Phương thức sản xuất là gì? Phân tích cấu trúc của phương thức sản xuất
Nội Dung
1. Phương thức sản xuất
Ở mỗi giai đoạn lịch sử con người tiến hành sản xuất theo một cách thức nhất định, tức là có một cách sinh sống, cách sản xuất riêng của mình, đó là phương thức sản xuất.
Phương thức sản xuất là phương thức khai thác những của cải vật chất (tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt) cần thiết cho hoạt động tồn tại và phát triển xã hội. Phương thức sản xuất là cách thức con người tiến hành quá trình sản xuất vật chất ở những giai đoạn lịch sử nhất định của xã hội loài người. Phương thức sản xuất là sự thống nhất giữa lực lượng sản xuất với một trình độ nhất định và quan hệ sản xuất tương ứng.
Bạn đang xem: Phương thức sản xuất là gì? Phân tích cấu trúc của phương thức sản xuất
Sự thống nhất và tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất tạo thành phương thức sản xuất. Trong sự thống nhất biện chứng này, lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất.
Quan hệ sản xuất phải thay đổi cho phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Tuy nhiên, quan hệ sản xuất không phải hoàn toàn thụ động, mà có tác động trở lại lực lượng sản xuất.
Quan hệ sản xuất có thể tác động đến lực lượng sản xuất vì nó quy định mục đích của sản xuất, ảnh hưởng đến lợi ích và thái độ của người lao động trong sản xuất.
Nếu quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất thì nó sẽ thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển; ngược lại, nếu quan hệ sản xuất lỗi thời sẽ kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Tiêu chuẩn căn bản để xem xét một quan hệ sản xuất nhất định có phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất hay không là ở chỗ nó có thể thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, cải thiện đời sống nhân dân và tạo điều kiện thực hiện công bằng xã hội hay không.
Trong xã hội có giai cấp, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất biểu hiện thành mâu thuẫn giữa các giai cấp đối kháng. Mâu thuẫn này tất yếu dẫn đến đấu tranh giai cấp, nổ ra cách mạng xã hội thay thế quan hệ sản xuất cũ, lạc hậu bằng quan hệ sản xuất mới tiến bộ hơn, ra đời phương thức sản xuất cao hơn trong lịch sử.
Lịch sử loài người đã trải qua các phương thức sản xuất: công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và đang quá độ lên phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội.
2. Lực lượng sản xuất
Lực lượng sản xuất là sự kết hợp giữa người lao động với tư liệu sản xuất, tạo ra sức sản xuất và năng lực thực tiễn làm biến đổi các đối tượng vật chất của giới tự nhiên theo nhu cầu nhất định của con người và xã hội. Về cấu trúc, lực lượng sản xuất được xem xét trên cả hai mặt, đó là mặt kinh tế – kỹ thuật (tư liệu sản xuất) và mặt kinh tế – xã hội (người lao động). Lực lượng sản xuất chính là sự kết hợp giữa “lao động sống” với “lao động vật hóa” tạo ra sức sản xuất, là toàn bộ những năng lực thực tiễn dùng trong sản xuất của xã hội ở các thời kỳ nhất định. Như vậy, lực lượng sản xuất là một hệ thống gồm các yếu tố (người lao động và tư liệu sản xuất) cùng mối quan hệ (phương thức kết hợp), tạo ra thuộc tính đặc biệt (sức sản xuất) để cải biến giới tự nhiên, sáng tạo ra của cải vật chất theo mục đích của con người. Đây là sự thể hiện năng lực thực tiễn cơ bản nhất – năng lực hoạt động sản xuất vật chất của con người.
Xem thêm : Nước Việt Nam thời dựng nước
Người lao động là con người có tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng lao động và năng lực sáng tạo nhất định trong quá trình sản xuất của xã hội. Người lao động là chủ thể sáng tạo, đồng thời là chủ thể tiêu dùng mọi của cải vật chất xã hội. Đây là nguồn lực cơ bản, vô tận và đặc biệt của sản xuất. Ngày nay, trong nền sản xuất xã hội, tỷ trọng lao động cơ bắp đang có xu thế giảm, trong đó lao động có trí tuệ và lao động trí tuệ ngày càng tăng lên.
Tư liệu sản xuất là điều kiện vật chất cần thiết để tổ chức sản xuất, bao gồm tư liệu lao động và đối tượng lao động. Đối tượng lao động là những yếu tố vật chất của sản xuất mà lao động con người dùng tư liệu lao động tác động lên, nhằm biến đổi chúng cho phù hợp với mục đích sử dụng của con người. Tư liệu lao động là những yếu tố vật chất của sản xuất mà con người dựa vào đó để tác động lên đối tượng lao động nhằm biến đổi đối tượng lao động thành sản phẩm đáp ứng yêu cầu sản xuất của con người.
– Tư liệu lao động gồm công cụ lao động và phương tiện lao động:
+ Phương tiện lao động là những yếu tố vật chất của sản xuất, cùng với công cụ lao động mà con người sử dụng để tác động lên đối tượng lao động trong quá trình sản xuất vật chất.
+ Công cụ lao động là những phương tiện vật chất mà con người trực tiếp sử dụng để tác động vào đối tượng lao động nhằm biến đổi chúng nhằm tạo ra của cải vật chất phục vụ nhu câu con người và xã hội.
+ Công cụ lao động là yếu tố vật chất “trung gian”, “truyền dẫn” giữa người lao động và đối tượng lao động trong tiến hành sản xuất. Đây chính là “khí quan” của bộ óc, là tri thức được vật thể hóa do con người sáng tạo ra và được con người sử dụng làm phương tiện vật chất của quá trình sản xuất.
+ Công cụ lao động giữ vai trò quyết định đến năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
+ Ngày nay, trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang phát triển, công cụ lao động được tin học hóa, tự động hóa và trí tuệ hóa càng có vai trò đặc biệt quan trọng. Công cụ lao động là yếu tố động nhất, cách mạng nhất trong lực lượng sản xuất, là nguyên nhân sâu xa của mọi biến đổi kinh tế xã hội trong lịch sử; là thước đo trình độ tác động, cải biến tự nhiên của con người và tiêu chuẩn để phân biệt các thời đại kinh tế khác nhau. Chính vì vậy, C.Mác khẳng định: “Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào”.
– Đặc trưng chủ yếu của lực lượng sản xuất là mối quan hệ giữa người lao động và công cụ lao động:
+ Trong lực lượng sản xuất, người lao động là nhân tố hàng đầu giữ vai trò quyết định. Sở dĩ như vậy là vì người lao động là chủ thể sáng tạo và sử dụng công cụ lao động. Suy đến cùng, các tư liệu sản xuất chỉ là sản phẩm lao động của con người, đồng thời giá trị và hiệu quả thực tế của các tư liệu sản xuất phụ thuộc vào trình độ sử dụng của người lao động. Hơn nữa, trong quá trình sản xuất, nếu như công cụ lao động bị hao phí và di chuyển dần giá trị vào sản phẩm, thì người lao động do bản chất sáng tạo của mình, trong quá trình lao động họ không chỉ sáng tạo ra giá trị đủ bù đắp hao phí lao động, mà còn sáng tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị bỏ ra ban đầu.
+ Người lao động là nguồn gốc của mọi sáng tạo trong sản xuất vật chất, nguồn gốc của sự phát triển sản xuất.
+ Cùng với người lao động, công cụ lao động là yếu tố cơ bản, quan trọng không thể thiếu được, đặc biệt, trình độ phát triển của công cụ lao động là một nhân tố quyết định năng suất lao động xã hội.
Xem thêm : Thách thức và giải pháp trong thực hiện bình đẳng giới
+ Lực lượng sản xuất là kết quả năng lực thực tiễn của con người, nhưng bản thân năng lực thực tiễn này bị quy định bởi những điều kiện khách quan mà trong đó con người sống và hoạt động. Vì vậy, lực lượng sản xuất luôn có tính khách quan. Tuy nhiên, quá trình phát triển lực lượng sản xuất là kết quả của sự thống nhất biện chứng giữa khách quan và chủ quan.
Sự phát triển của lực lượng sản xuất là phát triển ở cả tính chất và trình độ. Tính chất của lực lượng sản xuất nói lên tính chất cá nhân hoặc tính chất xã hội hóa trong việc sử dụng tư liệu sản xuất. Trình độ của lực lượng sản xuất là sự phát triển của người lao động và công cụ lao động. Trình độ của lực lượng sản xuất được thể hiện ở trình độ của công cụ lao động; trình độ tổ chức lao động xã hội; trình độ ứng dụng khoa học vào sản xuất; trình độ, kinh nghiệm kỹ năng của người lao động và đặc biệt là trình độ phân công lao động xã hội. Trong thực tế, tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sân xuất là không tách rời nhau.
