Múa rối là gì? Tìm hiểu về nghệ thuật rối nước

0

Khái niệm

Rối là một loại hình nghệ thuật đặc biệt mang tính dân gian trong đó diễn viên là những con giống như tượng chủ yếu là tượng gỗ do các nghệ nhân dân gian điều khiển bằng tay, bằng dây, bằng que hay bằng sào để diễn lại các trò (những động tác độc đáo) hay tích trò (những động tác độc đáo có gắn với nội dung một câu chuyện kể nào đó).

Có nhiều hình thức múa rối, nhưng nói đến trò diễn rối dân gian là nói đến múa rối nước. Dù còn nhiều ý kiến tranh luận về nguồn gốc; về thời gian xuất hiện chưa thật rõ ràng, xác định nhưng nhìn lại suốt một thời gian dài trong lịch sử nghệ thật biểu diễn của Việt Nam, rối nước là một sản phẩm đặc sắc của Việt Nam. Đây là một loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp rất cao, tiếp thu và sử dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều loại nghệ thuật và mỹ thuật dân gian khác nhau (đan, dệt, chạm khắc, vẽ màu, sơn thếp, làm pháo, kiến trúc, thêu thùa, âm nhạc, nhảy múa, ca dao dân ca, truyện kể dân gian….. ).

Rối nước là trò diễn rối trên mặt nước. Sân khấu của nó là thủy đình được xây dựng khá công phu ở một khoảnh ao hay hồ rộng khoảng ba, bốn sào, nước sâu chừng một mét. Nhà thủy đình được xây sát và quay lưng lại một mặt của bờ ao, còn ba mặt còn lại dành cho khán giả. Một số nơi biểu diễn rối nước thường xuyên và chuyên nghiệp hơn cất nhà thủy đình đến hai hoặc ba tầng mà tầng trên cùng dành thờ tổ. Phía trước nhà có mành che được xem như phông nền của sân khấu rối. Các đoàn rối lưu động dựng sân khấu đơn giản hơn, chỉ cần những bè tre hay bè gỗ là có thể biểu diễn. Con rối thường làm bằng gỗ, chạm trổ tinh vi, các bộ phận được lắp ghép khéo léo để động tác thật nhuần nhuyễn và linh hoạt. Những con rối này được người nghệ nhân múa rối điều khiển bằng sào, bằng dây và những phương tiện nghệ thuật độc đáo khác.

Chương trình trò diễn của các phường rối nước khá phong phú, đa dạng với nhiều trò cụ thể khác nhau. Ví dụ như các trò ngư, tiều, canh, mục; sĩ, nông, công, thương. Và trong mỗi nhóm lại có nhiều trò hấp dẫn. Chẳng hạn trò Ngư sẽ có các tiết mục câu cá, úp nơm, kéo vó, đánh dặm, bơi thuyền, thả lưới. ; trò

Canh sẽ có cày, bừa, cấy, gặt, tát nước….. Bên cạnh đó là các tích trò khai thác các tích truyện trong truyền thuyết, cổ tích Việt Nam như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Tấm Cám. Múa rối nước Việt Nam phổ biến ở đồng bằng Bắc bộ Đông Các, Nguyên Xá (Thái Bình), Thạch Thất, Thạch Xá (Hà Tây), Nam Chấn, Nam Xương (Hà Nam), Từ Phong, Đồng Ngư, Bùi Xá (Bắc Ninh)….

Ở đây, chúng ta chỉ có thể tìm hiểu đặc điểm thi pháp của loại hình này qua yếu tố kịch bản sân khấu rối nước (tất nhiên là có liên hệ với thực tế diễn xướng).

Kết cấu.

Bắt đầu là phần mở màn còn gọi là phần khai diễn. Tự bản thân màn này dù chưa đi vào nội dung vở rối nhưng cũng là một tiết mục quan trọng không thể thiếu. Màn gióng trống thổi kèn này như là cách để thu hút khách tới thưởng lãm các trò diễn tiếp theo ngoài chức năng chào hỏi mở màn. Vì vậy theo truyền thống, có tiết mục mời trầu thuốc. Có một nhân vật khá duyên dáng, đi theo nhịp trống, tay nâng khay trầu thuốc từ trong buồng trò nhún nhẩy sang tận bờ ao kia và thường hướng đến các bậc cao niên trưởng lão, các vị chức sắc trong làng để trang trọng mời trầu, mời thuốc. Một số phường rối khác còn có tiết mục mở màn bằng cảnh ra quân, kéo quân hay dàn trận. Tức là một số con rối đóng vai trò mở màn sẽ xuất hiện trên sân khấu nước rồi tách ra hai bên – có thể theo hai màu quân xanh và quân đỏ. Tất cả di chuyển đội hình theo tiếng trống để rồi xếp thành hai hàng đối diện nhau như một hàng rào danh dự rồi lần lượt đi vào hoặc có thể làm nền cho suốt buổi diễn. Một số phường rối còn tạo sự độc đáo riêng bằng cách làm thành màn chim tha phướn (Chim kéo cờ), đốt pháo mở cờ, cắm cờ nhổ cờ hay bắn pháo thành chữ vô cùng ngoạn mục và hấp dẫn.

Sau đó đến phần chính là phần nội dung trò diễn. Phần giáo trò sẽ là phần đầu tiên. Phần này do chú Tễu (hoặc ông Nhất, bô lão) đảm trách. Nhân vật này sẽ đọc trong lúc khai diễn. Bài giáo đầu này khá đặc sắc có ngôn ngữ bình dân, có ngôn ngữ bác học do một nghệ nhân nào đó sáng tác (không loại trừ đó là một thầy đồ, một người văn hay chữ tốt) rồi được tập thể bổ sung khi diễn xướng, lưu truyền. Nhưng dù thế nào thì phong cách dân gian thể hiện ở đây khá rõ. Đó có thể là một bài thơ, bài văn có âm điệu nhịp nhàng, tiết tấu uyển chuyển, lời lẽ thành vận thành vần. Kế tiếp là phần thân trò. Đây là nội dung chính nên có vẻ ổn định hơn vì phải tuân theo nội dung tích diễn. Tuy nhiên không phải là không có những “dị bản”, ứng tác đơn giản hay phức tạp hơn bởi trình độ và ngẫu hứng của nghệ nhân (đôi khi còn phụ thuộc vào những sự cố bất thường kết hợp với khả năng ứng diễn – “cương” – của người điều khiển rối). Ông Lê Chí Quế đưa ra một thí dụ thú vị ở Bùi Xá (Thuận Thành – Bắc Ninh), trong một lần diễn trò một phụ nữ đang dệt vải, chồng bế con ra để người phụ nữ cho con bú. Con rối bất cẩn để rơi đứa bé. Thế là các nghệ nhân nhanh trí điều khiển cho người phụ nữ đến bế con lên trong tiếng khóc thét của đứa trẻ (tất nhiên do người đứng phía sau nhạy bén lồng tiếng không theo kịch bản) và cứ thế mà dỗ dành (lời dỗ con còn “cương” thêm lời ngụ ý trách cha bất cẩn để rơi con). Khán giả chỉ còn biết tán thưởng trong sự thích thú ngày càng dâng cao. Cuối cùng là phần khép trò. Phần này lại do chú Tễu đảm nhiệm. Một số phường rối lược qua phần này mà thay thế bằng tiếng vọng từ phía sau buồng trò báo tin mà thôi.

Vậy tính chất chung của kịch bản sân khấu rối nước là nặng “tính kỳ” (những cái kỳ lạ, độc đáo của những trò diễn) hơn là “tính kịch” (tính chặt chẽ của hình thức kết cấu và ý nghĩa sâu sắc về nội dung tư tưởng vở diễn). Tức là các nghệ nhân chú trọng thủ pháp biểu diễn, những “kỹ xảo” biểu diễn hơn để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người xem (đôi khi quần chúng nhân dân đến xem múa rối như để thỏa mãn tính hiếu kỳ hơn). Ở đó họ sẽ được chiêm ngưỡng những con rối được tạc rất khéo léo mà vẫn rất ngộ nghĩnh; những cử chỉ động tác linh hoạt mà vô cùng điệu nghệ, thuần thục. Tất cả không chỉ làm cho khán giả bất ngờ mà còn thán phục, ngưỡng mộ và say mê. Đáp ứng nhu cầu đó, nhiều phường rối chăm chút nhiều hơn những trò diễn lẻ, ít quan tâm chăm chút các tích trò, hoặc đôi khi tích trò chỉ là cái cớ để nghệ nhân rối phô diễn các kỹ năng, kỹ xảo điêu luyện của mình. Vì lẽ phải phụ thuộc vào những trò diễn hơn là những tích diễn nên đã nảy sinh tính không ổn định và hay co giãn của các trò diễn. Trò nào được tán thưởng nồng nhiệt thì bất luận quy định của kết cấu cốt truyện mà vở diễn đang thể hiện, người múa rối cứ tha hồ diễn đi diễn lại theo yêu cầu của người xem. Ngược lại, trò nào có vẻ nhạt, người xem hờ hững thì lướt đi thậm chí bỏ qua. Dù như vậy tính giao lưu giữa người diễn và người xem rất gần gũi và hiệu quả, lại kích thích nghệ nhân sáng tạo những trò diễn mới nhưng tính chất này lại ít nhiều gây khó khăn cho việc bảo lưu các trò diễn cũng như sự truyền trò.

Nhân vật điển hình

Nhân vật điển hình trong loại hình múa rối nước chính là Chú Tễu. Chú Tễu đóng vai trò quan trọng trong một buổi diễn. Chú vừa là người giáo trò, dẹp trật tự, vừa là người giữ vai trò khép trò và chuyển trò.

Trên sân khấu rối nước, chú Tễu xuất hiện với hình dáng béo tròn, phốp pháp, tóc để trái đào. Chú Tễu không chỉ thu hút người xem ở ngoại hình mà còn ở tính cách vui vẻ, vừa như thông cảm vừa như châm chọc. Chú Tễu của rối nước có một nét gì đó rất giống với dạng nhân vật hề chèo. Cả hai đều thể hiện tính tích cực trong việc đánh giá các hiện tượng xã hội, biểu dương người lao động, phê phán những thói hư tật xấu trong nhân dân, đả kích sâu cay bọn quan lại thống trị. Nhưng so với hề chèo, chú Tễu có vai trò biểu diễn quan trọng hơn bởi luôn có mặt mọi nơi, mọi lúc và thể hiện cách nhìn của mình. Có thể ban đầu nhân vật chỉ như người giới thiệu chương trình nhưng sau đó hình thành thêm vai trò dẫn dắt người xem thâm nhập vào câu chuyện. Từ đó đến chỗ nói lên tâm tư suy nghĩ, quan điểm thái độ tình cảm của người xem là một khoảng cách rất gần. Vị trí của chú trong vở diễn cứ thế mà tăng lên và tính hài hước như một yếu tố tất nhiên để tăng tính hấp dẫn của vai trò. Đặt một nhân vật có thể phát ngôn thay cho nhân dân vào bối cảnh xã hội những năm chế độ phong kiến bắt đầu xuống dốc, chú Tễu đã trở thành một loại nhân vật tích cực có tính xã hội cao và tính giai cấp sâu sắc, âu cũng là điều dễ hiểu.

Có thể khái quát chung về nhân vật chú Tễu như sau: Đó là một người rất lạc quan yêu đời (sự lạc quan này toát ra từ ngoại hình, lời nói – ngôn ngữ, tính cách…); yêu lao động và có khả năng lao động. Chú Tễu đại diện cho tiếng nói của nhân dân (phê phán thói hư tật xấu của nhân dân, châm biếm đả kích kẻ thù) và thể hiện tính tích cực chủ động của người nông dân đối với lịch sử và đời sống xã hội.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.