Phong trào Duy Tân ở Trung Quốc cuối thế kỷ XIX
Trước sự tăng cường xâu xé của các nước đế quốc, Trung Quốc ngày càng rơi sâu xuống vũng bùn của chế độ nô dịch làm cho mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân với bè lũ đế quốc ngày một sâu sắc. Thái độ đớn hèn, đầu óc ích kỷ vì quyền lợi giai cấp của bọn phong kiến Mãn Thanh là nguyên nhân chủ yếu đưa Trung Quốc vào tình trạng bi đát đó. Vì vậy, trong xã hội bắt đầu xuất hiện trào lưu tư tưởng mới đòi hỏi cải cách chế độ, canh tân đất nước để Trung Quốc sớm thoát khỏi vòng nô lệ. Phong trào Duy tân cuối thế kỷ XIX phản ánh rõ nét trào lưu tư tưởng đó.
Nội Dung
1. Khang Hữu Vi và sự hình thành phái Duy Tân
Khang Hữu Vi sinh năm 1858, ở huyện Nam Hải tỉnh Quảng Đông, trong một gia đình địa chủ quan liêu. Ông là linh hồn của phong trào Duy tân hồi cuối thế kỷ XIX của Trung Quốc, là trí thức tiến bộ lúc bấy giờ. Năm 1895, Khang Hữu Vi vào kinh thi giữa lúc triều đình Mãn Thanh ký điều ước Mã Quan đầu hàng nhục nhã. Phẫn uất trước sự kiện này, ông đã khởi thảo “Bức thư vạn chữ” (Vạn ngôn thư), có 1300 thí sinh ký tên, đề nghị không phê chuẩn hiệp ước này và đòi tiến hành cải cách làm cho đất nước giàu mạnh. Việc làm của ông đã gây chấn động lớn ở kinh thành. Khang Hữu Vi thi đỗ tiến sĩ, được bổ làm ở bộ Công nên có cơ hội hoạt động cho chủ trương Duy tân của ông.
Bạn đang xem: Phong trào Duy Tân ở Trung Quốc cuối thế kỷ XIX
Tháng 6 năm 1896, ông đưa thư đề nghị biến pháp. Tình cờ, thư này đến tay vua Quang Tự, được Quang Tự đồng tình; nên từ đó, hoạt động Duy tân càng có thế phát triển.
Để chuẩn bị lý luận, tư tưởng và tổ chức cho công cuộc biến pháp, tháng 7-1896 ông ra báo Trung ngoại ký văn tuyên truyền tư tưởng Duy tân. Tháng 8-1896 ông tổ chức Cường học hội. Khang Hữu Vi cùng học trò ưu tú của ông là Lương Khải Siêu và phái Duy tân đi tuyên truyền diễn thuyết khắp nơi. Tổ chức Cường học hội được thành lập ở nhiều tỉnh lớn như Thượng Hải, Nam Kinh v.v… Phái thủ cựu lo sợ trước ảnh hưởng của tư tưởng Duy tân, tháng 1-1897 ra lệnh cấm các hội này. Tuy vậy, phái Duy tân vẫn hoạt động mạnh mẽ. Các tổ chức Duy tân được thành lập ở khắp nơi (bằng những tên gọi khác).
Phong trào Duy tân chủ yếu chỉ hoạt động trong tầng lớp quan lại, sĩ phu có ý thức tiếp thu tư tưởng biến cách, tầng lớp địa chủ tiến bộ, phú thương và tư sản dân tộc mới lớn lên. Phong trào này không đi sâu vào quần chúng nhân dân lao động, không động viên và cũng không muốn dùng lực lượng nhân dân làm hậu thuẫn cho biến cách. Có thể nói tư tưởng Duy tân của Trung Quốc lúc bấy giờ là đại diện cho tư tưởng tư sản tự do, mong xã hội biến đổi theo ước muốn hạn chế của họ.
Nội dung cương lĩnh hoạt động của phong trào Duy tân là :
– Kinh tế:
a/ Chủ trương bảo hộ và khuyến khích công thương nghiệp, lập hộinông nghiệp. Mua sách báo và du nhập kỹ thuật của phương Tây, tăng cường mua máy móc và tiến hành khai hoang.
Phái Duy tân đề nghị lập ra cục thương vụ, xây dựng các xưởng chế tạo máy móc và cho thương nhân tự do lập công xưởng. Chú trọng lập xưởng chế tạo súng đạn.
b/ Quản lý và xây dựng đường sắt, tiến hành khai mỏ. Tất cả công việc này do chính phủ quản lý chung.
c/ Khuyến khích phát minh khoa học kỹ thuật
d/ Chỉnh đốn và quản lý tài chính
– Chính trị:
a/ Cho phép mọi người được tham gia ý kiến với triều đình về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội v.v…
Xem thêm : Mức độ đánh giá – Thang tỉ lệ – Các loại thang đánh giá
b/ Cách chức các quan lại bất lực, tham nhũng.
Cơ sở để xây dựng chế độ chính trị dựa trên nguyên tắc “Hán Mãn bất phân, quân dân cộng trị”
– Quân sự:
a/ Kiểm soát chặt chẽ lực lượng vũ trang và cho xây dựng đoàn luyện.
b/ Xây dựng quân đội theo kiểu các nước phương Tây.
– Văn hóa giáo dục:
a/ Lập trường học, tổ chức học theo kiểu phương Tây.
b/ Cải cách chế độ thi cử, bỏ lối thi bát cổ.
c/ Mở nhà in, in sách báo.
d/ Cử người đi học ở nước ngoài.
Xem trên, có thể thấy rằng phái Duy tân muốn thông qua con đường cải cách ôn hòa để cải tạo quan hệ sản xuất, mở đường cho sức sản xuất mới phát triển. Giai cấp tư sản dân tộc Trung Quốc ra đời trong hoàn cảnh của một nước bị nô dịch nên yếu ớt, không có thế lực chính trị, lực lượng kinh tế chẳng có là bao, lại thêm quan hệ ràng buộc với phong kiến và đế quốc về mọi mặt, không thể nào đề ra những biện pháp tích cực được.
Cuộc vận động Duy tân tuy chủ trương rất ôn hòa, song nó vấp phải sự chống đối rất mạnh của phái thủ cựu trong giai cấp phong kiến. Phái thủ cựu gọi là “Hậu đảng” là phái ngoan cố do Từ Hy thái hậu đứng đầu, gồm hầu hết bọn quan lại triều Thanh. Chúng chống đối cải cách rất quyết liệt, chủ trương “thà mất nước chứ không biến pháp”. Lực lượng của chúng lại rất mạnh, nắm hết quyền bính, bộ máy chính quyền và lực lượng võ trang trong tay.
Quang Tự (1870) tuy làm vua nhưng chỉ là hư vị, thực quyền đều nằm trong tay Từ Hy thái hậu. Mẹ của vua Quang Tự là em ruột của Từ Hy. Quang Tự lên ngôi khi chưa đầy 4 tuổi. Trước năm 1886, quyền hành đều do Từ Hy nắm, mọi việc đều tâu thái hậu trước, sau mới cho Quang
Tự biết. Năm 1889, Quang Tự 19 tuổi. Từ Hy thái hậu muốn tránh dư luận về việc chiếm quyền nên quy định tâu vua trước, báo cho thái hậu sau. Nhưng thực tế vẫn như cũ, Quang Tự chỉ là bù nhìn, quyền hành vẫn thuộc về thái hậu. Chính vì lý do trên, nên cuộc đấu tranh cải cách rất gay go, va chạm rất mạnh đến quyền lợi thiết thân của hai phái trong giai cấp phong kiến.
Vua Quang Tự đứng đầu phái Hoàng đế, trước nguy cơ dân tộc thì tán thành cải cách, đồng thời cũng muốn thông qua cuộc biến cách để giành quyền lực về cho mình. Nhưng họ không có thực quyền chính trị, không nắm quân đội, lại không dựa vào nhân dân, nên lực lượng yếu ớt. Trong phái Duy tân còn có một bọn quan liêu cơ hội tham gia, ngoài mặt thì tán thành, nhưng trong bụng thì phản đối. Khi phái Duy tân bị tấn công, nó liền trở mặt tố giác. Điều đó càng làm cho cuộc đấu tranh thêm khó khăn phức tạp.
2. “Bách nhật Duy tân” và thất bại của cuộc vận động (11/6/1898 – 21/9/1898)
Xem thêm : Inđônêxia và Sự xâm lược của thực dân phương Tây
Từ mùa hạ đến mùa thu năm 1898 (Mậu Tuất), vua Quang Tự liên tục ban hành một số pháp lệnh như mở trường học, làm đường sắt, cải cách chế độ quan lại, giảm biên chế các tổ chức hành chính. Nhưng lúc bấy giờ, quan lại thuộc phái thủ cựu nắm nhiều chức vụ ở trung ương cũng như ở địa phương. Mặc dù mệnh lệnh rất nhiều, nhưng cấp dưới đều không nghe, không thực hiện. Cuộc đấu tranh giữa hai phái rất quyết liệt. Phái thủ cựu không chỉ ngăn chặn thực hiện cải cách mà còn muốn đánh đổ phái này từ gốc. Cuộc đấu tranh đã diễn ra trong suốt cả quá trình 103 ngày.
Một bên, phái thủ cựu do Từ Hy thái hậu đứng đầu, nắm lấy quân đội, thanh trừ quan lại có tư tưởng Duy tân, chuẩn bị đảo chính nhân ngày lễ duyệt binh ở Thiên Tân. Bên kia là phái cải cách, đưa Quang Tự làm người tiêu biểu, cố tăng quyền lực cho những nhà Duy tân, bổ họ vào các chức vụ chính quyền và tìm mọi cách để thi hành biến pháp. Tháng 10 càng đến gần, phái Duy tân càng lo lắng vì sắp tới ngày duyệt binh, âm mưu lật đổ phái Duy tân của Từ Hy thái hậu càng rõ. Để cứu vãn nguy cơ đó, Khang Hữu Vi dâng điều trần với vua Quang Tự, đề nghị nhà vua lập tức làm 3 việc quan trọng:
– Phỏng theo Nhật, lập bộ tham mưu gồm những người Duy tân trung thành để thay thế chính quyền thủ cựu và làm chỗ dựa cho công cuộc cải cách.
– Đổi niên hiệu thành “Duy tân nguyên niên” để thay đổi cách nhìn của thiên hạ, thực tế là gây thanh thế về hình thức để áp đảo phái chống đối.
– Rời đô về Thượng Hải để lánh xa sào huyệt của phái ngoan cố. Về Thượng Hải, phái Duy tân có cơ phát triển nhanh chóng hơn, vây cánh cũng nhiều hơn.
Vua Quang Tự đồng ý, song không thể thực hiện được một điều gì. Ngày duyệt binh đến gần, mọi việc đều gác lại. Trong lúc nguy khốn, Khang Hữu Vi lại trông chờ vào Viên Thế Khải là người thống soái lục quân với hy vọng dùng quân đội để phá đảo chính, bảo vệ nhà vua. Nhưng Viên là người gian giảo, hai mặt, vờ hứa hẹn với phái Duy tân, nhưng lại mật báo cho phái thủ cựu. Vì vậy, khi định nhờ Viên dấy binh trừ phái thủ cựu thì sự việc bị vỡ lở. Thái hậu ra lệnh bắt vua Quang Tự và tịch thu tất cả ấn tín. Đồng thời ra lệnh bắt Khang Hữu Vi và những người cùng hoạt động với ông. Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu đều trốn sang Nhật.
Một số lãnh tụ phái Duy tân bị bắt, 6 nhà lãnh đạo phong trào Duy tân bị giết là Đàm Từ Đồng, Dương Thâm Tú, Dương Nhuệ, Lâm Húc, Lưu Quang Đệ, Khang Quảng Nhân. Lịch sử Trung Quốc gọi đó là 6 quân tử tuẫn nạn của chính biến Mậu Tuất.
Trong lúc này, phái thủ cựu tung tin là vua bị bệnh nặng, nhằm phế bỏ Quang Tự. Ở Bắc Kinh, không khí khủng bố tràn ngập trên đường phố. Tất cả chiếu lệnh của phái Duy tân đều phải hủy bỏ, chế độ chuyên chế cũ được khôi phục. Cuối cùng, 103 ngày Duy tân bị thất bại hoàn toàn.
3. Nguyên nhân thất bại và ý nghĩa lịch sử của phong trào Duy tân
Cuối thế kỷ XIX, những người Duy tân của Trung Quốc muốn đưa đất nước đi lên con đường tư bản chủ nghĩa bằng biện pháp cải lương, không tiêu diệt cơ sở kinh tế và xã hội của chế độ phong kiến. Họ đã nỗ lực tuyên truyền vận động, chuẩn bị và tiến hành 103 ngày biến pháp nhưng hoàn toàn thất bại.
Những người theo phái Duy tân lúc đó là đại biểu của bộ phận tư sản tự do mới từ địa chủ quan liêu chuyển hóa thành. Trên cơ sở của kinh tế tư bản Trung Quốc còn vô cùng nhỏ bé, giai cấp tư sản chưa có địa vị độc lập trong xã hội nên không thể cải tạo chế độ chuyên chế phong kiến mà không phát động lực lượng cách mạng của quần chúng. Nhưng họ không tin vào lực lượng quần chúng, không dám lãnh đạo, phát động phong trào quần chúng. Họ vẫn mang ảo tưởng là lấy cơ cấu chính quyền phong kiến làm cơ sở cho phong trào Duy tân, dùng phương pháp thỏa hiệp với chính quyền Mãn Thanh để tiến hành công cuộc cải cách, biến Trung Quốc thành nước tư bản độc lập.
Do đó, phong trào Duy tân chỉ có thể trở thành một phong trào chính trị xa rời quần chúng, cơ sở giai cấp và xã hội của phong trào vô cùng nhỏ bé. Tương quan lực lượng giữa phái Duy tân và phái thủ cựu rất chênh lệch. Hệ thống quan lại do Từ Hy thái hậu đứng đầu là một lực lượng rộng lớn bao gồm từ trung ương đến địa phương nắm toàn bộ quyền lực trong tay. Chính vì vậy mà những mệnh lệnh của Quang Tự đều bị phản đối kịch liệt và hầu như không một mệnh lệnh nào được thi hành.
Sự yếu đuối thỏa hiệp của những người theo chủ nghĩa cải lương còn lộ rõ ở mặt nó nuôi nhiều ảo tưởng đối với đế quốc. Các nhà Duy tân nhận định rằng: Trung Quốc cần đi theo con đường quân chủ lập hiến giống Anh, Nhật, và có thể được Anh, Nhật đồng tình ủng hộ. Họ hy vọng sự giúp đỡ của đế quốc. Thực tế Anh và Nhật ủng hộ phong trào Duy tân là mong nhờ phong trào này, bọn chúng có thể tiến thêm một bước nữa khống chế, xâm lược Trung Quốc: hy vọng phái Duy tân sẽ thành chỗ dựa cho chúng ở Trung Quốc và nhờ đó có thể biến Trung Quốc thành nước phụ thuộc mà không hề muốn biến Trung Quốc thành một nước tư bản độc lập.
Trong tình hình lúc bấy giờ, Trung Quốc tuy chưa có khả năng tiến hành cách mạng tư sản, nhưng đã có những tiền đề phát triển chủ nghĩa tư bản. Cho nên phái Duy tân đề ra các yêu cầu độc lập dân tộc, phát triển chủ nghĩa tư bản, học tập kỹ thuật phương Tây v.v… là phù hợp với lợi ích dân tộc lúc bấy giờ. Do đó phong trào Duy tân cuối thế kỷ XIX có ý nghĩa tiến bộ, mang tính chất yêu nước. Chính vì lý do trên, phong trào Duy tân và các nhà hoạt động Duy tân trong giai đoạn này được đánh giá rất cao. Phong trào Duy tân đã tích cực truyền bá học thuyết chính trị xã hội của giai cấp tư sản phương Tây và phổ biến khoa học tự nhiên. Phái Duy tân tuyên truyền tư tưởng dân chủ tư sản, phản đối chuyên chế phong kiến, giới thiệu tư tưởng tự do bình đẳng, yêu cầu giải phóng cá tính, chống đối luân lý tôn pháp và quan niệm đạo đức phong kiến. Những đòn đánh mạnh vào hệ tư tưởng hủ lậu phong kiến đã gây tác dụng mở đường cho các tư tưởng mới phát triển và mở cửa cho những ngọn gió tư tưởng tiến bộ trên thế giới không ngừng thổi vào Trung Quốc.
Ảnh hưởng của phong trào Duy tân lan sang các nước láng giềng ở vùng Đông Nam Á. Một số sĩ phu yêu nước, qua các sách của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, đã tiếp thu tư tưởng cải cách và trở thành những nhà tư tưởng Duy tân hồi đầu thế kỷ XX.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức