Nguồn gốc và Kết cấu Giai cấp

0

Phân tích nguồn gốc, kết cấu giai cấp. Ý nghĩa của vấn đề này trong giai đoạn hiện nay ở nước ta?

Nguồn gốc giai cấp

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử thì giai cấp chỉ là một hiện tượng có tính chất lịch sử, gắn liền với những điều kiện lịch sử nhất định, nó mang tính khách quan và quy luật. Trong xã hội có nhiều nhóm người, các tập đoàn người được phân biệt bằng các đặc trưng khác nhau như: tuổi tác, giới tính, dân tộc, quốc gia v.v…Nhưng trong sự khác nhau đó có những nguyên nhân tự nhiên và những nguyên nhân xã hội. Nhưng sự khác nhau đó tự nó không sản sinh ra sự đối lập về xã hội. Chỉ có trong những điều kiện xã hội nhất định mới dẫn đến sự phân chia xã hội thành giai cấp. Sự phân chia xã hội thành giai cấp là nguyên nhân về kinh tế.

Trong xã hội nguyên thủy, trình độ của lực lượng sản xuất thấp kém. Trong thời kỳ đó không có của cải dư thừa và cũng không có khả năng khách quan để người này chiếm đoạt lao động của người khác, nên giai cấp không xuất hiện. Nhưng sản xuất ngày càng phát triển, con người biết sử dụng những công cụ lao động ngày càng tốt hơn dẫn đến năng suất lao động xã hội cao hơn. Đồng thời phân công lao động ngày càng phát triển, chăn nuôi tách khỏi trồng trọt, sản xuất thủ công dần dần trở thành một ngành tương đối độc lập với nông nghiệp, lao động trí óc tách khỏi lao động chân tay. Với sự phát triển của lực lượng sản xuất mới, chế độ làm ăn chung dựa trên cơ sở sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất không còn phù hợp nữa. Sản xuất gia đình dân dần thay thế hình thức sản xuất công cộng nguyên thủy, làm xuất hiện sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, đã dẫn đến sự phân hóa xã hội thành những giai cấp khác nhau, giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Như vậy, sự phân chia xã hội thành giai cấp dựa trên sự chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Sự phân chia giai cấp diễn ra theo hai con đường:

Thứ nhất, sự phân hóa bên trong nội bộ các công xã nguyên thủy thành người bóc lột và bị bóc lột. Điều này diễn ra trong thời kỳ cuối cùng của chế độ nguyên thủy, khi có sự phát triển của lực lượng sản xuất, tạo ra của cải dư thừa nhất định thì những người đứng đầu các các bộ lạc lợi dụng quyền hành chiếm đoạt tư liệu sản xuất và của cải dư thừa đó làm của riêng. Điều này còn đúng cho kể cả sự phân chia chiến lợi phẩm chiến tranh giữa các bộ lạc của các bộ lạc chiến thắng là sự lạm dụng quyền hành của những người đứng đầu bộ lạc, cũng như những người anh hùng có công trong những cuộc chiến tranh đó.

Thứ hai, vấn đề tù binh bị bắt trong chiến tranh giữa các bộ lạc không bị giết như trước nữa, mà họ mặc nhiên trở thành chiến lợi phẩm và biến thành nô lệ. Tuy nhiên sự phân chia tù binh không có sự công bằng cũng dẫn đến sự phân hóa giầu nghèo trong nội bộ các công xã v.v…

Như vậy, nguồn gốc trực tiếp dẫn đến sự phân chia xã hội thành giai cấp là sự xuất hiện sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, và xét về nguồn gốc sâu xa cũng do sự phát triển của lực lượng sản xuất mới trong hình thái kinh tế – xã hộ nguyên thủy. Hai giai cấp đầu tiên trong lịch sử là giai cấp chủ nô và giai cấp nô lệ và cũng như vậy sự phát triển của lực lượng sản xuất làm xuất hiện các kiểu quan hệ sản xuất khác nhau, tương ứng với nó là các giai cấp cụ thể khác nhau.

Kết cấu giai cấp

Trong mỗi hình thái kinh tế – xã hội của xã hội có giai cấp, đều có một kết cấu giai cấp nhất định và khi có sự chuyển hóa giữa các hình thái kinh tế – xã hội với nhau thì đồng thời kết cấu giai cấp cũng thay đổi. Nguyên nhân sự thay đối đó đều do sự thay đổi và chuyển hóa giữa các phương thức sản xuất khác nhau trong lịch sử.

Trong mỗi một hình thái kinh tế – xã hội cụ thể bao gồm rất nhiều giai cấp khác nhau và mỗi một giai cấp đều có vai trò và vị trí khác nhau đối với sự tồn tại vận động và phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội đó. Như vậy, có những giai cấp cơ bản và giai cấp không cơ bản. Những giai cấp cơ bản là những giai cấp gắn liền với những phương thức sản xuất thống trị của xã hội. Tính chất đối kháng của cuộc đấu tranh giai cấp của các giai cấp cơ bản đó biểu hiện thành những mâu thuẫn cơ bản của các phương thức sản xuất sinh ra chúng.

Trong xã hội có giai cấp, xét về mặt kết cấu giai cấp còn bao gồm các tầng lớp xã hội không phải là giai cấp. Ví dụ như tầng lớp trí thức, tầng lớp trí thức không phải là một giai cấp nó được hình thành từ những giai cấp khác nhau và phục vụ cho những giai cấp khác nhau.

Ý nghĩa

Việc phân tích kết cấu giai cấp và sự biến đổi của nó có một ý nghĩa quan trọng, giúp chúng ta hiểu được địa vị, vai trò và thái độ chính trị của mỗi một giai cấp nhất định đối với quá trình phát triển của lịch sử và đặc biệt là trong thời đại ngày nay. Phê phán những quan niệm duy tâm, siêu hình và các trào lưu triết học tư sản hiện đại phủ nhận học thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp của triết học Mác – Lênin.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay ở Việt Nam, xét về kết cấu giai cấp thì xã hội chúng ta cũng tồn tại nhiều giai cấp khác nhau. Nhưng trong đó giai cấp công nhân và thông qua đội tiên phong của nó là Đảng cộng sản Việt Nam – Người lãnh đạo, tổ chức và thực hiện mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.