Chèo là gì? Tìm hiểu về chèo sân đình
Nội Dung
1. Về tên gọi “chèo”
Chèo là một loại hình sân khấu dân gian truyền thống lâu đời và giàu tính dân tộc nhất của người Việt. Tại sao gọi là “Chèo”. Các nhà nghiên cứu văn học dân gian sưu tầm và đúc kết nhiều cách lý giải khác nhau về tên gọi này.
Ý kiến thứ nhất cho rằng tiếng “chèo” là cách đọc biến âm của từ “trào”, mà trào là tính hài hước, trào lộng. Chèo là một loại hình biểu diễn dân gian đậm chất hài hước, trào lộng nên gọi là “Trào”. Theo thời gian, cách đọc này chệch đi, đọc trại là chèo. Vậy ý kiến này muốn dựa vào nội dung của thể loại để giải thích tên gọi của chèo.
Bạn đang xem: Chèo là gì? Tìm hiểu về chèo sân đình
Ý kiến thứ hai lại cho rằng âm chèo được đọc trại từ chữ “Triều”, tức là một loại hình nghệ thuật có nguồn gốc trong triều đình mà ra. Ý kiến này đi từ giả thuyết về nguồn gốc để giải thích tên gọi đã ít nhiều phủ nhận tính dân gian của loại hình nghệ thuật này mà muốn nhấn mạnh yếu tố cung đình (?).
Ý kiến thứ ba cho rằng “Chèo” là danh từ thuần Việt, danh từ này gắn với động tác chèo thuyền trong đời sống và trong tín ngưỡng – phong tục có từ lâu đời của người Việt. Theo hướng đó, dựa trên tư liệu dân tộc học, các nhà nghiên cứu xác định từ xưa, người Việt đã có tục hát đưa linh để đưa vong hồn người chết về âm phủ (còn gọi là nơi chín suối hay suối vàng). Ở một số nơi, còn lưu truyền vở chèo đưa linh (ví dụ chèo đưa linh ở Phan Thiết). Vở chèo này đã trình diễn việc đưa linh hồn người quá cố về cõi âm bằng thuyền và điệu hát “bá trạo” (hay “bả trạo” có nghĩa là cầm chèo; cầm mái chèo). Trong chèo cổ có điệu hát văn (văn ca tức là kéo thuyền hoặc kéo xe). Điệu hát này cũng thấy được dùng trong hát đám ma và hát chay đàn trong các đám chay (để tiễn đưa linh hồn người chết xuống âm phủ hoặc đi tìm linh hồn người chết ở âm phủ) (Dẫn theo Hoàng Tiến Tựu – Giáo trình CĐSP- Chú thích trang 252).
2. Về nguồn gốc:
Nói đến nguồn gốc của chèo cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Chúng tôi mượn những đóng góp nghiên cứu của giáo trình ĐHQG Hà Nội để trình bày vấn dề này. Theo thư tịch cổ, hát chèo đã được nghiên cứu một cách công phu trong sách Hý phường phả lục của Lương Thế Vinh (thế kỷ XV). Nhưng rất tiếc pho sách quý giá ấy của vị trạng nguyên và một trong những người lãnh đạo hội Tao Đàn đã không còn lưu giứ được cho đến ngày nay. Trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên (thế kỷ XV) và Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn (thế kỷ
XVIII) đều có ghi rằng vào đời Lý Nhân Tông (1075) trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, quân sĩ của ta có bắt được một kép hát nổi tiếng trong đội quân Tống (Lý Tôn Đạo). Chính người này đã dạy cho quan sĩ của ta loại ban hí và về sau lan tỏa, phát triển dần thành hát chèo. Tương tự thời Trần ta cũng bắt được một kép hát của nước Nguyên Mông tên là Lý Nguyên Cát, người này lại dạy cho quân sĩ ta loại văn ca và long ngâm. Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (thế kỷ XVII) có ghi lại rằng loại văn ca đó được hát trong lễ đưa tang Trần Nhân Tông. Như vậy theo quan điểm của các sử gia trên thì hát chèo có nguồn gốc từ phương Bắc du nhập sang nước ta.
Đầu thế kỷ XX, trên tập chí Nam Phong số 76 Đạm Phương nữ sĩ lại tìm nguồn gốc sân khấu dân gian chúng ta có từ Chiêm Thành.
Vào những năm 50 của thế kỷ này, các tác giả “Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam” (quyển 1) do NXB Văn Sử Địa ấn hành cũng dựa vào quan điểm trên mà cho rằng Tuồng có nguồn gốc từ Trung Quốc mà chèo lại từ Tuồng mà ra.
Ông Lê Chí Quế kết luận rằng cách giải thích cội nguồn hát chèo là do sự du nhập từ một dân tộc khác hoặc một quốc gia nào khác vào Việt Nam là không có sức thuyết phục. Từ đó, ông đưa ra một luận thuyết đáng tin cậy khác về nguồn gốc của chèo.
Trong “Chèo và tuồng” của Hoàng Ngọc Phách và Huỳnh Lý (NXB Văn hóa 1958) và đặc biệt là trong các chuyên khảo của các nhà nghiên cứu sân khấu dân gian như Hoàng Kiều, Trần Việt Ngữ, Hà Văn Cầu, các tác giả có nhận xét rằng chèo – môn nghệ thuật sân khấu độc đáo cổ truyền phải bắt nguồn từ những hình thức múa hát sơ khai cổ xưa của dân tộc, có thể có từ trước thời Lý Trần. Từ tích diễn và ứng diễn, chèo đã được hình thành vào khoảng thế kỷ XIV cuối đời Trần. Trước đó, chỉ có những điệu múa câu ca mộc mạc đơn giản kể lại quá trình săn bắn canh tác có trống chiêng hòa theo hoặc những thầy cúng ê a kể lại công đức thần thánh hay một thời kỳ lịch sử của bộ tộc trong những dịp cúng tế liên hoan. Rồi cuối đời Trần, khi yêu cầu và nhu cầu nghệ thuật của người nông dân ngày càng cao, họ đã tổ chức nhau lại thành từng bọn từng nhóm, từng phường để thể hiện những vở trò có sự tích rắc rối với nhiều nhân vật, hát nhiều làn điệu hơn. Và theo các nhà nghiên cứu, những bọn hát rong đó có lẽ (?) là tiền thân của những gánh chèo có tổ chức chặt chẽ và quy mô hơn vào thế kỷ XV sau này. Có thể thấy rất rõ tinh thần dân tộc mạnh mẽ trong cách giải thích trên nhưng tiếc là các tác giả chưa đưa ra những cơ sở khoa học thuyết phục để chứng minh.
Trong sự cố gắng đưa ra những dẫn chứng khảo cổ, lịch sử thuyết phục hơn, các ông Trần Quốc Vượng và Đinh Xuân Lâm (Tạp chí văn học số 4 – 1966) giả thuyết rằng mốc ra đời của tuồng chèo phải sớm hơn hai đời Lý Trần khá nhiều và đến đời Lý Trần hai môn nghệ thuật đó không những đã đạt đến mức phát triển mà còn trở thành một loại hình khá phổ biến trong đời sống tinh thần dân tộc. Các tác giả còn cho biết đến đời Lý, trong nghệ thuật sân khấu Việt Nam có sự phân biệt rạch ròi các vai đào kép, hề và trong cung đình đã có khá nhiều nghệ nhân chuyên nghiệp. Chèo xuất hiện trước tuồng ít lâu và cả hai đã chiếm lĩnh cung đình và ngoài nhân dân. Khi chế độ phong kiến phát triển cũng là lúc nó xung khắc với chèo và quyết liệt đẩy chèo ra khỏi cung đình.
Sau khi đưa ra nhiều ý kiến khác nhau (mà hầu hết đều mang tính giả thuyết gợi mở vấn đề để tiếp tục bàn luận thêm), ông Lê Chí Quế đúc kết rằng Chèo là một bộ môn nghệ thuật sân khấu dân tộc vừa có tính chất dân gian vừa có tính chất chuyên nghiệp từ những hình thức nguyên sơ của dân tộc ta. Trong quá trình hình thành và phát triển, nó cũng như các loại hình văn hóa khác, ít nhiều chịu ảnh hưởng và tiếp biến các yếu tố ngoại lai từ những nền nghệ thuật khác. Nó đã có từ trước thời Lý Trần (để bác bỏ ý kiến cho rằng đời Lý – và sau đó là đời Trần mới được những kép hát bắt được từ hàng ngũ ngoại bang truyền dạy cho) và đến thời Lý Trần được nâng lên cao hơn, đến thời Lê phát triển rộng rãi hơn để trở thành một trong những vũ khí sắc bén tấn công những thói tật trong xã hội (trong nội bộ nhân dân và trong cả giai cấp thống trị).
Nhưng dù là ý kiến như thế nào thì theo chúng tôi, những mối quan hệ khăng khít giữa những điệu hát chèo và ca dao dân ca, nền ca vũ nhạc dân tộc cùng những sinh hoạt dân gian cũng là một gợi ý về nguồn gốc Việt Nam của loại hình nghệ thuật truyền thống này.
3. Về quá trình phát triển:
Không đặt ra vấn đề nguồn gốc, căn cứ vào những tài liệu lịch sử văn hóa khảo cổ, có thể hình dung về quá trình phát triển của chèo như sau. Trước hết, thời Ngô, Đinh, Lê chỉ có những câu ca điệu múa mộc mạc, đơn giản, có chiêng trống hòa theo, người hát có khi là thầy cúng và nơi hát còn gắn liền với các hình thức nghi lễ.
Đến đời Lý Trần thì từ những hình thức hát nói ứng diễn với động tác đơn giản kể lại một thần tích, tiến tới những hình thức biểu diễn có sự phối hợp giữa ca vũ nhạc ở trình độ cao hơn (Giao châu tập- Trần Cương Trung; Kiến văn tiểu lục – Lê Quý Đôn)
Âm nhạc phát triển, lưu truyền truyện kể dân gian bằng hình thức truyền khẩu Có thể có những cách nói đặc trưng (như ngâm, vỉa, ví…) có đệm nhạc hoặc hát nói đệm nhạc của một nhóm người tự phát vì mưu sinh là những cơ sở đầu tiên (?).
Cuối Trần sang Hồ đến Hậu Lê, yêu cầu nghệ thuật của nông dân ngày càng cao mà một đôi người khác không còn đáp ứng, một đôi làn điệu không đủ thỏa mãn, đã thúc đẩy họ tổ chức lại thành bọn, nhóm, phường để thể hiện những vở trò có tính phức tạp, với nhiều nhân vật, hát nhiều làn điệu hơn. Có lẽ đó là tiền thân của những gánh chèo có tổ chức hơn vào thế kỷ XV sau này. Nhà Lê chú ý “thuần phong mỹ tục” cấm hát chèo ăn uống trong dịp tết Trung Nguyên. Chèo được trả về với dân dã nên có điều kiện bám rễ sâu vào dân gian, phát triển và trau dồi nghệ thuật dân gian hơn.
Ở nông thôn, từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII – XIX, phong trào hát xướng đặc biệt là hát chèo lên cao. Có phường chèo đã vươn lên để có tích hát dài hơn, phức tạp đòi hỏi việc sắp xếp làn điệu phải hợp lý, nhuần nhị, động tác múa hát phải tinh tế. Nhân vật cũng không quá đơn giản sơ lược mà đậm nét hóm hỉnh và có cá tính. Lúc này đã xuất hiện những vở lớn mà sau này trở thành những vở chèo kinh điển của Việt Nam như Quan âm thị Kính, Trương Viên, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham…và chèo đã đi sâu rộng vào đời sống sinh hoạt của dân gian.
Thế kỷ XIX, chèo bị ảnh hưởng và có phần lai tạp với tuồng, khai thác các tích truyện mà tuồng thường sử dụng (Tiền Hán hậu Hán, Hán Sở tranh hùng…) có vai vua chúa, có đánh nhau bằng binh khí, ngôn ngữ có pha chữ Hán…
Đầu thế kỷ XX, lại có chèo hiện đại, chèo cải lương đáp ứng thị hiếu của một bộ phận tư sản thành thị dù tích truyện vẫn còn là truyện cổ, truyện nôm…
Sau Cách mạng tháng Tám, có lúc chèo đã thay hình đổi dạng khhi bị hiện đại hóa một cách sống sượng thể hiện sự ấu trĩ về nghệ thuật và chính trị. Cho đến gần đây, trong cuộc về nguồn, chèo đang quay trở về như một loại hình sân khấu dân gian đậm đà bản sắc.
Căn cứ vào quá trình hình thành và phát triển , chèo dân gian truyền thống với hình thức diễn xướng buổi đầu của nó, còn được gọi là chèo sân đình. Chèo sân đình được diễn vào các ngày lễ lạt hội hè ở nông thôn. Gọi là chèo sân đình bởi sân khấu là một khoảng đất rộng giữa sân đình, cạnh cổng làng, cửa chùa, góc chợ hay một đám đất rộng giữa làng. Vì thế, nó lấy trời cao, cây cối, tường vách chung quanh làm phông cảnh bài trí. Phía nền sân khấu, các nghệ sĩ dùng chiếu trải lên nền đất làm sàn diễn (nên có từ “chiếu chèo”). Đạo cụ quần áo của các vai trò chứa gọn trong vài các hòm gỗ. Các hòm gỗ ấy cũng được dùng để diễn (khi là núi cao, khi là ngai vàng…). Diễn viên là những nông dân yêu nghệ thuật và có tài múa hát. Sớm chiều cày cấy trên đồng ruộng, đến mùa lưu diễn tập họp nhau lại thành các “phường” theo các ông trùm, bác thơ đi từ làng này qua làng khác phục vụ thôn xóm. Các nghệ nhân sáng tác vở mới, sửa chữa nâng cao vở cũ, các làn điệu làm cho chèo ngày càng phong phú hơn.
Theo các nhà nghiên cứu hơn 70 vở chèo cổ còn lại cho đến ngày nay, phần lớn đều ra đời từ các gánh chèo sân đình dưới thời phong kiến (chủ yếu từ thế kỷ 18,19)
Gọi chèo sân đình để phân biệt vời Chèo văn minh (đầu TK 20) phát triển ở thành thị có sân khấu ba mặt, có bài trí phông màn, có từng cảnh, lớp, trang phục đẹp hơn.
Xem thêm : Luận điểm và Giả thuyết là gì?
Trong tài liệu này, chúng tôi chỉ nói về những đặc điểm nội dung và nghệ thuật của chèo sân đình.
4. Đặc điểm chung của chèo sân đình:
a. Chèo – một loại hình kịch hát dân tộc:
Chèo là một loại nghệ thuật tổng hợp, kết hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn giữa tích trò, lời ca và động tác múa. Tích trò là kịch bản văn học, là nội dung được kể lại thông qua diễn xuất của diễn viên. Ta có các vở như Tấm Cám, Thạch Sanh, Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ…Hát chèo là lúc cảm hứng trữ tình đạt đến đỉnh cao, các nhân vật giải bày tâm tình và giao lưu tình cảm với nhau. Hát chèo vừa là ngôn ngữ kịch bản vừa là ngôn ngữ nhân vật. Hát chèo sử dụng một cách đa dạng và phong phú những làn điệu ca hát ở đồng bằng và trung du Bắc bộ (kết hợp với những làn điệu âm nhạc mang tính chất tôn giáo và một số làn điệu ở những vùng khác du nhập vào). Ta có thể kể ra một số làn điệu như gà rừng, lão say, hát nói, hắt sắp, hát cách, sa lệch, vãn, điệu kể hạnh, ru kệ Bên cạnh hát chèo là Múa chèo. Nhìn chung, múa chèo còn đơn giản,
một số động tác múa mô phỏng động tác lao động. Diễn viên múa chèo chú trọng nhiều ở những cử động cánh tay, cổ tay, ngón tay mềm dẻo và linh hoạt (màn múa của Xúy Vân trong Xúy Vân giả dại kéo dài đến 19 phút), sử dụng một số đạo cụ như bông hoa, cành cây, gậy, mồi lửa. trong đó phổ biến nhất là
dùng quạt. Thật vậy, lời ca, động tác múa… nói chung là các yếu tố âm nhạc
đóng vai trò rất quan trọng và tạo nên bản sắc dân tộc của chèo.
b. Chèo – một hình thức kể chuyện độc đáo kết hợp tích diễn và ứng diễn: Chèo kể lại trên sân khấu một câu chuyện nhiều người đã biết. Diễn viên là người kể chuyện, mô tả thời gian không gian và đóng vai trò của nhân vật trong truyện.
Khi diễn, người diễn viên giao lưu trực tiếp với người xem qua tiếng “đế”. Tiếng “đế” bao gồm lời hỏi, lời đỡ giọng, lời họa theo. Đây là một hình thức độc đáo của chèo, giúp diễn giải nội dung tích trò, hướng dẫn, gợi suy nghĩ cho người xem, đồng thời còn có thể bình giá nhân vật, sự kiện…Dưới đây là một trích đoạn với tiếng “đế” trong Quan Âm Thị Kính:
Thị Mầu: | Tôi Thị Mầu con gái phú ông Tiền cùng gạo, tôi lên chùa cúng quả. |
Tiếng đế: | Nhà mày có mấy chị em? |
Thị Mầu: | Nhà tôi hiếm hoi…được chín chị em. |
Tiếng đế: | Có ai như mày không? |
Thị Mầu: | Có tôi là chín chắn nhất. Hôm nay là mấy nhỉ? |
Tiếng đế: | Mười tư. Rằm. |
Thị Mầu: | Này chị em ơi! |
Tiếng đế: | Làm sao? |
Thị Mầu:(hát) | Ấy thế mà Thị Mầu tôi mang tiếng lẳng lơ. Đò đưa cấm giá, tôi lên chùa từ mười ba. |
Cũng chính vì lý do đó, các nghệ sĩ tài năng, từ câu chuyện có sẵn và lời hát chèo của các nghệ nhân đặt lời cộng với tiếng “đế” đôi khi là của người xem chèo, đã ứng tác ngay trên sàn diễn làm cho vở diễn thêm sinh động và hứng thú (Cũng giống như loại hình rối nước đã trình bày, sự ứng tác trong chèo vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm).
c. Chèo – một loại hình sân khấu đậm chất hài:
Dù câu chuyện có nói về những số phận đau khổ bất hạnh nhưng kết thúc có hậu cùng tiếng cười lạc quan của chèo luôn tạo nên sự sôi động vui vẻ trẻ trung. Chính vì vậy, vai hề không thể thiếu trong chèo. Vai hề trong chèo (mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau) là một sáng tạo độc đáo với những cách gây cười, các thủ pháp gây cười luôn phong phú, đa dạng và linh hoạt (từ tên gọi, hóa trang đến động tác, ngôn ngữ).
d. Chèo – một hình thức sân khấu ước lệ, tượng trưng.
Do đặc trưng diễn xướng, chèo đã phát huy tối đa tính ước lệ, tượng trưng trong ngôn ngữ nghệ thuật (đạo cụ, lời hát, hóa trang, động tác…). Chẳng hạn cây quạt trong chèo là một đạo cụ giàu tính ước lệ, tượng trưng, ngoài chức năng dùng để quạt, quạt còn là nơi đề thơ; có lúc là ngọn roi, khi lại là cây bút. Nó giúp cho người diễn viên tung hứng sáng tạo vô cùng linh hoạt. Hay khi diễn viên trên sân khấu chèo đi một vòng trên sân khấu tức là người xem ngầm hiểu rằng họ đã đi từ nơi này sang nơi khác nhiều khi khoảng cách rất xa (như từ chiến trường về quê nhà chẳng hạn). Tính ước lệ tượng trưng còn biểu hiện ngay trong ngôn ngữ, khi diễn viên nói: “Cha nuôi con chốc đã ba thu” thì so với màn trước đó, người xem sẽ hiểu ngay là ba năm đã trôi qua.
5. Giá trị nội dung của chèo sân đình:
Nổi bật trong loại hình nghệ thuật chèo là giá trị hiện thực sắc sảo. Thông qua nội dung cốt truyện, các vở chèo phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội và phê phán đả kích những thế lực đen tối cùng những đại diện cho những thói hư tật xấu trong xã hội. Đó là hình ảnh đáng lên án của bè lũ vua chúa sâu dân mọt nước; của bọn quan lại tham nhũng xấu xa và các loại thầy trong xã hội phong kiến đầy những thói hư tật xấu (Tiêu biểu là vở chèo Nghêu sò ốc hến, Quan âm thị Kính…)
Quan chèo còn chẳng ra gì
Vua chèo cũng chẳng khác chi thằng hề.
Nhân vật xã trưởng (Quan âm thị kính) đã tự xưng như sau: Như tôi đây chính danh xã trưởng
Tính tôi đây hay trịch thượng trong làng Trên ơn nấp bóng quan
Xoay chúng dưới kiếm ăn cũng khá…
Bên cạnh đó, nội dung các vở chèo phẩn ảnh chân thành mà xúc động hình ảnh đời sống nhân dân vô cùng khổ cực trong một xã hội đầy rẫy những bất công (Nỗi khổ của mẹ con Thị Phương – chèo Trương Viên, nỗi oan của Thị Kính – Quan Âm Thị Kính) để từ đó vạch rõ mâu thuẫn giai cấp gay gắt giữa bọn thống trị tàn bạo, bọn địa chủ xấu xa và quần chúng nhân dân lao động – đặc biệt là nông dân.
Nhưng thông qua việc phanh phui sự thối nát của xã hội và phơi bày những thân phận bất hạnh khổ đau bị xã hội vùi dập xô đẩy, chèo lên tiếng bênh vực quyền sống, đề cao phẩm chất, phẩm giá con người – đặc biệt là người phụ nữ (Các vai “chín” của Thị Kính – Thị Phương là những vai chính tiêu biểu). Quan điểm nhân đạo cao cả từ loại hình nghệ thuật dân gian này cũng hòa nhập vào dòng chảy nhân văn chủ nghĩa của văn học dân gian nói riêng và văn học Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX nói chung.
Bên cạnh hình ảnh người chinh phụ chờ chồng, người cung nữ sống trong lầu son cô đơn lạnh lẽo tuổi xuân mỏi mòn, nàng Kiều ba chìm bảy nổi…trong các tác phẩm văn học viết, chèo dân gian đã làm phong phú thêm giá trị nhân đạo bằng những đóng góp đáng kể. Đó là cái nhìn cảm thông sâu sắc với những số phận phụ nữ bất hạnh; thái độ trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến và sự căm phẫn gay gắt trước những thế lực đen tối chà đạp lên thân phận đau khổ của họ – nạn nhân đáng thương của xã hội phong kiến – giai đoạn xuống dốc. Đó là số phận của nàng Thị Kính:
“Thuở làm vợ chồng ngờ thất tiết Lúc giả trai, cho gái đổ oan tình”.
Đó là vẻ đẹp của Thị Phương trong hoàn cảnh chiến tranh “Có sinh có đẻ cho can
Nàng dâu nuôi mẹ thế gian mấy người”.
Xem thêm : Nguyên tắc toàn diện (Quan điểm toàn diện)
“Tiết nghĩa ai bằng nàng Thị Phương Thờ chồng nuôi mẹ trọn đôi đường”.
Không chỉ thế, nội dung nhân đạo còn biểu hiện ở dạng nhân vật thuộc vai “lệch” như Xúy Vân (chèo Kim Nham), Thị Mầu (Quan Âm Thị Kính) ở chỗ họ dám vượt lên dư luận xã hội, lễ giáo phong kiến để hướng tới khát vọng chính đáng về tình yêu và hạnh phúc.
6. Giá trị nghệ thuật của chèo sân đình:
Chèo là một loại hình nghệ thuật tổng hợp của văn nghệ dân gian. Phải được tai nghe các điệu hát để hiểu được nội dung vở chèo, mắt thấy các động tác, điệu bộ, nghệ thuật diễn xuất của các nhân vật thì mới hiểu được đầy đủ nét độc đáo của chèo. Ở đây, ta chỉ xét các yếu tố nghệ thuật ở kịch bản văn học của chèo mà thôi.
* Về kết cấu:
Chèo thường trình bày các sự kiện trong câu chuyện được kể theo trình tự thời gian. Và trong tổng thể chung của trình tự trước sau đó, các tác giả thường chọn những đoạn quan trọng nhất trong cuôc đời nhân vật để tập trung khai thác.
Vì chèo là một lối kể chuyện bằng sân khấu (ở đó có sự tổng hợp các yếu tố như ca hát – điệu – bộ – diễn xuất), nên kết cấu của vở chèo ít nhiều phụ thuộc vào một thể loại khác (hay nói cách khác là có liên quan mật thiết đến kết cấu của một tác phẩm tự sự mà chèo dựa vào đó làm tích truyện). Cốt truyện của chèo thường dựa vào các sự tích có sẵn trong truyện cổ dân gian và về cơ bản vẫn giữ tình tiết y như truyện (nên nghiên cứu phần này ta có thể tham khảo lại đặc điểm kết cấu của truyện dân gian).
Cũng như truyện dân gian, chèo sẽ kể lại bằng hình thức biểu diễn đặc trưng của mình cuộc đời của một nhân vật nào đó nên mỗi vở chèo thường có một nhân vật trung tâm. Nhân vật này thường có mặt xuyên suốt diễn biến câu chuyện và dẫn dắt kết cấu của cốt truyện.
* Về nhân vật:
Nhìn chung, nhân vật chèo thể hiện rõ tính cách nhiều nhất qua diễn xuất. Tính cách ấy thường được biểu hiện bằng hành động cường điệu và có tính chất ước lệ của diễn xuất (Điều này sẽ bị hạn chế khi ta tìm hiểu nhân vật qua kịch bản văn học). Có một điểm đặc biệt rất thú vị là khi nhân vật chèo (thường là vai chính – vai phụ) bước ra sân khấu, họ thường tự giới thiệu và xưng danh về mình. Họ kể tên – họ, nghề nghiệp, quê quán, dòng dõi, gia cảnh… đôi khi kể ra cả một hoặc một vài đặc điểm tính cách nào đó của mình. Chẳng hạn khi nhân vật Thị Mầu (Quan Âm Thị Kính) xuất hiện, lời hát của nhân vật này là:
Tôi Thị Mầu, con gái phú ông
Tiền cùng gạo, tôi lên chùa cúng quả (nhà mày có mấy chị em ?)
Nhà tôi hiếm hoi …được chín chị em (Có ai như mày không?)
Có tôi là chín chắn nhất !
… Ấy mà Mầu tôi mang tiếng lẳng lơ.
Đò đưa cấm giá lên chùa từ mười ba.
Hay lời tự giới thiệu của nhân vật Xúy Vân (Kim Nham): Chẳng giấu gì tôi tên gọi Xúy Vân
Lấy Kim Nham nhà khó gian truân Chồng học vằng chầy ngày mong mỏi…
Nhân vật trong chèo thường chia làm hai tuyến: Vai chín và vai lệch ( Nếu nhân vật là nữ thì gọi là nữ chín và nữ lệch). Vai chín là vai thể hiện những nhân vật tích cực thể hiện những đức tính tốt của con người (như Thị Kính, Thị Phương, Thạch Sanh…) Còn ngược lại, vai lệch là những nhân vật tiêu cực, thường thuộc tầng lớp thống trị hay những người có thói hư tật xấu trong xã hội (ví dụ như Lý Thông, Thị Mầu).
Tuy nhiên sẽ là thiếu sót nếu không nói đến một loại vai không thể thiếu trong các vở chèo đó là vai hề. Vai hề là phương tiện gây cười quan trọng và chủ yếu trong chèo, mặc dù trong chèo dân gian truyền thống ít thấy những vở hài thực sự mà thường chỉ có những màn hài, lớp hài, yếu tố hài xen kẻ (đôi khi nằm ngoài nội dung tích truyện hoặc đi xa tích truyện). Mặc dù thế, tiếng cười toát ra từ nhân vật hề chèo cũng có nội dung và ý nghĩa về cơ bản tương tự như tiếng cười trong truyện cười dân gian và ca dao trào phúng. Vai hề trong chèo cũng có nhiều cách phân chia. Có khi người ta dựa vào nội dung phản ảnh để chia làm hai loại hề tích cực và hề tiêu cực. Có khi người ta dựa vào nghệ thuật biểu hiện (khi diễn, diễn viên hề hay sử dụng những đạo cụ nào) để phân thành ba loại khác như hề gậy, hề mồi và hề đồng. Có người đưa ra thêm một loại vai hề nữa đó là hề tính cách. Dưới đây xin điểm qua sơ lược các loại vai vừa kể.
Vai hề tích cực (còn gọi là hề áo ngắn) thuộc tầng lớp dưới trong xã hội (Tôi tớ, lính canh, anh mõ, tiểu đồng…). Loại này đại diện cho nhân dân lên tiếng đả kích giai cấp thống trị, phê phán những thói hư tật xấu bằng những lối nói, lối diễn dí dỏm thông minh.
Vai hề tiêu cực ít nhiều đại diện cho các tầng lớp trên (như quan lại, thầy đồ, thầy bói, phù thủy…). Loại này thường tự bộc lộ mình hay là phương tiện gợi cho vai hề tích cực giễu mình.
Vai hề tính cách không mang tên là hề trong vở chèo nhưng cũng có chức năng gây cười. Hề tính cách vừa là phương tiện vừa là đối tượng của tiếng cười phê phán do họ gây ra (lão say, lão Mốc, mẹ Đốp, mụ quán, Lý trưởng…)
Hề gậy (trong tay có cây gậy) thường là người hầu đi theo chủ trên đường xa. Chiếc gậy thường được hề sử dụng để gánh hành lý cho chủ. Nhưng không chỉ có thế, chiếc gậy còn được dùng như một đạo cụ mang tính chất tượng trưng ước lệ để cho vai hề biểu diễn (khi thì được dùng để múa, khi thì là cái đòn gánh, cái gậy phòng thân, đánh chó, đuổi kẻ trộm, thậm chí có khi còn là cây bút để đề thơ…). Đôi khi người ta còn gọi đây là hề theo bởi hay theo các bác, các thầy đi trẩy hội, đi du xuân, đi học, đi thi…
Hề mồi (trong tay có chiếc “mồi” làm bằng giẻ tẩm dầu hoặc nến để thắp sáng) Là lính tráng, người hầu trong dinh quan, trong cung đình hay trong nhà. Hề thường dùng mồi lửa để châm sáng hoặc dùng so
(Nguồn tham khảo: Trần Tùng Chinh, Giáo trình văn học dân gian Việt Nam)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức