Nguyễn An Ninh là ai?
Nguyễn An Ninh – Thần tượng của thanh niên Sài Gòn thập kỷ 20 của thế kỷ XX
Năm 1917. Bóng chiều nhập nhoạng trên Lăng Ông Bà Chiểu. Những đám mây đen vần vũ trên vòm trời. Sấm sét đùng đùng rạch ngang dọc vòm trời như báo hiệu một cơn mưa sắp đến. Những vòm cây chuyển động ào ào. Giữa buổi chiều âm u ấy, có một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề, áo dài the lụa, đầu chít khăn đen, chân đi guốc, dẫn theo một thanh niên chừng mười sáu, mười bảy tuổi vào trong lăng. Thắp nén nhang trên bàn thờ chánh điện, ông nói:
Bạn đang xem: Nguyễn An Ninh là ai?
– Trước khi du học ở Pháp, con hứa điều gì? Cha dặn con sang đó phải cố gắng học thành tài để sau này cứu dân giúp nước, chứ không phải học cho giỏi để làm tôi mọi cho bọn mắt xanh mũi lõ. Con con hứa làm đúng lời cha dạy không?
Cậu con trai đứng chắp tay trước ngực, nhìn nhang khói nghi ngút, lắp bắp:
– Thưa cha, con xin hứa.
Đó là lời thề đầu tiên trong đời của Nguyễn An Ninh. Ông sinh ngày 15/9/1900 tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An) là con trai của nhà nho Nguyễn An Khương và bà Trương Thị Ngự. Từ năm 1916, ông ra Hà Nội học trường Cao đẳng Y dược, nhưng học nửa chừng thì chuyển sang học Luật và cai trị. Học xong năm thứ hai ông lại bỏ học để tìm đường sang Paris. Những năm tháng này, ông theo học Luật tại trường Đại học Sorbonne và bắt đầu hoạt động chính trị. Với ước mơ sau này trở thành nhà hùng biện, một luật sư nên ông ra sức luyện tập phát âm để nói năng lưu loát. Nhờ vậy, tật cà lăm không còn gây khó khăn cho ông nữa. Qua thư giới thiệu của cha, sang Paris ông đã làm quen với những đàn anh như cụ phó bảng Phan Châu Trinh, tiến sĩ Luật Phan Văn Trường, kỹ sư hóa Nguyễn Thế Truyền và nhà báo Nguyễn Ái Quốc. Và họ trở thành nhóm “Ngũ Long” tạo được uy tín lớn trong cộng đồng người Việt tại Pháp.
Ngày 9/5/1922, Nguyễn An Ninh về nước trên chuyến tàu Porthos, với tấm hộ chiếu số 15292 do quận trưởng Seine cấp. Hội Khuyến học Nam Kỳ đã mời ông nói chuyện trước công chúng. Thiên hạ nghĩ rằng, khi xuất hiện ông sẽ ăn mặc theo đúng mốt âu phục thời trang Paris – như hầu hết vương tôn công tử từng du học ở nước ngoài về. Nhưng không, ông lại mặc quốc phục áo dài đen, để đầu trần. Mái tóc cắt bombé bềnh bồng- như dân hippy bụi đời của thập niên 60 – mà lúc đó người ta quen gọi là mái tóc của những nhà triết học.
Không chỉ bằng lối trang phục gây bất ngờ ấy, ông còn khiến công chúng sửng sốt với bài diễn thuyết bằng tiếng Pháp: “Chung đúc một nền học thức cho dân An Nam”. Buổi diễn thuyết này diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 25/1/1923 tạo được tiếng vang trong công chúng. Nguyễn An Ninh kêu gọi mọi người phải thay đổi cách học: Noi theo học thức của Pháp để mở mang dân trí, làm cho giống nòi tráng kiện, mau thoát khỏi ách nô lệ chứ không phải học để ra làm quan! Báo Nông Cổ Mín Đàm có viết bài tường thuật và khen ngợi.
Ngày 22/2/1923, Nguyễn An Ninh sang lại Pháp với mục đích lấy bằng tiến sĩ Luật. Lúc này nhóm Ngũ Long đã phân tán hết. Nguyễn Ái Quốc đi Maxcova, Phan Văn Trường về nước, Phan Châu Trinh về Marseille và mật thám Pháp sục sạo vào bất cứ hoạt động nào của họ. Điều này đã làm mất cảm hứng học tập của Nguyễn An Ninh, nên sau đó ông quay trở về nước. Tại Hóc Môn, ông bắt tay vào dịch tác phẩm Contrat Social (Khế ước xã hội ) của J.J. Rousseau. Như vậy, xét về mặt tuyên truyền có ý thức, triệt để và có hệ thống thì ở Việt Nam, Nguyễn An Ninh xứng đáng đảm nhận vai trò người đi tiên phong gieo mầm mống tích cực của Cách mạng Pháp 1789. Một lần nữa, Hội Khuyến học Nam Kỳ lại mời ông ra nói chuyện với công chúng.
Ngày 15/10/1923, ông xuất hiện với đề tài bằng tiếng Pháp “Lý tưởng của thanh niên An Nam”. Đây là bài nói chuyện quan trọng, trình bày căn bản tư tưởng của ông về nhiều mặt. Ông khẳng định: “Dân tộc nào để một nền văn hóa ngoại bang ngự trị thì không thể có độc lập tự do thật sự. Văn hóa là tâm hồn của một dân tộc”. Theo ông, để xây dựng nền văn hóa Việt Nam, không thể dựa vào tư tưởng học thuyết Khổng Tử đã bị tha hóa theo thời gian trở thành “món hàng xuất khẩu”, cũng không thể tin cậy ở một thứ văn hóa Pháp nông cạn được truyền ở thuộc địa với mục tiêu đào tạo quan lại, công chức cho guồng máy cai trị. Ông chủ trương: “Qua con đường văn hóa châu Âu để hiểu sâu hơn văn hóa Viễn Đông” và “Muốn cứu giống nòi, trước tiên cần phải xây dựng một nền văn hóa cao rộng để khai hóa dân trí. Một dân tộc có nền văn hóa cao vẫn tự do trong nô lệ”. Ông kêu gọi: “Không ai cấm chúng ta phác họa ước mơ, vì từ những ước mơ nhân loại tạo ra biết bao nhiêu công trình vĩ đại trong thực tế. Ước mơ là để hành động. Ước mơ đi! Các bạn hãy ước mơ thật nhiều, nhưng phải hành động” và “Phải dấn thân vào cuộc sống tranh đấu, khơi dậy nguồn sinh lực còn tồn đọng trong chúng ta”. Bên cạnh đó, ông cũng tố cáo gay gắt chính sách khai hóa” của chủ nghĩa thực dân ở các nước thuộc địa. Sau buổi nói chuyện này, ông còn cho phát hành tác phẩm của J.J. Rousseau mà ông vừa dịch xong. Dĩ nhiên, thực dân Pháp không thể chấp nhận. Thống đốc Nam Kỳ Cognacq đã mời ông lên để răn đe, hăm dọa và cấm ông từ nay không được diễn thuyết nữa. Ông trả lời:
– Tôi yêu mến nước Pháp trong tư tưởng của J.J. Rousseau và những nhà triết học ánh sáng đã mở cho tôi thấy sự bình đẳng – công bằng – bác ái. Tôi muốn nói điều đó với đồng bào tôi.
Xem thêm : Chủ nghĩa khắc kỷ (Stoicism) là gì?
– Vậy ông muốn gì? Liệu hồn đấy!
Ông nhã nhặn đáp:
– Tôi chỉ là người đóng vai cái chuông để gióng lên những tiếng chuông cảnh tỉnh đồng bào tôi.
Cognacq gào lên:
– Nhưng tiếng chuông của ông là tiếng chuông nứt, tiếng chuông rè (La cloche Fêlée)!
Không thèm tranh luận, ông nhếch mép mỉm cười. Nụ cười tỉnh bơ ấy khiến Cognacq tái mặt giận dữ:
– Tôi cấm ông cười! Ông từ tốn đáp:
– Nhưng thưa ông Thống đốc! Ông đã cấm chúng tôi đi du lịch, đi ra nước ngoài, hội họp, lập hội, ông đã tước đoạt chúng tôi quyền tự do phát ngôn, tự do tư tưởng, tự do viết. Vậy ông hãy làm ơn để chúng tôi tự do cười!
Sau buổi làm việc này, quay về Hóc Môn, ông vùi đầu nghiên cứu sắc luật báo chí ký ngày 30/12/1898 và đạo luật ngày 19/7/1881 để ra tờ báo hợp pháp tiếp tục trình bày tư tưởng của mình. Căn cứ vào đó, ông quyết định nhờ nhà báo người Pháp là Eugène Dejean de la Bâtie đứng tên quản lý tờ báo lấy tên La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè) – số đầu tiên ra ngày 10/12/1923. Với tờ báo này, Nguyễn An Ninh vừa là giám đốc sáng lập, vừa là ký giả kiêm luôn thợ sắp chữ nhà in… Rồi khi báo in xong, ông cũng là người ôm từng chồng báo rao bán khắp phố phường Sài Gòn! Đây cũng là hiện tượng độc đáo trong làng báo Việt Nam xưa nay. Mục tiêu của tờ báo là tấn công vào chính sách của chế độ thuộc địa nên bị nhà cầm quyền tìm mọi cách để đình bản.
Ngày 10/1/1925, Nguyễn An Ninh lại sang Pháp để đưa cụ Phan Châu Trinh về nước. Thời gian ở Pháp, ông cho xuất bản quyển sách tiếng Pháp “Nước Pháp ở Đông Dương” lên án thực dân Pháp không làm đúng theo sứ mệnh khai hóa như đã hứa hẹn mà còn phá hủy ý thức dân chủ của xã hội Việt Nam. Ông chủ trương: “Muốn chống trả lại một tổ chức đàn áp hiện đại thì phải có một tổ chức kháng cự hiện đại. Hiện đại ở đây là đưa nhiều người An Nam sang nước Pháp để tham quan cuộc sống châu Âu và tìm hiểu bí quyết sức mạnh của họ. Và đem về nước những tư tưởng dân chủ châu Âu, ý thức phê phán của châu Âu”. Với những lý lẽ sắc bén và đầy thuyết phục, tập sách “Nước Pháp ở Đông Dương” của Nguyễn An Ninh và Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Aùi Quốc cùng phát hành tại Paris năm 1925 là hai bản cáo trạng hùng hồn nhất đánh thẳng vào “sứ mệnh khai hóa” của thực dân Pháp ở Đông Dương. Ngày 26/6/1925, Phan Châu Trinh cùng Nguyễn An Ninh có mặt ở Sài Gòn.
Trở về nước, ông đã giao tờ báo này cho Phan Văn Trường đứng tên chủ nhiệm. Ngay từ số tục bản đầu tiên, Ban biên tập đã cho in Tuyên cáo gửi đồng bào toàn quốc, kêu gọi quần chúng biểu tình trao tập Nguyện vọng của dân An Nam cho Toàn quyền Varenne nhân dịp y đến thuộc địa. Qua các số báo sau, họ lại cho in truyền đơn kêu gọi quần chúng mit-tinh phản đối nhà cầm quyền trục xuất sinh viên Trương Cao Động ra khỏi Nam Kỳ. Đã có hơn 3.000 quần chúng hưởng ứng lời kêu gọi này. Sau buổi mit-tinh này, họ cho phát truyền đơn Báo cho Chánh phủ biết với 5 yêu cầu như đòi tự do báo chí, lập trường dạy học, du học v.v… Những việc làm này không qua được tai mắt của Thống đốc Nam Kỳ, y hạ lệnh phải bắt ngay những kẻ gây ra phiến loạn động trời này. Lúc 2 giờ trưa ngày 24/3/1926, mật thám về Hóc Môn vây bắt Nguyễn An Ninh và tống giam ở Khám Lớn Sài Gòn.
Bảy tiếng đồng hồ sau khi ông ngồi tù thì Bùi Quang Chiêu về nước, rồi qua ngày hôm sau, cụ Phan Châu Trinh tạ thế. Tất cả tạo nên một làn sóng biểu tình dữ dội đòi thả tự do cho Nguyễn An Ninh và hàng ngàn người xuống đường đưa tang bậc ái quốc về nơi an nghỉ cuối cùng. Lúc này, tờ báo La Cloche Fêlée vẫn tồn tại nhưng đổi tên thành L’Annam cũng do Phan Văn Trường làm chủ nhiệm – số đầu tiên phát hành vào ngày 6/5/1926 với tôn chỉ: “Dân chi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”.
Xem thêm : Acc PayPal Free 2023, Cho Tài Khoản PayPal Miễn Phí
Ngày 1/7/1927, Nguyễn An Ninh được thả tự do, nhưng thực dân theo dõi rất ngặt. Trước tình thế này, ông tìm đường sang Pháp lần thứ ba, lần đi này còn có cả Tạ Thu Thâu. Sang đó một thời gian ngắn, ông trở về nước cùng gia đình Nguyễn Thế Truyền. Bọn mật thám vẫn theo dõi ráo riết. Chúng đóng cửa tờ L’ Annam và kết án Phan Văn Trường hai năm tù. Để qua mắt chúng, Nguyễn An Ninh cạo đầu trọc, mặc áo nâu sòng, sống như tu sĩ xa lánh việc đời. Ai đến thăm hỏi hoặc dò xét thì chỉ nghe ông nói chuyện đạo. Nhưng thật ra, đây là lúc ông bắt tay vào viết vở tuồng Hai Bà Trưng để làm cương lĩnh cho Đảng Thanh niên Cao vọng mà ông đang là người chủ trương. Qua đó, ta thấy tư tưởng của Nguyễn An Ninh đã khác trước, lần này ông cho rằng muốn lật ách thống trị của ngoại bang chỉ có thể tiến hành theo phương pháp dùng bạo lực vũ trang.
Sách vừa in xong thì lập tức bị tịch thu. Không nản chí, ông cùng Phan Văn Hùm đạp xe đi tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, dưới hình thức là phổ biến sách tôn giáo. Trong buổi chiều từ ga Bến Lức về Sài Gòn, bị Cai Nên vô cớ làm khó dễ, hai ông đánh Cai Nên nên sau đó cả hai bị bắt giam ở Khám Lớn. Đây cũng là lúc mà thực dân thẳng tay đàn áp Đảng Thanh niên Cao vọng. Ngồi tù đúng ba năm, ngày 3/10/1931, Nguyễn An Ninh mới được thả tự do. Ra tù, ông bắt tay vào viết quyển Tôn giáo – khẳng định lúc này không thể trốn vào trong vỏ bọc “mộng tưởng” của tôn giáo mà xa lánh chuyện đời. Một lần, đi trong phái đoàn của Tổng trưởng Bộ thuộc địa đến Sài Gòn, nữ nhà báo André Viollis đã về tận Hóc Môn thăm Nguyễn An Ninh. Qua đó, ông đã cung cấp tài liệu để sau này cô ta hoàn thành tác phẩm nổi tiếng Indochine S.O.S (Đông Dương cấp cứu). Chính sự gặp gỡ này mà Nguyễn An Ninh lại tiếp tục bị gây khó dễ. Trong không khí ngột ngạt đó, ông đã rủ Nguyễn Văn Trân – kinh tài cho Trung ương Đảng Cộng sản dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hà Huy Tập – đi khắp Nam Kỳ lục tỉnh để rao bán dầu cù là. Thật ra, đây là thời điểm mà ông giới thiệu đảng viên Đảng Thanh niên Cao Vọng và quần chúng cách mạng cho Đảng Cộng sản – điều này đã đóng góp to lớn trong việc phát triển Đảng Cộng sản ở Nam Kỳ.
Cuối tháng 10/1932, Nguyễn An Ninh bàn với Nguyễn Văn Tạo mua lại tờ Trung Lập để tiếp tục hoạt động chính trị trên trường văn trận bút. Với tài làm báo của ông, Trung Lập được quần chúng tín nhiệm và bán chạy. Cùng lúc, để vận động cho các đảng viên Đảng Cộng sản ra tranh cử Hội đồng thành phố, ông lại xin ra tờ báo mới có tên là La Lutte (Tranh Đấu). Mặc dầu sau đó thắng lợi trong bầu cử, nhưng cả hai tờ báo đều bị đình bản. Riêng tờ La Lutte, mãi đến ngày 4/10/1934 mới được tục bản. Tình hình chính trị ở Đông Dương đang có thay đổi theo chiều hướng sáng sủa hơn. Từ bên Pháp, Mặt trận Bình dân chiếm ưu thế với sự trúng cử của Léon Blum. Lợi dụng thắng lợi này, báo chí Sài Gòn nhanh chóng nêu câu hỏi: “Đông Dương có hy vọng gì ở chánh phủ Bình dân?”. Từ Paris, nữ nhà báo Viollis cùng những người bạn Pháp đã gửi cho Nguyễn An Ninh một lá thư mà ông cho in ngay trên tờ La Lutte số 4/2/1936 tạo tiếng vang tốt trong dư luận. Đó là thư gửi ông Bộ trưởng Bộ thuộc địa yêu cầu ân xá những người tù chính trị, như luồng gió thổi vào không khí chính trị đang ngột ngạt… Liên tiếp trên nhiều số báo sau, Nguyễn An Ninh đã đặt vấn đề công khai và kêu gọi tiến tới đại hội Đông Dương. Sau khi công bố danh sách ủy ban hành động gồm có: Trần Văn Thạch, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Nguyễn, Phan Văn Hùm và Nguyễn An Ninh thì thực dân Pháp quyết định đàn áp. Chúng bắt giam những cây bút chủ lực của nhóm La Lutte tại Khám Lớn. Đây là lần thứ ba Nguyễn An Ninh ngồi tù.
Ngày 26/10/1936, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu và Nguyễn Văn Tạo tuyên bố tuyệt thực. Sức khỏe của họ yếu dần, nhà cầm quyền phải đưa vào bệnh viện Chợ Quán. Vào đây cuộc tuyệt thực vẫn tiếp diễn. Và cái chết có thể đến dần trong khoảnh khắc, đến mức báo động. Đúng 17 giờ ngày 5/11/1936 thực dân Pháp phải đưa xe nhà nước số CX.12 vào tận nhà thương chở cả ba người về trả lại tòa soạn báo La Lutte! Ra khỏi tù, nhóm La Lutte bất đồng quan điểm nên Nguyễn An Ninh bỏ về Hóc Môn. Thời gian này, ông bắt đầu viết quyển Phê bình Phật giáo theo quan điểm Duy vật biện chứng nhằm vạch mặt trò mị dân “chấn hưng Phật giáo” đang diễn ra từ Nam chí Bắc. Trước đây, Đảng Cộng sản tìm mọi cách để bắt liên lạc với ông, vận động ông vào Đảng nhưng ông từ chối với lý do: “- Tôi ở ngoài Đảng, vận động tuyên truyền có lợi cho cộng sản hơn là vào Đảng. Tôi không vào Đảng mà đã bị bọn thực dân nghi ngờ là cộng sản rồi, việc tuyên tuyền vận động quần chúng của tôi đã bị bó hẹp nhiều. Vì vậy nếu tôi vào Đảng rất khó hoạt động…”. Nhưng lần này thì dù không vào Đảng, ông vẫn đồng ý cùng với Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn tìm cách ra tờ L’ Avant Garde (Tiên Phong) do Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo. Ngày 7/5/1937, ông cùng Nguyễn Văn Nguyễn đi vận động tài chính cho tờ báo này, xuống Càn Long( Trà Vinh) gặp lúc nông dân biểu tình, cả hai đều tham gia diễn thuyết. Thực dân Pháp nổ súng đàn áp. Chúng bủa lưới vây bắt được Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Tạo… rồi ra lệnh truy nã Nguyễn An Ninh.
Rạng sáng ngày 4/9/1937, lúc ông đang ngủ tại tại nhà ông Võ Văn Tồn, ấp Lò Gạch, xã Long Hiệp thì bị cảnh sát bao vây. Đây là lần thứ tư ông ngồi tù. Mãi đến ngày 18/2/1939 ông mới được thả tự do, nhưng sau đó phải xuống Mỹ Tho theo quy định 5 năm biệt xứ của tòa án. Mặc dù bị quản thúc, nhưng ông vẫn cộng tác với báo Công Luận, Dân Chúng của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1939 này, Đảng Cộng sản chủ trương đưa đại biểu tham gia ứng cử Hội đồng quản hạt: “Vô luận là cuộc bầu cử gì, Đảng ta có thể tham gia là nên tham gia. Chúng ta cần lợi dụng các thời kỳ tranh cử mà tuyên truyền khẩu hiệu của ta, phải lợi dụng vào các cơ quan gọi là lập hiến mà bênh vực cho quyền lợi của dân chúng và các tầng lớp dân chúng bị áp bức”. Do đó, Nguyễn Thị Minh Khai thay mặt Xứ ủy Nam Kỳ mời Nguyễn An Ninh ra ứng cử, đứng chung tên với Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai thuộc sổ Dân Chúng. Còn bên nhóm La Lutte thì Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch đứng chung sổ Tranh Đấu. Ngoài ra còn có thêm ba sổ khác nữa của những tên thân với Pháp. Kết quả là sổ Tranh Đấu thắng thế nhưng Tòa tố tụng Đông Dương tuyên bố hủy bỏ kết quả.
Tình hình chính trị ngày càng ngột ngạt. Đầu tháng 9/1939, bọn phát-xít tấn công nước Pháp, tràn qua chiến lũy Miginot. Tình hình Đông Dương như dầu sôi lửa bỏng. Thống đốc Nam Kỳ ký hàng loạt Nghị định đàn áp, bắt bớ những người “ương ngạnh cứng đầu”. Sáng ngày 5/10/1939, viên thanh tra mật thám đại diện Sở mật thám Nam Kỳ đến thẳng nhà Nguyễn An Ninh, trình giấy của biện lý rồi bắt ông, áp giải về Sài Gòn. Ngày 10/12/1942, chúng đày ông ra Côn Đảo. Tại “địa ngục trần gian”, sức khỏe của ông ngày càng suy sụp.
Đêm 14/8/1943, sau khi mua chuộc không được, chúng đã hèn hạ thủ tiêu ông. Nguyễn An Ninh vĩnh viễn từ giã trần gian này, sau 43 năm sống trọn vẹn cho lý tưởng mà ông đã chọn. Về những năm tháng sống ở Côn Đảo, sau này ông Nguyễn Văn Linh – nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam – nhớ lại:
– Tôi đã nghe nhiều người ca tụng Nguyễn An Ninh. Năm 1938, tôi có dịp được sống gần ông ở Mỹ Tho. Từ năm 1939 tôi và ông bị đế quốc Pháp đày đọa ở Côn Đảo cho đến khi ông hy sinh. Nguyễn An Ninh là nhà yêu nước vĩ đại. Là một trí thức tầm cỡ, nếu chịu khuất phục bọn đế quốc thì chắc chắn ông sẽ giàu có và sống vương giả. Nhưng vì yêu nước, thương dân, ông đã đi vào quần chúng lao khổ, vận động họ chống lại đế quốc và tay sai. Ở trong tù, Nguyễn An Ninh luôn luôn đoàn kết với chúng tôi, những người cộng sản, để chống lại bọn cai ngục dã man. Khi ông lâm bệnh mất đi, chúng tôi đã cử lễ truy điệu rất trang trọng và thương tiếc nhà chí sĩ Nguyễn An Ninh, nhà yêu nước vĩ đại. (Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 14/8/1993.).
Còn ông Phạm Văn Đồng – nguyên Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – khẳng định:
– Nguyễn An Ninh có tầm vóc một nhà lãnh đạo một cuộc cách mạng, cho nên chúng ta phải ghi nhớ những cống hiến quan trọng của một nhân vật có tầm vóc lịch sử. (Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 14/8/1993.).
Có thể nói, hình ảnh Nguyễn An Ninh là thần tượng của thế hệ thanh niên Sài Gòn những thập niên 1920. Không những là con người của hành động tích cực, Nguyễn An Ninh còn là một nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà hùng biện cổ động và tuyên truyền cho phong trào cách mạng quần chúng. “Tôi là người cộng sản độc lập” như chính ông đã từng nói. Nếu Nguyễn An Ninh đã giữ đúng lời thề đầu tiên với cha lúc ở Lăng Ông bà Chiểu thì ông cũng giữ đúng lời thề với lòng mình qua bài thơ cuối cùng viết ở Côn Đảo:
Sống mà vô dụng sống làm chi
Sống chẳng lương tâm, sống ích gì?
Sống trái đạo người, người thêm tủi
Sống quên ơn nước, nước càng khi
Sống như tai điếc lòng đâm thẹn
Sống mắt dường đui, dạ thấy kỳ
Sống sao nên phải, cho nên sống
Sống để muôn đời sử tạc ghi
Chết sao danh tiếng vẫn còn hoài
Chết đáng là người đủ mắt tai
Chết được dựng hình tên chẳng mục
Chết đưa vào sử chữ không phai
Chết đó rõ ràng danh sống mãi
Chết đây, chỉ chết cái hình hài
Chết vì Tổ quốc đời khen đẹp
Chết cho hậu thế đẹp tương lai
(Nguồn: Lê Minh Quốc, Kể chuyện danh nhân Việt Nam, Tập 10, Các nhà chính trị, NXB Trẻ)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức