Giao dịch ký quỹ (margin trading) là gì?

0

Khái niệm: Giao dịch ký quỹ (còn gọi là giao dịch bảo chứng, hay giao dịch trả chậm) là việc mua hoặc bán chứng khoán trong đó, nhà đầu tư chỉ có 1 phần tiền hoặc chứng khoán, phần còn lại do công ty chứng khoán cho vay.

Trong hình thức giao dịch này, CTCK không chỉ đóng vai trò là nhà môi giới mà còn là người cấp tín dụng. Các chứng khoán mua bằng giao dịch ký quỹ, tiền thu được từ giao dịch bán khống được coi là vật cầm cố, ký quỹ để

đảm bảo cho khoản vay. Rủi ro xảy ra đối với các CTCK triển khai dịch vụ này phát sinh khi chứng khoán cầm cố bị giảm giá, làm cho giá trị tài sản đảm bảo thấp hơn giá trị khoản vay. Vì vậy để đảm bảo cho thị trường ổn định và phát triển, luật pháp các nước thường có các quy định cụ thể về yêu cầu ký quỹ. Loại

hình giao dịch này thường phát triển khá mạnh ở các TTCK phát triển. Ở các thị trường mới nổi, giao dịch này thường bị hạn chế, thậm chí một số nước nghiêm cấm như Malaysia, Australia…

Muốn thực hiện giao dịch ký quỹ, nhà đầu tư phải mở tài khoản ký quỹ (margin account) tại một CTCK và họ phải ký một hợp đồng bảo chứng mà bản chất là hợp đồng tín dụng, trong đó xác định giới hạn cho vay, thời gian vay, lãi suất… Đặc điểm của tài khoản ký quỹ là cho phép nhà đầu tư được mua chứng khoán bằng tiền do CTCK cung cấp nhưng phải có đảm bảo tiền vay, cho phép bán khống nhưng phải nằm trong giới hạn quy định…

Có hai loại giao dịch ký quỹ: mua ký quỹ và bán khống.

1/ Mua ký quỹ (margin buying / margin purchase)

– Mua ký quỹ (còn gọi là mua với hình thức vay số dư) là việc mua chứng khoán trong đó, nhà đầu tư chỉ có 1 phần tiền, phần còn lại do công ty chứng khoán cho vay.

– Bằng cách giao dịch ký quỹ, những người đầu tư có thể gia tăng lợi nhuận đầu tư do giao dịch này có tác dụng đòn bẩy tài chính rất mạnh đối với nhà đầu tư, đồng thời giao dịch ký quỹ sẽ có thể mang lại những tác động tích cực như ổn định giá chứng khoán, tăng cường tính thanh khoản của thị trường. Tuy nhiên, giao dịch ký quỹ cũng có thể gây thiệt hại cho nhà đầu tư và gây tổn hại đến hoạt động của thị trường khi giá chứng khoán sụt giảm. Bởi vì, khi giá chứng khoán giảm, nhà đầu tư sẽ bị thua lỗ. Mặt khác, việc bán chứng khoán trong thời kỳ giảm giá cũng rất khó khăn càng làm gia tăng thời hạn vay và tiền lãi phải trả. Xét về phía các tổ chức cho vay, khi không thu hồi được nợ, họ phải bán chứng khoán cầm cố của nhà đầu tư làm cho cung chứng khoán càng gia tăng, dẫn đến giá chứng khoán lại càng giảm sút…

– Xuất phát từ những đặc điểm nêu trên, nhà đầu tư thường tiến hành mua ký quỹ khi kỳ vọng giá chứng khoán sẽ tăng lên.

– Muốn thực hiện giao dịch mua ký quỹ, nhà đầu tư phải mở 1 tài khoản ký quỹ và ký quỹ theo tỉ lệ ký quỹ do SGDCK quy định. Trong quá trình thực hiện giao dịch, tỉ lệ ký quỹ có thể thay đổi để bảo đảm an toàn cho khoản tiền nhà môi giới đã cho vay.

Ví dụ: Tỉ lệ ký quỹ quy định tại SGDCK XYZ là 55% giá trị giao dịch chứng khoán. Nhà đầu tư A muốn mua 100 CP, giá 100 USD/CP thì nhà đầu tư chỉ phải nộp số tiền là 5.500 USD cho 55 CP và sử dụng số CP này làm tài sản thế chấp cho khoản vay để trả cho 45 CP còn lại. Kết quả của giao dịch mua ký quỹ này sẽ xảy ra theo các tình huống sau:

– Trường hợp giá cổ phiếu tăng

Nếu giá cổ phiếu tăng gấp đôi từ 100 USD lên 200 USD thì tổng tiền lời (chưa trừ lãi vay và phí giao dịch trả cho nhà môi giới) sẽ là: 100 USD/CP × 100 CP = 10.000 USD. So sánh với tổng vốn đầu tư thì tỉ lệ lãi là 100%, còn nếu so với số tiền thực tế bỏ ra 5.500 USD thì tỉ lệ lãi ông A nhận được là 181,8%. Như vậy, nhờ việc sử dụng đòn bẩy tài chính mà tỉ lệ lợi nhuận ông A nhận được đã tăng lên 81,8%.

– Trường hợp giá cổ phiếu giảm

Nếu giá CP giảm từ 100 USD xuống còn 50 USD, điều này có nghĩa là tổng thị giá cổ phiếu đã giảm từ 10.000 USD xuống còn 5000 USD. Như vậy nhà đầu tư đã lỗ 5000 USD. Nếu cổ phiếu không được mua bằng hình thức vay số dư, nghĩa là nếu chỉ mua 55 cổ phiếu bằng tiền của chính mình, thì khoản lỗ sẽ là 50 USD/CP × 55CP = 2750 USD (tương ứng với tỉ lệ 50%). Bằng việc mua với hình thức vay số dư nhà đầu tư gần như chịu lỗ gấp đôi: 91% (5.000 / 5.500). Trong trường hợp này đòn bẩy tài chính đã có tác dụng ngược, làm cho mức thua lỗ từ 50% tăng lên 91% (chưa kể lãi vay và phí môi giới).

Nếu cổ phiếu mua bằng hình thức vay số dư bị giảm giá đáng kể thì nhà đầu tư sẽ nhận được yêu cầu đóng thêm tiền ký quỹ để đảm bảo yêu cầu ký quỹ tối thiểu so với số tiền đã cho vay. Nếu nhà đầu tư không thực hiện yêu cầu trong vòng thời gian quy định, nhà môi giới cho vay sẽ thanh lý số cổ phiếu của nhà đầu tư để thu hồi vốn.

2/ Bán khống (short selling)

Bán khống là việc bán chứng khoán không do người bán sở hữu. Người kinh doanh mượn chứng khoán để thực hiện việc bán ngay và sẽ mua để trả trong tương lai. Ngoài việc mua cổ phiếu đã vay để trả nợ, người bán khống còn phải trả cổ tức cho người cho vay cổ phiếu nếu trong thời gian vay công ty phát hành thanh toán cổ tức, hoặc thưởng cho cổ đông.

Người kinh doanh thực hiện việc bán khống khi nhận định giá chứng khoán sẽ hạ. Họ tin rằng trong một tương lai gần, một loại cổ phiếu nào đó sẽ hạ giá tới mức mà nếu bán ngay bấy giờ sẽ được một khoản lãi đáng kể. Khi vay cổ phiếu để bán, người vay phải trả cho người cho vay một khoản phí nhất định. Đồng thời để đảm bảo an toàn cho người cho vay, người vay thường phải ký quỹ một lượng tài sản (có thể bằng tiền, hoặc loại chứng khoán khác…) tương đương với giá trị cổ phiếu vay theo giá thị trường (thường là số tiền bán số cổ phiếu vay). Trong quá trình chưa trả nợ, nếu giá cổ phiếu đó tăng thì người bán khống (người vay) phải bổ sung thêm tiền ký quỹ, ngược lại nếu giá giảm thì họ được rút bớt ra.

Ví dụ: Cổ phiếu XYZ đang mua bán trên thị trường với giá 100 USD. Ông A dự đoán cổ phiếu này sẽ giảm giá trong vài ba tháng tới. Ông A nói với nhà môi giới bán khống 1000 CP XYZ. Nhà môi giới sẽ vay 1000 CP từ một khách hàng, hoặc từ một nhà môi giới khác. Số tiền thu được 100.000 USD từ việc bán khống được ghi có vào tài khoản của ông A. Giả sử tỉ lệ ký quỹ quy định là 50% trên số tiền bán khống. Điều này có nghĩa ông A phải có tiền hoặc chứng khoán khác trong tài khoản của mình có giá trị ít nhất bằng 50.000 USD để làm tài sản thế chấp cho việc bán khống. Giả sử ông A có 50.000 USD trái phiếu chính phủ. Tài khoản của ông A sau giao dịch bán khống sẽ là:

Giả sử dự đoán của ông A đúng, sau 3 tháng giá cổ phiếu XYZ giảm xuống còn 70 USD/CP. Ông A mua 1000 CP để trả lại cho nhà môi giới với tổng số tiền 70.000 USD. Số lợi nhuận ông A thu được (chưa trừ các khoản chi phí) là 30.000 USD. Ngược lại, nếu giá cổ phiếu XYZ tăng, nhà môi giới yêu cầu ông A phải đóng thêm tiền ký quỹ để đảm bảo đủ mức ký quỹ 50% theo giá thị trường hiện hành, hoặc bù trừ vị trí bán khống bằng cách mua cổ phiếu trả lại cho những người đã cho vay.

Bản chất của bán khống là kinh doanh theo xu hướng giảm giá của cổ phiếu. Người bán khống luôn mong muốn cổ phiếu giảm giá. Từ đó có thể nảy sinh hiện tượng, những người bán khống cùng nhau triệt hạ công ty và khi có nhiều người bán khống cùng một lúc một loại cổ phiếu thì giá cổ phiếu đó sẽ giảm, gây nên những ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thị trường, đặc biệt trong những thời kỳ thị trường đang giảm sâu. Mặt khác, khi thị trường tăng giá liên tục, bán khống có thể làm khuynh gia bại sản các nhà đầu tư, thực chất là nhà đầu cơ, dẫn đến hiệu ứng không tốt đối với môi trường đầu tư. Nếu nghiệp vụ bán khống không bị ràng buộc, nó sẽ là một công cụ nguy hiểm của những kẻ đầu cơ trục lợi trên sự thua lỗ của người khác. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, việc bán khống cũng có tác dụng góp phần ổn định thị trường vì có người bán lúc giá cổ phiếu trên thị trường đang lên cao (người bán khống dự đoán giá sẽ giảm) làm tăng cung, tạo điều kiện giảm giá cổ phiếu; ngược lại, lúc giá giảm sẽ có người mua vào làm tăng cầu, góp phần kéo giá cổ phiếu lên. Nói cách khác, bán khống có tác động làm thay đổi quan hệ cung cầu ở hiện tại và trong tương lai khi nhà đầu tư mua chứng khoán để trả nợ.

(Lytuong.net – Nguồn tham khảo: topica.edu.vn)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.