Hành động xã hội là gì?

0

1. Những vấn đề chung về hành động xã hội

1.1. Nguồn gốc của khái niệm hành động xã hội

Hành động xã hội đã được đề cập đến trong hàng loạt lý thuyết xã hội học của nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới (Pareto, Weber, Znaniecki, G. Mead, Parsons…). Những lý thuyết này đều coi hành động xã hội là cốt lõi của mối quan hệ giữa con người và xã hội, là cơ sở của đời sống xã hội của con người.

Lý thuyết hành động xã hội ra đời nhằm phản ứng lại quan điểm của các nhà hành vi luận (Behaviorism) về hành động của con người. Chủ nghĩa hành vi cho rằng chúng ta không thể nghiên cứu được những yếu tố bên trong quy định hành động của cá nhân mà chỉ có thể nghiên cứu được những yếu tố bên ngoài.

1.2. Định nghĩa về hành động xã hội

– Trên phương diện triết học: hành động xã hội chính là một hình thức hoặc cách thức giải quyết các mâu thuẫn, các vấn đề xã hội. Hành động xã hội được tạo ra bởi các phong trào xã hội, các tổ chức và các đảng phái chính trị. Có thể phân chia hành động xã hội thành nhiều loại (hành động kinh tế, hành động chínhtrị, hành động cách mạng…).

– Định nghĩa của M. Weber: Hành động xã hội là một hành vi mà chủ thể gắn cho ý nghĩa chủ quan nhất định, động cơ bên trong chủ thể là nguyên nhân của hành động, do vậy có thể nghiên cứu được cái yếu tố chủ quan thúc đẩy hành động. Chỉ có những hành động nào có động cơ, mục đích thì mới được coi là hành động xã hội. Cho nên trong hành động xã hội bao giờ cũng có sự tham gia của yếu tố ý thức, dù mức độ có thể khác nhau.

Một số nhà xã hội học khác như F. Znariceki, H.G. Mead cũng đồng tình với M. Weber rằng, hành động bao giờ cũng có sự tham gia của ý thức, nó được gọi là “tâm thế” của các cá nhân. Cần phân biệt với các yếu tố khách quan như: sự xô đẩy, va chạm, kích động nào đó từ bên ngoài không được coi là hành động xã hội. Đời sống xã hội là tập hợp phức tạp các hành động xã hội của các cá nhân có quan liên quan tới nhau, quy định lẫn nhau hoặc thậm chí xung đột lẫn nhau. Hành động xã hội luôn gắn với tính cách của các cá nhân, nó bị quy định bởi các yếu tố nhu cầu, mục đích, định hướng giá trị của chủ thể hành động. Tất cả các yếu tố đó chính là phương thức tồn tại của chủ thể hành động.

1.3. Hành vi và hành động xã hội

Khái niệm hành vi và hành động xã hội là những khái niệm thường gặp trong các tài liệu xã hội học. Nội dung khái niệm hành vi được đề cập đến trong lý thuyết hành vi ở Mỹ. Lý thuyết hành vi cho rằng chúng ta chỉ có thể nghiên cứu những phản ứng quan sát được của hành vi cá nhân khi họ trả lời các kích thích. Do vậy các yếu tố như: tâm lý, ý thức của con người không trở thành đối tượng nghiên cứu của lý thuyết hành vi. J. Watson, một đại diện tiêu biểu của thuyết hành vi tâm lý, đưa ra mô hình hành vi gồm một chuỗi các kích thích và các phản ứng:

S → R (S = tác nhân, R = phản ứng)

Theo sơ đồ này, hành vi của con người là hoàn toàn máy móc, cơ học, cá nhân bị hạ xuống thành những cái máy phản ứng.

Như vậy theo cách hiểu của lý thuyết hành vi chính thống, hành vi của con người chỉ là những phản ứng quan sát được sau các kích thích, những phản ứng của con người mà không quan sát được thì nghĩa là không có hành vi.

Trong quá trình phát triển của lý thuyết hành vi, các nhà nghiên cứu chú ý nhiều hơn đến tính xã hội của nó và vì thế khái niệm hành vi xã hội ngày càng trở nên thông dụng. Các nhà hành vi xã hội chủ trương, hành vi xã hội là một chỉnh thể thống nhất gồm các yế tố bên trong và bên ngoài có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Giữa tác nhân kích thích và phản ứng luôn có các yếu tố trung gian như: nhu cầu sinh lý và các yếu tố nhận thức hay hệ thống nhu cầu, hệ thống giá trị và tình huống thực hiện hành vi. Điều đó có nghĩa là, trước mỗi tác nhân và trước khi phản ứng các cá nhân phải suy nghĩ, đối chiếu, cân nhắc… chứ không phải phản ứng một cách máy móc; chính vì thế khái niệm hành vi xã hội rất dễ bị nhầm lẫn với khái niệm hành động xã hội.

1.4. Hành động vật lý – bản năng và hành động xã hội

– Hành động vật lý – bản năng

Hành động này còn được gọi là hành động sinh học hay hành động vật lý. Đó là những hành động không mang hoặc rất ít mang tính xã hội và không bị sự chi phối của ý thức. Khi thực hiện những hành động này cá nhân hoàn toàn không đủ thời gian để suy nghĩ xem, thực hiện hành động đó như thế nào? Tại sao phải thực hiện?… Cá nhân thực hiện các hành động này dường như bất chấp mọi điều kiện hành động (thái độ, ý kiến của những người xung quanh…), thậm chí bất chấp cả ý chí hay mong muốn chủ quan của bản thân, và cho nên đó chỉ là những phản ứng hết sức máy móc.

– Hành động xã hội

Theo Parsons, hành động xã hội khác với hành động vật lý, hành động bản năng sinh học ở chỗ nó bị điều chỉnh bởi hệ thống biểu tượng mà các cá nhân sử dụng trong các tương tác hàng ngày như hệ thống ngôn ngữ, giá trị…Đồng thời ông đưa ra ba dấu hiệu căn bản để phân biệt sự khác nhau giữ hành động bản năng và hành động xã hội.

Dấu hiệu Hành động bản năng Hành động xã hội
1Phản ứng trực tiếp với tác nhânPhản ứng gián tiếp thông qua biểu tượng (cử chỉ, lời nói, giá trị xã hội)
 

2

Không phụ thuộc vào hệ thống giá trị, chuẩn mực chính thống của xã hội, nên còn được gọi là hành động không có tính chuẩn mựcDựa vào hệ thống giá trị, chuẩn mực xã hội để quyết định hành động hay không, hành động như thế nào? và tại sao? (hành động chuẩn mực)
 

3

Không có tính duy lý → không có khả năng nhận định tình huống, hoàn cảnh (đúng – sai, tốt – xấu…)Tính duy lý của hành động rất cao → biết nhận định tình huống, hoàn cảnh để đưa ra hành động hợp lý.

2. Cấu trúc của hành động xã hội

2.1. Các thành phần của hành động xã hội:

Trong mỗi hành động xã hội bao giờ cũng được cấu thành từ các yếu tố chủ quan và khách quan. Hành động xã hội bao gồm ba thành tố cơ bản:

– Động cơ, mục đích của hành động: Mọi hành động xã hội đều được các động cơ thúc đẩy, dẫn dắt, tạo ra các định hướng nhất định để đạt mục đích, kết quả đã được hình dung trước. Động cơ sẽ tạo ra tính tích cực của cá nhân, tham gia định hướng hành động và quy định mục đích của hành động. Các động cơ của cá nhân hành động không chỉ liên quan đến các nhu cầu vật chất, mà còn liên quan tới các giá trị, lợi ích, lý tưởng trong xã hội.

– Chủ thể hành động: Chủ thể hành động có thể là các cá nhân, là nhóm, cộng đồng hay toàn xã hội, để có một hành động xã hội cần phải có tối thiểu là một chủ thể. Một chủ thể, dù hành động một cách đơn lẻ thì hành động đó vẫn có thể được coi là hành động xã hội trong những tình huống xã hội xác định. Dạng hành động xã hội này thường có tính duy ý chí cao – tức tính chủ quan cá nhân khi nhận định về hoàn cảnh.

– Hoàn cảnh, môi trường của hành động: Đây chính là những điều kiện về thời gian, không gian vật chất và tinh thần của hành động. Mỗi hành động xã hội bao giờ cũng chịu sự chi phối của hoàn cảnh nơi diễn ra hành động, sự tác động của hoàn cảnh đến hành động rõ tới mức mà nhiều nhà xã hội học gọi đó là sự kiềm chế thực tế. Hoàn cảnh của hành động xã hội còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố văn hoá, các giá trị xã hội, chuẩn mực xã hội của nhóm và cộng đồng. Giữa các yếu tố trong cấu trúc của hành động xã hội có mối quan hệ hữu cơ với nhau và nó được thể hiện qua mô hình sau.

2.2. Hành động xã hội và những kết quả ngoài chủ định

Thực tế cuộc sống cho thấy, con người ta khi thực hiện một hành động xã hội đều có động cơ và hướng tới một mục đích rõ ràng, cụ thể. Nhưng nhiều khi kết quả thu được lại không đúng như ý định ban đầu. Sự không phù hợp giữa nhận định chủ quan của con người và thực tế là nguyên nhân gây ra những kết quả hành động ngoài ý muốn. Tuy nhiên, không phải mọi kết quả ngoài chủ định đều là những hậu quả xấu và không được mong đợi. Trái lại, nhiều kết quả không chủ định có thể trở thành những “bất ngờ thú vị”.

Con người, dù cố gắng đến đâu cũng không bao giờ có thể nhận diện được đầy đủ và chính xác hoàn toàn về môi trường xung quanh. Nên để giảm bớt những hậu quả không chủ định, con người cần tăng cường sự hiểu biết về chính bản thân mình và đồng thời chú ý hơn vào hoàn cảnh, điều kiện, môi trường hành động. Mục đích là nhằm giảm bớt tính duy ý chí của bản thân, tăng cường sự phù hợp giữa nhận định chủ quan và điều kiện thực tế.

3. Những yếu tố quy định hành động xã hội

3.1. Các yếu tố tự nhiên 

Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu các đặc điểm sinh học trên cơ thể con người, bao gồm các đặc điểm hình thể và gen di truyền, nhằm tìm ra mối quan hệ giữa các đặc điểm đó với một số dạng hành vi nhất định. Chẳng hạn theo:

– Cesare Lombroso (người Italia – 1911): Những người quai hàm bạnh, râu lởm chởm và ít có cảm giác đau thường rất dễ có các hành vi phạm tội.

– William Seldom (người Mỹ): Những người có thân hình tròn, mềm mại có xu hướng là người thích giao du, dễ gần, vô tư và đam mê lạc thú

– Price (Scotland), Witkin: Những người đàn ông có thừa một nhiễm sắc thể Y (dạng XXY hoặc XYY) thường là những người có chiều cao quá trung bình, nhân cách bị biến thái, hay phạm các tội liên quan đến tài sản.…

Khi nghiên cứu hành động xã hội, các nhà xã hội học ít quan tâm tới những yếu tố tự nhiên nói trên.

3.2. Quá trình xã hội hoá và cơ cấu xã hội

– Quá trình xã hội hoá quy định hành động xã hội

Một số nhà Xã hội học người Mỹ như Kingsley Davis (1947), Peter Berger và Thomas Luckmanm (1967), khi nghiên cứu tác động của quá trình xã hội hoá đối với con người từ lúc trẻ thơ đến lúc về già, đã rút ra kết luận: quá trình xã hội hoá cả đời người quy định hành động xã hội của các cá nhân.

– Cơ cấu xã hội quy định hành động xã hội

Cơ cấu xã hội là một tập hợp phức tạp các quan hệ xã hội, vị trí xã hội và tương ứng với nó là các vị thế, vai trò. Các cá nhân luôn cố gắng hành động phù hợp với vị thế và vai trò của mình trong từng mối quan hệ của cơ cấu xã hội. Khi hành động, mỗi cá nhân sẽ cảm nhận được áp lực vô hình của cơ cấu xã hội trong việc thực hiện vai trò của mình.

3.3. Hành động xã hội là sự trao đổi xã hội

Mọi chủ thể khi thực hiện các hành động xã hội đều tìm cách đạt được những lợi ích cao nhất, nhưng với chi phí thấp nhất. Vì vậy những hành động nào mà xã hội từng cho là có lợi và được khen thưởng thì con người sẽ cố gắng thực hiện; những hành động đem đến các hình phạt hay sự thiệt thòi thì con người sẽ cố tránh và không hành động.

3.4. Hành động xã hội là sự tuân theo và là sự phản ứng với xung quanh

– Là sự tuân theo, phần lớn các cá nhân khi thấy hành động hay quan điểm của mình khác với số đông trong nhóm thì họ sẽ có xu hướng thay đổi theo số đông. Làm như vậy là để tạo cho mình cảm giác yên tâm rằng mình giống với nhiều người, nên hành động chắc là hợp chuẩn mực. Đó cũng là một trạng thái biểu hiện tác động của áp lực nhóm đối với cá nhân.

– Là sự phản ứng với xung quan, khi đứng trước những đối tượng, hoàn cảnh khác nhau, con người thường có những hành động xã hội rất khác nhau. Chính thái độ, phản ứng của người khác sẽ quy định hành động của chúng ta… Qua sự phân tích các yếu tố quy định hành động ở trên, chúng ta thấy mỗi cách giải thích đều chứa đựng những nhân tố hợp lý. Tuy nhiên để có thể hiểu hành động xã hội một cách trọn vẹn và đầy đủ thì cần phải có cái nhìn tích tổng hợp từ tất cả các cách giải thích trên.

