Ý thức tôn giáo là gì?

0

Ý thức tôn giáo?

Tôn giáo là một hình thái của ý thức xã hội, phản ánh thế giới hiện thực một các hoang đường, hư ảo và thần thánh hóa. Tôn giáo xuất hiện rất sớm, lúc đầu nó gắn liền với đạo đức và nghệ thuật, thần thọai và các truyền thuyết, v.v… Ăngghen đã nêu ra một định nghĩa kinh điển về tôn giáo: “ Bất cứ tôn giáo nào cũng đều là sự phản ánh hư ảo vào đầu óc người ta sức mạnh ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh mà trong đó những sức mạnh ở thế gian đã mang hình thức sức mạnh siêu thế gian”.

Sự xuất hiện tôn giáo có nguồn gốc xã hội và nguồn gốc nhận thức. Nguồn gốc xã hội do sự bất lực của con người trước những lực lượng xã hội gây ra nhiều tai họa cho con người làm nảy sinh ra tín ngưỡng tôn giáo với những ước mơ, khát vọng vào cuộc sống sau khi đã chết. Nguồn gốc về mặt nhận thức, do tuyệt đối hóa vai trò của ý thức, tách ý thức ra khỏi con người, mặt khác còn do sự bất lực của con người trước các hiện tượng tự nhiên dẫn đến thần thánh hóa các hiện tượng tự nhiên, hình thành biểu tượng và tình cảm tôn giáo v.v…

Là một hình thái ý thức xã hội, tôn giáo cũng bao gồm có tâm lý tôn giáo và tư tưởng tôn giáo. Tâm lý tôn giáo là những tình cảm, niềm tin, tập quán và biểu tượng tín ngưỡng tôn giáo, v.v… Tư tưởng tôn giáo là những quan điểm tôn giáo phát triển thành những giáo lý tôn giáo trở thành thế giới quan tôn giáo được thể hiện theo quan điểm của những giai cấp khác nhau (trong xã hội có giai cấp). Sự tồn tại và phát triển của tôn giáo tương ứng với những nhu cầu tinh thần của con người. Tuy nhiên, tính khách quan của bản thân nhu cầu đó không có nghĩa là tính chân lý của những phương tiện tôn giáo nhờ đó mà nhu cầu được thỏa mãn.

Bản chất của ý thức tôn giáo là sự phân đôi thế giới một cách ảo tưởng, tức là thừa nhận rằng, bên cạnh tồn tại tự nhiên và xã hội có thực còn có một thế giới thứ hai, trong đó, mọi mặt mâu thuẫn, mọi bế tắc trần gian làm cho tinh thần con người lo âu, đau khổ đều được giải quyết một cách lý tưởng, tốt đẹp. Nhưng không nên hiểu lòng tin tôn giáo một cách đơn giản là “sự dốt nát”, mà thể hiện ở tình cảm tôn giáo về những “khách thể” thuần túy siêu nhiên như: Thượng đế, thần linh, v.v… Những biểu tượng tôn giáo này là một “ý niệm” gắn liền trước hết với lĩnh vực đạo đức, với ý nghĩa cuộc sống của con người. Theo ý thức tôn giáo, bất kể mọi sự không hoàn thiện của cuộc sống trần gian, thì Thượng đế bảo đảm cho sự tất thắng, là sự trong sáng trong sự tương phản muôn đời giữa thiện và ác, công bằng và bất công, đạo đức và sự ngang trái, v.v… Người tin vào Thượng đế sẽ sống một cách “thánh thiện” hơn, v.v…

Niềm tin của bất kỳ tôn giáo nào cũng là sự phản ánh hoang đường về hiện thực và về cơ bản là đối lập với khoa học. Cho nên, tôn giáo ảnh hưởng rất lớn đến đối với đời sống xã hội. Sự ảnh hưởng đó là sự phủ nhận khả năng nhận thức và vai trò của con người đối với hiện thực khách quan. Làm cho con người sống theo những “mặc cảm”, an phận thủ tiêu đấu tranh xã hội và nó bị lạm dụng bởi lợi ích của các thế lực phản động và của các giai cấp bóc lột trong lịch sử. Tuy nhiên, mặt khác tôn giáo cũng có khả năng “định hướng” cho cái thiện và làm việc thiện của con người trong một chừng mực nhất định nào đó khi nó quan hệ với đạo đức, quan hệ giữa cái thiện và cái ác dù là ở trong tư tưởng của tôn giáo.

Đấu tranh khắc phục sự ảnh hưởng (mặt tiêu cực) của tôn giáo là một đòi hỏi khách quan của sự phát triển xã hội. Nhưng điều trước hết là xóa bỏ nguồn gốc sinh ra tôn giáo. Về vấn đề này Mác đã từng nói: “sự giải quyết thực sự mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên, giữa con người và con người, sự giải quyết thực sự cuộc tranh chấp hiện sinh và bản chất, giữa sự đối lập hóa và sự tự khẳng định, giữa tự do và tất yếu giữa cá nhân và tộc loại”. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Nâng cao trình độ nhận thức khoa học tuyên truyền giáo dục tư tưởng vô thần khoa học cho mọi người. Chống lại sự lạm dụng tôn giáo của các thế lực phản động, đoàn kết các tôn giáo vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.