệt ngã đó. Ngày 3-3-1918 Nga phải ký hòa ước Brét Litôpxcơ. Nước Nga cách mạng muốn có thời gian để tổ chức hậu phương, tăng cường Hồng quân, đập tan bọn phản cách mạng, củng cố Nhà nước Xôviết, chuẩn bị điều kiện đầy đủ để đuổi quân Đức ra khỏi nước Nga.
Năm 1918, Đức thấy ký kết với Nga sẽ nhẹ được một mặt trận phía Đông để dồn binh lực đánh thắng Anh, Pháp ở mặt trận phía Tây trước khi Mỹ mang lực lượng sang tham chiến. Sau đó, Đức sẽ điều quân sang phía Đông để bóp chết nước Nga Xôviết.
Tháng 3-1918, Đức bắt đầu mở cuộc tấn công vào mặt trận phía Tây và từ tháng 3 đến tháng 7 thu được một số thắng lợi quan trọng về chiến thuật. Tháng 6, Đức vượt sông Mácnơ, nhưng không đạt được mục đích vì quân đội Anh, Pháp không bị tiêu diệt trước khi quân đội Mỹ đến. Ngày 15 tháng 7, Đức lại mở cuộc tấn công cuối cùng ở phía Tây, nhưng thất bại.
Ngày 18-7, quân Hiệp ước bắt đầu phản công và đánh lui quân Đức. Trước đó, quân Hiệp ước tổ chức bộ chỉ huy thống nhất do thống chế Phốc chỉ huy. Phe Hiệp ước lại được Mỹ tiếp viện, nên đã đánh bại quân Đức. Chỉ trong ngày đó thôi, 16 tiểu đoàn Đức bị đánh bại, Luđenđophơ cho đó là ngày đen tối nhất trong lịch sử quân đội Đức. Quân đội Đức đã kiệt sức lại bị tan rã về tinh thần, không đủ khả năng phòng thủ. Trong nước Đức, cách mạng bùng nổ. Ngày 3-11-1918 cuộc khởi nghĩa nổ ra trên chiến hạm ở Kien, thành lập Xôviết. Ngày 9 tháng 11, cách mạng thắng lợi ở Béclin, thành lập nền cộng hòa tư sản.
Theo sau sự thất bại của Đức, các nước đồng minh bị thua nặng phải lần lượt đầu hàng. Ngày 29-9-1918 Bungari đầu hàng. Ngày 30-10 Thổ Nhĩ Kỳ đầu hàng và ngày 2-11 Áo-Hung cũng đầu hàng.
Ngày 1-11-1918, Đức ký hiệp ước đình chiến với phe Hiệp ước ở rừng Compienhơ gần Pari. Chính phủ Xôviết tuyên bố hủy bỏ hòa ước Brét Litôpxcơ, không trả tiền bồi thường chiến tranh và giải phóng một vùng đất đai rộng lớn.
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc bằng sự thất bại của chủ nghĩa đế quốc Đức. Cách mạng xã hội chủ nghĩa đã thắng lợi ở nước Nga, cao trào cách mạng vô sản phát triển, các dân tộc thuộc địa thức tỉnh.
Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra là do những mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc, do sự phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản, do sự tranh chấp của bọn tư bản lũng đoạn để phân chia thế giới và thực hiện âm mưu đàn áp phong trào cách mạng.
Chiến tranh là một thử thách nghiêm trọng đối với tất cả các đảng Xã hội dân chủ, đã vạch trẩn chủ nghĩa cơ hội đang thống trị hầu hết các đảng trong Quốc tế II. Chủ nghĩa cơ hội đã phát triển thành chủ nghĩa xã hội sô-vanh, công khai bênh vực chủ nghĩa đế quốc, phản bội chủ nghĩa xã hội, đưa Quốc tế II đến phá sản.
Đảng Bônsêvích Nga đo V.I.Lênin lãnh đạo đã đề ra sách lược đúng đắn trong thời kỳ chiến tranh. Trung thành với sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, Đảng đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước Nga tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai và cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười năm 1917.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức