Quy luật lưu thông tiền tệ theo quan điểm của Karl Marx

0

Trong nền kinh tế tiền tệ, mọi quan hệ kinh tế đều được thực hiện thông qua công cụ tiền tệ. Vì vậy tất yếu dẫn đến các cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đều có nhu cầu về tiền tệ để thực hiện các quan hệ kinh tế. Bởi lẽ tiền tệ là một công cụ thuận lợi nhất để thực hiện các dịch vụ mua bán thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt và tiêu dùng của mọi người, cũng như thỏa mãn nhu cầu dự trữ nguyên liệu, mua sắm máy móc thiết bị, trả lương công nhân của các doanh nghiệp và khi có nhu cầu về tiền tệ, tất nhiên dẫn đến việc tìm nguồn cung cấp tiền tệ để thỏa mãn nhu cầu đó.

Vấn đề ở đây là chúng ta nghiên cứu xem xét đến mức cầu tiền tệ chịu những tác động của các yếu tố nào? trong nền kinh tế thị trường có điều tiết của Nhà nước, ngân hàng trung ương cần phải can thiệp vào lưu thông tiền tệ như thế nào để kiểm soát cung tiền tệ, phát triển nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị của tiền tệ.

1. Nội dung và yêu cầu của quy luật lưu thông tiền tệ

1.1. Nội dung

Khi nghiên cứu về nền kinh tế Chủ nghĩa Tư bản, Karl Marx đã nghiên cứu một cách khoa học và logic về sự vận động của tiền tệ trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và Karl Marx đã phát hiện ra rằng khối lượng tiền cẩn thiết cho lưu thông được ấn định thông qua tỷ số giữa tổng giá cả hàng hóa trong lưu thông và tốc độ quay vòng bình quân của tiền tệ.

Quy luật lưu thông tiền tệ được biểu hiện bằng công thức sau đây:

Kc = H / V

Trong đó:

  • Kc: là khối lượng tiền cần thiết cho lưu thông trong một thời gian.
  • H: là tổng giá cả hàng hóa lưu thông.
  • V: là tốc độ quay vòng bình quân của tiền tệ trong một thời gian.

1.2. Yêu cầu

Kt= Kc

Trong đó:

  • Kc: là khối lượng tiền cần thiết cho lưu thông trong một thời gian.
  • Kt: là khối lượng tiền thực tế lưu thông trong một thời gian.

Vấn đề đặt ra là vì sao Kt lại phải cân đối với Kc?

Để đảm bảo cho hàng hóa được lưu thông bình thường, giá trị của tiền tệ luôn luôn được ổn định, tránh lạm phát, tránh thiểu phát, thì khối lượng tiền thực tế có trong lưu thông phải cân đối với khối lượng tiền cần thiết cho lưu thông trong một thời gian.

Vì vậy khi Kt tăng lên, trong điều kiện số lượng hàng hóa không thay đổi thì sẽ dẫn đến một sự biến động hoặc là giá cả hàng hóa gia tăng hoặc là vòng quay của tiền tệ chậm lại hoặc là cả hai: giá cả tăng và vòng quay của tiền tệ giảm để đảm bảo Kt = Kc.

Ngược lại, khi khối lượng tiền tệ không tăng lên kịp thời so với tốc độ phát triển của hàng hóa, nghĩa là Kt không đổi hoặc thay đổi chậm hơn sự thay đổi của khối lượng hàng hóa theo chiều hướng phát triển thì sẽ dẫn đến tình hình hoặc giá cả hàng hóa giảm xuống, hoặc vòng quay tiền tệ phải tăng lên để đảm bảo Kt = Kc.

Quy luật lưu thông tiền tệ không thể hiện được đầy đủ mối quan hệ về mặt định lượng giữa các yếu tố ảnh hưởng đến lượng tiền cần thiết cho lưu thông và do đó khả năng áp dụng công thức này trong hoạt động thực tiễn là hết sức hạn chế, nhưng về phương diện lý thuyết việc nghiên cứu quy luật lưu thông tiền tệ có ý nghĩa:

– Giúp chúng ta thấy được mối quan hệ định tính giữa các yếu tố, từ đó vận dụng vào thực tế diều hành sản xuất và lưu thông hàng hóa.

– Chỉ ra sự cần thiết phải kiểm soát khối lượng tiền và phương hướng tác động vào khối lượng tiền trong lưu thông.

Lịch sử lưu thông tiền tệ đã trải qua nhiều hình thái kinh tế xã hội và phát triển qua nhiều chế độ tiền tệ khác nhau, như: tiền vàng; tiền giấy khả hoán; tiền giấy bất khả hoán. Bởi vậy việc nghiên cứu quy luật lưu thông tiền tệ trong các điều kiện lưu thông tiền tệ khác nhau sẽ có nội dung khác nhau.

2. Vận dụng quy luật lưu thông tiền tệ

2.1. Trong điều kiện lưu thông tiền vàng

Quy luật lưu thông tiền tệ trong điều kiện lưu thông tiền vàng được phát biểu như sau:

“Với một tổng giá cả hàng hóa nhất định và với một tốc độ tuần hoàn bình quân nhất định của tiền tệ, số lượng tiền vàng trong lưu thông phụ thuộc vào giá trị nội tại của chính bản thân chúng”

Vì vàng có đẩy đủ giá trị nội tại nên tiền vàng có khả năng tự phát điều tiết trong lưu thông, tự phát làm chức năng cất trữ, tự phát làm chức năng phương tiện lưu thông, nên trong điều kiện lưu thông tiền vàng, nếu xét trong một thời kỳ nhất định, yêu cầu của quy luật lưu thông tiền tệ luôn luôn được tôn trọng. Nghĩa là luôn luôn có sự cân bằng giữa khối lượng tiền thực tế và khối lượng tiền cần thiết cho lưu thông trong một thời gian (Kt = Kc).

2.2. Trong điều kiện lưu thông tiền giấy khả hoán

Tiền giấy khả hoán là tiền giấy được đảm bảo bằng vàng và được chuyển đổi ra vàng theo hàm kim lượng do Nhà nước quy định cho một đơn vị tiền tệ.

Tiền giấy khả hoán có khả năng tự phát điều tiết thông qua chuyển đổi ra vàng được đảm bảo.

Quy luật lưu thông tiền tệ trong điều kiện lưu thông tiền giấy khả hoán được phát biểu như sau:

“Ngay từ khi phát hành tiền giấy vào lưu thông đã chứa dựng những khả năng làm cho tiền giấy quay trở lại nơi phát hành”.

Tiền giấy khả hoán quay trở lại nơi phát hành thông qua con đường chuyển đổi ra vàng hoặc con đường thu nợ tín dụng.

Hay nói một cách khác, trong điều kiện lưu thông tiền giấy khả hoán, với một khối lượng tiền cần thiết cho lưu thông nhất định, giá trị thực tế của tiền giấy phụ thuộc vào số lượng của vàng và giá trị tín dụng làm đảm bảo.

Do đó trong điều kiện lưu thông tiền giấy khả hoán, nếu xét trong một thời kỳ, yêu cầu của quy luật lưu thông tiền tệ luôn luôn được tồn trọng. Nghĩa là luôn luôn có sự cân bằng giữa khối lượng tiền thực tế và khối lượng tiền cấn thiết cho lưu thông trong một thời gian (Kt = Kc)

2.3. Trong điều kiện lưu thông tiền giấy bất khả hoán

Tiền giấy bất khả hoán là tiền giấy không được đảm bảo bằng vàng và không được tự do chuyển đổi ra vàng, vì vậy tiền giấy không có khả năng tự phát điều tiết trong lưu thông.

Quy luật lưu thông tiền tệ trong điều kiện lưu thông tiền giấy bất khả hoán được phát biểu như sau:

“Ngay từ khi phát hành tiền giấy vào lưu thông đã chứa đựng những khả năng không cho tiền giấy quay trở lại nơi phát hành”.

Hay nói một cách khác, trong điều kiện lưu thông tiền giấy bất khả hoán, với một khối lượng tiền cần thiết cho lưu thông nhất định, giá trị thực tế của tiền giấy phụ thuộc vào số lượng của chính bản thân nó trong lưu thông.

Do đó, lưu thông tiền giấy bất khả hoán, luôn chứa đựng khả năng lạm phát (Kt > Kc) hoặc thiểu phát (Kt < Kc), do vậy, đòi hỏi phải có những biện pháp can thiệp nhằm quản lý và điều tiết phù hợp của Nhà nước.

Trong chương trình này, Karl Marx chỉ nghiên cứu khối lượng tiền cần thiết cho lưu thông trong một thời gian để hàng hóa lưu thông bình thường chứ Karl Marx chưa đề cập đến số cung và số cầu tiền tệ của một nền kinh tế có chịu sự tác động bởi các yếu tố nào? Nhưng sự nghiên cứu của Karl Marx cũng giúp chúng ta hình dung ra là giữa khối lượng tiền cần thiết cho lưu thông và mức cung cầu về tiền tệ có một mối quan hệ mật thiết với nhau.

Chẳng hạn, khi nhu cầu về tiền tệ của nền kinh tế gia tăng, tức là dân chúng giữ tiền trong tay nhiều để mua hàng hóa, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng và nếu lượng hàng hóa không tăng lên kịp thời để đáp ứng sức mua của dân chúng sẽ làm cho giá cả hàng hóa tăng lên, hoặc khi Chính phủ thực hiện chính sách mở rộng tiền tệ, nghĩa là tăng cung tiền tệ, nhưng dân chúng không có nhu cầu giữ tiền để chỉ tiêu, hoặc doanh nghiệp không có nhu cầu vay tiền để mua nguyên liệu, máy móc thiết bị đầu tư sản xuất, kinh doanh thì tiền trong lưu thông được coi là thừa và do đó làm cho giá cả của tiền tệ, tức là lãi suất bị giảm đi và như vậy chúng ta cũng có thể thấy khối lượng tiền cần thiết cho lưu thông trong công thức của Karl Marx là có khác với mức cầu tiền tệ của nền kinh tế.

Vậy thế nào là mức cầu tiền tệ? Mức cầu tiền tệ có phải là khối lượng tiền cần thiết cho lưu thông trong một thời gian hay không Chúng ta hãy xem xét các vấn đề sau:

3. Mức cầu tiền tệ và sự vận dụng quy luật lưu thông tiền tệ của K.Marx

Mức cầu tiền tệ chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau, nhưng trước hết chúng ta cần xem xét các nguyên nào dẫn đến nhu cầu tiền tệ của nền kinh tế, hay nói khác đi chúng ta cần xem xét nền kinh tế cần tiền để làm gì?

3.1. Các nguyên nhân dẫn đến nhu cầu tiền tệ

– Nguyên nhân chi trả: Mọi chủ thể kinh tế cần tiền để chi trả cho việc mua hàng hóa, trả nợ.

Ở đây chúng ta không xét đến mức cầu tiền tệ, mà chỉ xét đến nhu cầu tiền tệ của nền kinh tế mà thôi, vì vậy chúng ta không xét đến mỗi người, mỗi tổ chức cần bao nhiêu tiền để chi trả, mà chúng ta chỉ biết rằng, do các công dụng hữu hiệu của tiền tệ, đặc biệt là nó thuận lợi cho việc mua, bán nên người ta đều cần tiền để thỏa mãn nhu cầu cuộc sống hàng ngày của mình, cũng như nhu cầu đầu tư và sản xuất, kinh doanh.

– Nguyên nhân dự phòng: Các cá nhân cần dự trữ tiền tệ để dự phòng khi bất trắc như đau ốm, thỏa mãn các nhu cầu đột xuất trong quan hệ xã hội hàng ngày, các doanh nghiệp dự trữ tiền tệ để đáp ứng các nhu cầu đột xuất khi có thời cơ dự trữ các loại nguyên liệu khan hiếm, thuê mướn thêm công nhân để mở rộng sản xuất trong các cơ hội kinh doanh mà không lường trước được hoặc dự trữ hàng hóa.

– Nguyên nhân tích lũy tài sản: Nhiều cá nhân muốn dự trữ tiền tệ như là để tích lũy tài sản, người có tiền không gửi vào ngân hàng, không mua các loại tài sản được ngay vì khối lượng còn ít, không đầu tư tiền tệ vào các doanh nghiệp mà để nó ở trong túi, trong két để tích lũy dẫn một món tiền lớn, sau đó mới đem ra sử dụng cho việc mua sắm các loại tài sản có giá trị lớn như: đất, nhà, xe hơi, vàng..

Phương thức tích lũy tài sản bằng tiền tệ ngày càng có khuynh hướng giảm dần, vì tiền tệ có khuynh hướng mất giá so với vàng và các tài sản khác, nên ngày nay người ta có thể tích lũy tài sản bằng nhiều phương thức có lợi hơn như gửi tiền tiết kiệm, mua công trái, mua bất động sản, vàng..

3.2. Các yếu tố tác động đến mức cầu tiền tệ

Trên đây chúng ta mới để cập đến các nguyên nhân dẫn đến có nhu cầu về tiền tệ, còn mức cầu tiền tệ được ấn định bởi các yếu tố nào lại là một vấn đề khác có tính chất kinh tế hơn. Vì rằng trong cơ chế thị trường người ta luôn phải tính toán nên giữ một khối tiền bao nhiều thì có lợi nhất, có nghĩa là khi một người nhận được một khoản thu nhập bằng tiền người ta sẽ giữ lại bao nhiêu bằng tiền mặt hoặc bằng tiền séc để phục vụ cho nhu cầu chi tiêu, nhu cầu dự phòng và nên chuyển bao nhiêu thành tiền vốn sinh lợi, tiền gửi định kỳ hoặc mua cổ phiếu, mua trái phiếu ?

Các yếu tố tác động đến mức cầu tiền tệ:

– Khối lượng hàng hóa, dịch vụ.

Để hàng hóa được chi trả, dịch vụ được thanh toán, xã hội cần phải có một lượng tiền tệ nhất định để đáp ứng nhu cầu đó. Khuynh hướng tiêu dùng càng lớn, cầu về tiền tệ càng cao và ngược lại. Các nhà đầu tư khi có cơ hội đầu tư sẽ làm tăng mức cầu về tiền tệ họ cần tiền để mua sắm máy móc, thiết bị, cần tiền để dự trữ nguyên liệu, cần tiến để chi trả cho công nhân. tất nhiên tiền tệ ở đây luôn gắn liền với lưu thông hàng hóa và dịch vụ, gắn liền với sản xuất và chi dùng.

Vận dụng quy luật lưu thông tiền tệ của Karl Marx, nếu giáo điều chủ nghĩa chúng ta dễ dàng suy ra rằng là: chỉ lúc nào có một sản phẩm thực sự đang được lưu thông thì lúc đó mới cần một lượng tiền cần thiết để lưu thông nó? Cụ thể: khi có nhu cầu về tiền để phục vụ cho sản xuất, người ta sẽ cung ứng tiền để các nhà sản xuất có tiền mua sắm thiết bị, dự trữ nguyên liệu, trả lương công nhân và đến giai đoạn hai ngân hàng lại cung ứng tiến cho lưu thông để tiêu thụ loại hàng hóa đã được sản xuất ra. Trong điều kiện như vậy chỉ những ai có tiền hay vay được tiền mới có thể tiến hành sản xuất hoặc mua sắm chi dùng, và như vậy các cơ hội đầu tư sẽ bị bỏ qua khi mà nền sản xuất hàng hóa đã phát triển đến mức độ cao, tiền tệ được sử dụng như là một công cụ để kích thích sản xuất và lưu thông hàng hóa, quy trình đó được vận dụng ngược lại như sau: khi một nhà đầu tư nhận được một đơn đặt hàng, nhà đầu tư đó sẽ phải sản xuất ra sản phẩm để đáp ứng nhu cầu hàng hóa của xã hội, đồng thời đối với nhà đầu tư, cầu tiền tệ sẽ phát sinh. Bởi vì nhà đầu tư cần phải có tiền để mua sắm máy móc thiết bị, mua sắm nguyên liệu, thuê công nhân để tiến hành sản xuất. Để đáp ứng cầu tiền tệ của nhà đầu tư, hệ thống ngân hàng sẽ tìm cách đáp ứng, tức là cung ứng tiền cho nhà đầu tư mặc dù chưa có hàng hóa cụ thể mà nhà đầu tư phải sản xuất ra. Khi nhà đầu tư nhận được tiền, nhà đầu tư sẽ tiến hành sản xuất và khi được người mua hàng thanh toán, nhà đầu tư sẽ hoàn lại số vốn và lãi cho hệ thống ngân hàng.

