Tác phẩm văn học là gì? Nội dung và hình thức của tác phẩm văn học
Nội Dung
1. Khái niệm tác phẩm văn học
Tác phẩm văn học là công trình nghệ thuật bằng ngôn từ, là kết quả hoạt động lao động nghệ thuật của cá nhân nhà văn, hoặc kết quả nỗ lực sáng tác của tập thể. Đây là đơn vị độc lập cơ bản của đời sống văn học.
Tác phẩm có thể tồn tại bằng hình thức ngôn bản truyền miệng hoặc hình thức văn bản nghệ thuật (được ghi giữ bằng văn tự); có thể được tạo thành bằng văn vần hoặc văn xuôi; và bao giờ cũng thuộc một loại văn học (tự sự, trữ tình, kịch), một thể tài văn học nhất định. Độ dài của tác phẩm văn học có thể từ một câu (tục ngữ, ca dao, cách ngôn, đề từ,…) đến hàng ngàn vạn câu (sử thi, tiểu thuyết nhiều tập,…).
Bạn đang xem: Tác phẩm văn học là gì? Nội dung và hình thức của tác phẩm văn học
Mỗi tác phẩm là một hệ thống phức tạp gồm hàng loạt các yếu tố thuộc những bình diện khác nhau (đề tài, chủ đề, tư tưởng, kết cấu, ngôn ngữ, hình tượng, nhân vật, cốt truyện…). Ở những sáng tác có giá trị, sự kết hợp và tác động lẫn nhau giữa các yếu tố này khiến tác phẩm trở thành một chỉnh thể nghệ thuật, mang tính thống nhất hữu cơ giữa nội dung thẩm mĩ và hình thức nghệ thuật.
Tác phẩm văn học là phát ngôn phức hợp của người sáng tác ra nó; là sự phản ánh, khúc xạ, vang hưởng, dự cảm… của đời sống hiện thực; là đối tượng tích cực của sự tiếp nhận (cảm thụ) văn học.
Xét từ chức năng giao tiếp và đời sống lịch sử, tác phẩm văn học không phải là một sản phẩm cố định, bất biến, không phải là một đối tượng vật thể (tuy nó tồn tại thông qua những dạng vật chất, vật liệu: tiếng nói, chữ viết, trang sách in…); tác phẩm văn học chủ yếu là một thực thể tinh thần, một tổng thể những hàm nghĩa phức hợp. Vì vậy, tác phẩm tồn tại ở dạng khả biến. Ngôn bản, qua truyền miệng, văn bản qua sao chép hoặc tái bản đều phát sinh dị bản (nhiều trường hợp là những dị bản ngang quyền nhau). Sự cảm thụ bởi độc giả, sự lí giải bởi giới nghiên cứu, phê bình, bởi dư luận xã hội từng thời đại – đều làm phát sinh những phán đoán, đánh giá ít nhiều khác nhau về nội dung thẩm mĩ của tác phẩm. Như vậy, có thể coi tác phẩm văn học như là sự thống nhất giữa những hàm nghĩa thẩm mĩ tư tưởng đã được mã hóa trong văn bản và sự cảm thụ, lí giải bởi những thời đại và thế hệ công chúng khác nhau. Đây là sự thống nhất giữa cái tuyệt đối (mã hóa) và cái tương đối (sự giải mã bằng các cách đọc, lí giải, cảm thụ). Tất nhiên, chỉ có thể nói tới sự thống nhất này ở trường hợp những tác phẩm lớn, được tiếp nhận tích cực, rộng rãi. Tính xác định của tác phẩm văn học như một thực thể tinh thần chính là nằm trong tương quan giữa cái tuyệt đối và cái tương đối nói trên.
2. Nội dung và hình thức của tác phẩm văn học
2.1. Nội dung của tác phẩm văn học
Xem thêm : Chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất (1839-1842)
Nội dung tác phẩm văn học là hiện thực cuộc sống được phản ánh trong sự cảm nhận, suy ngẫm và đánh giá của nhà văn. Đó là một hệ thống gồm nhiều yếu tố khách quan và chủ quan xuyên thấm vào nhau.
Trước hết, tác phẩm văn học cung cấp cho người đọc những biểu hiện phong phú, nhiều vẻ và độc đáo của đời sống mà tính loại hình của chúng tạo thành đề tài của tác phẩm. Vấn đề bức xúc nhất nổi lên từ đề tài, buộc tác giả phải bày tỏ thái độ, có ý kiến đánh giá là chủ đề. Ý kiến của tác giả trước những vấn đề nêu ra trong tác phẩm là tư tưởng. Thái độ đánh giá, nhiệt tình bảo vệ tư tưởng tạo nên cảm hứng chủ đạo hay cảm hứng tư tưởng. Quan niệm về thế giới và con người được dùng làm hệ quy chiếu để tác giả xác lập đề tài, chủ đề, lí giải thế giới trong tác phẩm có cội nguồn sâu xa trong thế giới quan. Các xung đột, mâu thuẫn xã hội trong tác phẩm, tình cảm yêu ghét, cảm hứng thẩm mĩ cũng được xem là những phương diện nội dung quan trọng. Cuối cùng, tương quan giữa sự biểu hiện của đời sống và sự cảm thụ chủ quan tạo nên nội dung thẩm mĩ của hình tượng.
Như vậy, nội dung của tác phẩm văn học là một thể thống nhất giữa hai mặt khách quan và chủ quan, trong đó có phần nhà văn khái quát, tái hiện đời sống khách quan vừa có phần bắt nguồn từ cảm xúc, huyết mạch, lí tưởng của tác giả. Đó là cuộc sống được lí giải, đánh giá, ước mơ, là nhận thức và lí tưởng, nỗi niềm đã hoá thành máu thịt hiển hiện, chứ không phải là khái niệm về hình thức hoặc khái niệm về lí tưởng và tình cảm. Nội dung tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí (Tô Hoài) không giản đơn là đời sống, tập tính của thế giới loài vật hoặc cuộc phiêu lưu gian nan nhưng rất đỗi kì thú của đôi bạn tri âm Mèn và Trũi, mà là những suy ngẫm mang tính triết lí về mối quan hệ giữa sự hình thành nhân cách của con người, nhất là tuổi trẻ, với những trải nghiệm trong trường đời rộng lớn, về ý nghĩa đích thực của đời người nói chung, thanh niên nói riêng là sống phải có lí tưởng và biết hành động để đạt được ước mơ, hoài bão của mình, không nên sống hoài, sống phí… Nội dung tác phẩm, vì thế, là kết quả khám phá, phát hiện khái quát của nhà văn. Sự lược quy nội dung này vào các phạm trù xã hội học sẽ làm nghèo nàn nội dung tác phẩm.
2.2. Hình thức của tác phẩm văn học
Hình thức của tác phẩm văn học là cấu tạo gồm nhiều yếu tố phụ thuộc lẫn nhau và phụ thuộc vào nội dung tác phẩm. Trong tác phẩm văn học, ngôn từ, kết cấu, thể loại, phong cách được xem là hình thức.
Văn bản ngôn từ là yếu tố thứ nhất của hình thức tác phẩm; nó có hai chức năng: vẽ ra bức tranh đời sống và biểu hiện thái độ, cái nhìn của chủ thể lời nói bằng phương diện ngôn ngữ. Đến lượt mình, “bức tranh đời sống” của tác phẩm lại trở thành văn bản hình tượng mà ý nghĩa của các thành tố của nó như chi tiết, tình tiết, nhân vật, cốt truyện, nhịp điệu trong toàn bộ thể hiện các yếu tố nội dung kể trên. Kết cấu có thể ví như ngữ pháp, có vai trò tổ chức các đơn vị có ý nghĩa của văn bản hình tượng thành những lời phát biểu. Thể loại là những quy tắc tổ chức hình thức tác phẩm ứng với những loại hình nội dung nghệ thuật của nó.
Xem thêm : Cách vẽ gấu dâu đẹp đơn giản siêu ngọt ngào, dễ thương
Hình thức không chỉ có trong ngôn ngữ, kết cấu, cốt truyện, những yếu tố vốn thường coi là thuộc về hình thức. Hình thức còn có cả trong diện mạo, tính cách nhân vật nữa. Xét sự biến chuyển về hình thức nhân vật qua các thời đại, các thể loại văn học… chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy điều này. Tuy nhiên, hình thức tác phẩm không phải là tổng cộng của các cấp độ, các yếu tố mà là một hệ thống chỉnh thể với sự thống nhất, quy định, phụ thuộc lẫn nhau giữa các yếu tố, cấp độ ấy.
2.3. Sự thống nhất giữa nội dung và hình thức của tác phẩm văn học
Nội dung là cơ sở của sự vật, là phương diện có vai trò quyết định, chủ chốt của sự vật, còn hình thức là sự tổ chức và diện mạo bên ngoài của sự vật, là phương diện bị quyết định. Trong tác phẩm văn học, hình thức là phương tiện biểu hiện nội dung, nội dung do hình thức biểu hiện. Hình thức nghệ thuật của tác phẩm là hiện tượng độc đáo, ứng với nội dung độc đáo, hoàn toàn không phải là số cộng giản đơn của các thủ pháp và phương tiện nghệ thuật. Trong tính chỉnh thể, hình thức nghệ thuật có nghĩa là hình thức cảm nhận đời sống, là cách tự bộc lộ của nội dung tác phẩm, do nội dung của tác phẩm quyết định. Tuy nhiên, với tư cách là “cái biểu đạt” (trong quan hệ với nội dung như là “cái được biểu đạt”), hình thức có tính độc lập tương đối; nó tiến triển theo những quy luật riêng của quá trình văn học nhân loại và văn học dân tộc.
Nhà văn sáng tạo hình thức phải dùng thủ pháp, phương tiện nghệ thuật. Nhưng thủ pháp, phương tiện được lẩy ra một cách trừu tượng cũng chưa phải là hình thức. Chất liệu và phương tiện nghệ thuật chỉ trở thành hình thức nghệ thuật chừng nào chúng trở thành sự biểu hiện của nội dung, thành hình thức có tính nội dung của một nội dung cụ thể. Chính vì thế, người ta thường nói đến tính nội dung của hình thức tác phẩm. Đó là khái niệm chỉ hình thức như là phương thức hình thành, xuất hiện của một nội dung nhất định. Hình thức tồn tại trong toàn tác phẩm như là tính xác định của nội dung, sự biểu hiện của nội dung. Ứng với nội dung nhiều cấp độ sẽ có hình thức nhiều cấp độ. Sự thống nhất đó tạo nên giá trị thẩm mĩ toàn vẹn của tác phẩm văn học.
Việc phân biệt hai phương diện “hình thức”, “nội dung” chỉ là kết quả sự trừu tượng hóa của tư duy nghiên cứu khoa học; trên thực tế tác phẩm, không thể phân chia tách rời chúng, bởi vì hình thức chính là nội dung trong dạng tồn tại có thể cảm thụ trực tiếp của nó, nội dung chính là hàm nghĩa nội tại của hình thức này. Từng phương diện, cấp độ, yếu tố của tác phẩm văn học, dù mang tính hình thức (phong cách, thể loại, bố cục, kết cấu, ngôn từ nghệ thuật,..), mang tính nội dung (đề tài, chủ đề, xung đột, tính cách, hoàn cảnh, tư tưởng…), hay mang cả tính nội dung lẫn hình thức (cốt truyện) đều hiện diện như những thực thể thống nhất toàn vẹn. Chính sự thống nhất giữa các yếu tố nội dung và hình thức đã tạo nên sức mạnh tư tưởng – nghệ thuật của chỉnh thể tác phẩm văn học. Nghĩa là, như cách nói của nhà văn Xô viết Lêônôp: “Tác phẩm nghệ thuật đích thực, nhất là tác phẩm ngôn từ, bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung” .
(Nguồn tham khảo: Bùi Thanh Truyền, Giáo trình văn học 1)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức