Kịch bản văn học là gì? Đặc trưng và phân loại kịch

0

1. Khái niệm kịch bản văn học

Kịch là một trong ba loại hình văn học (bên cạnh tự sự và trữ tình). Kịch vừa thuộc về sân khấu, vừa thuộc về văn học: nó là cơ sở đầu tiên của vở diễn, vừa được cảm thụ bằng việc đọc.

Cơ sở của kịch là những mâu thuẫn xã hội, lịch sử, hoặc những xung đột muôn thuở của con người nói chung.

2. Đặc trưng thể loại của văn học kịch

Xung đột là yếu tố thiết yếu, là cơ sở của kịch. Lunatracxki khẳng định: “Những vở kịch không có sự phát triển của sự kiện, không có sự xung đột của các mâu thuẫn chỉ có thể là những vở kịch tồi”. Đây là là biểu hiện cao nhất của sự phát triển mâu thuẫn giữa các lực lượng, các tính cách trong vở kịch. Chính nó tạo nên kịch tính cho một vở kịch. Nhờ có xung đột thúc đẩy, hành động kịch mới phát triển, tính cách của các nhân vật mới được bộc lộ. Qua sự lựa chọn và giải quyết xung đột, ta thấy được tư tưởng nghệ thuật của vở kịch.

Xung đột kịch có thể có nhiều phạm vi và nhiều cấp độ khác nhau: xung đột nội tâm trong một tính cách, xung đột giữa các tính cách, xung đột giữa tính cách và hoàn cảnh,… Nhưng tập trung và tiêu biểu hơn cả là xung đột giữa các lực lượng xã hội. Chính xung đột kịch làm cho kịch có tính sân khấu. Nhờ có xung đột mà vở kịch có thể diễn được, thành “kịch” được. Nếu kịch không có xung đột thực sự thì dễ trở thành những “hoạt cảnh” nhạt nhẽo mà thôi.

Xung đột kịch chỉ được bộc lộ thông qua hành động kịch. Và do đó, hành động là một đặc trưng tất yếu của kịch. Có thể nói, nếu xung đột tạo nên kịch tính bên trong của vở kịch, thì hành động là sự “diễn đạt”, “biểu diễn” kịch tính đó ra bên ngoài, tạo nên tính sân khấu của một vở kịch.

Hành động trong kịch bản văn học chủ yếu thông qua ngôn ngữ – hành động, nhờ đó người đọc có thể hình dung ra hoạt động của nhân vật, tiến triển của vở kịch. Dù là hành động của nhân vật trên sân khấu, hay là hành động được hình dung qua ngôn ngữ trong kịch bản, hành động kịch thường được miêu tả gấp gáp, căng thẳng. Nhân vật thường xuyên hoạt động, thực hiện hành động này đến hành động khác. Sự chồng chất, dồn nén hành động trong một vở kịch là nằm trong quỹ đạo chung của xung đột vở kịch. Tính căng thẳng và gấp gáp của hành động đã làm cho tiết tấu kịch khác hẳn tiết tấu của tự sự hay trữ tình. Đó là tiết tấu của cuộc sống đã được dồn nén đến mức căng thẳng nhất.

Có người chia hành động trong vở kịch thành hành động bên trong và hành động bên ngoài. Hành động bên ngoài là những hành động bề ngoài có thể nhìn thấy được, biểu hiện ra bên ngoài. Hành động bên trong là những suy tư, tính toán, cân nhắc bên trong của các nhân vật. Thật ra, hành động của các nhân vật trong một vở kịch chủ yếu là hành động bên ngoài. Ngay cả hành động bên trong đó cũng được “phô diễn”, bộc lộ ra ngoài. Bởi lẽ, mục đích của kịch phải là để diễn, cho nên phải làm sao cho hiện ra hết, có thể “xem” được.

Kịch viết là để diễn. Nhân vật kịch chỉ được miêu tả ở những khâu xung đột mãnh liệt nhất. Do đó, nhân vật kịch luôn luôn ở trong trạng thái căng thẳng, luôn luôn xúc động và xao xuyến, đợi chờ, lo lắng và cũng không được miêu tả một cách đầy đặn như nhân vật tự sự, nhất là phương diện chân dung, ngoại hình, nội tâm,… Thông thường, nhân vật kịch được giới thiệu một cách rất sơ lược trong bảng phân vai: tên, tuổi, chức vụ hay nghề nghiệp, quan hệ với các nhân vật khác như thế nào,… Người viết chủ yếu xây dựng nhân vật kịch thông qua ngôn ngữ nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật thông báo với độc giả (kịch bản) và khán giả (sân khấu) về các sự kiện, biến cố, các quan hệ và cả chính tính cách, đặc điểm của nhân vật nữa.

Đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ nhân vật ở trong kịch phải là ngôn ngữ mang tính hành động, tính khẩu ngữ, tính hàm súc và tính tổng hợp cao. Ngôn ngữ đó lại phải phù hợp với tính cách nhân vật. Khi lên sân khấu diễn viên “biểu diễn” chứ không phải “đọc” kịch bản, do đó ngôn ngữ kịch phải gần gũi khẩu ngữ, lời ăn tiếng nói hằng ngày để diễn viên có thể “nói” được. Ngoài ra, ngôn ngữ kịch phải gắn liền với hành động. Hay nói khác đi, nó là một thứ hành động – ngôn ngữ. Nó vừa thông báo, vừa có tính chất khơi gợi phù hợp với các hành động trong kịch. Ngôn ngữ kịch phải phù hợp với tính cách nhân vật, nhân vật nào phải nói đúng giọng nhân vật đó, nhà viết kịch phải “cá tính hoá” ngôn ngữ nhân vật. Ngôn ngữ kịch thường “hướng ngoại”, nó không chỉ là sự đối đáp giữa các nhân vật, mà qua đó, những suy tư hay sự việc thầm kín được phô bày ra ngoài.

Ngôn ngữ kịch là ngôn ngữ nhân vật với các thành phần chủ yếu là đối thoại, độc thoại và bàng thoại. Đối thoại là nói với nhau, nhưng không phải cứ nói với nhau là thành kịch. Đối thoại phải là đối thoại trong tình huống kịch mới trở thành kịch. Độc thoại còn gọi là độc bạch, là lời nhân vật nói một mình. Lời độc thoại có khi là lời độc bạch tâm sự của nhân vật, có khi là lời tâm sự hướng tới ai đó. Cũng có khi lời độc thoại được thay bằng tiếng đế, tiếng vọng,… Bàng thoại, còn gọi là bàng bạch, là thành phần ngôn ngữ mà nhân vật bộc bạch với khán giả nhằm để giải thích hay nói rõ thêm về một sự kiện, một hành động hay một nhân vật nào đó trong kịch.

3. Phân loại kịch

Dựa vào loại hình xung đột, mục đích cuộc đấu tranh của nhân vật trung tâm, tình cảm thẩm mĩ trong tiếp nhận nghệ thuật, người ta chia kịch thành ba thể: bi kịch, hài kịch, chính kịch (hay còn gọi là kịch đram).

Bi kịch là một thể của kịch, đối lập với hài kịch. Bi kịch phản ánh những mâu thuẫn, xung đột căng thẳng không thể giải quyết trong đời sống hiện thực, vì thế được kết thúc bằng sự thảm bại, hoặc cái chết của nhân vật. Nhân vật của bi kịch bao giờ cũng là con người lương thiện, dũng cảm, anh hùng, cao thượng, đấu tranh vì mục đích tốt đẹp, vì lí tưởng cao quý, nhưng điều kiện khách quan chưa cho phép thực hiện. Cái chết hoặc sự thảm bại của nhân vật mang lại cho độc giả và khán giả sự thanh lọc tâm hồn.

Hài kịch là một thể của kịch, đối lập với bi kịch. Đối tượng thể hiện của hài kịch là cái xấu, cái không có giá trị, không có nội dung, nhưng luôn tỏ ra là có nội dung, có giá trị. Các tính cách, hành động và tình huống được trình bày trong hài kịch dưới hình thức cười cợt hoặc thấm đậm chất hài. Ở các nhân vật hài kịch, phẩm chất bên trong không tương xứng với vị trí, thân phận của nó, và do vậy nó đáng là nạn nhân của tiếng cười. Hài kịch tạo ra tiếng cười hả hê, sảng khoái, thể hiện thái độ châm biếm, đả kích, vạch trần cái xấu, cái què quặt, méo mó của nhân cách hoặc hoàn cảnh xã hội để góp phần hoàn thiện con người và đời sống. Hài kịch sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật như nói mỉa, chơi chữ, phóng đại, tăng cấp, tương phản, đối lập… Phạm vi của hài kịch rất rộng, từ châm biếm chính trị đến hài hước vui nhộn nhẹ nhàng. Dựa vào nội dung, hài kịch có thể chia thành hai thể nhỏ: hài kịch tình huống và hài kịch tính cách.

Chính kịch còn gọi là kịch đram, hoặc kịch, là thể trung gian giữa bi kịch và hài kịch. Nó ra đời vào thế kỉ XVIII trong sáng tác của chủ nghĩa Khai sáng nhằm chống lại tính phiến diện của hài kịch và bi kịch cổ điển. Đối tượng phản ánh của chính kịch là cái hằng ngày, thường ngày vẫn diễn ra trong đời sống hiện tại của xã hội. Mâu thuẫn, xung đột được phản ánh trong chính kịch gay gắt, căng thẳng, nhưng không phải là không thể giải quyết. Nhân vật của chính kịch là những con người bình thường, trong đó có cái cao cả đồng thời cũng có sự thấp hèn. Thể hiện một nội dung như thế, chính kịch phá vỡ những khuôn phép luật lệ của kịch truyền thống, tạo ra những cách tân táo bạo. Đây là hình thức thể loại phù hợp với đời sống của thời hiện đại. Các vở kịch Đội kịch chim chèo bẻo của Nguyễn Văn Niêm, Lòng dân của Nguyễn Văn Xe, Lời thề thứ 9, Khoảnh khắc và vô tận, Tôi và chúng ta, Lời nói dối cuối cùng của Lưu Quang Vũ, Cuộc chiến đấu thầm lặng, T5 hành động, Người tìm thuốc trường sinh, Kiếm khách Linh Sơn Tự của Nguyễn Trí Công… thuộc loại này.

(Nguồn tham khảo: Bùi Thanh Truyền, Giáo trình văn học 1)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.