Bản chất con người trong triết học Mác – Lênin
Tìm hiểu Khái niệm và Bản chất con người trong triết học Mác – Lênin.
Trong lịch sử triết học trước Mác, các quan niệm về con người, cơ bản là những quan niệm duy tâm, tôn giáo hoặc siêu hình. Mặc dù, triết học duy vật trước Mác coi con người là một thực thể tự nhiên – thực thể xã hội. Song họ cũng không vượt qua tính chất siêu hình và thậm chí còn là duy tâm. Bởi vì họ đã quy đặc trưng bản chất con người theo khuynh hướng tuyệt đối hóa những thuộc tính tự nhiên hoặc thuộc tính xã hội, mà không thấy được vai trò của hoạt động thực tiễn xã hội.
Bạn đang xem: Bản chất con người trong triết học Mác – Lênin
Trong hệ thống thế giới quan tôn giáo coi con người như một thực thể nhị nguyên, là sự kết hợp tinh thần và thể xác. Trong đó linh hồn của con người tồn tại một cách vĩnh cửu và mang tính tuyệt đối. Tuy nhiên, một số trường phái triết học vẫn đạt được những thành tựu trong việc phân tích, quan sát con người, đề cao lý tính, xác lập các giá trị nhân bản học để hướng con người tới tự do. Đó cũng chính là những tiền đề có ý nghĩa cho việc hình thành tư tưởng về con người trong triết học Mácxít.
1. Con người là thực thể sinh học – xã hội
Tiếp thu một cách mang tính phê phán những quan điểm có tính hợp lý và khắc phục những thiếu sót hạn chế quan niệm về con người trong lịch sử triết học trước đó, triết học Mác khẳng định con người hiện thực là sự thống nhất giữa yếu tố sinh học và yếu tố xã hội. Bởi vì, con người không phải là cái gì đó đồng nhất tuyệt đối về chất, – đó là sự đồng nhất bao hàm trong mình sự khác biệt giữa hai yếu tố đối lập nhau: con người với tư cách là sản phẩm của giới tự nhiên, là sự phát triển tiếp tục của giới tự nhiên, mặt khác con người là một thực thể xã hội được tách ra như một lực lượng đối lập với giới tự nhiên, sự tác động qua lại giữa cái sinh học và cái xã hội tạo thành con người.
Thứ nhất, Con người là sản phẩm của lịch sử tự nhiên.
Đó là quá trình tạo thành phương diện sinh học và khả năng thoả mãn những nhu cầu sinh học như : ăn, mặc, ở; hoạt động và nhu cầu tái sản sinh con người. Như vậy, con người trước hết là một tồn tại sinh vật, con người tự nhiên là con người mang tất cả bản tính sinh học, tính loài. Yếu tố sinh học trong con người, trước hết là tổ chức cơ thể và mối quan hệ của nó với tự nhiên, là những thuộc tính, những đặc điểm sinh học, quá trình tâm sinh lý, các giai đoạn phát triển khác nhau thể hiện bản chất sinh học của cá nhân con người.
“Bản thân cái sự kiện là con người từ loài động vật mà ra, cũng đã quyết định việc con người không bao giờ hoàn toàn thoát ly khỏi những đặc tính vốn có của con vật”
Xem thêm : Vành đai tiểu hành tinh: Sự thật & Sự hình thành
Con người cũng như mọi động vật khác phải tìm kiếm thức ăn, nước uống, phải “đấu tranh sinh tồn” để ăn uổng, sinh đẻ con cái, tồn tại và phát triển. Nhưng không được tuyệt đối hóa điều đó. Không phải đặc tính sinh học, bản năng sinh học, sự sinh tồn thể xác là cái duy nhất tạo nên bản chất của con người, mà con người còn là một thực thể xã hội. Khi xem xét con người, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, không thể tách rời hai phương diện sinh học và xã hội của con người thành những phương diện biệt lập, duy nhất, quyết định phương diện kia.
Thứ hai, Con người còn là sản phẩm của lịch sử xã hội và chính lao động là nhân tố giữ vai trò quyết định cho quá trình hình thành con người, khẳng định con người có tính xã hội. Trong lịch sử triết học trước Mác đã có nhiều quan niệm khác nhau phân biệt con người với thế giới loài vật, như con người là động vật biết sử dụng công cụ lao động, hoặc con người có tư duy, v.v… Nhưng, nhưng quan niệm đó cũng chỉ nhấn mạnh một khía cạnh nào đó trong bản chất xã hội của con người.
Thông qua hoạt động sản xuất vật chất, con người đã làm thay đổi, cải biến toàn bộ giới tự nhiên: “con vật chỉ tái sản xuất ra bản thân nó, còn con người thì tái sản xuất ra toàn bộ giới tự nhiên”. Tính xã hội của con người biểu hiện trong hoạt động sản xuất vật chất, con người sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần để phục vụ đời sống của mình, hình thành phát triển ngôn ngữ và tư duy, xác lập các quan hệ xã hội.
Thứ ba, mối quan hệ giữa mặt sinh học và mặt xã hội, không chỉ khẳng định nguồn gốc, bản chất sinh vật và xã hội của con người; mà còn khẳng định vai trò quyết định của hệ thống các quy luật khách quan đối với quá trình hình thành và phát triển của con người. Đó là hệ thống các quy luật tự nhiên như là quy luật môi trường, quy luật trao đổi chất, về di truyền, biến dị, tiến hóa, v.v… quy định phương diện sinh học của con người. Hệ thống các quy luật tâm lý, ý thức hình thành vận động trên nền tảng sinh học của con người như hình thành tình cảm, khát vọng, niềm tin, ý chí, v.v… hệ thống các quy luật xã hội quy định các quan hệ xã hội giữa người với người.
Ba hệ thống quy luật trên cùng tác động, tạo nên thể thống nhất hoàn chỉnh trong đời sống con người bao gồm mặt sinh vật và mặt xã hội. Bởi vì, con người chỉ có thể tồn tại khi thỏa mãn những nhu cầu sinh học, nhưng không phải bất cứ một sản phẩm vật chất nào cũng có sẵn trong tự nhiên mà chủ yếu đều do quá trình sáng tạo của con người thông qua lao động. Xã hội không phải là một thực thể tồn tại độc lập bên ngoài mặt sinh học, cũng không có cái xã hội và cái sinh học thuần túy tồn tại độc lập với nhau, chúng có quan hệ biện chứng tác động qua lại lẫn nhau trong các quan hệ xã hội. Bởi xã hội là phương thức cho con người thoả mãn tốt hơn những nhu cầu sinh học ngày càng có tính hợp lý và văn minh hơn. Chính vì vậy, con người ngày càng quan tâm đến quá trình cải tạo hiện thực khách quan, cũng như chính lợi ích của cá nhân, tập thể, giai cấp hay của toàn bộ xã hội, không phải do ý thức chủ quan của con người mà do chính điều kiện khách quan và các quy luật khách quan quy định.
Trong tính hiện thực của nó, bản chất của con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội.
Con người khác với thế giới loài vật về bản chất 3 phương diện: Quan hệ với thiên nhiên, quan hệ với xã hội, quan hệ với bản thân. Sự khác biệt ấy thể hiện con người là một thực thể thống nhất giữa mặt sinh học và mặt xã hội hoặc bản chất của con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội. Bởi vì, cả ba mối quan hệ ấy, suy đến cùng đều mang tính xã hội giữa người và người là quan hệ bản chất, bao trùm tất cả các mối quan hệ khác của con người.
Xem thêm : Tổng đài 5566 là gì? Có phải lừa đảo không?
Để nhấn mạnh bản chất xã hội của con người, Mác đã nêu lên luận đề nổi tiếng Luận cương về Phoiơbách: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”.
Luận đề trên khẳng định rằng, không có con người trừu tượng, thoát ly khỏi điều kiện, hoàn cảnh lịch sử xã hội. Con người là cụ thể, sống trong một điều kiện lịch sử cụ thể nhất định. Trong điều kiện lịch sử, cụ thể đó bằng hoạt động thực tiễn, con người sản xuất ra những giá trị vật chất và tinh thần để tồn tại, phát triển về thể lực và trí lực. Chỉ trong toàn bộ các mối quan hệ xã hội như gia đình, giai cấp, dân tộc, v.v… con người mới bộc lộ bản chất xã hội của mình.
Điều lưu ý là luận đề trên khẳng định bản chất xã hội, không có nghĩa phủ nhận mặt tự nhiên trong cuộc sống con người; trái lại, điều đó muốn nhấn mạnh sự phân biệt giữa con người và thế giới động vật ở bản chất xã hội và đó cũng là để khắc phục sự thiếu sót của các nhà triết học trước Mác về bản chất xã hội của con người. Mặt khác, cái bản chất với ý nghĩa là cái phổ biến, cái mang tính quy luật chứ không phải là cái duy nhất; do đó cần phải thấy được các biểu hiện riêng biệt, phong phú và đa dạng của mỗi cá nhân trong cộng đồng xã hội
Con người là chủ thể và là sản phẩm của lịch sử.
Con người là sản phẩm phát triển của tự nhiên và lịch sử phát triển của xã hội. Song, điều quan trọng hơn cả là con người luôn luôn là chủ thể của lịch sử xã hội. Với tính cách chủ thể của lịch sử, thông qua hoạt động thực tiễn, con người biến đổi giới tự nhiên, biến đổi xã hội và bản thân mình.
Trong quá trình cải biến giới tự nhiên, con người cũng làm ra lịch sử của mình. Con người là sản phẩm của lịch sử, đồng thời là chủ thể sáng tạo ra lịch sử. Hoạt động sản xuất vật chất vừa là điều kiện cho sự tồn tại của con người, vừa là phương thức dẫn đến sự biến đổi xã hội. Đó là quá trình con người nhận thức và vận dụng các quy luật khách quan để khẳng lịch sử vận động phát triển của xã hội là lịch sử của phát triển của các phương thức sản xuất vật chất khác nhau, v.v…
Không có con người trừu tượng, con người là cụ thể trong mỗi giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử và bản chất của con người trong tính hiện thực của nó là tổng hòa những mối quan hệ xã hội. Bản chất con người không phải là một hệ thống đóng kín, mà là hệ thống mở tương ứng với điều kiện lịch sử của con người. Cho nên, có thể nói rằng, sự vận động và phát triển của lịch sử sẽ quy định tương ứng với sự vận động và phát triển của bản chất con người thông qua những mối quan hệ xã hội trong lịch sử.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức