Nhân sinh quan là gì? Nhân sinh quan người Việt

0

Tìm hiểu khái niệm Nhân sinh quan và Nhân sinh quan người Việt

Nhân sinh quan là gì?

Nhân sinh quan là một phạm trù dùng để chỉ những quan niệm, quan điểm mang tính định hướng của con người về mối quan hệ của họ với gia đình, xã hội và môi trường tự nhiên.

Có rất nhiều cách phân chia các loại hình của nhân sinh quan, có thể phân chia từ góc độ nhân sinh quan cá nhân hay nhân sinh quan cộng đồng, có thể phân chia dựa trên vai trò của nhân sinh quan (tích cực hay tiêu cực), hoặc có thể phân chia theo trình độ nhận thức và tư duy của con người.

Tiếp cận từ cách phân chia dựa trên vai trò của nhận thức và lý tính, chúng tôi nhận thấy, trong quá trình phát triển của mình, nhân sinh quan tồn tại dưới ba hình thức cơ bản: nhân sinh quan thần thoại, nhân sinh quan tôn giáo, nhân sinh quan triết học.

Nhân sinh quan người Việt

Chúng tôi có thể chỉ ra một số đặc thù sau:

Một là, đặc thù nhân sinh quan người Việt thường gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của dân tộc, các triết lý nhân sinh của người Việt đều giải đáp những vấn nạn mà người Việt gặp phải trên con đường dựng nước và giữ nước của họ.

Hai là, nhân sinh quan người Việt luôn gắn liền với các điều kiện sinh tồn của họ, đó là nông nghiệp (lúa nước), nông thôn (thiết chế làng – xã) và con người (nông dân), được triển khai trong một hệ thống hoàn chỉnh trên mọi chiều kích của các mối quan hệ: lao động – sản xuất, môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội, gia đình, dòng tộc, họ hàng…

Ba là, nhân sinh quan người Việt là mẫu số chung của phép cộng các triết lý nhân sinh của các tộc người – mà các tộc người này trong quá trình cộng cư lâu dài, đã diễn ra sự đan xen văn hóa, với dòng chủ lưu, cốt lõi là văn hóa Việt/Kinh, hấp lực các nền văn hóa của các tộc người khác xung quanh mình nhưng không phá vỡ diện mạo riêng có của nó.

Bốn là, nhân sinh quan người Việt thường được biểu đạt qua hai dòng: văn hóa dân gian (Folklore) và văn hóa bác học hàn lâm (Academic). Cả hai dòng ấy đều có sự đan xen, thẩm thấu, ảnh hưởng lẫn nhau, tạo ra những giá trị và những bản sắc cho nhân sinh quan người Việt.

Năm là, thái độ trọng nghĩa – tình là truyền thống của văn hóa Việt Nam, nó được phản ánh khá đậm nét trong nhân sinh quan người Việt. Trong ứng xử, người Việt luôn nêu cao triết lý nhân nghĩa, thuỷ chung, quý trọng con người, trọng tình làng nghĩa xóm

Sáu là, vì nằm giữa hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ, trong quá trình phát triển, nhân sinh quan người Việt đã tiếp thu (dù cưỡng bức hay chủ động) nhiều yếu tố trong triết lý nhân sinh của hai nền văn hóa trên qua hệ thống các học thuyết triết học của nó như Phật giáo,  Đạo giáo, Nho giáo.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.