Mức cầu tiền tệ chịu sự tác động của yếu tố giao dịch, mua bán phát sinh hàng ngày trong nền kinh tế, mức cầu tiền tệ không hoàn toàn lệ thuộc vào khối lượng hàng hóa đang có trong nền kinh tế và cũng chính vì vậy mà khi nhu cầu giao dịch mua bán tăng lên và khối lượng hàng hóa không tăng kịp sẽ dẫn đến lạm phát.

– Giá cả hàng hóa tác động đến mức cầu tiền tệ.

Trong công thức:

Chúng ta có thể thấy rằng khối lượng tiền cần thiết cho lưu thông trong một thời gian (Kc) lệ thuộc vào lượng hàng hóa lưu thông (h), giá hàng hóa (g) và vòng của tiền (V),

Ở trên chúng ta đã đề cập đến lượng hàng hóa, dịch vụ tác động đến mức cấu tiền tệ như thế nào, ngoài mối quan hệ về khối lượng hàng hóa lưu thông ta còn thấy cầu tiền tệ còn chịu tác động bởi yếu tố “ý muốn” mua sắm, đầu tư của người tiêu dùng và nhà đầu tư nữa và khi mà người đầu tư và người tiêu dùng tìm cách thực hiện ý muốn của mình mà sản lượng hàng hóa, dịch vụ không tăng lên sẽ làm cho giá cả hàng hóa tăng lên.

Chính vì vậy mà các nhà kinh tế đều nhất trí với nhau là phải hạn chế mức cung tiền tệ, để hạn chế việc thực hiện “ý muốn” tiêu dùng và đầu tư nhằm hạn chế sự gia tăng của giá cả. Nhưng không phải cứ hạn chế sự cung ứng tiền, là hạn chế được sự gia tăng giá cả, vì sự hạn chế cung ứng tiền như vậy sẽ hạn chế đầu tư phát triển sản xuất và sẽ dẫn đến hàng hóa sẽ khan hiếm đi và đến lúc đó giá cả sẽ có cơ hội tăng lên. Vì vậy trong điều kiện sản xuất đang hưng thịnh người ta phải nâng cao việc cung ứng tiền tệ để đáp ứng cầu tiền tệ trong điều kiện giá cả gia tăng. Mức cấu tiền tệ trong điều kiện giá cả tăng sẽ làm tăng tiền tệ về số lượng.

Ví dụ như trước đây cần mua 1 kg gạo ta chỉ cần 6.000₫, nhưng bây giờ giá cả gia tăng gấp đôi nên người mua cần đến 12.000₫.

– Tốc độ quay vòng bình quân của tiền tệ tác động đến mức cầu tiền tệ.

Vòng quay của tiền tệ là một chỉ tiêu khó tính toán và dự kiến chính xác trong toàn xã hội, cũng như trong một gia đình, hoặc ở một cá nhân nói riêng.

Theo công thức K= H / V mà yêu cầu của quy luật lưu thông tiền tệ là Kt = Kc, ta có thể suy ra V = H / Kt

Tức là vòng quay của tiền tệ là tỷ số của tổng giá cả hàng hóa và dịch vụ chu chuyển trong một khoảng thời gian nhất định chia cho khối lượng tiền thực có bình quân trong nền kinh tế.

Do đó khi vòng quay của tiền tệ tăng hoặc giảm đều có ảnh hưởng đến mức cầu tiền tệ. Nếu vòng quay của tiền tệ tăng lên, mức cầu tiền tệ giảm đi và khi vòng quay của tiền tệ giảm, mức cầu tiền tệ sẽ tăng lên.

Đối với một nhà sản xuất chẳng hạn, nếu chu kỳ sản xuất của nhà sản xuất đó ngắn thì mức cầu về tiền tệ của nhà sản xuất độ thấp và ngược lại nếu chu kỳ sản xuất của nhà sản xuất đó dài thì mức cầu về tiền tệ của nhà sản xuất đó sẽ cao.

Ví dụ để luân chuyển một lượng hàng hóa có giá trị 12 triệu USD trong một năm sản xuất, nếu vòng quay của vốn là 6 vòng, nhà sản xuất cần một số tiền bình quân là hai triệu USD ( 12 triệu / 6 vòng = 2 triệu USD).

Nhưng nếu vòng quay đó giảm xuống còn 4 vòng một năm, nhà sản xuất phải cần một số tiền là ba triệu USD để làm vốn luân chuyển ( 12 triệu / 4 vòng = 3 triệu USD).

4. Mức cung tiền tệ và vận dụng quy luật lưu thông tiền tệ của Karl Marx

Theo yêu cầu của quy luật lưu thông tiền tệ Kt = Kc. Nghĩa là khối lượng tiền thực tế trong lưu thông phải cân đối với khối lượng tiền cần thiết cho lưu thông trong một thời gian (khối lượng tiền thực tế trong lưu thông phải phù hợp nhu cầu lưu thông hàng hóa).

Trong điều kiện nền kinh tế sử dụng tiền vàng, hoặc tiền giấy khả hoán thì cơ chế điều tiết khối tiền tệ đối với nền kinh tế là cơ chế điều tiết tự động: khi giá trị tiền vàng trong lưu thông lớn hơn giá trị hàng hóa thì tiền vàng tự động đi vào cất trữ và khi giá trị tiền vàng trong lưu thông nhỏ hơn giá trị hàng hóa thì tiền vàng cất trữ lại tự động “chảy” vào lưu thông để cân bằng giữa khối lượng tiền thực tế trong lưu thông với khối lượng tiền cần thiết (Kt = Kc).

Ngày nay các nước đều thi hành chính sách tiền giấy pháp định và không hoán chuyển ra vàng được. Trong cơ chế đó việc điều tiết khối cung tiền tệ hoàn toàn do Nhà nước quyết định căn cứ trên cơ sở yêu cầu sản xuất hàng hóa và lưu thông hàng hóa thông qua các công cụ chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Vận dụng quy luật lưu thông tiền tệ của Karl Marx, trong thời kỷ thực hiện nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, các Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa đã thực hiện kế hoạch khối lượng tiền cung ứng cho lưu thông dựa trên các chỉ tiêu về phát triển kinh tế – xã hội, nghĩa là khối lượng tiền cung ứng cho lưu thông trong các năm kế hoạch đều được xác định trước với khối lượng hàng hóa, dịch vụ đã được ấn định, cũng như giá cả hàng hóa, dịch vụ đã được ấn định. Đặc biệt trong giai đoạn này giá cả hàng hóa, dịch vụ luôn được cố định với một khoảng thời gian dài, yếu tố vòng quay (V) của tiền tệ gần như không có biến động gì, và như vậy chỉ tiêu gia tăng sản lượng hàng hóa dịch vụ là chỉ tiêu duy nhất để cung ứng tiền cho lưu thông. Vì lượng hàng hóa, dịch vụ sản xuất ra được tiêu dùng hoàn toàn theo chế độ tem phiếu, hoặc định mức tiêu dùng cho mỗi thành viên của xã hội tùy theo mức thu nhập cũng đã được kế hoạch hóa trước. Quá trình thực hiện kế hoạch hóa như vậy, qua một thời gian dài đã không mang lại hiệu quả cao trong phát triển nền kinh tế, vì các lý do sau đây:

– Ý muốn tiêu dùng của người dân bị hạn chế cả hai mặt cung và cầu. Do đó nó không kích thích được sản xuất, nó không gợi ý cho các nhà sản xuất nên sản xuất ra những loại hàng hóa gì và sản xuất ra bao nhiêu. Việc sản xuất ra hàng hóa gì, sản xuất ra bao nhiều là do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định.

– Các nhà sản xuất thực hiện công việc của mình theo kế hoạch đã định, do đó cũng không quan tâm đến ý muốn của người tiêu dùng, họ chỉ quan tâm đến kế hoạch của Nhà nước giao cho mà thôi. Hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch là mục tiêu cao nhất của nhà sản xuất, vì vậy, các nhà sản xuất không quan tâm đến cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng hàng hóa vì không cần phải cạnh tranh.

Hiện nay, hầu hết các nước Xã hội Chủ nghĩa đều chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, sang cơ chế của nền kinh tế thị trường có điều tiết. Vì vậy việc vận dụng quy luật lưu thông tiền tệ của Karl Marx để thực hiện vai trò cung ứng tiền cho nền kinh tế đều có sự thay đổi quan trọng.

– Trước hết là sự thay đổi mô hình hoạt động của hệ thống ngân hàng, từ ngân hàng một cấp vừa làm nhiệm vụ phát hành tiền, vừa làm nhiệm vụ kinh doanh tiền tệ, sang hệ thống ngân hàng hai cấp, ngân hàng trung ương do Nhà nước độc quyền và ngân hàng kinh doanh.

– Ngân hàng Nhà nước trung ương chịu trách nhiệm điều khiển hệ thống ngân hàng thương mại thực hiện các chính sách tiền tệ, trong đó có việc điều tiết khối cung, cầu tiền tệ cho phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế.

– Ngân hàng trung ương sử dụng các công cụ quản lý vĩ mô như lãi suất, tỷ lệ dự trữ pháp định… để điều tiết khối cung tiền tệ một cách gián tiếp, mà không ấn định một khối cung tiền tệ kế hoạch trực tiếp như trước đây.

– Ngân hàng trung ương chịu trách nhiệm ổn định giá trị đồng tiền, ổn định tỷ giá hối đoái và kiểm soát lạm phát tạo điều kiện để ổn định và phát triển kinh tế, cũng như thực hiện các chính sách kinh tế đối ngoại trong điều kiện thực hiện nền kinh tế mở cửa.

Ở Việt Nam bước đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những thay đổi quan trọng trong việc kế hoạch hóa khối lượng tiền cung ứng.

Theo sự vận dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mức cung tiền tệ được dựa trên cơ sở sau đây:

– Tỷ lệ lạm phát hàng năm.

– Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

– Thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế.

– Nhu cầu thay thế tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung ứng tiền cho lưu thông theo các kênh: kênh Ngân sách Nhà nước; kênh ngân hàng thương mại; kênh thị trường mở; kênh thị trường hối đoái.

– Phát hành tiền qua kênh ngân sách Nhà nước là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạm ứng tạm thời cho Chính phủ chi tiêu.

– Phát hành tiền qua kênh ngân hàng thương mại là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho vay ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng để hỗ trợ vốn tín dụng hoặc khi các ngân hàng thương mại thiếu khả năng thanh toán, việc cung ứng tiền tệ này nằm trong phạm vi khối lượng tiền được đưa thêm vào lưu thông đã được kế hoạch hóa.

– Phát hành tiền qua kênh thị trường mở là việc ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia mua hoặc bán các giấy tờ có giá ngắn hạn với các ngân hàng thương mại trên thị trường tiền tệ để điều hành chính sách tiền tệ theo kế hoạch đã được dự kiến.

– Phát hành tiền qua kênh thị trường hối đoái là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia mua hoặc bán ngoại tệ ở thị trường hối đoái để bình ổn tỷ giá hối đoái nhằm ổn định tiền tệ.

(Nguồn tài liệu: TS. Lê Thị Mận, Lý thuyết Tài chính Tiền tệ, 2010)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.