Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1954-1975)

0

Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1954-1975)

1- Nguyên nhân thắng lợi

Trải qua hơn 20 năm, với 5 đời Tổng thống kế tiếp nhau (Aixenhao, Kennơđi, Giônxơn, Níchxơn, Pho) và 4 chiến lược chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới (“chiến tranh một phía”, “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “chiến tranh Việt Nam hoá”), đế quốc Mĩ đã huy động một khối lượng rất lớn về người và của vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Vào thời điểm cao nhất, chúng sử dụng 55 vạn quân viễn chinh, 7 vạn quân đồng minh, 110 vạn quân ngụy; ném xuống hai miền Nam – Bắc Việt Nam 7,8 triệu tấn bom đạn; tiêu tốn khoảng 676 tỉ đôla và nếu tính cả chi phí gián tiếp thì con số đó lên tới 920 tỉ đôla…, nhưng cuối cùng chúng đã phải chấp nhận thất bại thảm hại. Nhân dân ta đã giành được thắng lợi to lớn và trọn vẹn.

Thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước là do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan tạo nên. Trước hết, thắng lợi đó là kết quả của đường lối chính trị – quân sự đúng đắn và phương pháp cách mạng khoa học, sáng tạo do Đảng ta đề ra.

Thấm nhuần quan điểm cách mạng của chủ nghĩa Mác -Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng và mở rộng khối đoàn kết toàn dân. Việc xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (9-1955), Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (12-1960) và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam (4-1968) là những biểu hiện cụ thể chứng minh điều ấy.

Luôn giương cao và kết hợp ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một trong những tư tưởng cơ bản, có tính xuyên suốt của Đảng ta. Tư tưởng này được thể hiện một cách sinh động ở đường lối thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Hai chiến lược cách mạng có quan hệ chặt chẽ, không tách rời nhau và tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển. Với đường lối đó, cách mạng nước ta đã kết hợp được sức mạnh chiến đấu của tiền tuyến lớn với sức mạnh của hậu phương lớn; kết hợp được cuộc chiến đấu của nhân dân ta với cuộc đấu tranh của các lực lượng cách mạng trên thế giới.

Đường lối chính trị – quân sự đúng đắn còn thể hiện ở chỗ, Đảng ta biết tạo ra sức mạnh to lớn để đánh Mĩ và thắng Mĩ. Sức mạnh tổng hợp này được tạo thành bởi sức mạnh của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh ba dòng thác cách mạng của thời đại, sức mạnh của tiến công kết hợp với sức mạnh của nổi dậy, của đánh lớn , đánh vừa và đánh nhỏ . . . Trong quá trình lãnh đạo cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam, Đảng ta luôn thực hành được tư tưởng chiến lược tiến công theo phương châm đánh lùi địch từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới đánh đổ chúng hoàn toàn.

Thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, đoàn kết, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, truyền thống đó được phát huy cao độ, tạo nên sức mạnh to lớn cho quân và dân ta lần lượt đánh bại từng chiến lược chiến tranh của Mĩ – ngụy và cuối cùng giành thắng lợi hoàn toàn. Sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước. Trải qua 20 năm thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc không ngừng tăng lên; sự nhất trí về chính trị tinh thần ngày càng được phát huy cao độ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Nhờ đó, miền Bắc luôn làm tròn vai trò hậu phương lớn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước còn do chúng ta có sức mạnh của khối đoàn kết chiến đấu ngày càng bền chặt giữa nhân dân ba nước Đông Dương; sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em; sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Mĩ.

2- Ý nghĩa lịch sử

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước với đỉnh cao là Đại thắng Xuân 1975 đã chấm dứt tình trạng chiến tranh kéo dài 30 năm trên đất nước ta. Lần đầu tiên sau 117 năm, đất nước ta sạch bóng quân xâm lược. Bắc – Nam được sum họp một nhà; non sông nối liền một dải. Cách mạng nước ta từ chỗ thực hiện đồng thời hai chiến lược đã chuyển sang thời kì thực hiện một chiến lược duy nhất, đó là chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa trong cả nước. Một kỉ nguyên mới được mở ra trong lịch sử dân tộc ta: kỉ nguyên độc lập, thống nhất và cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước có ý nghĩa thời đại rất sâu sắc. Đây là một đòn giáng mạnh đập tan cuộc phản kích lớn nhất của tên đế quốc đầu sỏ vào các lực lượng cách mạng từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phá vỡ phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mĩ hòng ngăn chặn làn sóng cách mạng ở khu vực Đông Nam á, góp phần làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng. Thắng lợi của dân tộc ta đã chứng minh một chân lí: Trong thời đại ngày nay, một dân tộc thuộc địa dù nhỏ bé, nhưng nếu biết đoàn kết và quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, có đường lối chính trị – quân sự đúng đắn và phương pháp cách mạng khoa học, sáng tạo, thì hoàn toàn có khả năng đánh bại mọi thế lực đế quốc xâm lược. Do đó, nó có sức cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa trên thế giới.

Thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

(Lytuong.net – Nguồn tài liệu: Nguyễn Xuân Minh, Lịch sử Việt Nam 1945-2000, NXB Giáo dục)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.