Rủi ro của cổ phiếu

0

Rủi ro của một công cụ tài chính nói chung, và điển hình là cổ phiếu, được hiểu là tính chất không chắc chắn trong nguồn lợi tức mà nó mang lại cho người nắm giữ.

Những lực lượng góp phần tạo nên những thay đổi trong lợi tức – giá hoặc cổ tức (lãi) – cấu thành các yếu tố của rủi ro. Một số trong số những yếu tố ảnh hưởng này là từ bên ngoài công ty, không thể kiểm soát và tác động tới một số lớn chứng khoán. Một số ảnh hưởng khác là từ bên trong, có thể kiểm soát ở một  mức độ lớn. Trong đầu tư, loại yếu tố thứ nhất được gọi là nguồn rủi ro hệ thống. Trái lại, loại yếu tố thứ hai, những yếu tố nội tại, kiểm soát được, và phần nào chỉ riêng có đối với các ngành hay công ty, được gọi là nguồn rủi ro không hệ thống.

Rủi ro hệ thống là phần trong biến động tổng thể của lợi nhuận gây ra bởi những yếu tố tác động tới giá cả của tất cả các chứng khoán. Những biến đổi về kinh tế, chính trị và xã hội là những nguồn rủi ro hệ  thống. Hiệu ứng của chúng là làm cho giá của hầu hết các cổ phiếu thường riêng lẻ và hầu hết các trái phiếu riêng lẻ cùng chuyển động theo một hướng. Nói cách khác, khoảng một nửa trong tổng số rủi ro của một cơ phiếu thường trung bình là rủi ro hệ thống.

Rủi ro không hệ thống là phần của tổng rủi ro chỉ xảy ra với riêng một hãng hay một ngành. Các yếu tố như năng lực quản lý, những ưu tiên tiêu dùng, các cuộc bãi công gây ra những biến động hệ thống của lợi nhuận trong một công ty. Các yếu tố không hệ thống về cơ bản là độc lập với những yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán nói chung. Vì những yếu tố này tác động đến một công ty, nên chúng phải được khảo sát riêng biệt cho từng công ty.

Rủi ro là điều không thể loại bỏ hoàn toàn, xét trên tổng thể thị trường và trong dài hạn. Song mỗi cá nhân người đầu tư hay tổ chức đầu tư có thể áp dụng một hay nhiều trong số những biện pháp sau đây để giảm thiểu rủi ro của việc đầu tư cổ phiếu:

– Lựa chọn những cổ phiếu riêng lẻ:

Quyết định đầu tư vào cổ phiếu nào là kết quả của quá trình thu thập và phân tích vô số thông tin. Những thông tin đó bao gồm từ những vấn đề của kinh tế, chính trị thế giới, những biến số kinh tế vĩ mô trong nước (GDP, thu nhập quốc dân bình quân đầu người, lạm phát, năng suất lao động…). Cho tới những vấn đề của ngành và cuối cùng là tình hình của công ty phát hành. Ngoài ra, lựa chọn một cổ phiếu riêng lẻ còn liên quan tới những thông số cá nhân của người đầu tư, như khả năng về tài chính,mục tiêu đầu tư, mức độ chấp nhận rủi ro…

-Thiết lập danh mục đầu tư hoặc mua chứng chỉ quỹ đầu tư:

Khi phối hợp nhiều cổ phiếu (hoặc cổ phiếu và trái phiếu hay các công cụ khác nữa) trong cùng một danh mục, thì hiệu ứng tổng thể là tổng rủi ro của danh mục đầu tư giám xuống. Đó là một phương pháp quản lý rủi ro hữu hiệu. Tuy nhiên phương thức này sẽ không phù hợp với những nhà đầu tư có lượng vốn để dầu tư không đủ lớn. Khí đó có một cách thay thế là mua chứng chỉ quỹ dầu tư, thay vì mua các cổ phiếu riêng lẻ để thiết lập danh mục. Đây là phương thức đầu tư có thể giúp cho người đầu tư cá nhân, dù với một số vốn không lớn, vẫn có thể được hưởng lợi ích của việc đa dạng hoá danh mục đầu tư và năng lực quản lý chuyên nghiệp, đồng thời giảm được chi phí giao dịch.

Sử dụng các công cụ phái sinh:

Một trong những chức năng kinh tế của các công cụ phái sinh là rào chắn rủi ro, bảo vệ lợi nhuận của những công cụ cơ sở. Vì thế, khi dự đoán giá tăng hay giá giảm, và để bảo vệ được lợi nhuận của các tài sản đang nắm giữ hoặc tìm cách kiếm lợi với tỷ suất lợi nhuận cao, các nhà đầu tư có thể sử dụng các công cụ phái sinh như quyền chọn mua, chọn bán, các hợp đồng tương lai, và những chiến lược đi kèm theo nó.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.