4. Phân loại hành động xã hội

Hành động xã hội là cơ sở cho mọi hoạt động sống của cá nhân cũng như của toàn bộ đời sống xã hội. Bởi vậy nó rất phong phú và đa dạng, khi nghiên cứu hành động xã hội, người ta đã phân loại chúng như sau:

4.1. Phân loại theo mức độ ý thức hành động

Theo Pareto (Italia), hành động của cá nhân có hai dạng:

– Hành động lôgic, là những hành động hợp lý, có ý thức, có mục đích rõ ràng. Nhưng loại hành động này không phải là loại hành động phổ biến.

– Hành động không lôgic, là những hành động có gốc là bản năng, hành động không được ý thức, cơ sở của nó là một tổ hợp các bản năng ham muốn lợi ích và là bản tính cố hữu của con người, tạo ra một hằng số tâm lý cho mọi hành động không lôgic. Trong một chủ thể đều có cả hai loại hành động, nhưng theo ông loại hành động thứ hai phổ biến hơn.

4.2. Phân loại theo động cơ

Theo Weber, động cơ thúc đẩy hành động có trong ý thức của con người và có thể coi đó là nguyên nhân của hành động. Ông đã đưa ra bốn loại hành động xuất phát từ bốn loại động cơ khác nhau:

– Hành động duy lý – công cụ, là hành động được thực hiện với sự cân nhắc, tính toán, lựa chọn công cụ, phương tiện, mục đích sao cho có hiệu quả nhất, (hành động kinh tế).

– Hành động duy lý – giá trị, được thực hiện bởi mục đích tự thân của hành động. Thực chất loại hành động này có thể nhằm vào những mục tiêu phi lý nhưng lại được thực hiện bằng những công cụ, phương tiện duy lý, (một số hành vi tín ngưỡng…).

– Hành động duy cảm (hay xúc cảm, cảm tính) là hành động do các trạng thái tình cảm bột phát gây ra, mà không có sự cân nhắc, xem xét, phân tích mối quan hệ giữa công cụ, phương tiện và mục đích hành động (hành động do quá khích, do tức giận…).

– Hành động duy lý – truyền thống, là loại hành động tuân thủ theo thói quen, nghi lễ, phong tục, tập quán truyền từ đời này qua đời khác…

Trong thực tế cuộc sống các loại hành động có thể cùng xảy ra và có tác động lẫn nhau, xã hội càng phát triển thì hành động của con người càng trở nên duy lý. Ngoài ra, xã hội học Weber còn nghiên cứu nhiều vấn đề xã hội phức tạp như tôn giáo, chủ nghĩa tư bản, hay lý thuyết phân tầng xã hội… ông đã giải quyết một cách có hệ thống vấn đề mối liên hệ giữa tôn giáo, kinh tế và xã hội bằng cách chỉ ra những thay đổi trong đời sống tôn giáo, kinh tế, thương mại và hành động xã hội của con người; mối tương quan và ảnh hưởng của những thay đổi trong niềm tin, đạo đức tôn giáo đối với hệ thống hành động xã hội và hành động kinh tế, hay những đặc thù của xã hội phương Tây liên quan tới chủ nghĩa tư bản hiện đại.

4.3. Phân loại theo định hướng giá trị

Dựa vào định hướng giá trị, Parsons đã chia ra các loại hành động chủ yếu sau:

– Toàn thể – bộ phận: Khi thực hiện các hành động, chủ thể luôn tuân thủ theo những quy tắc chung của cộng đồng, của xã hội hoặc tuỳ thuộc vào khung cảnh cụ thể để hành động cho phù hợp.

– Đạt tới – có sẵn: Khi thực hiện hành động, chủ thể đã có định hướng và xem xét các đặc điểm xã hội của các cá nhân khác (như nghề nghiệp, học vấn, địa vị xã hội, tuổi tác, giới tính…)

– Cảm xúc – trung lập: Chủ thể hành động cân nhắc đến tính cấp bách hay không cấp bách, quan trọng hay không quan trọng, hữu ích hay kém hữu ích để hành động.

– Đặc thù – phân tán: Chủ thể hành đông luôn cân nhắc đến tính đặc thù của hoàn cảnh chung và riêng, để đưa ra những hành động hợp lý.

– Định hướng cá nhân – định hướng nhóm: Đây là loại hành động mà chủ thể thực hiện vì lợi ích của bản thân cá nhân hay vì lợi ích của nhóm.

Bài tiếp: Tương tác xã hội là gì?

(Nguồn tài liệu: Hoàng Quốc Tuấn, Đặng Thị Minh Lý, Xã hội học Đại cương, 2011)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.