Cuộc khởi nghĩa của Đippônêgôrô và cuộc chiến đấu của nhân dân Achê
Cuộc khởi nghĩa của Đippônêgôrô và cuộc chiến đấu dũng cảm của nhân dân Achê.
1. Cuộc khởi nghĩa của Đippônêgôrô (1825-1830)
Ngày 20-7-1825, do việc phản đối hành động của thực dân Hà Lan về việc phế lập các Suntan và sự can thiệp của chúng vào quyền thế tập kinh tế của các lãnh chúa, Đippônêgôrô bị quân Hà Lan tấn công, lâu đài của ông bị đốt cháy và cướp phá. Đippônêgôrô liền hiệu triệu các lãnh chúa theo ông chống lại quân Hà Lan. Là con của Suntan Giôgiacácta, tín đồ của đạo Ítxlam, ông rất có uy tín trong các lãnh chúa nên khi phát ra lời kêu gọi thì lập tức có đến 70 lãnh chúa và hàng vạn quần chúng nhân dân từ khắp nơi trên đảo Giava và các đảo khác kéo về theo ông tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa. Giôgiacácta bị chiếm, quân của Đippônêgôrô đóng ở Sêlarông cách Giôgiacácta 7 pan. Bọn Hà Lan thấy lực lượng khởi nghĩa khá mạnh vội điều quân ở Sêmarang về tiếp viện, nhưng giữa đường bị nghĩa quân chặn đánh tiêu diệt sạch. Sau đó quân khởi nghĩa liên tiếp thu được nhiều thắng lợi khác. Những thắng lợi ban đầu đã cổ vũ phong trào đấu tranh. Thực dân Hà Lan cuống cuống huy động hầu hết quân đội ở Giava trấn áp quân khởi nghĩa.
Bạn đang xem: Cuộc khởi nghĩa của Đippônêgôrô và cuộc chiến đấu của nhân dân Achê
Thực dân Hà Lan một mặt dùng thủ đoạn mua chuộc các lãnh chúa phong kiến, hứa hẹn trả lại những quyền hạn trước kia của họ, một mặt dùng vũ khí tấn công uy hiếp. Quả nhiên, nhiều lãnh chúa sau khi được thực dân Hà Lan hứa sẽ trả lại quyền lợi thì lập tức rời bỏ cuộc chiến đấu, phản bội phong trào.
Xem thêm : Nguồn gốc và bản chất của nhà nước
Tuy vậy, người anh hùng dân tộc Inđônêxia Đippônêgôrô vẫn kiên trì chiến đấu, quyết không đầu hàng. Không thể dùng vũ lực kết thúc chiến tranh, thực dân Hà Lan dùng con bài lừa đảo thương lượng. Chúng lật lọng bắt Đippônêgôrô trong khi đàm phán ở Magilang. Ngày 3-5-1830, ông bị đày đi Mênađô. Các lãnh chúa theo ông, một số bị bắt, một số đầu hàng. Phong trào đấu tranh xuống dần.
Đây là cuộc khởi nghĩa lớn kéo dài trong 5 năm, đã thu hút được đông đảo quần chúng tham gia. Nó phản ánh sự quật khởi của nhân dân Inđônêxia dưới sự lãnh đạo của vị anh hùng dân tộc Đippônêgôrô. Theo thống kê của Hà Lan thì 8.000 quân Hà Lan bị chết và quân lính người bản xứ chết 7.000.
Cuộc khởi nghĩa tuy bị thất bại, nhưng mãi mãi để lại cho nhân dân Inđônêxia những bài học quý báu. Đippônêgôrô – người lãnh đạo đến cùng cuộc khởi nghĩa, đã sống chết như một người anh hùng được nhân dân Inđônêxia yêu kính tôn sùng.
2. Cuộc chiến đấu dũng cảm của nhân dân Achê
Xem thêm : Phương pháp sử dụng bảng câu hỏi – trả lời bằng viết
Sau khi kênh Xuyê được đào xong (1869), eo biển Malắcca trở thành một vị trí vô cùng quan trọng trên đường sang Viễn Đông. Hà Lan thèm muốn khống chế eo biển này. Nhưng sự tồn tại của vương quốc Achê là một trở ngại lớn cho việc Hà Lan làm chủ vùng này.
Tháng 4-1873, thực dân Hà Lan phái 3000 quân do tướng Kôlơ chỉ huy đổ bộ lên Achê. Cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân Achê đã chặn từng bước tiến của giặc. Nhân dân Achê kết hợp trí thông minh, tài bắn súng, bắn cung tên và lòng dũng cảm tuyệt vời, đã chiến đấu kiên cường bảo vệ vương quốc của họ. 17 ngày đổ bộ lên đất Achê, quân Hà Lan chỉ tiến được vài cây số và bị thiệt hại hơn 1000 tên. Nhưng vì quyền lợi thôi thúc, Hà Lan điên cuồng phái hàng ngàn quân trở lại đánh Achê. Tháng 10-1873 đội quân này đổ bộ lên Achê, nhưng sau vài trận đầu, nhân dân Achê đã khéo léo tránh sự đụng độ không cân sức và tiến hành cuộc chiến tranh du kích linh hoạt tài trí của mình. Ngày 26-12, Hà Lan tập trung quân tiến đánh hoàng cung, nhưng chỉ chiếm được một cung điện trống rỗng. Quân đội của vương quốc đã cùng nhân dân phân tán vào rừng tiến hành cuộc chiến đấu sống mái với quân thù. Hà Lan thấy không thể chinh phục được vùng này đành phải chuyển sang chính sách đồn trú. Tính đến năm 1884 thực dân Hà Lan đã phải tốn phí 150 triệu gun-đơ và hàng ngàn quân bị chết vì cuộc chiến tranh này mà không chinh phục được Achê.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức