Tiểu thuyết là gì?
1. Khái niệm tiểu thuyết
Tiểu thuyết là tác phẩm tự sự cỡ lớn có khả năng phản ánh hiện thực đời sống ở mọi giới hạn không gian và thời gian. Tiểu thuyết có thể phản ánh số phận của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục, đạo đức xã hội, miêu tả các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều cách đa dạng.
Sự trần thuật trong tiểu thuyết thường tập trung vào số phận một cá nhân trong quá trình hình thành và phát triển của nó. Nhiều nhà nghiên cứu gọi tiểu thuyết là “sử thi của đời tư” do chỗ nó miêu tả những tình cảm, dục vọng và những biến cố thuộc đời sống riêng tư và đời sống nội tâm của con người.
Bạn đang xem: Tiểu thuyết là gì?
2. Đặc trưng về nội dung và hình thức của tiểu thuyết
Về nội dung, tiểu thuyết là thể loại miêu tả cuộc sống “hiện tại” không ngừng biến đổi, sinh thành trên cơ sở kinh nghiệm của cá nhân. Đối tượng của tiểu thuyết là con người của hiện tại. Sự xóa bỏ khoảng cách trong cảm nhận và miêu tả con người hiện tại cho phép nhà văn dùng kinh nghiệm cá nhân của mình để lí giải nhân vật, nhìn ngắm nhân vật một cách suồng sã. Bản thân của nhân vật tiểu thuyết thường là sự tổng hòa của nhiều nét tính cách: vừa chính diện, vừa phản diện, vừa tầm thường, vừa cao cả, vừa buồn cười, vừa nghiêm túc…
Xem thêm : Chủ trương đấu tranh của Đảng những năm 1936-1939
Đặc trưng thứ hai trong nội dung tiểu thuyết là chất văn xuôi, tức là sự tái hiện cuộc sống không thi vị hóa, lãng mạn hóa, lí tưởng hóa. Miêu tả cuộc sống như một thực tại cùng thời đang sinh thành, tiểu thuyết hấp thu vào bản thân nó mọi yếu tố ngổn ngang, bề bộn của cuộc đời, bao gồm cả cái cao cả lẫn cái thấp hèn, bi và hài, cái lớn lẫn cái nhỏ… Chính chất văn xuôi đã mở ra một “vùng tiếp xúc tối đa” với thời hiện tại đang sinh thành, làm cho tiểu thuyết không bị giới hạn nào trong nội dung phản ánh.
Điều làm cho nhân vật tiểu thuyết khác nhân vật sử thi, nhân vật kịch, nhân vật truyện trung đại là ở chỗ nhân vật tiểu thuyết là “con người nếm trải” trong khi các nhân vật kia thường là con người hành động. Nhân vật tiểu thuyết cũng hành động, nhưng với tư cách là đặc trưng thể loại, nhân vật ấy xuất hiện như là con người nếm trải cảm nhận, tư duy, chịu khổ đau dằn vặt của đời. Chú trọng mô tả con người trong hoàn cảnh, không tách nó khỏi hoàn cảnh một cách nhân tạo, không cô cập nó cũng như không cường điệu sức mạnh của nó, tiểu thuyết miêu tả nhân vật như một con người đang trưởng thành, biến đổi và do đời dạy bảo. Trong khi hành động, nhân vật tiểu thuyết va đập với mọi tác động của đời. Hoàn cảnh trong tiểu thuyết được khắc họa, phân tích rất chi tiết. Đó có thể là hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh tự nhiên, hoàn cảnh chiến tranh, môi trường phong tục, văn hóa, thậm chí là hoàn cảnh tưởng tượng. Ta sẽ dễ nhận thấy điều này ở nhân vật Rêmi trong tiểu thuyết Không gia đình (Hécto Malô), Mừng, Lượm, Vịnh sưa, Quỳnh sơn ca trong Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), bà nội và bé Duy trong Côi cút giữa cảnh đời (Ma Văn Kháng), Côn trong Búp sen xanh, Bông sen vàng (Sơn Tùng)… Ở hai tiểu thuyết viết về thời ấu thơ của Bác Hồ, Sơn Tùng cho người đọc thấy được truyền thống gia đình là dưỡng chất đầu đời hình thành nên nhân cách lớn của Bác sau này. Chính gia đình, trong đó có vai trò quan trọng của người mẹ, là khởi thủy tạo nên tính cách của con người Bác, đã khắc tạc vào tuổi ấu thơ của Người những nguyên tắc đầu tiên của cuộc đời. Tinh hoa gia đình thanh cao và cả dấu ấn dân tộc hào hùng đã nuôi dưỡng tư cách, phẩm chất, khơi gợi những ước mơ thánh thiện của của Bác ngay từ thuở còn thơ. Đây cũng chính là một chủ ý của các tác giả nhằm tô đậm quan niệm rất mới mẻ nhưng cũng rất truyền thống của văn hóa, văn học dân tộc: vĩ nhân, bên cạnh những điều phi thường, cũng chính là một con người bằng xương bằng thịt, được kết tinh từ huyết thống tôn quư, từ t´nh làng nghĩa xóm, sức mạnh cộng đồng và thời đại.
Như thế, chức năng của hoàn cảnh trong tiểu thuyết rất đa dạng. Ngoài việc cung cấp không gian cho nhân vật hoạt động, hoàn cảnh còn có tác dụng thúc đẩy nhân vật hành động, làm phương tiện bộc lộ tính cách, phân tích tâm lí, phân tích xã hội, tạo không khí chung của tác phẩm…
Con người trong tiểu thuyết thường không đồng nhất với chính nó. Một người có địa vị cao nhưng hành vi rất thấp, trái lại một người ở dưới đáy xã hội lại có hành vi rất cao thượng. Điều làm cho tiểu thuyết khác với truyện ngắn, truyện vừa… là trong bản thân nó chứa nhiều cái “thừa”. Đó là những cảm nhận của nhân vật về thế giới, về đời người, sự phân tích cặn kẽ những diễn biến tình cảm, sự trình bày tường tận các tiền sử của nhân vật, mọi chi tiết về quan hệ giữa người và người, về đồ vật và môi trường, và nói chung về toàn bộ tồn tại của con người… Điều đó giúp cho nhân vật tiểu thuyết được miêu tả nhiều mặt, tinh tế, chi tiết như con người sống. Từ tính cách, cá tính đến số phận, từ hành động đến tâm lí, từ các loại quan hệ đến ngôn ngữ đều được nhà văn quan tâm khám phá. Xét từ phương diện này, những sáng tác như Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Nguyễn Nhật Ánh), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần), Những tấm lòng cao cả (Amixi), Tốttôchan cô bé bên cửa sổ (Tetsuko Kuroyanagi) rất giàu chất tiểu thuyết.
Xem thêm : Lịch sử Trung Quốc cổ đại
Xóa bỏ khoảng cách giữa người trần thuật và nội dung trần thuật như một khoảng cách về giá trị dẫn đến lí tưởng hóa của anh hùng ca, tiểu thuyết hướng về miêu tả hiện thực như cái hiện tại đương thời của người trần thuật. Là một hiện tại cùng thời, tiểu thuyết cho phép người trần thuật tiếp xúc, nhìn nhận các nhân vật một cách gần gũi như người bình thường, thường tình, có thể hiểu họ bằng kinh nghiệm của mình. Xuất phát từ quan niệm “viết văn tức là đi chép việc, cống hiến cho bạn đọc, nên viết về Bác thì phải quan tâm sưu tầm những câu chuyện về Bác”, Sơn Tùng đã nhận thấy sự thống nhất giữa hai tính cách thoạt nhìn ngỡ như là đối lập trong nhân vật Nguyễn Sinh Côn (cũng như Nguyễn Tất Thành sau này). Trước hết là cách khắc họa hình tượng theo lối truyền thống – tái hiện những nét đặc trưng về ngoại hình, nội tâm có tính chất dự báo một con người, một nhân cách lớn của tương lai như: bẩm sinh thông minh, sáng láng, giỏi lập luận, nói đi đôi với làm; ham học hỏi, hiểu biết, có năng khiếu hội họa, văn học, lắm tài vặt, còn ngoại hình thì như một tiên đồng giáng thế… Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, tác giả Búp sen xanh, Bông sen vàng sẽ không tạo được chỗ đứng riêng bởi tác phẩm chỉ là sự nối dài không mấy cách tân so với những người đi trước. Ấn tượng sâu đậm mà Nguyễn Sinh Côn để lại trong độc giả là những suy nghĩ, hành động, tình cảm rất đỗi con người. Cũng hiếu động, “nghịch trổ trời” như bao đứa trẻ cùng trang lứa, cũng rủ bạn trốn học đi câu cá, hay rủ đám trẻ trong xóm đi trêu chó để chúng sủa om sòm, bị láng giềng đến nhà la mắng cả bà ngoại v.v… Người đọc sẽ thú vị và cảm thấy gần gũi khi gặp ở đây một cậu bé Côn hồn nhiên, thơ ngây trong trò chơi con trẻ, trong những cái mẹo chợt nghĩ ra với mong muốn mang lại cho mẹ niềm vui bất ngờ, trong những lời “nói nũng với cha”, trong lối sống hòa đồng, giản dị, trong cái nết thực thà, tốt bụng với mọi người, dạt dào tình cảm, hay xúc động v.v… Sự song hành, hòa quyện giữa hai phẩm chất bình thường – phi thường đó, nói như nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, là “điều đáng quý” ở nhân vật. Nhờ vậy mà Côn (và Nguyễn Tất Thành) luôn có được một phong thái đặc biệt: hòa vào mọi lớp người mà vẫn không lẫn. Chính khoảng cách gần gũi này làm cho tiểu thuyết trở thành một thể loại dân chủ, nó cho phép người trần thuật có thể có thái độ thân mật, thậm chí suồng sã đối với nhân vật của mình, và từ đó, có thể nhìn hiện tượng từ nhiều chiều, sử dụng nhiều giọng nói.
Ngôn từ trong tiểu thuyết là một hiện tượng rất phong phú. Lời trần thuật trong tiểu thuyết mang tính chất đối thoại, nó có nhiều hình thức đa giọng, đa thanh như lời văn nhại, lời mỉa mai, lời văn nửa trực tiếp… Tiểu thuyết hấp thu mọi loại lời nói khác nhau của đời sống, san bằng ngăn cách trong văn học và ngoài văn học, tạo nên sự đối thoại giữa các giọng khác nhau. Cuộc sống trong tiểu thuyết là một cái gì chưa xong xuôi. Ngay lời trần thuật, dòng ý thức nhân vật cũng là một quá trình chưa xong xuôi.
Các đặc điểm về nội dung và hình thức trên đây làm cho tiểu thuyết đạt được trình độ phát triển cao nhất trong loại hình tự sự, là thể loại chưa biết đến sự hoàn kết. Đây là thể loại tự sự dân chủ, năng động và giàu khả năng phản ánh đời sống nhiều mặt bậc nhất trong các thể loại văn học.
(Nguồn tham khảo: Bùi Thanh Truyền, Giáo trình văn học 1)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức