Thần thoại Việt Nam: Nội dung, Đặc điểm thi pháp
Nội Dung
1. Về thuật ngữ:
Cách gọi “Thần thoại Việt Nam” nhằm để giới hạn một biên giới hành chính của một quốc gia hiện đại để trình bày – có tính hồi cố – kho tàng thần thoại của nhiều dân tộc khác nhau ở Việt Nam (54 dân tộc và người Việt chiếm 90%) mà ở đó chưa thật sự có sự đồng nhất về hình thái kinh tế xã hội. Tuy nhiên, các dân tộc đã tồn tại khá ổn định trong chiều dài lịch sử, có nhiều mối quan hệ tiếp xúc về văn hóa và cội nguồn.
“Thần thoại Việt Nam” với thời kỳ phồn thịnh của nó đã một đi không trở lại Việc dựng được bức tranh chân thực, chính xác một cách tuyệt đối của thần thoại Việt Nam là một việc làm không thể. Tuy nhiên bằng sự nổ lực cùng tình yêu và lòng tự hào về vốn quý văn hóa dân gian Việt Nam nói chung và thần thoại Việt Nam nói riêng, các nhà nghiên cứu đã ít nhiều phác họa được Kho tàng thần thoại Việt Nam. Và để làm được điều này, một công việc tốn rất nhiều thời gian và tâm sức, các nhà nghiên cứu đã dựng lại từ nhiều nguồn tài liệu về dân tộc học và các loại hình nghệ thuật dân gian khác.
Bạn đang xem: Thần thoại Việt Nam: Nội dung, Đặc điểm thi pháp
2. Nội dung của thần thoại Việt Nam:
2.1. Phản ảnh quan niệm và sự nhận thức về thế giới của người Việt cổ:
a. Hình dung về vũ trụ:
Do chưa có đủ điều kiện để nhận thức được đúng đắn, đầy đủ và chính xác về tự nhiên, về vũ trụ, người Việt cổ cũng như các dân tộc khác trên thế giới, trong thời kỳ thơ ấu, đã sùng bái tự nhiên, coi tự nhiên như một thế lực siêu nhiên mà ở đó thế giới thần linh tồn tại, chi phối và điều khiển mọi thứ (Thần Trụ trời, Thần Mưa, Thần Gió…). Bản chất các thần đều là những hiện tượng, những sức mạnh có thực trong thế giới tự nhiên được thần linh hóa một cách vô ý thức theo quan niệm của người nguyên thủy. Vì thế, chức năng của các vị thần trong thần thoại luôn phù hợp và tương ứng với các hiện tượng tự nhiên tồn tại trong vũ trụ. Từ đó, người Việt cổ quan niệm về không gian vũ trụ gồm nhiều tầng cạnh nhau, đan xen lẫn nhau. Có lẽ từ sự quan sát mặt đất, sông ngòi, rừng núi, biển cả, bầu trời…cộng với những sự tưởng tượng về những cái chưa biết tạo ra một sự hình dung khác lạ và độc đáo về vũ trụ như đã nói.
b. Hình dung về con người, loài người:
Tư duy nguyên hợp thần thoại là dùng con người để nhận thức tự nhiên và ngược lại, dùng tự nhiên để nhận thức mình. Điều này có liên quan đến các quan niệm thời nguyên thủy (như đã nêu ở phần trên), đặc biệt là vật tổ Tôtem. Lý giải nguồn gốc của con người theo tín ngưỡng Tôtem, motip quả bầu mẹ hoặc trứng thiêng sinh ra loài người hiện nay là một minh chứng tiêu biểu.
Trong đó, motip về Quả bầu mẹ là một bước phát triển cao hơn (Ở Việt Nam có hàng trăm dị bản về truyện Quả bầu từ Tây Bắc xuống Trung bộ)
Xem thêm : Tìm hiểu về 3 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp
2.2. Cuộc đấu tranh chinh phục tự nhiên và sáng tạo văn hóa, thể hiện ước mơ khát vọng của con người:
Khác với sự hiểu biết còn nhiều hạn chế, khát vọng ước mơ chinh phục tự nhiên của người xưa rất lớn lao, rất mãnh liệt và táo bạo. Cho dù nhận thức về tự nhiên của họ còn sơ sài, cách lý giải còn đơn giản và không ít sai lầm nhưng ít ra ta cũng nhận ra rằng người thời cổ rất quan tâm đến tự nhiên với bao nhiêu khao khát, băn khoăn, thắc mắc cần được giải tỏa. Trí tưởng tượng phong phú nhưng vô ý thức đã giúp họ thực hiện điều ấy một cách kỳ diệu. Một thế giới thần thoại được sáng tạo trong một niềm tin chân thành và tuyệt đối của người thời cổ. Và nói một cách nào đó, quá trình vươn lên tìm hiểu tự nhiên – đối tượng tác động trực tiếp và liên tục đến sự sinh tồn của họ – cũng đồng thời chính là quá trình đấu tranh chinh phục tự nhiên và tiếp theo là sáng tạo văn hóa. Vì thế, cái được phản ánh là hiện thực khách quan vẫn còn mờ nhạt nhưng những khát vọng, ước mơ chủ quan của con người thì rất thực, rất rõ ràng.
Truyện Thần Trụ trời giải thích về sự hình thành trời đất, vũ trụ – và tất nhiên là bằng sự tưởng tượng sai lầm, cái thế giới hỗn mang hiện ra rồi thay đổi dưới sự tác động của Thần Trụ trời, cũng có sông, có núi, có biển cả mênh mông, có ruộng đồng bát ngát…mà qua đó ta thấy rất rõ rằng người xưa đã sống, đã quan sát, tìm hiểu, để rồi lý giải theo cách riêng của mình với một khao khát hiểu biết mạnh mẽ, khoẻ khoắn.
Truyện Lúa Thần phản ánh ước mơ của cư dân trồng lúa nước, muốn có giống “lúa thần” cho năng suất phi thường và khi chín tự động bò về nhà cho người trồng đỡ phần vất vả. Phi thường nhưng giản dị, kỳ ảo mà hồn nhiên, đó là đặc điểm chung của sự thể hiện ước mơ và trí tưởng tượng của con người trong thần thoại.
3. Đặc điểm thi pháp:
Trước hết, ở phương thức phản ánh, thần thoại dùng phương thức tự sự. Ở thời kỳ nguyên thủy, khi mà người thời cổ chưa hề có ý thức làm nghệ thuật (nghệ thuật tự phát), thì thần thoại đã ra đời để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá và chinh phục thế giới tự nhiên. Vì vậy, không tránh khỏi so với các thể loại ra đời sau thần thoại như truyền thuyết, cổ tích… thì trình độ tự sự của thần thoại vẫn con thô sơ, đơn giản, non nớt. Tuy nhiên, bằng cách tiếp cận của thi pháp văn học dân gian, ta vẫn có thể thấy được một số đặc điểm thi pháp tiêu biểu của thần thoại, nhằm phân biệt với các thể loại khác, đặc biệt là truyền thuyết.
a. Cốt truyện:
Cốt truyện của thể loại thần thoại vẫn còn rất sơ sài đơn giản. Tuy gọi là “truyện” nhưng thật ra đến nay, đó chỉ là những “mẩu” có kết cấu lỏng lẽo mà qui mô và dung lượng còn rất nhỏ bé. Ví dụ các truyện Thần Mưa, Thần Gió, Thần Biển, Nữ Thần Mặt Trăng, Nữ Thần Mặt Trời…. Tất cả những truyện vừa nêu chỉ nhằm để giới thiệu nhân vật chính là thần Mưa, thần Gió, thần Biển….
về hình dáng, về công việc và những sai sót mà vì nó các vị thần đã vô tình gây ra thiên tai dưới trần gian. Đó cũng là cách để người xưa giải thích những hiện tượng tự nhiên này. Vì thế, truyện vẫn chưa có “truyện”. Truyện chỉ là những lời giới thiệu đơn thuần mà hầu như không hề có xung đột, mâu thuẫn, mối quan hệ với những nhân vật khác. Đơn giản bởi khi dân gian chỉ nhằm mục đích giải thích một cách vô cùng ngây thơ, chất phát các hiện tượng tự nhiên, họ không hề cố ý làm nghệ thuật để có ý định xây dựng một cốt truyện hoàn chỉnh. Niềm tin chân thành gởi vào những lời giải thích ấy chỉ dừng lại khi mục đích giải thích đã được làm thỏa mãn, bất kể có ảnh hưởng đến kết cấu hoàn chỉnh của một cốt truyện hay không. Và hiện tượng cốt truyện sơ sài đã trở nên phổ biến – đặc biệt là ở nhóm thần thoại suy nguyên.
Vì vậy có thể kết luận rằng, bản thân thần thoại, ra đời từ thời xa xưa nguyên thuỷ, chưa mang hình thức hoàn chỉnh của một cốt truyện. Ý thức xây dựng cốt truyện chưa có, người nguyên thủy chỉ nhằm mục đích giải thích và giải thích một cách rất đơn giản về tự nhiên mà thôi.
b. Nhân vật:
Như đã nêu trong phần khái niệm thần thoại, đơn vị cơ bản trong thần thoại là hình tượng “thần”. Thế giới của thần thoại là thế giới các vị thần. Và đương nhiên, nhân vật chính trong thần thoại là “ thần”.
Xem thêm : Trợ cấp ban đầu theo nghị định 76
Thực ra, nói cho chính xác hơn, nhân vật chính trong thần thoại chủ yếu là các hiện tượng, các sự vật trong tự nhiên được hình tượng hóa, nhân cách hóa và thần thánh hóa theo trí tưởng tượng của người nguyên thuỷ. Tên gọi của các thần hầu hết là tên của các sự vật hiện tượng ấy (Ví dụ: Mưa, gió, sấm, sét, mặt trăng, mặt trời…)
Có một điểm chung nổi bật trong khi nói đến các nhân vật chính trong thần thoại. Hình dáng của các thần hoặc không được miêu tả rõ ràng, hoặc chỉ có những nét thô phác. Nhưng tựu trung lại, nếu có, là dáng vẻ đồ sộ, kỳ vĩ tương xứng với các lực lượng siêu nhiên. Thần Trụ Trời thì “khổng lồ…chân thần dài không thể tả xiết” Thần Mưa “có thể giãn người dài ra hàng nghìn trượng”, Thần Biển có “thân hình rất to lớn, to lớn không thể nào ước lượng được”, Thần Sét thì mặt mũi rất đanh ác, tiếng quát tháo rất dữ dội…
Về tâm lý và tính cách, phần lớn các nhân vật đều không có hoặc không rõ nội tâm. Thần chỉ được miêu tả và khai thác ở “chức năng” nhất định nào đó. Các biểu hiện, các trạng thái tâm lý như vui, buồn, hờn, giận… nếu có, cũng chỉ để giải thích các hiện tượng khách quan như là qui luật tự nhiên. Chẳng hạn trạng thái tâm lý hay nhầm lẫn của thần Mưa. Không hút nước ở sông, biển lại hút nơi đồng ruộng cửa nhà làm hư hỏng, thiệt hại rất nhiều. Có lúc thần Mưa chỉ đi lo tưới nước cho những vùng hẻo lánh cách xa đại dương hàng vạn dặm mà quên hẳn các vùng đồng bằng ở sát ngay bờ biển. Tính cách ấy chỉ để nhằm lý giải các hiện tượng thiên tai mà thôi. Hay tính tình nóng nảy của thần Sét. Thần hay nổi cơn thịnh nộ và đã không ít lần vì thái độ nóng giận ấy mà đã có nhiều sinh mạng con người vô tội đã phải hy sinh….
c. Thời gian – không gian nghệ thuật:
Trong thần thoại, ý niệm về thời gian tuy đã có nhưng chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu. Thời gian thần thoại chưa thật cụ thể, rõ ràng và chưa có tính xác định. Khảo sát thi pháp thời gian thần thoại, ta thấy phổ biến yếu tố thời gian vĩnh hằng, bất tử (Kiếu như “Thuở ấy chưa có thế gian, cũng chưa có muôn vật và loài người” “không biết là bao lâu”…)
Tương tự, không gian trong thần thoại là không gian vô tận. Các thần hoạt động đi lại trên không trung một cách tự do, không có nơi nào cố định (Thần Trụ trời có thể bước từ vùng này qua vùng nọ; Thần Mưa thường xuống hạ giới rồi bay đi, có thể rất xa, phun nước cho cả thế gian ăn uống…)
Người kể lẫn người nghe thần thoại đều không có nhu cầu biết đến thời gian và không gian cụ thể xác định vì đó không phải là điều mà họ quan tâm. Cái họ quan tâm khi nghe chuyện là những hiện tượng tự nhiên, sự có mặt của muôn loài có nguồn gốc xuất phát từ đâu, nó được kiến giải như thế nào qua lăng kính của trí tưởng tượng phong phú và cách giải thích nào tạo nên sức thuyết phục cao nhất. Sự quan tâm này trong quá trình diễn xướng và lưu truyền đã làm nên sự khác biệt rất cơ bản giữa thần thoại và truyền thuyết.
d. Yếu tố tưởng tượng trong thần thoại:
Yếu tố tưởng tượng là nét nổi bật trong thần thoại và là điều kiện để thần thoại tồn tại và có giá trị vĩnh hằng mặc cho sự khắc nghiệt của dòng chảy thời gian. Các Mác đã nói “ Thần thoại nào cũng chinh phục, chi phối, nhào nặn những sức mạnh tự nhiên trong trí tưởng tượng và bằng trí tưởng tượng. Thần thoại sẽ không còn nữa khi người ta đã thống trị được những sức mạnh ấy” (dẫn theo Hoàng Tiến Tựu – giáo trình CĐSP)
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là thần thoại chỉ đơn thuần là những câu chuyện kể hoang đường, không có thực. Thật ra, trí tưởng tượng của người xưa hoàn toàn dựa trên cơ sở hiện thực. Đọc thần thoại bằng một đôi mắt khác, ta sẽ nhận ra cuộc sống hiện thực của một thời xa xưa trong lịch sử loài người. Và bên cạnh việc phản ảnh hiện thực bằng trí tưởng tượng, thần thoại còn thể hiện yếu tố lãng mạn. Đó là khát vọng táo bạo muốn chinh phục tự nhiên bằng những khả năng kỳ diệu để hướng tới cuộc sống một cách tốt hơn. Và điều này là cơ sở cho sự tưởng tượng của nhân dân để tạo nên những hình tượng kỳ vĩ trong thần thoại.
(Nguồn tham khảo: Trần Tùng Chinh, Giáo trình văn học dân gian Việt Nam)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức