Âm nhạc thời kỳ trung cổ

0

Thời Trung cổ kéo dài gần một nghìn năm. So với thời cổ đại, âm nhạc thời Trung cổ của Châu Âu có nhiều hiện tượng mới rất đáng lưu tâm. Lịch sử âm nhạc của thời Trung cổ là lịch sử đấu tranh giữa nhạc dân gian, nhạc bình dân với nhạc nhà thờ và nhạc quý tộc.

1. Âm nhạc dân gian, âm nhạc nhà thờ

1.1 Âm nhạc dân gian

Âm nhạc dân gian tồn tại và phát triển trong quần chúng nhân dân, nó không chỉ đem đến niềm vui mà còn cả sự thông cảm, chia sẻ những nỗi buồn khổ, mà người dân đang chịu đựng, mặt khác vạch trần sự tàn ác của giai cấp thống trị. Vì vậy, chính quyền phong kiến và nhà thờ đã truy đuổi và bóp chết họ bằng những luật lệ cực kỳ dã man, hà khắc. Nhưng sáng tác dân gian không hề bị tiêu diệt, mà luôn là ngọn nguồn vô tận, tràn đầy sinh lực.

Lúc đầu, âm nhạc dân gian có vị trí lớn trong các nhà thờ thiên chúa giáo.

Ca sĩ hát rong đã sử dụng những nhạc cụ dân gian đa dạng từ các nơi mà họ đã qua. Đó là các nhạc cụ dây không có vĩ và sau có cả nhạc cụ dây có vĩ, các nhạc cụ hơi và các nhạc cụ gõ.

1.2. Âm nhạc nhà thờ

Âm nhạc nhà thờ ở thời kỳ đầu của thời Trung cổ đã dùng các giai điệu của nhạc thế tục để phổ lời theo nội dung của họ. Âm nhạc là một phương tiện mạnh mẽ để tuyên truyền tôn giáo, thu hút giáo dân, tạo ảnh hưởng to lớn trong quần chúng.

Từ thế kỷ thứ IV – VII ở Rôm mới hoàn thành việc tuyển chọn và sáng tác, để hệ thống hoá các lối hát của nhà thờ như:

– Đồng ca Grigorie: Đó là loại hát một bè của đồng ca và đơn ca trên nội dung kinh Phúc âm và tôn giáo, chỉ biểu diễn trong nhà thờ.

– Messa: là loại hát nghi lễ được hình thành từ các phần của đồng ca Grigorie, nhưng là một liên khúc gồm năm phần, giai điệu của chúng được hát trên các lời ca không thay đổi.

Ảnh hưởng của âm nhạc thế tục còn được thâm nhập vào nhà thờ và nẩy sinh một số loại nữa như Sequentia (Xê-căng-tia), Tropi (Trô-pi) và Dramma liturgia (dra-ma litua-gia).

2. Các trung tâm âm nhạc thời Trung cổ

2.1. Âm nhạc Trung Hoa

Đến thế kỷ XII – XIII, sân khấu cổ Trung Hoa được hoàn thiện, giống như Opera hoặc ca kịch. Đó là thể loại tổng hợp phức tạp, gồm có nhảy múa, động tác kịch câm, đối thoại, hát với phần đệm của nhạc cụ. Chủ đề của các vở được xây dựng từ truyền thuyết dân gian, các nhân vật anh hùng trong lịch sử đấu tranh với kẻ thù của nhân dân. Tư tưởng chính của các ca kịch này là cuộc đấu tranh giữa cái thiện, ác.

2.2. Âm nhạc Ả Rập

Trên nền tảng học thuyết cổ về âm nhạc, nền mỹ học và lý thuyết âm nhạc Ả Rập đã đạt tới trình độ cao hơn, từ đó là cơ sở cho lý thuyết âm nhạc thời Trung cổ ở Tây Âu. Người dân Ả Rập sử dụng nhiều nhạc cụ khác nhau: các loại trống, nhạc cụ xóc, nhạc cụ thổi, sáo, gaida, harpe, sixtre và lyth. Tiếp theo các nhạc cụ cổ Ấn Độ, người Ả Rập là một trong những dân tộc đầu tiên có các nhạc cụ dây dùng vĩ kéo (rabab = vièle).

Âm nhạc Ả Rập là loại nhạc một bè, giai điệu có mối liên quan chặt chẽ tới thơ và biểu hiện những cảm xúc trữ tình đa dạng. Tiết tấu tự do.

Ý nghĩa và vai trò của âm nhạc Ả Rập trong thời Trung cổ là rất lớn, góp phần là một luồng mới đem đến bước ngoặt cho nghệ thuật trữ tình thế tục của ca sĩ – hiệp sĩ (troubadour).

2.3. Âm nhạc Slaves

Người Slaves không chỉ có nền nghệ thuật dân ca, dân vũ mà họ còn có rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau và nghệ thuật nhạc đàn khá phát triển như người Tiệp đã có dàn nhạc gồm nhiều tổ hợp nhạc cụ.

Một thành tựu đáng chú ý của âm nhạc Slaves thời Trung cổ là họ quan tâm đến việc nghiên cứu và giáo dục âm nhạc như trường Đại học tổng hợp Praha có khoa đào tạo nghệ thuật tự do trong đó có cả thực hành và lý thuyết.

2.4. Âm nhạc tây âu.

Nền âm nhạc Tây Âu trong thời Trung cổ đã đạt được những thành tựu lớn lao trong lĩnh vực lý thuyết âm nhạc, đặc biệt là đã hoàn thiện lối ghi nhạc, đọc nhạc và hệ thống hoá các điệu thức.

Lối ghi nhạc và đọc nhạc:

Lối ghi nhạc và đọc nhạc là một trong những vấn đề khó khăn nhất và chưa được giải quyết của thực tiễn âm nhạc. Cho tới thế kỷ thứ IX, những bản nhạc vẫn dùng ghi theo lối “nơm” (neuma). Đến thế kỷ XI, Guido d’ Arezzo (Gui-đô xứ A-rét-dô: 995 – 1050) ở Ý đã hoàn thiện việc cải tiến và đưa ra lối ghi mới. Để gọi tên các âm thanh, ông đã dùng vần thứ nhất của sáu câu thơ trong một bài Hymne có thứ tự từ thấp lên cao dần là: ut, rê, mi, fa, sol, la. Ông dùng bốn đường kẻ ngang, có những mầu sắc khác nhau: đầu tiên cho âm đô (ut) – màu vàng; cho âm fa – màu đỏ v.v… Do vậy, lối ghi mới này đã tạo ra cao độ chính xác giữa các âm. Phải đến thế kỷ XVI mới xuất hiện vạch nhịp trong lối ghi.

Điệu thức thời Trung cổ:

Điệu thức âm nhạc Tây Âu thời Trung cổ gồm tám điệu thức nguyên thể diatonic: 4 điệu thức gốc và bốn điệu thức biến tương ứng, có tên gọi như các điệu thức cổ đại: Dorien, Phrygien, Lydien, Mixolydien.

Học thuyết về quãng cũng được phát triển trong thời đại này. Bắt đầu hình thành các quan điểm mới, mở ra con đường đến nghệ thuật mới và tư duy lý luận của thế kỷ XVI.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.