Nhà nước Việt Nam sau công nguyên

0

Giao Chỉ Và Nhà Tây Hán (111 Trước Công Nguyên – 39 Sau Công Nguyên)

Đấu Tranh Giành Độc Lập- Hai Bà Trưng Khởi Nghĩa (40-43)

May mắn thay, đến những năm đầu công nguyên từ miền đất Mê Linh (Vùng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, Vĩnh Phú) đã xuất hiện hai người con gái kiệt xuất (Gia đình họ Trưng có nghề chăn tằm. Nghề chăn tằm gọi kén đầy là kén chắc kén mỏng là kén nhì. Tên gọi Trắc và Nhị từ đó mà ra) và ở Chu Diên (Chu Diên nằm ở dọc sông Đáy, sông Hồng, trên đất Hà Sơn Bình, Hà Nội, Hải Hưng ngày nay) là chàng trai Thi Sách dũng mãnh. Bởi thế, mùa xuân năm ấy, khi mùa săn ở Mê Linh bắt đầu, quan lạc tướng Chu Diên đã cho con trai là Thi Sách dẫn theo một toán thân binh tới Mê Linh để kết thân với họ Trưng . Ý quan lạc tướng Chu Diên đã rõ, hai miền đất Mê Linh và Chu Diên liên kết được với nhau thì chẳng phải chỉ tốt lành cho chuyện nhân duyên của đôi trẻ Thi Sách – Trưng Trắc mà sức xoay chuyển tình thế, lật đổ ách đô hộ của nhà Hán, khôi phục lại nước cũ của người Việt. Ít lâu sau, trong niềm hoan hỉ của mọi người, Trưng Trắc đã cùng Thi Sách kết nghĩa vợ chồng. Hôn lễ vẫn theo đúng lệ cũ của người Việt: vợ chồng tuy thành thân nhưng người nào vẫn ở lại đất cũ của người ấy.

Tô Định giật mình trước cuộc hôn nhân của nữ chủ đất Mê Linh với con trai lạc tướng Chu Diên. Bởi hắn biết rõ, đằng sau cuộc hôn lễ là sự liên kết thế lực giữa hai miền đất lớn của người Việt. Sự liên kết đang nhân bội sức mạnh chống lại nền đô hộ của nhà Hán. Linh cảm thấy trước một cuộc biến sẽ xảy ra mà cội nguồn của nó từ đất Mê Linh, Tô Định hoảng hốt tìm cách triệt phá vây cánh của Trưng Trắc bằng cách đem đại binh đột ngột kéo về Chu Diên, bắt giết Thi Sách, xem như đòn trấn áp phủ đầu của hắn.

Tin dữ từ Chu Diên đưa tới khiến Trưng Trắc ra lệnh nổi trống đồng họp binh quyết trả thù cho chồng, rửa nhục cho nước. Nghe tiếng trống ầm ào nổi lên, dân Mê Linh cung nỏ, dao búa, khiên mộc, giáo lao trong tay cuồn cuộn đổ về nhà làng. Trên bành voi cao, nữ chủ tướng Mê Linh mặc giáp phục rực rỡ. Dân Mê Linh trông thấy nữ chủ tướng đẹp đẽ, oai phong lẫm liệt thì hò reo dậy đất, ào ào bám chân voi, theo chủ tướng mà xốc tới. Trước khí thế ngút trời của đoàn quân khởi nghĩa, toà đô úy trị của nhà Hán trên đất Mê Linh phút chốc đã tan tành. Dân Mê Linh đạp bằng dinh lũy giặc tiến xuống Luy Lâu. Trong đoàn quân trẩy đi phá quận Giao Chỉ của nhà Hán, ngày càng có thêm nhiều đoàn quân từ các nơi đổ về. Thành Luy Lâu cũng không đương nổi cuộc công phá của một biển người ào ào xung sát, dũng mãnh theo hiệu trống đồng của Trưng Trắc, Trưng Nhị. Tô Định kinh hoàng cao chạy bay xa về Nam Hải chịu tội với vua Hán. Tin thắng trận dồn dập bay đi. Nỗi vui mừng quá lớn khiến cho người dân Việt nhiều đêm liền không ngủ. Trải qua hàng chục đời, nay đất nước của vua Hùng mới được khôi phục, nợ nước thù nhà của chủ tướng Mê Linh đã được trả. Trai gái rìu đồng, giáo sắc nắm chắc trong ray, những chiếc lông chim cắm ngất ngưởng trên đầu, bộ áo lông chim xòe rộng theo nhịp trống đồng dồn dập như không bao giờ dứt. Tin thắng trận bay đi. Các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cũng nổi lên theo về với Hai Bà Trưng.

Đất nước sạch bóng quân thù. Hai Bà Trưng được cả nước tôn lên làm vua, đóng đô ở Mê Linh. Những nữ thủ lĩnh, nữ nam cừ súy được phong các chức tướng lĩnh rồi người nào trở về đất ấy dốc sức cùng dân xây cuộc đời mới.

Trưng nữ vương quyết định miễn hẳn thuế khoá cho thiên hạ trong hai năm.

Năm Tân Sửu (41), vua Hán sai Mã Viện làm tướng quân, Lưu Long làm phó tướng cùng với quan lâu thuyền tướng quân là Đoàn Chí đem 20 vạn tinh binh kéo sang đánh Trưng Vương.

Một trận quyết chiến tối sầm cả trời đất giữa 20 vạn quân của Mã Viện với dân binh các làng chạ do Trưng Vương thống suất đã diễn ra ở Lăng Bạc (vùng từ Đông Triều đến Yên Phong, Hà Bắc). Quân Mã Viện đóng sẵn trên các triền đất cao giữa vùng Lăng Bạc lầy lội chuẩn bị tiến công Mê Linh thì bị Trưng Vương đem quân tới chặn đánh. Hơn một vạn người Việt đã ngã xuống trong trận đánh bất lợi này. Trưng Vương thu quân về giữ Cấm Khê (Vùng Thạch Thất, Hà Nội và Quốc Oai, Hà Tây). Mã Viện lại kéo tới, một loạt trận huyết chiến nữa lại nổ ra, máu chảy đỏ sông Hồng, sông Đáy. Hơn 2 vạn người Việt nữa lại nằm xuống ở đây. Chiến trường chính chống lại cuộc đàn áp man rợ của Mã Viện là 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân, tổng số dân mới có 91 vạn cả trẻ già lớn bé. Vậy mà chỉ trong mấy trận đánh, hơn 4 vạn người Việt đã bị giết và bị bắt. Quyết chống giặc đến cùng, sức lực của người Việt hầu như dốc cạn để sống mái với bọn lang sói theo ý chí của Trưng Vương. Trong một trận đánh, sau khi phóng những ngọn lao và bắn những mũi tên cuối cùng. Trưng Trắc, Trưng Nhị đã gieo mình xuống dòng Hát Giang. Đó là ngày mùng 6 tháng 2 năm Quý Mão (43).

Nhà Đông Hán (25-220)

Mã Viện đánh được Trưng Vương đem đất Giao Chỉ sát nhập vào nhà Đông Hán rồi chỉnh đốn binh lương, đem quân đi đánh dẹp các nơi, đi đến đâu xây thành đắp lũy đến đó. Mã Viện còn cho dựng cây đồng trụ ở chỗ phân địa giới khắc sáu chữ: “Đồng Trụ Triết, Giao Chỉ diệt”(Cây đồng trụ đổ thì người Giao Chỉ mất ṇòi). Người Giao Chỉ đi qua chỗ ấy, ai cũng bỏ vào chân cột đồng trụ một ḥòn đá. Về sau chỗ ấy thành gò đá, đến nay không còn biết cột ấy ở chỗ nào.

Cũng như nhà Tây Hán, nhà Đông Hán gộp miền đất Âu Lạc cũ thành Châu Giao gồm 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, khoảng 50 huyện. Đứng đầu châu vẫn là thứ sử từ Trung Quốc cử sang. Thứ sử có quyền cắt đặt quan lại, điều động binh lính ở trong châu. Ở mỗi quận có chức thái thú cũng là người Hán. Bên dưới quận là các huyện. Chế độ lạc tướng cha truyền con nối của người Việt ở cấp huyện bị bãi bơ. Thay cho các lạc tướng người Việt là những tên huyện lệnh người Hán. Luật cũ của người Việt bị bãi bỏ. Dân Việt buộc phải theo luật Hán. Chính quyền đô hộ đặc biệt đẩy mạnh việc di dân Hán đến ở lẫn với dân Việt, bắt dân Việt phải theo phong tục tập quán sống như người Hán.

Chúng bắt dân ta học chữ Hán và tiếng Hán, truyền bá các tư tưởng “thần phục thiên tử”, “quy phục thiên triều”.

Hàng năm, chúng bắt dân ta phải nộp cống nào sừng tê, ngà voi , gỗ trầm, ngọc trai, đồi mồi, san hô, kể cả hoa quả quý như vải, nhăn, dứa v.v… Cả đến những thợ thủ công tài hoa cũng bị trở thành đồ cống.

Sử ghi Sĩ Nhiếp mỗi năm thu hàng ngàn tấm vải cát bá, hàng trăm ngựa và nhiều thứ lâm thổ sản quý khác. Tôn Tư đã bắt hàng ngàn thợ thủ công có tài, khéo nghề tinh sảo sang xây dựng kinh đô Kiến Nghiệp (Nam Kinh).

