Độ nhạy sáng ISO là gì? 8 điều cần biết về ISO để ảnh luôn sắc nét
Ngoài khẩu độ và tốc độ màn trập đã được giới thiệu ở những bài viết trước thì ISO cũng là một yếu tố quan trọng trong tam giác phơi sáng, ảnh hưởng đáng kể đến ảnh chụp của bạn. Trong bài viết này sẽ giúp các bạn mới làm quen nhiếp ảnh hiểu thêm về ISO cũng như cách sử dụng hiệu quả để đem lại chất lượng hình ảnh tốt nhất có thể.
- Chụp ngay bộ ảnh dưới mua vô cùng lạ và độc với các bí quyết chụp ảnh này
- Cách vệ sinh Sensor máy ảnh Nikon D700
- Ngọc Thảo | Nữ nhiếp ảnh sinh năm 2000 với những bức ảnh chân dung hút hồn người xem
- Hướng dẫn cách chụp ảnh trên nền trắng đơn giản bài 01
- Tìm hiểu khẩu độ, ISO và tốc độ màn trập của máy ảnh dễ hiểu nhất
Nội Dung
1. ISO là gì?
Độ nhạy sáng ISO là một thuật ngữ máy ảnh được sử dụng rộng rãi. ISO là viết tắt của International Organisation for Standardisation (Tổ Chức Chuẩn Hóa Quốc Tế), một tổ chức quyết định tiêu chuẩn hóa và xếp hạng độ nhạy cho cảm biến máy ảnh.
Bạn đang xem: Độ nhạy sáng ISO là gì? 8 điều cần biết về ISO để ảnh luôn sắc nét
ISO là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới độ sáng, tối của một bức ảnh. ISO càng cao thì cảm biến bắt sáng càng nhạy, giúp giảm thời gian phơi sáng. Tuy nhiên, ISO càng tăng thì độ nhiễu màu và hạt càng tăng.
Vì vậy, xu hướng khi chụp là cố gắng giữ ISO ở mức thấp nhất. Sau khi đã mở khẩu độ tối đa cũng như giảm tốc độ cửa chập xuống hết mức cho phép mà ảnh vẫn không đủ sáng người ta mới phải dùng đến việc tăng độ nhạy ISO, như là một giải pháp cuối cùng. Bạn hãy xem hình dưới đây để thấy sự khác nhau giữa ISO thấp và cao.
Tuy nhiên, việc để ảnh của bạn sáng hơn bằng cách tăng ISO là một sự đánh đổi cho chất lượng hình ảnh của bạn. Đó là vì khi tăng ISO quá cao sẽ làm cho ảnh của bạn bị nhiễu hạt, mà chúng ta hay nghe với cụm từ là “ảnh bị noise”.
Chính vì vậy, chỉ khi nào bạn không thể giúp hình ảnh của bạn sáng hơn bằng cách điều chỉnh Khẩu độ hoặc Tốc độ màn trập, thì lúc đó hãy nghĩ đến việc điều chỉnh ISO.
Ví dụ: bạn muốn chụp một con chim đang bay khi trời chạng vạng tối. Trong trường hợp khẩu độ đã mở hết cỡ, nếu hạ tốc độ màn trập xuống thấp để ảnh sáng hơn thì con chim lại bị mờ, lúc này mới cần tăng ISO để giúp chủ thể vừa sắc nét và lại đủ sáng
2. Nghĩa của từ ISO?
ISO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “International Organization for Standardization”, một tổ chức xác định các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên ISO của máy ảnh thì lại không có liên quan gì đến tổ chức này.
Vào năm 1974, khi mà 2 chuẩn phim ASA và DIN kết hợp lại với nhau đã tạo nên chuẩn ISO, và tên gọi này về sau được dùng cho cả máy ảnh phim cũng như là máy ảnh kỹ thuật số.
Mặc dù ban đầu ISO được định nghĩa là độ nhạy của phim, nhưng sau đó nó đã được các nhà sản xuất máy ảnh kỹ thuật số áp dụng với mục đích duy trì mức độ sáng tương tự như phim.
- Trên máy ảnh phim, nó cho biết độ nhạy của phim ảnh với ánh sáng.
- Trong nhiếp ảnh số, nó cho biết độ nhạy của cảm biến CMOS đối với ánh sáng.
3. Các giá trị ISO thông dụng
Mỗi máy ảnh sẽ có các dải giá trị ISO khác nhau, thông thường sẽ là:
- ISO 100 (ISO thấp)
- ISO 200
- ISO 400
- ISO 800
- ISO 1600
- ISO 3200
- ISO 6400 (ISO cao)
Khi bạn gấp đôi số ISO, đồng nghĩa với việc bạn nhân đôi lượng ánh sáng cho tấm ảnh của mình. Do đó tấm ảnh với ISO 400 sẽ sáng gấp đôi ảnh có ISO 200.
4. ISO cơ sở (Base ISO) là gì?
ISO cơ sở là chỉ số ISO thấp nhất trên máy ảnh của bạn. HIểu rõ về base ISO rất quan trọng vì nó sẽ cho phép bạn giảm thiểu noise (nhiễu hạt) và chụp ra được những hình ảnh với chất lượng tốt nhất có thể.
Một số máy DSLR đời cũ và gần đây có chiếc máy ảnh Fuji X-T2 có base ISO là 200, trong khi phần lớn các máy ảnh ngày nay đều có base ISO là 100.
Về nguyên lý thì để tối ưu ảnh chụp của mình thì bạn hãy cài đặt và chụp với base ISO. Tuy nhiên trên thực tế thì không phải lúc nào bạn cũng chụp được với ISO thấp, nhất là khi chụp trong môi trường thiếu sáng mà lại không có đèn flash.
5. So sánh độ nhiễu của ISO thấp và ISO cao
Để ví dụ cho ảnh chụp ở 2 mức ISO khác nhau, bạn hãy xem 2 ảnh chụp bên dưới và so sánh. Hãy chú ý về độ nhiễu của ảnh (các hạt và màu sắc lấm tấm)
Rất dễ dàng nhận thấy là ảnh ở ISO 3200 sẽ bị nhiễu hạt nặng hơn ảnh với ISO 200. Vì vậy tốt nhất bạn nên mặc định trong đầu là không được để ISO quá cao, bất đắc dĩ lắm, không còn cách nào khác để tăng sáng thì mới hãy nghĩ đến việc tăng ISO
6. Cách thay đổi ISO
Ở mỗi máy ảnh khác nhau sẽ có những cách thay đổi khác nhau, sau đây là những cách thay đổi chung nhất dù là bạn đang xài máy ảnh nào:
Xem thêm : Tải Lightroom cho điện thoại Android và iPhone
Bước 1:
Đầu tiên, hãy quên chế độ full Auto đi mà hãy chọn các chế độ chụp cho phép bạn có thể tự chọn ISO như Manual (M), Shutter Priority (S hoặc Tv), Aperture Priority (A hoặc Av)
Bước 2:
Đối với những dòng máy ảnh DSLR nghiệp dự cho người mới chơi, bạn thường sẽ phải mở Menu/Settings và tìm đến mục ISO, sau đó chọn mức ISO mà bạn muốn
Đối với những dòng máy ảnh chuyên nghiệp hơn thì sẽ có tích hợp 1 nút ISO ngay trên thân máy ảnh. Lúc này mọi thứ đơn giản hơn, bạn chỉ cần ấn vào nút này là có thể tùy chỉnh nhanh mức ISO rồi.
Có một số dòng máy ảnh còn thiết kế bánh răng chuyên dụng, khi cần thay đổi mức ISO thì bạn chỉ cần xoay bánh răng điều khiển, rất nhanh chóng và tiện lợi
Nếu bạn vẫn không tự mình tìm ra được cách điều chỉnh ISO thì bạn cần phải đọc thêm sách hướng dẫn sử dụng đi kèm khi mua máy. bạn nên làm quen với cách thay đổi cài đặt ISO của mình một cách nhanh chóng, vì đó là thứ bạn có thể sẽ điều chỉnh khá thường xuyên nếu muốn chơi ảnh lâu dài
7. Nên chụp ở ISO nào?
Sau khi có cái nhìn khái quát về ISO, vẫn sẽ có bạn loay hoay là không biết nên chọn mức ISO nào trong từng trường hợp cụ thể.
Không phải ngẫu nhiên mà máy ảnh cho chúng ta lựa chọn nhiều mức ISO như vậy, đó là vì trong từng tình huống khác nhau sẽ đòi hỏi mức ISO tương xứng. Dưới đây là vài trường hợp phổ biến mà bạn có thể gặp phải:
a. Khi nào cần sử dụng ISO Thấp?
Nếu bạn đang sử dụng chân máy và chụp các đối tượng tĩnh, bạn không cần tốc độ màn trập nhanh, vì vậy bạn có thể sử dụng cài đặt ISO thấp và điều này sẽ mang lại cho bạn chất lượng hình ảnh tốt nhất, bao gồm chụp phong cảnh và chụp ban đêm.
Độ phơi sáng cao cũng cho phép bạn chụp được chuyển động của chủ thể, ví dụ như thác nước chảy trong các cảnh quan hoặc các con đường giao thông vào ban đêm, nó giúp nâng cao chất lượng hình ảnh của bạn. Trong phần lớn các trường hợp, bạn chỉ nên chọn chỉ số ISO thấp nhất (base ISO) của máy ảnh, thường là ISO 100 hoặc 200.
Với môi trường đủ sáng hoặc dư sáng thì việc chọn ISO thấp để chụp là việc quá đơn giản rồi. Tuy nhiên ngay cả khi chụp trong điều kiện thiếu sáng, bạn vẫn có thể chụp với ISO thấp bằng cách sử dụng chân máy.
Bằng việc đặt máy ảnh trên chân máy thì lúc này bạn đã không còn sợ tình trạng rung tay khi chụp, lúc này sẽ có thể chọn mức ISO thấp kết hợp với sử dụng tốc độ màn trập dài (long shutter speed). Như vậy thì khi chụp ảnh của bạn vẫn sẽ đảm bảo được độ sắc nét cũng như là không bị nhiễu hạt.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khi chụp ảnh với long shutter speed thì cần phải hạn chế những chuyển động của chủ thể, vì chỉ cần chủ thể di chuyển sẽ tạo hiệu ứng như “bóng ma” như hình bên dưới đây
Ảnh trên được chụp với ISO thấp nhất và tốc độ màn trập là 5 giây. Người ngồi ghế sẽ ngồi bất động. Trong khi đó người thứ hai chỉ bước vào khung hình trong một khoảnh khắc ngắn và kết quả là hình ảnh của người này như trong trạng thái trong suốt, xuyên thấu như hồn ma
b. Khi nào cần sử dụng ISO Cao?
Dù biết rằng khi để ISO thấp sẽ cho giúp cho hình ảnh không bị nhiễu hạt nhưng trong một số trường hợp, bạn cần phải đẩy ISO lên cao để có thể chụp được 1 tấm hình đẹp như ý.
Nếu bạn đang chụp hình trong chế độ thiếu sáng và không có chân máy, bạn cần đảm bảo rằng tốc độ màn trập vẫn đủ cao để tránh nguy cơ rung máy. Nếu bạn đang đi dạo để chụp bức ảnh đường phố hoặc thành phố vào ban đêm, ví dụ như trong tòa nhà công cộng hoặc nhà hàng, bạn cần sử dụng một tiêu chuẩn ISO cao hơn.
Tốc độ màn trập đặc biệt quan trọng khi chủ thể đang di chuyển, bởi vì bạn sẽ cần tốc độ màn trập nhanh hơn để tránh bị mờ hình, bao gồm ảnh chụp người biểu diễn đường phố và nhiều hoạt động thể thao trong nhà.
Hãy cùng xem qua tấm ảnh chim xúc cá bên dưới
Xem thêm : Ảnh thức ăn Low-key và High-key là gì
Ảnh trên được chụp ở tốc độ 1/2000 và ISO 800. Phải chụp với tốc độ màn trập nhanh như vậy thì mới có khả năng “đóng băng” hoàn toàn chuyển động của con chim đang bay trên mặt nước.
Hãy thử tưởng tượng nếu như ảnh trên chỉ để mức ISO 100 thì sẽ thế nào? Lúc đó bạn cần phải hạ tốc độ màn trập xuống ở mức 1/250 để cho ảnh đủ sáng. Và với thông số này, chủ thể chính của bạn có nhiều khả năng sẽ bị mờ nhòe (motion blur) do tốc độ bay của con chim quá nhanh.
Hãy cùng xem thêm 2 ảnh của vận động viên đang chạy bên dưới đây để có sự so sánh. Chỉ khi bạn dùng ISO cao thì mới có thể đồng thời đẩy nhanh tốc độ màn trập, để đóng băng và làm hình ảnh sắc nét. Ngược lại nếu tốc độ màn trập không đủ nhanh do ISO thấp thì ảnh sẽ bị motion blur
Ở hầu hết các máy ảnh thì sẽ có chế độ Auto ISO hỗ trợ rất tốt cho bạn trong môi trường chụp thiếu sáng. Ưu điểm của chế độ này là bạn có thể cài đặt mức ISO tối đa mà bạn mong muốn với độ noise chấp nhận được như 800, 1600, 3200. Khi đó thì dù môi trường như thế nào thì máy ảnh cũng sẽ không vượt quá được mức ISO tối đa mà bạn đã chọn.
Mặt hạn chế là khi mà ISO đạt tới giới hạn cài đặt, máy ảnh sẽ tự hạ thấp tốc độ màn trập , và điều này sẽ dẫn tới việc ảnh của bạn sẽ bị nhòe (motion blur). Không có gì là hoàn hảo, mọi thứ đều phải đánh đổi
8. Giảm thiểu noise và tối ưu chất lượng hình ảnh
Một số bạn sẽ nghĩ rằng để có chất lượng hình ảnh tốt nhất thì chỉ cần lúc nào cũng để ở base ISO là được. Tuy nhiên theo như những gì đã phân tích ở trên thì nó không hoàn toàn đúng.
Chỉ khi nào mà điều kiện chụp của bạn đủ sáng thì lúc đó mới dùng base ISO, còn khi chụp trong môi trường tối thì bạn sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy ISO cao.
Tương tự, khi bạn dùng fast shutter speed để chụp hình chuyển động, nó cũng giống như việc bạn chụp ảnh trong môi trường tối (vì dù là để ISO thấp hay đẩy nhanh shutter speed thì việc bạn làm cũng điều giới hạn lượng ánh sáng đi vào cảm biến).
Vì vậy, ở các thể loại nhiếp ảnh thể thao hay nhiếp ảnh hành động, ISO cao sẽ là lựa chọn duy nhất của bạn.
Dưới đây là 4 bước để bạn tối ưu chất lượng hình ảnh của bạn:
- Chọn thông số khẩu độ phù hợp với độ sâu trường ảnh bạn mong muốn
- Chọn ISO thấp nhất của máy ảnh, tốc độ màn trập sẽ do bạn canh chỉnh dựa theo thước đo sáng
- Sau khi chụp thử vài tấm, nếu đối tượng của bạn bị nhòe, lúc này hãy tăng dần ISO cũng như đẩy nhanh tốc độ màn trập cho đến khi hiện tượng motion blue không còn nữa
- Nếu như tăng ISO đến một mức mà bạn cho là khá cao, hãy xem lại ống kính còn có thể mở thêm khẩu độ được không thì hãy mở thêm để giữ cho mức ISO trong phạm vi có thể chấp nhận được. Với cách này bạn sẽ phải hy sinh kha khá về độ sâu trường ảnh đấy.
ISO không còn là một khái niệm quá xa lạ với người thích chơi ảnh. Đây là một thông số rất quan trọng để tạo ra một bức ảnh khi người chụp không có sự hỗ trợ tối đa từ nguồn sáng tự nhiên. Thế nhưng, việc điều chỉnh ISO như thế nào không đơn giản mà lại phụ thuộc khá nhiều vào những thông số khác.
Một số gợi ý giúp lựa chọn độ nhạy sáng thích hợp:
- Nếu máy ảnh có chân cố định, hãy chọn tốc độ màn trập nhỏ hơn, khi đó có thể hạ thấp ISO.
- Khi không cần phải chụp xa, có thể tăng khẩu độ để ánh sáng đi vào ống kính nhiều hơn và giảm bớt ISO.
- Có thể sử dụng đèn flash thay vì tăng độ nhạy sáng.
- Đối với những ảnh chụp có kích cỡ vừa phải, không cần phải phóng to, người chụp có thể thoải mái lựa chọn ISO.
- Nên thử trước với nhiều thiết lập ISO khác nhau. Chụp nhiều bức hình với các độ nhạy sáng khác nhau, người chụp có thể chọn ra được bức hình ưng ý nhất.
Nói cho dễ hiểu, ISO là giá trị đo độ nhạy sáng của cảm biến ảnh so với nguồn sáng. Cùng với tốc độ màn trập và khẩu độ, đây là 3 thông số kỹ thuật quan trọng nhất quyết định chất lượng của một bức ảnh. Do chúng có sự phụ thuộc và liên hệ qua lại lẫn nhau nên không có bất cứ một khuôn mẫu nào cho việc điều chỉnh ISO.
Thông thường, việc chọn ISO cho máy ảnh dựa vào hai yếu tố: ánh sáng xung quanh và tốc độ chụp.Theo kinh nghiệm thực tiễn, người chụp chỉ có thể tham khảo theo từng điều kiện chụp:
– ISO 50 – 80 thích hợp cho điều kiện ánh sáng tốt, trời nắng sáng, chụp cận cảnh, chụp phong cảnh và chân dung.
– ISO 100 khi trời không mây và nắng nhẹ. Đây là mức được dùng nhiều nhất khi chụp phong cảnh.
– ISO ở mức 200 nếu trời mây và không nắng.
– Mức ISO 400 trở lên dành cho những trường hợp chụp ảnh trong nhà hoặc những nơi có điều kiện ánh sáng cực yếu.
Nhưng, được này thì mất kia, không phải lúc nào ISO cũng là có lợi. Việc tăng độ nhạy sáng (ISO tăng) sẽ dẫn đến hiện tượng nhiễu hạt, nhất là ở những vùng ảnh tối, tông màu gần như đồng nhất. Làm cho ảnh chụp trông giống như có những vết sần và rạn.
Hiện nay, các máy ảnh kỹ thuật số như máy ảnh Nikon D810, hay những hãng danh tiếng khác đều có dải ISO mở ra rất rộng để phục vụ tối đa cho nhu cầu người chụp. Nhưng đó chỉ là thiểu số và giá thành rất đắt. Do đó, người chụp cần phải tùy thuộc vào từng trường hợp, phải xét xem để khẩu độ và tốc độ thế nào mới cho ra giá trị ISO tương ứng thấp nhất có thể mà ánh sáng vẫn vào được tốt nhất.
Ví dụ như:
– Bạn có thể chọn chế độ chụp ưu tiên khẩu độ, sau đó điều chỉnh ISO theo khẩu độ. Trong điều kiện ánh sáng phức tạp.
– Nếu như đã cố định máy ảnh bằng chân máy, bạn có thể chọn tốc độ cửa trập chậm hơn và giảm ISO.
– Ở khoảng cách chụp gần với đối tượng, người chụp có thể tăng khẩu độ nhằm tăng lượng sáng vào ống kính, từ đó cũng giảm bớt được giá trị ISO.
Trên thực tế, có khi chụp ảnh nghệ thuật, đặc biệt là những bức ảnh đen trắng, người ta lại tăng ISO để có độ nhiễu tạo cảm giác xưa cổ hơn trong bức hình, tất cả tùy vào ý đồ nghệ thuật của người chụp. Cá tính và thần thái của đối tượng được thể hiện theo cách rất riêng nhằm thu hút người xem. Với một chiếc máy ảnh Canon EOS 700D khi chụp pháo hoa, bạn có thể điều chỉnh chỉ số ISO cao ở mức 3.200 để có được một bức ảnh nghệ thuật độc đáo nhất.
Chỉ cần thực hiện theo những bước trên, bạn sẽ chụp được những hình ảnh chất lượng nhất. Nếu như bạn luyện tập thường xuyên và thuần thục, bạn sẽ có khả năng tìm ra được thông số phù hợp cho từng hoàn cảnh, giúp cân bằng được độ nhiễu hạt, motion blur, và độ sâu trường ảnh.
Biên tập & Tổng hợp: pus.edu.vn
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Kỹ Thuật Nhiếp Ảnh