Lịch sử Việt Nam thế kỷ X
Nội Dung
Họ Khúc dựng nền tự chủ
Vào cuối thế kỷ IX, đế chế Đường ngày càng suy yếu. Nạn cát cứ của các tập đoàn phong kiến phương Bắc phát triển, mâu thuẫn ngày càng sâu sắc. Phong trào nông dân khởi nghĩa mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào đã làm lung lay tận gốc rễ nền thống trị của nhà Đường.
Đầu thế kỷ X, chính quyền đô hộ ở nước ta suy yếu. Nhân dân nổi dậy ở nhiều nơi. Tiết độ sứ An Nam là Chu Toàn Dục hoàn toàn bất lực. Đầu năm 905, nhà Đường cử Độc Cô Tổn sang thay. Độc Cô Tổn nổi tiếng là một viên quan tàn bạo mà bất lực, chưa đầy nửa tháng đã bị cắt chức và bị đày ra đảo Hải Nam.
Bạn đang xem: Lịch sử Việt Nam thế kỷ X
Nhân cơ hội đó, Khúc Thừa Dụ đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành lấy chính quyền. Mặc dù chỉ xưng là Tiết độ sứ, về danh nghĩa coi mình như một đại diện của chính quyền nhà Đường. Nhưng trong thực tế, Khúc Thừa Dụ đã bắt tay xây dựng một chính quyền tự chủ, đặt cơ sở cho nền độc lập lâu dài của dân tộc.
Năm 907, Khúc Thừa Dụ mất. Con ông là Khúc Hạo nối nghiệp, cũng xưng là Tiết độ sứ. Khúc Hạo đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng để cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng nền độc lập tự chủ và thoát dần ảnh hưởng của chế độ đô hộ Trung Quốc.
– Cải cách hành chính: Khúc Hạo chia cả nước thành các đơn vị hành chính lộ, phủ, châu, giáp, xã. Ở xã đặt chức Chánh lệnh trưởng và Tá lệnh trưởng có nhiệm vụ thừa lệnh trên để phân chia đóng góp thuế ruộng, huy động lực dịch. Các hương (thời thuộc Đường) đổi thành giáp do Quản giáp và Phó Tri giáp đứng đầu giữ việc thu thuế và trưng binh. Khúc Hạo còn đặt thêm nhiều giáp mới, tất cả có 314 giáp. Điều đó cho thấy, chính quyền họ Khúc đã tiến thêm một bước trên con đường mở rộng và củng cố nền độc lập, tự chủ của đất nước.
– Cải cách kinh tế: Khúc Hạo sửa lại chế độ điền tô, thuế má, ra lệnh “bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch, lập sổ hộ khẩu, kê rõ quê quán, giao cho Quản giáp trông coi”. Đường lối chính trị chung là “chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị, nhân dân đều được yên vui”(*). ( * Quốc sử quán triều Nguyễn, Việt sử thông giám cương mục (Tiền biên), Quyển 5. Dẫn lại theo Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập 1, Sđd, tr 104.)
Với chính sách bình quân thuế ruộng, chính quyền Khúc Hạo đã thực hiện một phương thức thu thuế phù hợp với kết cấu kinh tế – xã hội nước ta lúc bấy giờ, tạo nên sự dung hợp cần thiết giữa nhà nước tự chủ với làng xã. Mặt khác, chính sách này cũng tạo mầm mống cho quyền sở hữu ruộng đất của nhà nước phong kiến sau này.
Nhìn chung, cải cách của Khúc Hạo tỏ rõ tinh thần tự chủ, tự cường và quyết tâm vươn lên nhằm xây dựng đất nước hoàn toàn độc lập của dân tộc ta.
Dương Đình Nghệ khôi phục nền tự chủ
Đầu thế kỷ X, tình hình chính trị ở Trung Quốc hết sức rối ren. Năm 907, Chu Ôn cướp ngôi nhà Đường lập ra nhà Hậu Lương thống trị vùng Trung Nguyên. Cùng lúc đó, họ Mã lập nước Sở, họ Cao lập nước Kinh Nam, họ Tiền lập nước Ngô Việt, họ Lưu cát cứ ở Quảng Châu… Nước Trung Quốc bị phân liệt, dần hình thành cục diện “Ngũ đại thập quốc”* (907 – 960). ( * Ngũ đại thập quốc (năm đời mười nước). Thời kỳ này ở miền Bắc Trung Quốc lần lượt dựng lên 5 triều đại: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu. Còn ở miền Nam, trước sau lần lượt thành lập 9 nước: Ngô, Nam Đường, Ngô Việt, Tiền Thục, Hậu Thục, Nam Hán, Sở, Mân, Nam Bình, cộng với Bắc Hán thành lập cuối thời Ngũ đại là 10 nước.)
Năm 917, Lưu Nham (sau đổi thành Lưu Cung) tự xưng hoàng đế, đặt tên nước là Hán (tức Nam Hán). Mùa thu năm 930, Nam Hán nhân cớ Khúc Thừa Mỹ (con nối nghiệp Khúc Hạo từ năm 917) thần phục nhà Hậu Lương và có ý chống Nam Hán. Lưu Nham đã sai các tướng Lý Thủ Dung, Lương Khắc Trinh đem quân sang đánh Giao Châu. Do thiếu chuẩn bị và thiếu tự tin, cuộc kháng chiến của Khúc Thừa Mỹ bị thất bại. Nước ta lại rơi vào tay Nam Hán.
Mặc dù đánh bại Khúc Thừa Mỹ nhưng nhà Nam Hán vẫn không thể cai quản các châu, quận. Nhân dân ta ở khắp các địa phương dưới sự lãnh đạo của các Hào trưởng đã nổi dậy chống quân Nam Hán.
Năm 931, một tướng cũ của họ Khúc là Dương Đình Nghệ (người làng Ràng, Thiệu Dương, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đã đứng lên lãnh đạo nhân dân, quyết chí giành độc lập, kế tục sự nghiệp của họ Khúc. Hào kiệt khắp nơi nhanh chóng hưởng ứng.
Ngô Quyền và Chiến thắng bạch Đằng năm 938
Xem thêm : Lý thuyết xung đột (Conflict Theory)
Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn phản bội, giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Tháng 10/938, Ngô Quyền từ Châu Ái đem quân ra đánh Kiều Công Tiễn. Tự thấy thế cô, lực yếu, kiều công tiễn cầu cứu quân Nam Hán. Đây là cơ hội cho nhà Nam Hán thực hiện ý đồ xâm lược nước ta một lần nữa.
Lưu Cung lập tức điều động một lực lượng thủy quân lớn, giao cho con là Vạn Vương Hoằng Tháo thống lĩnh đại quân tiến đánh nước ta. Lưu Cung phong cho con làm Giao Vương với ý đồ khi chiếm được nước ta sẽ lấy Châu Giao làm nơi phong ấp cho Hoằng Tháo. Thận trọng hơn, vua Nam Hán còn tự mình chỉ huy một cánh quân đến đóng ở trấn Hải Môn (Tây Nam tỉnh Quảng Tây), sẵn sàng tiếp ứng. Ở trong nước, Kiều Công Tiễn tìm mọi cách cố thủ thành Đại La chờ quân Nam Hán đến, rồi trong đánh ra, ngoài đánh vào nhằm nhanh chóng tiêu diệt lực lượng kháng chiến.
Trước yêu cầu lịch sử, Ngô Quyền đã trở thành trung tâm đoàn kết mọi lực lượng kháng chiến, nhanh chóng hạ thành Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn, trừ họa nội phản.
Ngô Quyền người làng Đường Lâm (Hà Tây), con của Ngô Mân và là con rể của Dương Đình Nghệ. Ngay từ đầu, khi còn là thuộc tướng của Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền đã tỏ ra là người có trí dũng song toàn. Tài năng và uy tín của Ngô Quyền càng về sau càng được khẳng định, chính nhà Nam Hán cũng phải thừa nhận, ông là “người kiệt hiệt, không thể khinh suất được”*.
Được tin đạo quân xâm lược Nam Hán do Hoằng Tháo chỉ huy sắp kéo vào nước ta, Ngô Quyền nói với các tướng lĩnh của mình: “Hoằng Tháo là một đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe Kiều Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mệt mỏi tất phá được. Nhưng bọn chúng lại có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chả biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm trước ở cửa biển, thuyền của chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì ta sẽ dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào thoát ra”.** (*,** Đại Việt Sử ký toàn thư, Tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 203.)
Kế hoạch của Ngô Quyền là tập trung lực lượng, tiêu diệt nhanh gọn quân xâm lược bằng một trận quyết chiến. Ông chọn vùng hạ lưu sông Bạch Đằng làm vùng trận địa quyết chiến, cử Dương Tam Kha cầm đầu đạo quân bộ đóng ở tả ngạn, Ngô Xương Ngập và Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy đạo quân khác đóng ở hữu ngạn. Bản thân Ngô Quyền trực tiếp chỉ huy đạo quân thủy, đóng phía trên cửa sông.
Khi quân Nam Hán kéo đến, một toán binh thuyền nhẹ do Nguyễn Tất Tố chỉ huy đón đánh, nhử địch vào trận địa phục kích. Quân ta chiến đấu quyết liệt, vừa cố kìm chân giặc, vừa chờ cho nước thủy triều lên thật cao. Khi nước triều lên, quân ta vờ thua chạy, quân giặc ào ạt đuổi theo vượt qua bãi cọc mà không hề hay biết. Khi nước triều rút, Ngô Quyền chỉ huy đại quân từ ba phía cùng tiến đánh. Phần lớn chiến thuyền giặc bị cọc đâm thủng, bị va vào nhau chìm đắm. Hàng vạn quân giặc cùng chủ tướng Hoằng Tháo bị tiêu diệt gọn. Vua Nam Hán hay tin kinh hoàng, rút tàn quân về nước.
Chiến thắng Bạch Đằng đã đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lược của phong kiến phương Bắc, mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc Việt Nam.
Đinh Bộ Lĩnh tiêu diệt 12 sứ quân, thống nhất đất nước
Sau khi giành thắng lợi, Ngô Quyền xưng vương (939), đóng đô ở Cổ Loa, bãi bỏ chức Tiết độ sứ và cơ cấu tổ chức chính quyền đô hộ nhà Đường, tiến hành xây dựng đất nước bằng cách đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục. Tuy nhiên, chính quyền trung ương của Ngô Quyền lúc bấy giờ chưa đủ điều kiện để kiểm soát và quản lý các địa phương. Lợi dụng cơ hội đó, các thế lực phong kiến địa phương ra sức bành trướng thế lực, chuẩn bị cát cứ chống lại chính quyền trung ương. Năm 944, sau khi Ngô Quyền mất, chính quyền trung ương suy yếu, đất nước rối loạn, các thế lực phong kiến ở các địa phương tranh chấp, thôn tính lẫn nhau mà sử cũ gọi là loạn 12 sứ quân.
Trước tình hình đó, Đinh Bộ Lĩnh là một vị tướng có tài, lại được các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lê Hoàn và nhân dân các nơi ủng hộ, đã lần lượt đánh bại 12 sứ quân cát cứ. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh tự xưng Hoàng đế, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), lập ra nhà Đinh.
Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và con trưởng Đinh Liễn bị sát hại, Đinh Toàn 6 tuổi lên ngôi. Nhân nội bộ nhà Đinh lục đục và chia rẽ, nhà Tống âm mưu kéo quân vào thôn tính nước ta. Được tin này, Dương Thái Hậu đã lấy long bào khoác lên mình Lê Hoàn, chính thức mời Lê Hoàn lên làm vua để có điều kiện lãnh đạo cuộc kháng chiến. Lê Hoàn tự xưng Đại Hành Hoàng đế, lập nhà Tiền Lê và chuẩn bị kháng chiến chống Tống.
Năm 981, quân Tống chia làm 2 cánh tiến sang xâm lược nước ta. Dưới sự chỉ huy và kế sách của Lê Hoàn, cả hai cánh quân của giặc đều bị chặn đánh tan tành. Quân Tống bỏ chạy về nước. Cuộc kháng chiến chống Tống của nhân dân ta giành thắng lợi nhanh chóng, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền.
Xây dựng chính quyền, củng cố quốc gia thống nhất, phát triển kinh tế
– Xây dựng chính quyền: Thời Ngô – Đinh – Tiền Lê, bộ máy nhà nước tổ chức theo chế độ quân chủ chuyên chế.
Xem thêm : Chủ nghĩa nhị nguyên – Triết học Arixtốt
Ở trung ương, vua là người đứng đầu, nắm vương quyền và thần quyền. Vua vừa là tổng chỉ huy quân đội, xét xử các vụ kiện lớn, tiếp đãi sứ thần, thực hiện các lễ nghi tôn giáo. Hệ thống quan lại đơn giản, chưa hình thành các cơ quan hành chính. Dưới vua có một số đại thần: Thái sư, Tổng quản, Phụ quốc…vừa giúp việc, vừa cố vấn, thậm chí khi cần có thể cầm quân đánh giặc. Dưới cùng là 3 ban: ban văn (Nha hiệu, Quản giáp, Đô hộ phủ) chịu trách nhiệm thu thuế, xử kiện và đi sứ; ban võ (Đô chỉ huy sứ, Điện tiền chỉ huy sứ); tăng quan (Quốc sư, Pháp sư, Đạo sĩ).
Ở địa phương, cả nước được chia thành 10 đạo (thời Đinh). Đến thời Lê Hoàn cho đổi 10 đạo thành lộ, phủ, châu. Nhà Đinh – Lê bắt đầu đặt Trấn tướng, Trấn quốc để cai quản các châu xa. Tuy nhiên, chính quyền địa phương còn đơn giản, chủ yếu nằm trong tay Hoàng tộc.
– Quân đội: Nhà nước Ngô – Đinh – Tiền Lê rất chú ý xây dựng một đội quân mạnh để bảo vệ chính quyền trung ương mới xây dựng. Ở trung ương có quân cấm vệ gồm 2 bộ phận: điện tiền quân chuyên bảo vệ hoàng cung và gia đình vua; tứ sương quân chuyên bảo vệ kinh thành, quan lại. Quân đội được chia thành 10 đạo, mỗi đạo 10 quân, mỗi quân 10 lữ, mỗi lữ 10 tốt, mỗi tốt 10 ngũ, mỗi ngũ 10 người, tổng số 100 vạn người. Tổng chỉ huy quân đội là Thập đạo tướng quân. Chế độ “ngụ binh ư nông” bước đầu được thực hiện.
– Luật pháp: Lúc bấy giờ chưa có luật pháp thành văn. Đinh Bộ Lĩnh mới lên ngôi, liền “đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ ở trong cũi” và hạ lệnh “người nào trái phép sẽ phải chịu tội bỏ vạc dầu hay cho hổ ăn”*. Vua quan xét xử người bị tội chủ yếu theo tập tục, hình phạt thường rất nặng. Đô hộ phủ là nơi giam tù phạm, Đô hộ phủ cư sĩ là chức pháp quan. Theo sớ tâu của sứ thần nhà Tống, Lê Hoàn trực tiếp xử những người xung quanh: “Tả hữu có lỗi nhỏ cũng giết đi hoặc đánh từ 100 – 200 roi, bọn giúp việc ai hơi có điều gì làm phật ý cũng đánh từ 30 – 50 roi, truất làm tên gác cổng, khi hết giận lại gọi về làm chức cũ”*. (* Lịch sử Việt Nam (từ nguyên thủy đến ngày nay), Sđd, tr 77.)
Nhìn chung, trên cơ sở của một lãnh thổ thống nhất, nhà nước thời Ngô – Đinh – Tiền Lê đã bước đầu hình thành theo hướng quân chủ chuyên chế. Hệ thống chính quyền còn sơ khai, chưa có phân công, phân nhiệm rõ ràng, tên gọi các quan chức chưa hoàn chỉnh, bộ phận chỉ huy quân sự còn giữ vai trò chủ yếu, giới tăng lữ tham gia chính quyền với tư cách văn quan. Tuy vậy, nhà nước thời Ngô – Đinh – Tiền Lê đã khẳng định tính tự chủ dân tộc và trở thành nền tảng cho nhà nước Đại Việt ở các thế kỷ sau.
– Kinh tế:
Cơ sở kinh tế chủ yếu của xã hội thời Ngô – Đinh – Tiền Lê là chế độ ruộng đất công làng xã. Ruộng đất công được chia theo tập tục của từng địa phương, giao cho nông dân cày cấy và nộp thuế cho nhà nước. Nhà nước cũng thực hiện một số biện pháp khuyến khích sản xuất nông nghiệp như: vua đích thân thực hiện nghi lễ cày tịch điền vào đầu xuân. Đây là một nghi lễ nhằm khuyến khích, động viên nông dân chăm lo cày cấy, phát triển nông nghiệp.
Thủ công nghiệp bắt đầu có những bước tiến. Nhà nước xây dựng các quan xưởng thủ công chuyên chế tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu triều đình. Các nghề thủ công truyền thống như ươm tơ, dệt vải, làm đồ gốm, làm giấy… vẫn tiếp tục phát triển trong nhân dân.
Buôn bán trong và ngoài nước tương đối phát triển. Thời Đinh – Tiền Lê, nhà nước cho đúc tiền đồng để lưu thông trên thị trường. Nhiều trung tâm buôn bán và chợ nông thôn hình thành, tạo thành một mạng lưới thương nghiệp nhỏ, tự do rải rác ở khắp các địa phương.
Sự phát triển kinh tế thời Ngô – Đinh – Tiền Lê đã góp phần củng cố nhà nước trung ương tập quyền, ổn định xã hội, tạo nền móng vững chắc cho nền độc lập, tự chủ sau này.
– Ngoại giao: Quan hệ bang giao Việt – Tống được thiết lập, nhà Tống phải thừa nhận nền độc lập, tự chủ của nước ta. Về danh nghĩa, các nhà Đinh – Tiền Lê chịu thần phục nhà Tống, hàng năm phải cống nộp nhưng nhà nước Đại Cồ Việt kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, an ninh vùng biên giới mỗi khi bị xâm phạm.
Đối với Chăm Pa, nhà Lê chủ trương giữ quan hệ hòa hảo, thân thiện nhưng kiên quyết chống trả các hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ.
(Nguồn tham khảo: Trần Văn Thức, Giáo trình tiến trình lịch sử Việt Nam)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức