Luật kinh doanh (luật kinh tế) là gì? Đối tượng, chủ thể, vai trò, vị trí
Nội Dung
Khái niệm Luật kinh doanh (luật kinh tế)
Theo quan điểm trước đây Luật kinh tế là ngành luật riêng biệt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, luật kinh tế được hiểu là ngành luật trong hệ thống pháp luật việt nam, bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình quản lý kinh tế và trong quá trình kinh doanh giữa các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế với các tổ chức kinh tế XHCN hoặc giữa các tổ chức này với nhau nhằm thực hiện chỉ tiêu kế hoạch do Nhà nước giao.
Trong hoạt động kinh tế hiện nay, chủ thể kinh doanh không chỉ là các tổ chức kinh tế XHCN mà có nhiều chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác cùng tham gia kinh doanh bình đẳng.
Bạn đang xem: Luật kinh doanh (luật kinh tế) là gì? Đối tượng, chủ thể, vai trò, vị trí
Các chủ thể kinh doanh được tự do chọn lựa ngành nghề kinh doanh nhằm mục tiêu kiếm lời trong sự quản lý của Nhà nước về kinh tế nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội theo định hướng của Nhà nước.
Do đó vai trò điều chỉnh của luật kinh tế đối với các hoạt động kinh tế hiện nay có nội dung nhấn mạnh đến các quan hệ kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh khác nhau trong nền kinh tế thị trường, nên có quan điểm gọi luật kinh tế là luật kinh doanh.
Vì vậy khái niệm luật kinh tế ngày nay (luật kinh doanh): là ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình tổ chức và quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và trong quá trình sản xuất kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh với nhau.
Đối tượng và phương pháp điều chỉnh của luật kinh doanh
Đối tượng điều chỉnh:
Mỗi ngành luật có đối tượng điều chỉnh riêng, đối tượng điều chỉnh của luật kinh doanh là những quan hệ kinh tế chịu sự tác động của luật, bao gồm các nhóm quan hệ sau đây:
a. Nhóm quan hệ phát sinh giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về kinh tế với các chủ thể kinh doanh:
Nhóm quan hệ này thể hiện sự quản lý kinh tế của Nhà nước, khi các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng quản lý của mình. Các chủ thể trong mối quan hệ này không bình đẳng về mặt pháp lý, các chủ thể bị quản lý phải phục tùng mệnh lệnh, ý chí của cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế.
b. Nhóm quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh với nhau:
Nhóm quan hệ này phát sinh trong quá trình các chủ thể kinh doanh thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu lợi nhuận. Chủ thể của nhóm quan hệ này chủ yếu là các chủ thể kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, tự nguyên không bị áp đặt. Đây là nhóm quan hệ chủ yếu và phổ biến nhất trong các quan hệ kinh tế.
c. Nhóm quan hệ kinh tế phát sinh trong nội bộ các đơn vị:
Các chủ thể kinh doanh khi tham gia kinh doanh hình thành nên các đơn vị kinh doanh với nhiều hình thức khác nhau như các loại hình doanh nghiệp công ty, doanh nghiệp tư nhân…, Trong quá trình hoạt động kinh doanh các cá nhân, tổ chức tham gia góp vốn tạo nên các doanh nghiệp, bản thân các thành viên trong doanh nghiệp có thể mâu thuẫn quyền lợi, nghĩa vụ hoặc mâu thuẫn giữa thành viên với doanh nghiệp dẫn đến tranh chấp cần sự điều chỉnh của luật.
Phương pháp điều chỉnh:
Phương pháp điều chỉnh của luật kinh doanh là phương pháp mệnh lệnh và phương pháp thỏa thuận bình đẳng.
a. Phương pháp mệnh lệnh:
Phương pháp mệnh lệnh được sử dụng chủ yếu để điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các chủ thể kinh doanh. Trong mối quan hệ này cơ quan nhà nước có quyền đưa ra các quy định buộc các chủ thể kinh doanh phải tuân theo. Cách thức tác động của luật cho thấy vị trí bất bình đẳng giữa bên quản lý và bên bị quản lý, bên bị quản lý buộc phải thực hiện ý chí của cơ quan quản lý đã thể hiện tính chất phục tùng mệnh lệnh.
b. Phương pháp thỏa thuận bình đẳng:
Phương pháp thỏa thuận bình đẳng được sử dụng điều chỉnh các nhóm quan hệ kinh tế phát sinh giữa các chủ thể kinh doanh hoặc quan hệ phát sinh trong nội bộ đơn vị kinh doanh. Trong các quan hệ này, luật tác động cho phép các chủ thể khi tham gia vào quá trình kinh doanh có quyền bình đẳng thỏa thuận với đối tác những vấn đề mà các chủ thể quan tâm để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Điều này thể hiện sự tôn trọng quyền tự quyết của các chủ thể kinh doanh trong môi trường kinh doanh.
Chủ thể của luật kinh doanh:
Chủ thể của luật kinh doanh là những cá nhân và tổ chức có đủ điều kiện luật định để tham gia vào quan hệ kinh doanh, bao gồm:
1. Cá nhân:
Là những con người cụ thể. Cá nhân muốn trở thành chủ thể của luật kinh doanh phải hội đủ các điều kiện sau:
- Có năng lực hành vi dân sự
- Không thuộc trường hợp bị hạn chế kinh doanh hay cấm kinh doanh
- Đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật
2. Tổ chức:
Là tập hợp bao gồm các cá nhân hoặc cá nhân và tổ chức hay các tổ chức liên kết hình thành tổ chức mới nhằm thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Xem thêm : Quản trị khoa học (Scientific Management)
Căn cứ vào tính chất của tổ chức, luật pháp phân chia tổ chức thành hai loại: tổ chức có tư cách pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân.
a. Pháp nhân:
Là tổ chức có đầy đủ các điều kiện luật định tham gia vào các quan hệ pháp luật với tư cách chủ thể quan hệ pháp luật.
Để được công nhận là một pháp nhân, theo điều 84 Bộ luật dân sự, tổ chức phải có đủ các điều kiện sau:
- Được thành lập hợp pháp
- Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ
- Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và chịu trách nhiệm bằng tài sản đó
- Nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật độc lập
Trong lĩnh vực kinh doanh, pháp nhân tham gia vào các quan hệ kinh doanh được gọi là pháp nhân kinh tế. Khi tham gia vào các quan hệ kinh doanh, hành vi của pháp nhân kinh tế được thực hiện bởi người đại diện hợp pháp của pháp nhân.
b. Tổ chức không là pháp nhân:
Là những tổ chức không đáp ứng đủ các điều kiện tại điều 84 Bộ luật dân sự. Trong lĩnh vực kinh doanh, tổ chức không có tư cách pháp nhân được phép tham gia vào các quan hệ kinh doanh theo quy định pháp luật, thực hiện các hoạt động kinh doanh thông qua người đại diện hợp pháp của tổ chức.
3. Hộ gia đình kinh doanh:
Hộ gia đình kinh doanh thực hiện các hoạt động kinh doanh dưới hình thức pháp lý là Hộ kinh doanh cá thể, bao gồm các thành viên trong gia đình góp tài sản, công sức để hoạt động kinh tế chung trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh do pháp luật quy định.
Khi thực hiện các hoạt động kinh doanh, Hộ gia đình kinh doanh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của cả Hộ, bao gồm cả tài sản riêng của các thành viên trong hộ gia đình kinh doanh nếu tài sản của Hộ gia đình không giải quyết hết các khoản nợ đối với các chủ nợ.
Vai trò, vị trí của luật kinh tế:
a. Cụ thể hóa đường lối của Đảng:
Trong quá trình quản lý xã hội, luật kinh tế là công cụ quản lý kinh tế quan trọng của Nhà nước. Thực hiện chính sách, chủ trương cải cách và chủ trương đổi mới kinh tế của Đảng, Luật kinh doanh đã ghi nhận và thể chế hóa các chính sách, chủ trương của Đảng thành các quy định pháp luật, bảo đảm các quyền và nghĩa vụ pháp lý cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế thị trường như mong muốn của Đảng và Nhà nước.
b. Tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể kinh doanh:
Trong hoạt động kinh doanh, để an tâm bỏ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, các chủ thể kinh doanh luôn đòi hỏi phải được đảm bảo về mặt pháp lý. Luật kinh doanh đã tạo ra hành lang pháp lý, bằng các quy định trong các văn bản pháp luật đã xác lập tính hợp pháp của các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, điều này đã khuyến khích các chủ thể mạnh dạn tham gia đầu tư kinh doanh.
c. Xác định địa vị pháp lý của các chủ thể kinh doanh:
Các chủ thể kinh doanh đều được xác định vị trí pháp lý nhất định khi tham gia hoạt kinh doanh, Luật kinh tế xác lập địa vị pháp lý này cho các chủ thể kinh doanh nhằm đảm bảo tính chủ động trong kinh doanh của các chủ thể kinh doanh phù hợp với quy định pháp luật, ghi nhận vai trò nhiệm vụ của từng loại chủ thể trong hệ thống cơ quan, tổ chức kinh tế, đồng thời cũng giúp các cơ quan nhà nước quản lý hoạt động chủ thể kinh doanh hiệu quả hơn.
d. Điều chỉnh và giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh:
Hoạt động kinh doanh trên thực tế rất đa dạng, phong phú và thường có nhiều quan hệ đan xen với nhau. Luật kinh doanh ghi nhận quá trình xác lập, thực hiện, chấm dứt cùng những hệ quả phải giải quyết đối với các hành vi kinh doanh.
Tranh chấp phát sinh trong kinh doanh là vấn đề tất yếu trong quá trình hoạt động kinh doanh, do đó luật kinh tế đã dự liệu các hình thức giải quyết tranh chấp để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quá trình kinh doanh bằng các chế định về cách thức tổ chức, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của các cơ quan tài phán kinh tế.
Nguồn của luật kinh doanh:
Nguồn của luật kinh doanh là những văn bản pháp luật chứa đựng các quy phạm pháp luật kinh tế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đó là:
a. Hiến pháp:
Xem thêm : Chi phí trung gian (IC – Intermediational Cost) là gì?
Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật có hiệu lực pháp lý cao nhất, mọi văn bản pháp luật khác ban hành phải phù hợp với hiến pháp. Hiến pháp là nguồn có giá trị pháp lý cao nhất của luật kinh tế, trong Hiến pháp 1992, các quy định về chế độ kinh tế mang tính nguyên tắc chỉ đạo việc xác lập các chế định,quy phạm cụ thể của luật kinh tế.
b. Luật, Bộ luật:
Luật, Bộ luật là những văn bản có hiệu lực pháp luật sau Hiến pháp, do Quốc hội ban hành quy định những vấn đề quan trọng trong quản lý kinh tế của Nhà nước và trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, như: Luật doanh nghiệp, luật thương mại…
c. Nghị quyết của quốc hội về kinh tế:
Nghị quyết của Quốc hội là văn bản pháp luật được xem có giá trị pháp lý như là luật, như: Nghị quyết thông qua phương hướng và kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn.
d. Pháp lệnh:
Pháp lệnh là văn bản do Ủy ban thường vu quốc hội ban hành, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội quan trọng khi chưa có luật điều chỉnh. Pháp lệnh chứa đựng các quy phạm pháp luật kinh tế được xem là nguồn của luật kinh tế, như: Pháp lệnh trọng tài thương mại, pháp lệnh chống bán phá giá hang nhập khẩu vào Việt Nam…
e. Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ:
Nghị quyết của Chính phủ được ban hành các chính sách chủ trương, quy định nhiệm vụ, công tác của Chính phủ trong việc thực hiện chức năng quản lý kinh tế- xã hội.
Nghị định của Chính phủ được ban hành nhằm cụ thể hóa các văn bản pháp luật, pháp lệnh, như: Nghị định hướng dẫn thi hành luật doanh nghiệp.
f. Các văn bản Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ, Quyết định, Chỉ thị, Thông tư của Bộ và cơ quan ngang Bộ…
Tóm lược
- Luật kinh doanh (Luật kinh tế) là ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình tổ chức và quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và trong quá trình sản xuất kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh với
- Phương pháp điểu chỉnh của luật kinh doanh là phương pháp mệnh lệnh và phương pháp thỏa thuận bình đẳng.
- Chủ thể của luật kinh tế là những cá nhân và tổ chức có đủ điều kiện để tham gia vào quan hệ kinh doanh, bao gồm: Cá nhân, Tổ chức là pháp nhân, Tổ chức không là pháp nhân và Hộ gia đình kinh
- Vai trò, vị trí của luật kinh doanh: cụ thể hóa đường lối chủ trương của Đảng; tạo hành lang pháp lý cho các chủ kinh doanh; xác định địa vị pháp lý cùa các chủ thể kinh doanh; điều chỉnh và giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh.
- Nguồn của luật kinh doanh gồm các văn bản pháp luật: Hiến pháp; Luật; nghị quyết; Pháp lệnh; Nghị định; quyết định; chỉ thị; thông tư…
Câu hỏi
1: Tại sao Luật kinh doanh (LKT) được xem là một ngành luật trong hệ thống pháp luật VN?
2: Mọi cá nhân, tổ chức đều được luật pháp công nhận là chủ thể kinh doanh?
3: Tại sao nói Luật kinh doanh tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể kinh doanh?
4: Cá nhân người nước ngoài ở Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài có được xem là chủ thể kinh doanh không?
|
Câu hỏi trắc nghiệm: Câu 1: Đối tượng điều chỉnh của Luật kinh doanh là:
Câu 2: Phương pháp điều chỉnh của luật kinh doanh:
Câu 3: Chủ thể luật kinh doanh là:
Câu 4: Văn bản nào sau đây không được xem là nguồn của Luật kinh doanh:
Câu 5: Hành vi của chủ thể kinh doanh là tổ chức, được thực hiện bởi:
Đáp án: 1a; 2d; 3d; 4d; 5b |
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Ảnh Đẹp