Truyện Trương Trọng

Trương Trọng, người quận Nhật Nam (Bình Trị Thiên, Quảng Nam) nhờ hay chữ nên được viên thái thú Nhật Nam lấy vào làm thuộc lại trong quận.

Cuối năm 78, theo lệ nhà Hán, Trương Trọng được viên thái thú cử sang kinh đô Lạc Dương (Hà Nam) để tâu bày công việc trong quận lên vua Hán.

Hán Minh Đế thấy Trương Trọng người thấp bé lại là dân “man di” bèn hỏi xách mé:

– Viên tiểu lại kia người quận nào?

Trương Trọng trong lòng khó chịu nhưng điềm tĩnh đáp:

– Tôi là người thay mặt thái thú quận Nhật Nam vào chầu vua chứ không phải một viên tiểu lại. Bệ hạ muốn dùng người tài cán hay chỉ muốn đo xương thịt?

Bất ngờ bị đối thủ trả lời cứng cỏi lại đứng đắn vua Hán giận lắm nhưng không làm gì được.

Mấy ngày sau, nhân tết Nguyên Đán, vua mở tiệc yến. Nhận thấy trong số các quan vào chúc tết có Trương Trọng, vua Hán muốn rửa nhục bữa trước bèn hỏi Trương Trọng:

– “Nhật Nam” có nghĩa là “phương Nam mặt trời”. Ta nghe nói tất cả nhà cửa xứ ấy đều quay về phương Bắc để trông thấy mặt trời có phải không?

Thấy vua Hán kiêu ngạo tự ví mình là mặt trời, bắt mọi người phải ngưỡng mộ sùng bái, Trương Trọng quyết trả miếng. Bởi thế, trước trăm quan cùng một tâm địa cậy thế nước lớn miệt thị nước nhỏ, Trương Trọng chậm rãi đáp:

– “Nhật Nam” không phải là phía Nam mặt trời. Một bậc túc nho không ai hiểu như thế. Đất Trung Nguyên (Trung Quốc) có quận gọi là “Vân Trung” nhưng quận ấy có ở trong mây đâu? Có quận gọi là “Kim Thành” nhưng có phải là thành xây bằng vàng đâu? Ấy là đặt tên thế thôi chứ thực không phải như thế. Lại nữa, ở nơi nào thì mặt trời cũng đều mọc ở đằng đông, kẻ thất phu cũng hiểu được như thế. Còn ở xứ Nhật Nam không ai xoay về phương Bắc để trông thấy mặt trời. Ngược lại “lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng Nam” là tục lệ của dân Nhật Chứ chẳng ai thay đổi được tục lệ đó.

Vua Hán và quần thần ngây người trước câu đối đáp rắn rỏi, mạnh mẽ của viên sứ thần có tầm vóc bé nhỏ mà trí tuệ lớn. Về sau Trương Trọng được vua Hán cho làm thái thú quận Kim Thành.

Lư Tiến Và Lư Cầm Phá Lệ

Nhìn chung, các triều đại phong kiến Trung Quốc tự xem mình là “Thiên Tử” coi dân Việt là “man dợ” nên người Việt dẫu có học hành thông thái cũng không được trọng dụng. Ngoài trường hợp Trương Trọng nói trên, mãi đến đời vua Linh Đế (168-189) cuối nhà Đông Hán, mới lại có người Việt, nhờ học giỏi, được cất nhắc làm thái thú quận Giao Chỉ. Lư Tiến dâng sớ xin cho người Giao Chỉ được bổ đi làm quan bất ḱ quận nào, kể cả ở Trung Nguyên. Nhưng vua Hán chỉ cho những người đổ Mậu Tài hoặc Hiếu Liêm được làm quan trong xứ mà thôi. Lúc đó có người Giao Chỉ tên là Lư Cầm, làm lính túc vệ trong cung, khẩn thiết xin vua Hán bãi lệnh đó. Nói mãi, vua Hán mới cử một người Giao Chỉ đỗ Mậu Tài đi làm quan lệnh ở Hạ Dương và một người đỗ Hiếu Liêm làm quan lệnh ở Lục Hợp.

Thực tế đất Âu Lạc từng có những người đỗ Mậu Tài, Hiếu Liêm, làm quan nhà Hán, bác bỏ luận điểm của các nhà sử học Trung Quốc cho rằng đất Giao Chỉ từ khi Sĩ Nhiếp (187-226) sang làm thái thú văn hoá mới phát triển, nền giáo dục mới được mở mang là không đúng.

Nhà Đông Ngô (222-280)

Nhà Đông Hán mất, nước Trung Quốc phân làm 3 nước: Bắc Ngụy, Tây Thục và Đông Ngô. Đất Giao Châu lúc đó lại thuộc về Đông Ngô. Nhà Đông Ngô vẫn cho Sĩ Nhiếp làm thái thú.

Năm Bính Ngọ (926). Sĩ Nhiếp mất, con là Sĩ Huy tự xưng làm thái thú: Ngô chủ là Tôn Quyền chia Giao Châu từ Hợp Phố về Bắc gọi là Quảng Châu, từ Hợp Phố về Nam gọi là Giao Châu. Sai Lữ Đại làm thứ sử Quảng Châu và Trần Thì sang thay Sĩ Huy làm thái thú quận Giao Chỉ. Bọn Đại Lương và Trần Thì sang đế Hợp Phố thì bị Sĩ Huy đem quân ra chống giữ. Thứ sử Quảng Châu là Lữ Đại một mặt đem binh sang đánh dẹp, mặt khác cho người dụ Sĩ Huy ra hàng. Sĩ Huy đem 5 anh em ra hàng liền bị Lữ Đại bắt giết. Tôn Quyền lại hợp Quảng Châu và Giao Châu làm một và phong cho Lữ Đại làm thứ sử.

Cuộc Khởi Nghĩa Của Triệu Thị Trinh (248)

Bà Triệu, Triệu Trinh Nương hay Triệu Thị Trinh đều là tên các đời sau gọi người phụ nữ anh hùng dân tộc hồi đầu thế kỷ thứ III. Theo dã sử, Bà Triệu sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (225). Bà là em gái Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng lớn ở miền núi Quan Yên, quận Cửu Chân (Thanh Hoá). Ở đó cho đến nay vẫn còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về thời kỳ bà chuẩn bị khởi nghĩa chống giặc Ngô.

Đó là chuyện Bà Triệu thu phục được con voi trắng một ngà, chuyện “Đá biết nói” rao truyền lời thần dân mách bảo từ trên núi Quan Yên.

Có bà Triệu tướng Vâng lệnh trời ra Trị voi một ngà Dựng cờ mở nước

Lệnh truyền sau trước Theo gót Bà Vương…

Triệu Thị Trinh là người có sức khoẻ, gan dạ và mưu trí. Năm 19 tuổi, bà cùng người anh tập hợp nghĩa quân, lập căn cứ Phú Điền (Hậu Lộc – Thanh Hoá). Đấy là một thung lũng ở giữa hai núi đá vôi , vừa gần biển lại vừa là cửa ngõ từ đồng bằng phía Bắc vào. Lúc đầu anh bà có ý can ngăn lo phận gái khó đảm đang trọng trách. Bà trả lời:

– Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không thèm cuối đầu, còng lưng để làm tì thiếp người

Mến mộ Bà, nghĩa quân ngày đêm mài gươm luyện võ, chờ ngày nổi dậy: “Ru con con ngủ cho lành

Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi Muốn coi lên núi mà coi

Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng”.

Năm Mậu Thìn (248) nghĩa quân bắt đầu tấn công quân Ngô. Các thành ấp của quân Ngô đều bị đánh phá tan tành. Bọn quan cai trị kẻ bị giết, kẻ chạy trốn hết. Từ Cửu Chân, cuộc khởi nghĩa lan rộng nhanh chóng. Thứ sử Châu Giao hoảng sợ bỏ chạy mất tích. Sử sách của nhà Ngô phải thú nhận: “Toàn thể Châu Giao chấn động”.

Mỗi lần ra trận, Triệu Thị Trinh thường mặc áo giáp đồng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi dẫn quân xông trận, oai phong lẫm liệt. Quân Ngô kinh hồn, bạt vía đã phải thốt lên:

Hoành qua đương hổ dị Đối diện Bà Vương nan Nghĩa là:

Vung giáo chống hổ dễ Giáp mặt vua Bà khó

Hay tin khởi nghĩa ở Cửu Chân và thứ sử Châu Giao mất tích, vua Ngô hốt hoảng phái ngay Lục Dận, một tướng từng kinh qua trận mạc, lại rất quỷ quyệt sang làm thứ sử. Lục Dận đem thêm 8000 quân tinh nhuệ sang đàn áp. Lục Dận vừa đánh mạnh vừa đem của cải chức tước ra dụ dỗ mua chuộc các thủ lĩnh người Việt. Một số kẻ giao động mắc mưu theo địch. Mặc dầu vậy, Triệu Thị Trinh vẫn kiên cường đánh nhau với giặc không nào núng. Sau 6 tháng chống chọi vì có kẻ phản bội, bà đã hi sinh trên núi Tùng (Hậu Lộc, Thanh Hoá). Bấy giờ bà mới 23 tuổi.

Về sau, vua Lý Nam Đế khen là người trung dũng, sai lập miếu thờ, phong là: “Bật chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân”. Nay ở Phú Điền (Thanh Hoá) còn có đền thờ bà.

(Nguồn tài liệu: Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh Niên)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.