Chủ nghĩa đa đa

0

Một khuynh hướng nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa, gần gũi, gối đầu và tiếp nối chủ nghĩa vị lai, nảy sinh hầu như cùng lúc ở New York (Mỹ) và Zuyrinh (Thụy Sĩ) vào những năm 1916 đến năm 1919 lan rộng và thịnh hành ở Pháp, Đức và tàn lụi vào năm 1922. Do chiến tranh thế giới lần thứ I bùng nổ, nhiều người đến cư trú chính trị ở thành phố Zuyrinh của Thụy Sĩ, là nước trung lập. Trong đó có nhiều tác giả người Đức và nhà thơ Rumani T. Tzara (1869 – 1963) sớm trở thành thủ lĩnh của chủ nghĩa đa đa. Tên gọi này do ông ngẫu nhiên tìm thấy trong từ điển tiếng Pháp, đa đa có nghĩa là con ngựa gỗ, nghĩa bóng là tiếng bi bô vô nghĩa của trẻ em. Trong bản tuyên ngôn thứ ba, ra đời năm 1918, Tzara viết: “Đa đa có nghĩa là tự do, là sự giải phóng mọi công thức, là sự độc lập của nghệ sĩ. Chúng tôi là cơn gió giận dữ, chúng tôi xé tan đám mây bẩn thỉu, những bài cầu kinh ghê tởm. Chúng tôi sửa soạn cảnh tượng hùng vĩ của tai biến, chúng tôi sửa soạn đám cháy, sự thối rữa”. Cũng trong tuyên ngôn của mình ông giải thích: “Theo ngôn ngữ của bộ lạc Kru thì chữ đa đa chỉ đuôi bò cái linh thiêng, còn một số vùng ở nước Italia thì người ta gọi như vậy là một người mẹ, và đây cũng có thể là từ ngữ được dùng để chỉ một con ngựa gỗ cho trẻ em chơi, một vú nuôi; còn trong chữ Nga và chữ Rumani thì có nghĩa là vâng được lặp đi lặp lại hai lần. Và đây cũng có thể là một sự hát bắt chước tiếng bập bẹ không mạch lạc của trẻ thơ. Nhưng bất cứ trường hợp nào đi nữa thì đó vẫn là tên gọi đẹp nhất cho toàn bộ trào lưu”. Chúng ta thấy rằng, ông càng giải thích bao nhiêu, ta thấy rằng từ đa đa quá nhiều nghĩa và cũng có nghĩa là không có gì cả, là một sự mệnh danh tùy tiện không dính dáng gì đến nội dung của nó.

Về cơ sơ triết học, chủ nghĩa đa đa có ít nhiều chịu ảnh hưởng của phân tâm học Freud, nhất là trong quan niệm của A. Breton, nó hình thành bản chất tư tưởng ngược lại với quan niệm của chủ nghĩa vị lai, đó là tư tưởng nổi loạn chống chiến tranh, chống lại những giá trị xã hội và thẩm mỹ đang được chủ nghĩa vị lai biện hộ và thần thánh hóa. Họ cho rằng chiến tranh chỉ làm thức dậy ở con người bản năng thú vật nguyên thủy, còn lý trí, đạo đức, thẩm mỹ đều trở nên ngụy tạo trước gương mặt mới. Đó là sự phẫn nộ phản ánh tâm trạng bất mãn và thất vọng của thanh niên trí thức trước sự khủng hoảng của chế độ tư bản và sự đe dọa của chiến tranh tàn khốc, những bế tắc không tìm được lối thoát, họ đi vào phá phách mọi giá trị truyền thống và di sản tốt đẹp với một thái độ hư vô chủ nghĩa. Họ nguyền rủa cuộc sống, tìm đến với những tân kỳ, quái dị, họ phủ nhận lý trí “khinh bỉ lương tri”  (Tzara), đề cao cái trần trụi của sự vật, phản đối những loại thơ ca quá đẹp, vì “sự hoàn mỹ chính là sự lười biếng” (P. Eluard), họ phủ nhận tất cả: “Hy vọng, thiên đường, anh hùng, nghệ sĩ, thiên tài… không có gì hết” (Picabia). Cho nên, không có gì lạ với tinh thần hư vô triệt để đó, các nhà thơ đa đa chủ nghĩa đã sáng tạo nên những bài thơ hoàn toàn vô nghĩa, tắc tị. Thơ của các nhà thơ Pháp như: L. Aragon (1897 – 1982), A. Breton (1896 – 1966), hoặc P. Eluard (1895 – 1952) ở giai đoạn đầu đều như thế cả.

Về mặt thi pháp, chủ nghĩa đa đa vay mượn kỹ thuật cắt dán của phái lập thể, vay mượn nhiệt hứng tuyên ngôn và hành động bê bối nơi công cộng của phái vị lai, vay mượn lối sống tùy tiện của phái trừu tượng, dẫn họ đến những hình thức đả phá các ý niệm đã ổn định về nghệ thuật, về các loại hình loại thể nghệ thuật, mỉa mai, châm biếm đối với việc sản xuất hàng loạt các sản phẩm của văn hóa. Họ xem sáng tác nghệ thuật là quá trình ngẫu nhiên, là hoạt động tự động của tâm lý, họ dựa vào lối ứng tác tập thể mang đầy tính đồng hiện, lối ghép những hình ảnh một cách tùy hứng, coi hành động sáng tạo chỉ là tổ hợp của ngôn từ vô nghĩa giữa các từ và ngữ âm. Trong hội họa, một trong những đệ tử xuất sắc của chủ nghĩa đa đa là M. Duchamp (1887 – 1968), đả phá các giá trị thẩm mỹ truyền thống,  phá vỡ sự phân giới giữa nghệ thuật và cuộc đời, đã biện giải hùng hồn bằng lý thuyết và trong hành động thực tiễn đã đưa nghệ thuật đến với những đồ sản xuất công nghiệp hàng loạt như trưng bày ở triển lãm nghệ thuật những đồ vật như khung xe đạp, máy sấy bát đĩa, bồn tắm… Những biểu hiện kỳ quặc, ngông cuồng, rồ dại, ích kỷ, phi lý và bê tha trong hành động, cũng xuất hiện ở các nhà thơ. Trong một buổi ngâm thơ của nhóm đa đa, những bài thơ của Arpe chỉ được nghe qua giọng ngâm được cất lên từ một cái mũ rộng lớn hình chiếc bánh đường. Còn Heunxenber thì tự gào to những bài thơ của mình, trong lúc Tzara gõ nhịp vào cái hòm lớn. Rồi cả bọn vừa nhảy múa vừa rú lên từng hồi và cứ thế nhảy múa cho đến khi mệt lã mới thôi. Nhạc đệm là những chìa khóa, những chiếc hòm được vỗ đập liên hồi, cho tới khi công chúng tức điên lên phản đối… Cho nên, nhiều người cho rằng chủ nghĩa đa đa chỉ là một hiện tượng xã hội mang tính chất đập phá hơn là một khuynh hướng nghệ thuật theo nghĩa thuần túy.

Tất yếu với những quan niệm nghệ thuật và thực tiễn sáng tạo ấy, dù có ít nhiều tiến bộ về mặt xã hội là phản đối chiến tranh và trật tự tư sản thối nát nhưng sẽ sớm đi vào sự bế tắc. Chỉ xuất hiện năm 1916 đến năm 1922 chủ nghĩa đa đa đã sớm tàn lụi, những nhà thơ đa đa chủ nghĩa ở Pháp chuyển sang chủ nghĩa siêu thực, còn ở Đức chuyển sang chủ nghĩa hiện sinh.

(Theo: Phạm Phú Phong, Giáo trình Tiến trình Văn học)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.