Giá trị xã hội là gì?
Nội Dung
1. Khái niệm
Mỗi thời đại lịch sử, mỗi loại hình tổ chức xã hội, mỗi tầng lớp, giai cấp, đều có những cách quan niệm, cách đánh giá riêng của mình về khái niệm giá trị. Đó là cách cảm nhận, cách thẩm định một sự việc, hiện tượng và ý nghĩa, vai trò của nó đối với con người, đối với xã hội. Điểm chung nhất giữa mọi quan niệm về giá trị thể hiện ở chỗ: mỗi sự việc, hiện tượng khi được coi là có giá trị thì điều đó có nghĩa là nó rất có lợi cho cuộc sống của con người và cho sự phát triển của xã hội, vì thế nó sẽ được mọi người tôn trọng và noi theo. Như vậy, giá trị là một phạm trù được nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khoa học. Trong Xã hội học nó cũng được hiểu theo nhiều cách khác nhau:
+ Giá trị là những tiêu chuẩn mang lại ý nghĩa, dựa vào đó các đoàn thể hoặc xã hội đánh giá, phê phán tầm quan trọng của những con người, những khuôn mẫu, những mục đích và những đối tượng văn hoá khác.
Bạn đang xem: Giá trị xã hội là gì?
+ Tất cả những gì có lợi ích, đáng ham chuộng, đáng kính phục đối với cá nhân hoặc đối với xã hội đều có một giá trị.
+ E. Durkheim quan niệm: giá trị xã hội được xem là những lý tưởng tập thể, có tác dụng chi phối, điều chỉnh tư tưởng và hành động của con người theo khuông mẫu của xã hội.
Như vậy, giá trị xã hội là những tiêu chuẩn trong đó hàm chứa ý nghĩa văn hoá hay những sự kiện xã hội quan trọng, có thể nghiên cứu, phân tích và sắp xếp thành một hệ thống thang bậc giá trị chung cho toàn xã hội.
2. Đặc điểm của giá trị
Dù được hiểu như thế nào thì bản thân khái niệm giá trị cũng chứa đựng những đặc điểm chung nhất, đó là:
+ Bản thân đối tượng tự nó là một giá trị, ví dụ: một đồ vật cụ thể nào đó đều chứa đựng, thứ nhất, giá trị đích thực của nó trong hệ thống vật chất, thứ hai, giá trị về khả năng trao đổi; thứ ba, giá trị về khả năng phục vụ con người.
Xem thêm : Mức trợ cấp người 80 tuổi trở lên
+ Khả năng của đối tượng về việc làm thoả mãn các nhu cầu của xã hội. Một cái gì đó có giá trị hay không có giá trị, giá trị cao hay thấp, nhiều hay ít, không phải do bản thân nó quy định mà do khả năng đáp ứng của nó đối với các nhu cầu các mong muốn của con người và xã hội.
Như vậy mỗi giá trị xã hội đều hiện hữu vừa là giá trị xã hội vừa là tiêu chuẩn về giá trị xã hội. Giá trị xã hội luôn luôn tồn tại trong mối quan hệ với nhu cầu xã hội. Nó là sự thừa nhận, sự mong đợi và sự đánh giá của xã hội đối với các hành vi của cá nhân khi thực hiện vai trò của mình vì lợi ích xã hội. Đồng thời, giá trị xã hội cũng gắn liền với địa vị và vai trò cá nhân, nhưng không phải là những vai trò cá nhân riêng lẻ, mà là những vai trò có ý nghĩa xã hội rộng lớn. Mặt khác trong mỗi giá trị đều chứa đựng những yếu tố nhận thức và thái độ của chủ thể trong mối quan hệ với hiện tượng mang giá trị. Khi ở tư cách là đối tượng của quá trình xã hội hoá cá nhân nhận thức và tự nguyện tiếp nhận, tổ chức các hành vi của mình hướng tới giá trị đã chọn. Còn khi ở tư cách là chủ thể hành động, cá nhân nhận thức, lựa chọn, đánh giá, xây dựng và tổ chức các hành vi thành giá trị đó.
3. Định hướng giá trị xã hội
Trong từng giai đoạn lịch sử và xã hội nhất định, các giá trị thường liên kết với nhau thành một hệ thống tạo nên thang giá trị của xã hội. Một hệ thống giá trị như vậy bao giờ cũng phù hợp với thế giới quan và nhân sinh quan của xã hội, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội của thời đại. Xã hội nào cũng có sự định hướng giá trị cụ thể, có tính chất và nội dung khác nhau, trong đó có những giá trị được coi trọng và giữ vị trí ưu tiên nổi bật. Ở phương Tây, người ta quan niệm rằng, nền kinh tế thị trường phải thực hiện được những nhiệm vụ mà họ cho là tứ giác thần kỳ, đó là:
- Đảm bảo sự phát triển kinh tế thường xuyên và hợp lý,
- Đảm bảo công ăn việc làm ở mức độ cao,
- Ổn định giá cả,
- Tạo sự cân bằng trong kinh tế đối ngoại…
Đồng thời họ cũng vạch rõ: nền kinh tế thị trường trong quá khứ đã tạo ra cho nhân loại một khoảng trống vắng và nỗi thống khổ chung, đó là:
- Sự khủng hoảng về định hướng giá trị nói chung,
- Sự lấn át của nhu cầu, động cơ vật chất so với những động cơ văn hoá, đạo đức xã hội,
- Sự xuất hiện của những chiều hướng tư tưởng như chủ nghĩa hậu hiện đại, bệnh vị kỉ, xu hướng quay về tôn giáo, mê tín dị đoan và ma tuý.
Trong giai đoạn hiện nay, nước ta đã chuyển từ một nền kinh tế quan liêu bao cấp, kế hoạch hoá sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Xã hội ta từ đầu thế kỷ XX đến nay đã có những chuyển biến mạnh mẽ, từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ, những hệ thống giá trị cũ đang thay đổi, nhiều giá trị truyền thống tích cực đang được kế thừa và phát triển bên cạnh các giá trị mới đang hình thành, cho nên việc định hướng giá trị chính xác sẽ có một ý nghĩa cách mạng và thực tiễn sâu sắc. Con người Việt Nam hiện đại, đã và đang tiếp cận với xu hướng chung của nhân loại, định hướng vào các giá trị có tính phổ quát, các giá trị cơ bản, phổ biến, mang tính thời đại mà vẫn giữ được bản sắc và truyền thống dân tộc, như: coi trọng các giá trị hoà bình, tự do, việc làm, gia đình, sức khoẻ, nghề nghiệp, học vấn… Như vậy, có một số giá trị truyền thống vẫn được tiếp tục đề cao như coi trọng gia đình, sống có tình nghĩa, ham chuộng học vấn.
Những giá trị gắn liền với sự duy trì, bảo vệ lợi ích chung của xã hội, góp phần làm thoả mãn các nhu cầu căn bản của xã hội đều được đánh giá là những giá trị quan trọng. Và do vậy những con người đang sống trong xã hội thường sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để đấu tranh bảo vệ những giá trị đó. Một xã hội muốn tồn tại ổn định và phát triển thì phải có sự nhất trí cao của toàn xã hội về những giá trị, mà thực chất là những tiêu chuẩn dùng để lượng giá con người. Đặt con người vào những vị thế, tầng lớp, thứ hạng thích hợp và phù hợp với thực tế, đó chính là những tiêu chuẩn tạo nên vị thế xã hội, giai cấp xã hội của mỗi con người. Chính vì vậy khi nói đến vị thế xã hội của một người nào đó chính là nói về giá trị xã hội của người đó.
Dư luận xã hội (khen, chê, tôn trọng, khinh bỉ…) cũng là cách đánh giá con người. Sự lượng giá như vậy thường bao hàm cả sự đánh giá, so sánh, đối chiếu giữa cái tốt và cái xấu, cái cao cả và cái tầm thường. Trong sự lượng giá này cần chú ý đến tính chủ quan cá nhân, một giá trị cao cả là một giá trị được đông đảo cá nhân trong xã hội thừa nhận. Có thể nói giá trị hầu như là cái bên ngoài mà xã hội chuyển đến cho mỗi cá nhân. Trong cuộc sống con người luôn hướng tới những mục đích mà họ mong đợi, trong đó có những mục đích trước mắt, những mục đích lâu dài, những mục đích quan trọng… Song con người bao giờ cũng tập trung hướng vào việc thực hiện những mục đích được coi là có giá trị nhất. Mỗi cá nhân, mỗi tầng lớp xã hội, trong từng thời kỳ lịch sử, từng hoàn cảnh xã hội cụ thể bao giờ cũng có những quan niệm rất cụ thể trong việc lượng giá và phấn đấu cho những giá trị cụ thể khác nhau. Đối với con người xã hội, các giá trị bao giờ cũng là những yếu tố chế tài (có ý nghĩa kiểm soát và định hướng) của các tác phong xã hội. Những hệ thống giá trị được xã hội nhất trí cao, luôn tạo nên áp lực xã hội, giúp cho xã hội xác định được các khuôn mẫu, chuẩn mực mà mọi người phải tuân thủ (kể cả trong phong tục, tập quán).
Xem thêm : Chính sách tiền tệ là gì? Các mục tiêu, công cụ của CSTT
Những yếu tố chế tài của xã hội có thể biểu hiện ở sự khen thưởng (đề cao) hay trừng phạt của xã hội đối với một cá nhân hay một nhóm xã hội. Hệ thống khen thưởng và trừng phạt của xã hội luôn căn cứ và xuất phát từ giá trị, nếu một xã hội mà thiếu hoặc không có những hệ thống giá trị, hay không có sự phân biệt mức độ quan trọng của các giá trị, thì sẽ không thể có được những phương tiện cần thiết để điều tiết và kiểm soát xã hội một cách có hiệu quả. Hệ thống giá trị là sự kết tinh của những kinh nghiệm sống và sự hiểu biết của con người nên có ý nghĩa văn hoá chuẩn mực ảnh hưởng trực tiếp đến kinh nghiệm sống của từng người. Dù ở thời đại nào, con người muốn sống và phát triển được cũng đều phải hiểu rõ: những gì cần thiết, nên làm; những gì bị cấm đoán, không nên làm, những gì cần phải tôn trọng, những gì sẽ bị xã hội kiểm soát, điều chỉnh hoặc trừng phạt…
Đó là sự định hướng giá trị trong xã hội của từng cá nhân, giúp cá nhân làm tốt vai trò xã hội của mình.
4. Giá trị và vai trò xã hội
Trong mỗi cơ cấu xã hội hay tổ chức xã hội đều bao gồm những vai trò xã hội nhất định. Khi nói đến một vai trò xã hội nào đó, tức là nói đến mối tương quan giữa nó với các vai trò xã hội khác. Mối tương quan ấy được quy định và kiểm soát bởi các giá trị xã hội. Các hệ thống tương quan được sắp đặt, phối hợp và lệ thuộc vào nhau, và do đó nó sẽ bị vô hiệu hoá khi ở một khâu nào đó có những con người không thừa nhận hệ thống giá trị. Ví dụ: hệ thống tương quan trong một gia đình là các mối quan hệ cơ bản như: vợ – chồng; cha mẹ – con cái; anh chị – em… mà cốt lõi của nó được xuất phát từ logic tình yêu – hôn nhân – gia đình hạnh phúc. Nếu sự phát triển tất yếu này không được thừa nhận thì không thể có một cơ cấu gia đình đúng với ý nghĩa đích thực của nó.
Mỗi vai trò xã hội nếu được thực hiện đúng giá trị của nó thì các mối tương quan trong xã hội sẽ phát triển bình thường (gia đình hạnh phúc, cơ quan ổn định). Những mối tương quan làm cho xã hội trở nên bền vững, ổn định, thường được đánh giá cao và nó được coi là những tương quan của diễn tiến liên kết như sự hợp tác, sự hoà giải… Ngược lại, những tương quan có ảnh hưởng tiêu cực đến sự gắn kết của các quan hệ xã hội, thì thường bị đánh giá rất thấp và nó được coi là những tương quan của diễn tiến li tán. Các giá trị còn có một ý nghĩa quan trọng khác là làm cơ sở cho sự hình thành các động cơ hoạt động, giao tiếp, ứng xử của con người. Mỗi cá nhân sẽ khó thiết lập được quan hệ tốt đẹp với người khác nếu không tuân thủ theo một hệ thống tương quan xã hội mà trong đó hàm chứa các giá trị xã hội. Cuộc sống của con người có được là do nhiều vai trò xã hội khác nhau quy định, cho nên khi nắm giữ một vai trò nào đó, con người phải tuân thủ theo một số khuôn mẫu có sẵn. Quan hệ xã hội, nói cho cùng, thực chất là quan hệ giữa các vai trò xã hội, con người sống và giao tiếp được là nhờ thông qua các vai trò mà mình đảm nhận (ví dụ: bác sĩ với bệnh nhân, chỉ huy với chiến sĩ, thủ trưởng với nhân viên, giáo viên với học sinh, đều là quan hệ giữa vai trò này với vai trò khác). Để không bị xã hội lên án, mọi cá nhân phải luôn luôn thừa nhận và noi theo những khuôn mẫu tác phong đã được xã hội chuẩn mực hoá.
5. Giá trị, khuôn mẫu và sự điều tiết xã hội
Trong cuộc sống của mình, mỗi cá nhân, mỗi nhóm xã hội luôn chịu sự điều tiết của xã hội. Việc điều tiết được tiến hành thông qua hệ thống giá trị bao gồm các chuẩn mực, các quy tắc, các tập quán xã hội; đặc biệt thông qua hệ thống các thiết chế xã hội, nhất là thiết chế giáo dục. Xã hội từng bước uốn nắn, bồi dưỡng, rèn luyện con người, giúp họ tự điều chỉnh, tiếp thu và tuân theo những giá trị mà xã hội quy định, làm cho các thành viên trong xã hội gắn bó, cảm thông và cùng nhau củng cố, duy trì cuộc sống chung. Mỗi người cố gắng tạo cho mình nhưng khuôn mẫu tác phong, những ứng xử phù hợp, đó là một quá trình học hỏi liên tục trong suốt đời người. Ví như, trong giao tiếp xã giao con người đều phải biết tỏ ra có văn hoá tức là nắm vững và biểu hiện đầy đủ các yêu cầu: xin phép, xin lỗi, cảm ơn, chào hỏi, tiễn biệt… Người xưa thường dạy con cái phải học ăn, học nói, học gói, học mở là cũng hàm nghĩa như vậy. Quá trình học hỏi đã làm cho mỗi người được tự động hoá trong ứng xử, tự nhận ra được cái đúng, cái chưa đúng trong các hành vi của mình hay của người khác.
Sự điều tiết của xã hội có rất nhiều cấp độ khác nhau, khi con người đảm nhận những vai trò khác nhau thì việc lựa chọn các chuẩn mực cũng khác nhau (ví dụ, một viên chức khi thực thi trách nhiệm, nghề nghiệp thì căng thẳng hơn khi đóng vai người chồng, người cha trong gia đình…).
Nói đến sự điều tiết của xã hội cũng chính là nói đến ý nghĩa và tác dụng của các giá trị trong đời sống hàng ngày. Sự xuất hiện của giá trị trong đời sống xã hội sẽ dẫn đến những hậu quả nhất định về mặt xã hội. Nó được dùng như là phương tiện sẵn có để nhận thức, phê phán về thang giá trị xã hội (của cá nhân, của cộng đồng…) và từ đó mà diễn ra sự phân tầng, phân lớp của xã hội. Đồng thời nó làm cho mỗi cá nhân hiểu rõ vị trí của mình trong mối quan hệ với mọi người hay trong dư luận xã hội. Trong hiện thực của đời sống xã hội, hệ thống giá trị, một mặt được coi là những tiêu điểm để con người dựa vào đó mà lựa chọn và thực hiện các vai trò xã hội có tính khuyến thiện, được xã hội kính trọng. Mặt khác, nó cũng là yếu tố kiềm chế, có tác dụng kìm hãm những hành vi, hành động lệch chuẩn, những tác phong phản xã hội, bị xã hội cấm đoán, làm cho nội tâm con người có cảm giác xấu hổ, cắn rứt lương tâm khi vi phạm các giá trị xã hội.
Lytuong.net – Nguồn tài liệu: Hoàng Quốc Tuấn, Đặng Thị Minh Lý, Xã hội học đại cương, Đại học Vinh
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức