Phương pháp nghiên cứu khoa học

0

Định nghĩa

Theo nghĩa chung thì phương pháp là con đường đạt mục tiêu, là cách thức giải quyết một công việc cụ thể. NCKH cũng vậy, nó có một hệ thống các phương pháp riêng. Nhà khoa học phải nắm vững bản chất và biết cách sử dụng các phương pháp để tiến hành hoạt động nghiên cứu của mình có kết quả.

Phương pháp Nghiên cứu khoa học là tổ hợp các thao tác, biện pháp thực tiễn hoặc lí thuyết mà nhà khoa học sử dụng để nhận thức, khám phá đối tượng, tạo ra hệ thống những kiến thức về đối tượng.

Đặc trưng của phương pháp NCKH

(a) Phương pháp là cách thức làm việc của chủ thể do chủ thể lựa chọn.

Phương pháp bị quy định bởi trình độ nhận thức và kinh nghiệm đã có của chủ thể. Do đó, phương pháp mang tính chủ quan. Mặt chủ quan của phương pháp thể hiện bởi năng lực, kinh nghiệm của chủ thể. Trong NCKH, các nhà khoa học phải có trình độ trí tuệ cao, khả năng lớn và một kinh nghiệm dày dạn.

(b) Phương pháp có tính mục tiêu:

Mọi hoạt động đều có tiêu hướng đến, mục tiêu công việc chỉ dẫn việc lựa chọn phương pháp. Phương pháp càng chính xác càng sáng tạo làm cho công việc đạt tới kết quả nhanh, chất lượng tốt. Mục tiêu của đề tài nghiên cứu khoa học chỉ đạo việc lựa chọn phương pháp nghiên cứu. Phương pháp NCKH gắn bó liền với mục đích sáng tạo khoa học.

(c) Phương pháp gắn chặt với nội dung của vấn đề nghiên cứu:

Mọi hoạt động đều có nội dung, nội dung công việc quy định phương pháp và phương pháp là cách thực hiện nội dung, là yếu tố quyết định chất lượng của công việc. Trong NCKH, mỗi chuyên ngành có một hệ phương pháp đặc thù, mỗi đề tài có một nhóm phương pháp cụ thể.

Phương pháp là tổ hợp các thao tác được sắp xếp theo một chương trình tối ưu. Nếu từng thao tác được thực hiện chính xác thì phương pháp đạt tới độ hoàn hảo và chất lượng công việc là tốt nhất, nhanh nhất,…

(d) Phương pháp NCKH phụ thuộc vào đối tượng nghiên cứu.

Đối tượng càng phức tạp, càng cần có phương pháp tinh vi. Phương pháp nghiên cứu có hiệu quả khi nó phù hợp với đặc điểm của đối tượng, phù hợp với quy luật vận động khách quan của đối tượng. Vì vậy, phương pháp có tính khách quan.

(e) Phương pháp nghiên cứu khoa học có sự hỗ trợ của phương tiện

Nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên và khoa học chính xác, đòi hỏi có phương tiện kỹ thuật tinh xảo, có độ chính xác cao. Phương tiện kỹ thuật là công cụ hỗ trợ đắc lực cho phương pháp nghiên cứu. Phương pháp và phương tiện là hai phạm trù khác nhau nhưng gắn bó chặt chẽ với nhau. Dựa vào phương tiện mà ta chọn phương pháp phù hợp và ngược lại do yêu cầu của phương pháp mà người ta tạo ra những phương tiện tinh xảo.

Phân loại phương pháp nghiên cứu khoa học

Khi NCKH cần sử dụng rất nhiều phương pháp, phối hợp các phương pháp, dùng các phương pháp để hỗ trợ nhau, kiểm tra lẫn nhau và để khẳng định kết quả nghiên cưú.

Vì sự đa dạng phong phú của phương pháp mà người ta tìm cách phân loại phương pháp để tiện sử dụng. Có nhiều cách phân loại phương pháp. Sau đây là một số cách phân loại thông dụng:

(a) Dựa trên trình độ nghiên cứu, và tính chất của đối tượng:

Nhóm phương pháp mô tả; nhóm phương pháp giải thích và nhóm phương pháp phát hiện.

(b) Dựa vào qui trình nghiên cứu và lý thuyết thông tin:

Nhóm phương pháp thu thập thông tin; nhóm phương pháp xử lí thông tin; nhóm phương pháp trình bày thông tin

(c) Dựa vào trình độ tiếp cận đối tượng

Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn; nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết và nhóm phương pháp nghiên cứu sử dụng toán học.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.