Quan hệ xã hội là gì?

0

Các-Mác: “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Các mối quan hệ đó quy định bản chất xã hội của cá nhân. Nhân cách là sản phẩm của mối quan hệ xã hội đồng thời là người sáng tạo và xây dựng mối quan hệ đó. Trong mối quan hệ có: quan hệ cá nhân – cá nhân, cá nhân những người khác. Trong mối quan hệ đó cá nhân đóng vai trò chủ thể. Mọi cá nhân đều có quan hệ với người khác theo một cách nào đó với bố mẹ, anh chị em, bạn bè. Như vậy, bất kỳ cá nhân nào cũng ở trong một nhóm xã hội nhất định và có vị trí nhất định trong nhóm.

1. Khái niệm Quan hệ xã hội

Xã hội là một hệ thống các quan hệ lẫn nhau giữa người với người. Các quan hệ đó rất phong phú như: quan hệ về chính trị, kinh tế, văn hoá… quan hệ giữa các cá nhân với nhau, quan hệ giữa nhóm người này với nhóm người khác. Các quan hệ này được gọi là quan hệ xã hội.

Khái niệm: Quan hệ xã hội là các mối quan hệ được xác lập giữa các cộng đồng xã hội, các nhóm, các cá nhân với nhau, với tư cách là chủ thể của hoạt động XH, khác biệt nhau bởi vị trí XH và chức năng trong đời sống xã hội. Quan hệ XH là các quan hệ bền vững, ổn định, lặp lại, có mục đích, có hoạch định, có sự phối hợp hành động của các chủ thể hoạt động XH, được hình thành trên cơ sở những tương tác XH. (Theo xã hội học)

Theo tâm lý học xã hội, Quan hệ xã hội là quan hệ giữa các cá nhân với tư cách đại diện cho nhóm xã hội, do xã hội quy định một cách khách quan về vai trò của mỗi cá nhân trong nhóm.

Ví dụ: thầy – trò; người mua – người bán; thủ trưởng – nhân viên.

Đặc trưng cơ bản của quan hệ xã hội là các mối quan hệ này được thiết lập không phải dựa trên nền tảng có thiện cảm hay không thiện cảm của các cá nhân mà dựa trên cơ sở về vị trí nhất định của mỗi cá nhân trong xã hội, trên cơ sở những chức năng, hành vi mà cá nhân phải thực hiện khi đứng ở vị trí đó (gọi là vai xã hội). Bởi vậy, các mối quan hệ này được xã hội quy định một cách khách quan. Đây là mối quan hệ giữa các nhóm xã hội hay giữa các cá nhân với tư cách là những đại diện các nhóm xã hội đó. Điều này nói lên rằng quan hệ xã hội không có tính bản sắc. Bản chất của các mối quan hệ này không nằm trong sự tác động qua lại giữa các nhân cách mà nằm trong sự tác động qua lại giữa các vai trò xã hội.

Trong thực tế, mỗi cá nhân đảm nhiệm không chỉ một vai trò mà là nhiều vai xã hội: Họ có thể là một giáo viên, một người bố, là một thành viên một câu lạc bộ, là một trưởng họ… Có những vai xã hội được quy định trước cho con người từ khi mới sinh ra (ví dụ là nam hay nữ), những vai xã hội khác được hình thành trong cuộc sống. Mặc dù vậy, bản thân vai xã hội không quyết định hoạt động và hành vi của mỗi người mà tất cả những điều đó phụ thuộc vào nhận thức của cá nhân và sự nhập vai của cá nhân đó. Sự nhập vai mang màu sắc cá nhân rõ rệt vì được xác định bằng hàng loạt các đặc điểm tâm lý cá nhân của người mang vai đó. Bởi vậy các quan hệ xã hội, mặc dù thực chất là các quan hệ theo vai, không phải là quan hệ nhân cách, nhưng trong thực tế, trong mỗi sự biểu hiện cụ thể vẫn có “sắc thái nhân cách”. Trở thành nhân cách trong hệ thống các quan hệ xã hội, con người nhất định phải tham gia vào quá trình tác động qua lại, vào quá trình giao tiếp vì thông qua các quá trình đó những đặc tính cá nhân nhất định được biểu hiện. Bởi vậy mỗi vai trò xã hội không có nghĩa là sự định trước tuyệt đối của hành vi, mà nó thường xuyên giữ lại một vài “phạm vi cơ hội” cho người thực hiện. Ta có thể ước lệ gọi đó là “phong cách nhập vai”. Chính phạm vi này trở thành nền tảng để xây dựng các quan hệ khác bên trong của hệ thống quan hệ xã hội – quan hệ liên nhân cách.

2. Phân loại quan hệ xã hội

  • Theo vị thế: quan hệ xã hội theo chiều ngang và quan hệ xã hội theo chiều dọc (bình đẳng và bất bình đẳng).
  • Theo chủ thể: quan hệ xã hội giữa các tập đoàn lớn, giữa các nhóm xã hội nhỏ, giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữa các cá nhân.
  • Theo nội dung: quan hệ tình cảm thuần tuý (quan hệ sơ cấp) và quan hệ xã hội (quan hệ thứ cấp).

Quan hệ tình cảm dựa trên những đặc điểm sinh học hoặc tâm lý có sẵn ở các cá nhân như giới tính, vẻ bề ngoài, quan hệ huyết thống, sở thích… Quan hệ xã hội dựa trên những đặc điểm xã hội đạt được của cá nhân như nghề nghiệp, học vấn, địa vị, quyền lực… Nhưng không có nghĩa là quan hệ tình cảm không phải là quan hệ xã hội, mà chủ yếu nó mang ít tính xã hội hơn. Đôi khi, quan hệ tình cảm lại trở thành quan hệ xã hội như trong kinh doanh và ngược lại, chính quan hệ xã hội có thể tạo ra quan hệ tình cảm.

3. Các hiện tượng trong quan hệ xã hội

Trong quan hệ xã hội, chúng ta thường bắt gặp ba hiện tượng: thói quen, tập tục và hệ thống răn đe.

  • Thói quen, đó là hình thức xử sự được xác định mà không vấp phải sự phản ứng nào.
  • Tập tục là phương thức xử sự được quy định với các giá trị đạo đức nhất định. Việc phá vỡ nó sẽ gây ra sự răn đe âm tính.
  • Sự răn đe là sản phẩm của cộng đồng chỉ đạo cách xử sự cho đúng với truyền thống văn hóa của dân tộc, chặn đứng những hành vi tiêu cực trong xã hội để bảo đảm sự đoàn kết, luật pháp nhà nước và tính liên tục của đời sống xã hội.

4. Quá trình hình thành mối quan hệ xã hội

a. Quá trình tham gia của cá nhân vào mối quan hệ xã hội

Bản chất xã hội của con người được hiểu con người như một thực thể tồn tại với những người khác. Con người không thể sống độc lập, mà phải dựa vào người khác để mà sống, có nghĩa là hợp tác với những người khác để có thể tồn tại trong xã hội. Ví dụ: Người buôn bán phải có người sản xuất ra hàng hóa và người mua hàng. Mỗi người đều cần ở người khác để thực hiện mục đích của mình.

b. Sự gắn bó của cá nhân trong mối quan hệ xã hội

Sự gắn bó là sự liên hệ về mặt tình cảm nối liền hai cá nhân với nhóm xã hội thông qua sự thừa nhận giá trị và tầm quan trọng của người này đối với người kia hoặc đ ối với nhóm xã hội. Sự gắn bó xuất hiện như một hành vi tương tác nhằm thiết lập mối quan hệ với những người quan tâm chăm sóc tới họ. Chẳng hạn như sự gắn bó của trẻ đối với mẹ là níu lấy áo mẹ, cười khóc với mẹ… đây là hình thức cấu trúc đầu tiên của mối quan hệ xã hội giữa đứa trẻ với mẹ của nó, đó là quan hệ tình cảm.

c. Xã hội hóa cá nhân trong mối quan hệ xã hội

Xã hội hóa là một quá trình luyện tập và hòa nhập của các cá nhân vào xã hội. Con người và con vật muốn tồn tại phải được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của cơ thể như: ăn uống, không khí, tự vệ, tồn tại nòi giống….Hành vi của con người và con vật khác nhau: con vật chịu sự chi phối của cơ chế bẩm sinh, còn hành vi ở con người thì cơ chế bẩm sinh không đủ để điều chỉnh mà phần lớn được điều chỉnh bằng con đường luyện tập. Do đó quá trình luyện tập và hòa nhập là cơ sở của xã hội hóa. Con người sinh ra được xã hội hóa để thành cá nhân có nhân cách. Quá trình này như là sự thích nghi của con người từ bé đến khi trưởng thành. Sống trong tập thể, trong nhóm xã hội mỗi cá nhân không chỉ tiếp nhận ảnh hưởng của xã hội một cách thụ động mà có vai trò chủ động, cá nhân phải tích cực tác động vào xã hội để cải tạo xã hội theo mục đích phát triển của cá nhân. Như vậy, xã hội không phải là tác động một chiều xã hội tác động đến cá nhân mà còn cá nhân tác động đến xã hội. Trong quá trình tương tác giữa cá nhân và xã hội thì cá nhân dần dần thích nghi với các chuẩn mực, những giá trị của nhóm xã hội để tự điều chỉnh bản thân mình và hoà nhập vào các mối quan hệ xã hội.

(Tham khảo: Giáo trình Xã hội học đại cương & Tâm lý học xã hội)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.