Nghiên cứu sự phát triển của lực lượng sản xuất trong lịch sử, Các Mác khẳng định: “Tri thức xã hội phổ biến [Wissen, knowledge] đã chuyển hóa đến mức độ nào thành lực lượng sản xuất trực tiếp”. Ngày nay, trên thế giới đang diễn ra cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Khoa học sản xuất ra của cải đặc biệt, hàng hóa đặc biệt. Đó là những phát minh sáng chế, những bí mật công nghệ, trở thành nguyên nhân của mọi biến đổi trong lực lượng sản xuất. Hiện nay, khoảng cách từ phát minh, sáng chế đến ứng dụng vào sản xuất đã được rút ngắn làm cho năng suất lao động, của cải xã hội tăng nhanh. Khoa học kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, những yêu cầu do sản xuất đặt ra; có khả năng phát triển “vượt trước” và thâm nhập vào tất cả các yếu tố của sản xuất, trở thành mắt khâu bên trong của quá trình sản xuất. Tri thức khoa học được kết tinh, “vật hóa” vào người lao động, người quản lý, công cụ lao động và đối tượng lao động. Sự phát triển của khoa học đã kích thích sự phát triển năng lực làm chủ sản xuất của con người.
Trong thời đại ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển, cả người lao động và công cụ lao động được trí tuệ hóa, nền kinh tế của nhiều quốc gia phát triển đang trở thành nền kinh tế tri thức. Đó là nền kinh tế mà trong đó sự sản sinh, phổ cập và sử dụng tri thức của con người đóng vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, từ đó tạo ra của cải vật chất và nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Đặc trưng của kinh tế tri thức là công nghệ cao, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và trong đời sống xã hội. Lực lượng sản xuất phát triển trong mối quan hệ biện chứng với quan hệ sản xuất.
3. Quan hệ sản xuất
Quan hệ sản xuất là tổng hợp các quan hệ kinh tế – vật chất giữa người với người trong quá trình sản xuất vật chất. Đây chính là một quan hệ vật chất quan trọng nhất – quan hệ kinh tế, trong các mối quan hệ vật chất giữa người với người.
Quá trình sản xuất vật chất chính là tổng thể các yếu tố trong một quá trình thống nhất, gồm sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng của cải vật chất. Quan hệ sản xuất bao gồm quan hệ về sở hữu đối với tư liệu sản xuất, quan hệ trong tổ chức quản lý và trao đổi hoạt động với nhau, quan hệ về phân phối sản phẩm lao động.
Quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất là quan hệ giữa các tập đoàn người trong việc chiếm hữu, sử dụng các tư liệu sản xuất xã hội. Đây là quan hệ quy định địa vị kinh tế – xã hội của các tập đoàn người trong sản xuất, từ đó quy định quan hệ quản lý và phân phối. Quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất là quan hệ xuất phát, cơ bản, trung tâm của quan hệ sản xuất, luôn có vai trò quyết định các quan hệ khác. Bởi vì, lực lượng xã hội nào nắm phương tiện vật chất chủ yếu của quá trình sản xuất thì sẽ quyết định việc quản lý quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm.
Quan hệ về tổ chức quản lý sản xuất là quan hệ giữa các tập đoàn người trong việc tổ chức sản xuất và phân công lao động. Quan hệ này có vai trò quyết định trực tiếp đến quy mô, tốc độ, hiệu quả của nền sản xuất; có khả năng đẩy nhanh hoặc kìm hãm sự phát triển của nền sản xuất xã hội. Ngày nay, khoa học tổ chức quản lý sản xuất hiện đại có tầm quan trọng đặc biệt trong nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất.
Quan hệ về phân phối sản phẩm lao động là quan hệ giữa các tập đoàn người trong việc phân phối sản phẩm lao động xã hội, nói lên cách thức và quy mô của cải vật chất mà các tập đoàn người được hưởng. Quan hệ này có vai trò đặc biệt quan trọng, kích thích trực tiếp lợi ích con người; là “chất xúc tác” kinh tế thúc đẩy tốc độ, nhịp điệu sản xuất, làm năng động hóa toàn bộ đời sống kinh tế xã hội. Hoặc ngược lại, nó có thể làm trì trệ, kìm hãm quá trình sản xuất.
Các mặt trong quan hệ sản xuất có mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại, chi phối, ảnh hưởng lẫn nhau. Trong đó quan hệ về sở hữu tư liệu sản xuất giữ vai trò quyết định bản chất và tính chất của quan hệ sản xuất.
Quan hệ sản xuất hình thành một cách khách quan, là quan hệ đầu tiên, cơ bản chủ yếu, quyết định mọi quan hệ xã hội.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức