Inđônêxia và Chế độ thống trị của thực dân Hà Lan cuối TK XIX đầu XX
Chỉ trong 40 năm thi hành chế độ cưỡng bức trồng trọt, tư bản Hà Lan đã thu được món lợi nhuận bằng cả số thu nhập của Công ty Đông Ấn Hà trong 200 năm. Nhờ có số tiền tích lũy to lớn đó, vào những năm 70 của thế kỷ XIX, nền công nghiệp Hà Lan phát triển khá mạnh, thị trường nhỏ bé trong nước và thị trường thuộc địa tiêu điều không thể đáp ứng được nhu cầu của chủ nghĩa tư bản. Đại đa số tư bản Hà Lan đòi chính phủ phải có biện pháp mới, phải mở cửa Inđônêxia để được tự do kinh doanh. Nhưng một vấn đề quan trọng được đặt ra là hàng hóa vào thì ai mua? Nông dân Inđônêxia bị chế độ cưỡng bức trồng trọt, bóc lột đến tận xương tủy làm sao mua nổi hàng hóa, thị trường làm sao mở rộng được. Những chính sách trên sẽ trở thành vô nghĩa nếu như chính quyền thuộc địa không xóa bỏ chế độ cưỡng bức trồng trọt. Sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Hà Lan yêu cầu xóa bỏ chế độ này. Nhân dân Inđônêxia, đại đa số là nông dân cũng rất căm thù chế độ bóc lột tàn tệ này.
Hơn nữa, bọn tư bản Anh, Mỹ đã nhảy vào cạnh tranh buộc thực dân Hà Lan phải nghĩ đến việc thay đổi chính sách bóc lột. Chính vì lý do đó, năm 1850 Hà Lan bỏ độc quyền thương mại trên biển Inđônêxia.
Bạn đang xem: Inđônêxia và Chế độ thống trị của thực dân Hà Lan cuối TK XIX đầu XX
Năm 1860, chính quyền thuộc địa mở 16 cảng cho tàu ngoại quốc vào, bỏ lệnh bắt nhân dân trồng cây công nghiệp và cây hương liệu như chè, thuốc lá, chàm, hồ tiêu. Năm 1870, thủ tiêu toàn bộ chế độ cưỡng bức trồng trọt và chấm dứt độc quyền thương mại, bước vào thời kỳ tự do kinh doanh ở Inđônêxia.
Chính quyền thuộc địa còn đề ra “chính sách ruộng đất”, khẳng định quyền chiếm hữu ruộng đất của nông dân, quy định phạm vi ruộng đất thuộc quyền chính phủ. Chính sách này nhằm nâng cao sức sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và thị trường khai thác nguyên liệu. Ruộng đất của chính phủ để cho bọn tư bản Hà Lan và tư bản nước ngoài khai thác theo chế độ đồn điền. Đến trước đại chiến thứ nhất, tư bản nước ngoài đã chiếm 1/4 diện tích trồng trọt, lập ra 2400 đồn điền trồng cây công nghiệp như ký ninh, mía, thuốc lá, ôliu và đặc biệt là cây cao su. Tuy Hà Lan ra lệnh cấm bán và cấm cho thuê đất đai dài hạn đối với người ngoại quốc, nhưng trên thực tế, bọn thống trị vẫn cho tư bản nước ngoài mặc sức hoành hành.
Xem thêm : Cái đẹp là gì? Biểu hiện & các quan điểm về cái đẹp
Không có đất cày cấy, người nông dân Inđônêxia rơi vào tình trạng thất nghiệp và nửa thất nghiệp, buộc phải bán sức lao động cho các đồn điền của người nước ngoài.
Từ khoảng năm 1895 trở đi, các ngân hàng xuất hiện chi phối nền kinh tế Inđônêxia. Công nghiệp Inđônêxia đặc biệt là công nghiệp mỏ, làm đường, vận chuyển dầu do các công ty Biliton, Mátsáppi và công ty mỏ thiếc Banka giữ đặc quyền. Các công ty hàng hải Hà Lan lũng đoạn quyền vận chuyển đường biển. Công ty đường sắt Ấn-Hà nắm quyền xây dựng và khống chế việc vận chuyển đường sắt. Năm 1872 đường sắt từ Batavia đi Băngđung, từ Sêmarang đi Suracácta được khai thông. Sau đó, chính phủ thuộc địa cũng bắt tay vào công cuộc xây dựng và quản lý đường sắt vì đây là công việc khá nặng nề, đòi hỏi phải có áp lực chính quyền thì mới có nhân công và đất để làm đường. Những đoạn đường từ Surabaia đi Pasuruan, Malang, từ Suracácta đi Mốtgiôkécta, từ Kêđiriđi Blita, từ Băngđung đi Giôgiacácta được xây dựng nhanh chóng. Tốc độ khai thác và vận chuyển phản ánh rõ rệt nhu cầu phát triển đường sắt cho thấy vào sau năm 1870, nền kinh tế thực dân ở Inđônêxia phát triển mạnh mẽ hẳn lên.
Đến năm 1905, tư bản Hà Lan dùng chính sách mở cửa để điều hòa mâu thuẫn giữa các đế quốc với nhau. Anh, Mỹ và các nước tư bản khác được thể ùa vào Inđônêxia, gây ảnh hưởng bất lợi cho phong trào đấu tranh ở Inđônêxia. Cách mạng Inđônêxia gặp một hợp thể kẻ thù có lực lượng về nhiều mặt. Đế quốc Anh, Mỹ nhờ vào tiềm lực kinh tế lớn ngày càng lấn tới trong các công ty cổ phần. Đương nhiên về phía Hà Lan, chính sách mở cửa là biện pháp duy nhất có thể giúp Hà Lan giải quyết những bế tắc về chính trị cũng như về kinh tế.
Sự kinh doanh hùn vốn này sẽ giúp Hà Lan khắc phục tình trạng thiếu tiền mà điều qụan trọng là có nhiều vốn thì mới có nhiều thiết bị máy móc tốt hơn, quy mô sản xuất khai thác sẽ lớn hơn, lợi nhuận sẽ thu được nhiều hơn. Chính sách mở cửa đồng thời cũng sẽ giúp Hà Lan giữ được Inđônêxia bằng thế quân bình giữa các đế quốc, và có thêm lực lượng cùng trấn áp các cuộc nổi dậy bên trong.
Inđônêxia biến thành thị trường chung của các đế quốc, Anh, Mỹ hoạt động rất ráo riết. Đến trước đại chiến thứ nhất, ở Inđônêxia có hai công ty dầu lửa nổi tiếng là: Công ty B.P.M (Bataasche Petroleum Mastschappij) trong đó tư bản Hà Lan chiếm 60% số vốn, tư bản Anh chiếm 40%. Công ty N.K.P.M (Nederlands Koloniale Petroleum Mij) do tư bản Mỹ lũng đoạn. Số lượng dầu khai thác hàng năm rất lớn.
Xem thêm : Nguyễn Cao – Còn mãi tinh thần với núi sông
Trong thời kỳ này tốc độ khai thác và sản xuất tăng rất nhanh:
Việc tăng cường đầu tư, khai thác, bóc lột nhân công, vơ vét nguyên liệu và kìm hãm nền công nghiệp dân tộc là hai mặt thống nhất của chính sách bóc lột thuộc địa của đế quốc đối với Inđônêxia. Bọn chúng tìm mọi cách ngăn cản việc phát triển công nghiệp của Inđônêxia, không cho nó phát triển thành công nghiệp hiện đại. Các xí nghiệp của người bản xứ chỉ được phép hoạt động trong phạm vi hết sức hạn chế, như trong ngành làm mũ, dệt chiếu, đan rổ rá, dệt vải Ba-tích và làm thuốc lá Cơrơtếch v.v… Chính quyền giám sát gắt gao hàng rào quan thuế. Những xí nghiệp hơi lớn một chút, phần đông cũng không phải do người Inđônêxia nắm mà ở trong tay người Ảrập, Trung Quốc và người châu Âu.
Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của sự xâm nhập của kinh tế đế quốc, nền kinh tế Inđônêxia bắt đầu phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa. Kinh tế tự nhiên của Inđônêxia bị phá vỡ.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức