Quy tắc 7-38-55 trong giao tiếp (Mehrabian )
Albert Mehrabian sinh năm 1939. Ông là người Mỹ nhưng gia đình ở Iran. Hiện tại, ông là giáo sư danh dự của UCLA (Đại học California ở Los Angeles). Ông là người đầu tiên (năm 1971) nghiên cứu về mối quan hệ giữa các thông điệp lời nói và không lời trong giao tiếp và nổi tiếng với công thức 7%-38%-55%.
Trong các nghiên cứu của mình, Mehrabian đưa ra hai kết luận:
Thứ nhất, có ba thành tố cơ bản trong giao tiếp trực tiếp:
- Ngôn từ, lời (words)
- Âm sắc của giọng nói (tone)
- Hành vi không lời (biểu lộ của nét mặt)
Xem thêm : Khảo sát thực địa (Field survey) là gì?
Thứ hai, các thành tố phi ngôn ngữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao tiếp bằng cảm xúc và thái độ, đặc biệt là khi chúng không thích hợp, không phù hợp với nhau:
Nếu ngôn từ không thống nhất với âm sắc giọng nói và hành vi không lời thì người ta có xu hướng không tin vào từ mà tin vào âm sắc và hành vi không lời. Trong trường hợp đó, vai trò của từng thành tố tuân theo quy tắc 7-38-55.
Chẳng hạn, khi xuất hiện một “mâu thuẫn trong giao tiếp”: khi nét mặt và giọng điệu của ta không đi đôi với lời ta nói. Ví dụ, đối tác giao tiếp nói với ta “Tôi đang lắng nghe anh nói đây”. Nhưng mắt anh ta liên tục nhìn vào đồng hồ đeo tay và liếc ra ngoài cửa. Trong tình huống đó, Mehrabian cho thấy người nhận thông tin giao tiếp sẽ chấp nhận các hình thức chủ yếu của giao tiếp không lời (38% + 55%) chứ không phải nghĩa đen của từ (7%) và do đó sẽ tin vào những cử chỉ không lời của anh ta và tin rằng, anh ta đang không thực sự lắng nghe chúng ta nói.
Hiểu được những kiến thức của Mô hình Mehrabian sẽ rất có lợi trong việc trao đổi e-mail, khi ta đang muốn truyền tải những thông tin có tính nhạy cảm hay thông tin có tính cảm xúc. Nét mặt hay giọng điệu của ta đều vô dụng trong tình huống này, cho nên cần cẩn trọng hơn nữa trong việc chắt lọc từ ngữ cho phù hợp. Bởi vì việc thiếu đi hai công cụ đắc lực kia rất có thể khiến cho thông điệp của ta bị hiểu sai. Điều này đặc biệt quan trọng khi ta phải nói về những vấn đề có liên quan đến tình cảm, cảm xúc.
Mô hình Mehrabian cũng tỏ ra hữu ích khi giao tiếp trên điện thoại. Nên nhớ: khi không thể biểu đạt được bằng nét mặt thì giọng điệu và vốn từ của ta lại đóng vai trò cốt lõi. Cẩn thận tối đa hai yếu tố này, đảm bảo sao cho chúng khớp với mục đích và thông điệp thật sự của ta.
Xem thêm : Bản chất và vai trò của tài chính doanh nghiệp
Chúng ta cũng có thể sử dụng mô hình Mehrabian để làm kim chỉ nam cho hành động của mình. Ví dụ: Thử tưởng tượng khi chúng ta phải thông báo một tin không mấy dễ chịu cho đồng nghiệp của mình. Chúng ta buộc phải phê bình phong cách làm việc của anh ta. Nhưng thay vì gọi điện hay e-mail cho nhanh thì chúng ta cần chọn cách đối thoại trực tiếp, bởi lẽ khi đối thoại trực tiếp, chúng ta sẽ được tự do thể hiện nét mặt, giọng nói cũng như ngôn ngữ cơ thể thể để có thể hoàn toàn chuyển tải được thông điệp với độ chính xác cao nhất, tránh được những rủi ro không đáng có. Từ đó chúng ta nhanh chóng đánh giá được phản ứng của người đồng nghiệp để điều chỉnh cách trình bày thông điệp một phù hợp hơn.
Mô hình Mehrabian còn áp dụng được trong những cuộc họp. Hãy hình dung cảnh ta đang thuyết trình một dự án đầy tâm huyết, khi ta đưa ra cam kết về dự án đó, chính ngôn ngữ cơ thể và nét mặt của ta sẽ tăng thêm sức thuyết phục cho lời ta nói bởi nó giúp ta bộc lộ được nhiệt huyết của mình.
Mô hình giao tiếp Mehrabian giúp chúng ta ý thức được tầm quan trọng to lớn của nét mặt và âm điệu giọng nói về việc giúp truyền tải chính xác thông điệp ta đưa ra. Tuy nhiên, mô hình này có một số hạn chế. Các thí nghiệm của ông diễn ra trong điều kiện nhân tạo chứ không phải điều kiện của cuộc sống thực; các thí nghiệm chỉ sử dụng hai hoặc ba người, trong khi thực tế giao tiếp số lượng người tham gia có thể lớn hơn; mô hình giao tiếp được sử dụng quá đơn giản; v.v.
Tuy còn có những hạn chế, nhưng mô hình của Mehrabian khẳng định rằng, điều quan trọng trong khi giao tiếp là chúng ta cần phải tạo nên sự thống nhất. Đó là ngôn ngữ cơ thể phải phù hợp với nội dung lời nói mà chúng ta sử dụng. Nếu không hiệu quả giao tiếp sẽ không được như chúng ta mong muốn. Trong trường hợp không có sự thống nhất giữa nội dung lời nói và ngôn ngữ không lời dẫn đến hiệu quả giao tiếp kém thì đó là lỗi của chúng ta chứ không phải lỗi người tiếp nhận thông tin.
(Nguồn: Sưu tầm)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức