Chủ nghĩa nhị nguyên – Triết học Arixtốt
Arixtốt (Aristote, 384-322 TCN) sinh trưởng tại thành phố Xtagi (Stagire), trong một gia đình có cha làm ngự y cho vương triều Maxêđôin, thuộc miền bắc Hy Lạp. Là học trò xuất sắc của Platông, Arixtốt sớm trở thành nhà triết học, nhà bách khoa toàn thư vĩ đại nhất trong nền triết học và khoa học cổ Hy Lạp. Ông viết rất nhiều tác phẩm về mọi đề tài, về mọi lĩnh vực khoa học đương thời. Ngoài một số tác phẩm bị thất lạc, những tác phẩm còn lại được học trò sưu tập và đặt tên là: Công cụ nhận thức (Organon), Siêu hình học (Métaphysique), Vật lý học, Chính trị học, Đạo đức học, Thi ca học… Arixtốt để lại cho nhân loại một hệ thống tri thức đồ sộ và có ảnh hưởng sâu rộng về nhiều mặt đến đời sống của nhân loại; đặc biệt, ông đã xây dựng lôgích học…
Với phương châm “Platông là thầy nhưng chân lý còn quý hơn nhiều“, Arixtốt tiến hành phê phán nhiều quan điểm của Platông, mà trước hết là thuyết ý niệm.
Bạn đang xem: Chủ nghĩa nhị nguyên – Triết học Arixtốt
Theo Arixtốt, về mặt bản thể luận, việc Platông chia thế giới ra thành thế giới ý niệm và thế giới sự vật là thiếu cơ sở và đầy mâu thuẫn; bởi vì, ý niệm là cái tồn tại bên ngoài và độc lập với sự vật thì làm sao nó có thể làm bản chất cho sự vật được, làm sao có thể coi sự vật là cái bóng của ý niệm được; hơn nữa, ý niệm là cái trừu tượng phi cảm tính thì làm sao có thể làm khuôn mẫu cho sự vật cảm tính được. Còn về mặt nhận thức luận, việc Platông coi ý niệm là cái có trước và độc lập so với sự vật là vô dụng và ngược đời; bởi vì, nếu ý niệm có trước và độc lập so với sự vật thì làm sao ý niệm (khái niệm) có thể được dùng để nhận thức sự vật được.
Theo Arixtốt, sai lầm của Platông là ở chỗ ông tách bản chất của sự vật ra khỏi sự vật; ở chỗ biến cái chung, – đáng lẽ là cái được khái quát từ sự vật riêng lẻ và thể hiện trong khái niệm chung, – thành cái riêng, nằm bên trên, có trước và quyết định thế giới sự vật cảm tính. Arixtốt cho rằng, bản chất phải nằm ngay trong bản thân sự vật và phải được nhận thức của con người khái quát thành cái chung dưới dạng khái niệm, quy luật, phạm trù. Khái niệm, quy luật, phạm trù không phải là cái có trước, sinh ra và quyết định sự tồn tại của sự vật, mà ngược lại, sự tồn tại của sự vật được phản ánh trong khái niệm, quy luật, phạm trù của nhận thức.
Như vậy, Arixtốt đã đứng trên quan niệm duy vật tiến bộ phê phán thuyết ý niệm của Platông; tuy nhiên, ông cũng không ủng hộ quan điểm của các trường phái duy vật. Sự do dự giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm đã đưa Arixtốt đến với chủ nghĩa nhị nguyên. Và từ chủ nghĩa nhị nguyên ông đã rơi vào chủ nghĩa duy tâm khi đưa ra thuyết nguyên nhân thay cho thuyết ý niệm của Platông để bàn về các vấn đề siêu hình. Tuy nhiên, khi bàn về vật lý học, ông lại bộc lộ rõ quan điểm duy vật của mình.
Nội Dung
a) Thuyết nguyên nhân – cơ sở của Siêu hình học
Arixtốt cho rằng, tồn tại nói chung phải xuất phát từ 4 nguyên nhân cơ bản: vật chất (vật liệu), hình thức (hình dạng), vận động (thao tác) và mục đích (cứu cánh); trong đó, hình thức và vật chất giữ vai trò quan trọng nhất (nhị nguyên luận). Tuy nhiên, theo ông hình thức giữ vai trò quyết định so với vật chất (nhất nguyên luận duy tâm); bởi vì, nếu không có hình thức thì vật chất chỉ là khả năng thụ động chứ không phải là hiện thực. Hình thức là thực chất của tồn tại, là bản chất tích cực của sự vật; nó hàm chứa trong mình vận động và mục đích. Nhờ tính tích cực của hình thức mà mọi sự vật vận động được; còn vận động của sự vật là một quá trình khách quan diễn ra theo những trình tự xếp đặt trước, tức có mục đích của Thượng đế. Arixtốt còn cho rằng, tồn tại cả vật chất ban đầu phi hình thức (cái khả năng thụ động) lẫn hình thức ban đầu phi vật chất (hình thức của mọi hình thức, lý tính thuần túy, Thượng đế, động cơ đầu tiên của thế giới, nguyên nhân tận cùng, mục đích tối thượng của mọi hiện tượng).
Như vậy, khi chuyển từ lập trường nhị nguyên sang duy tâm, Arixtốt đã rơi vào mục đích luận của thần học. Tại đây, thay vì phải tách xa thuyết ý niệm của Platông thì ngược lại, thuyết nguyên nhân của Arixtốt lại nhích lại gần, thậm chí hòa nhập vào thuyết ý niệm của Platông.
Xem thêm : Phương pháp phỏng vấn
Thuyết nguyên nhân là nền tảng của Siêu hình học (triết học thứ nhất) mang tính thần thánh của Arixtốt. Siêu hình học là cơ sở lý luận để Arixtốt xây dựng Vật lý học (triết học thứ hai) mang tính tự nhiên bàn về vũ trụ, giới tự nhiên và quá trình vận động của chúng.
b) Thuyết vận động – cơ sở của Vật lý học
Arixtốt cho rằng, giới tự nhiên là toàn bộ các sự vật, quá trình luôn vận động có liên hệ với nhau và được cấu thành từ một bản thể vật chất. Vận động không thể bị tiêu diệt và cũng không thể tách ra khỏi sự vật, quá trình tự nhiên. Có 6 hình thức vận động là phát sinh, tiêu diệt, thay đổi trạng thái, tăng, giảm, di chuyển vị trí. Arixtốt đã dừng lại trước quan niệm vận động tự thân của vật chất mà thừa nhận cái hích đầu tiên của Thượng đế nằm bên ngoài giới tự nhiên là nguồn gốc thần thánh của mọi vận động xảy ra trong giới tự nhiên.
Arixtốt cho rằng, vũ trụ là hữu hạn, liên tục và khép kín trong không gian nhưng vĩnh viễn về thời gian. Vạn vật trong vũ trụ đều được cấu thành từ 5 yếu tố: đất, nước, lửa, không khí (từ Mặt Trăng trở xuống Trái Đất) và éther (bên ngoài Mặt Trăng bao trùm toàn vũ trụ). Xuất phát từ quan điểm cho rằng vật nặng rơi nhanh hơn vật nhẹ, và mỗi yếu tố có một xu hướng vận động riêng, chiếm giữ một vị trí riêng nhất định trong trật tự cấu trúc vũ trụ, Arixtốt đặt nền móng cho thuyết vũ trụ địa tâm.
c) Quan niệm về sinh thể, con người và linh hồn
Khi phủ nhận quan điểm của Platông coi thể xác là nơi trú ngụ tạm thời của linh hồn bất tử, Arixtốt dựa trên thuyết nguyên nhân cho rằng, cũng giống như sự vật được hình thành từ hình thức và vật chất, sinh thể và con người được cấu thành từ thể xác và linh hồn. Không có linh hồn bất tử, không có linh hồn trong cơ thể chết và cũng không có linh hồn nằm bên ngoài thể xác vật chất. Nhưng tùy theo cấp độ, Arixtốt chia linh hồn ra thành 3 loại là: linh hồn thực vật khả tử thực hiện chức năng nuôi dưỡng và sinh sản; linh hồn động vật khả tử thực hiện chức năng cảm ứng với môi trường xung quanh và; linh hồn lý tính (một bộ phận linh hồn con người) bất tử thực hiện chức năng hoạt động nhận thức. Trong thể xác con người có đủ 3 loại linh hồn trên, khi con người chết đi linh hồn thực vật và linh hồn động vật mất đi cùng với sự tan rã của thể xác nhưng linh hồn lý tính chứa tri thức vẫn tồn tại bất diệt. Theo ông, con người là một sinh thể có lý trí.
d) Quan niệm về nhận thức
Khi vạch ra tính vô dụng của thuyết ý niệm và tính bịa đặt chứa trong quan niệm về nhận thức của Platông, Arixtốt cho rằng:
Bản chất của con người là khát vọng hướng đến tri thức, con người sinh ra để nhận thức, kẻ nào không nhận thức kẻ đó không là con người. Nhận thức là một quá trình xuất phát từ thực tại khách quan trải qua giai đoạn cảm giác, biểu tượng để đến tư duy, lý luận. Đối tượng nhận thức là hiện thực khách quan, cảm giác là cơ sở của nhận thức. Không có sự tác động của hiện thực khách quan vào giác quan thì sẽ không có một tri thức nào; nhưng nhận thức cảm tính không có khả năng đi sâu vào bản chất sự vật; chỉ có nhận thức lý tính mới khám phá được cái chung, cái phổ biến, cái tất yếu, cái quy luật. Bản chất của sự vật được phát hiện ra nhờ vào quá trình khái quát, trừu tượng hóa…
Mặc dù nhận thức là hoạt động bản tính của linh hồn con người, nhưng trong linh hồn con người không tồn tại tri thức bẩm sinh như Platông thừa nhận. Linh hồn của con người vừa mới sinh ra như một tấm bảng trắng. Nhận thức là quá trình phản ánh hiện thực khách quan bên ngoài vào bên trong linh hồn, tức là ghi chép lên linh hồn những dòng chữ tri thức. Nhiệm vụ của khoa học là khám phá ra cái tất yếu – tổng quát, tức cái bản chất, cái quy luật trong các sự vật, hiện tượng riêng lẻ nhằm tích lũy tri thức.
Với bộ óc “bách khoa toàn thư” của mình, Arixtốt vươn lên bao quát và nắm bắt được mọi tri thức khoa học có được lúc bấy giờ. Đối với ông, khoa học là một hệ thống tri thức phức tạp nhằm hướng tới 3 mục đích là: hoạt động đời sống, sáng tạo và tư biện. Vì vậy, có 3 nhóm khoa học là: khoa học thực hành (đạo đức học, chính trị học…), khoa học sáng tạo (hùng biện, thi ca, nghệ thuật…) và khoa học tư biện – lý thuyết (siêu hình học, vật lý học, toán học, lôgích học…). Càng ngày, khoa học càng nhận thức đầy đủ thế giới và càng đạt được nhiều chân lý, nghĩa là càng có nhiều tri thức hay tư tưởng phù hợp với hiện thực khách quan; còn thực tiễn hay cuộc sống là tiêu chuẩn để xác định sự phù hợp đó.
Xem thêm : Những Lời Chúc 20/10 Cho Khách Hàng Đối Tác Hay Độc Đáo
Muốn đạt được chân lý, tránh sai lầm trong quá trình tìm hiểu bản chất, khám phá quy luật của hiện thực khách quan thì linh hồn lý tính phải được trang bị các phương pháp suy nghĩ đúng đắn, nghĩa là phải tuân thủ những yêu cầu của lôgích học. Đó là tuân theo yêu cầu của quy luật đồng nhất, quy luật phi mâu thuẫn, quy luật triệt tam; hướng tư duy theo các quy tắc tam đoạn luận… Bộ Organon của Arixtốt đã đặt nền móng vững chắc cho bộ môn lôgích hình thức.
e) Quan niệm về đạo đức, về chính trị – xã hội
Cũng như Platông, Arixtốt coi sự mở rộng nhận thức luận vào trong hành vi con người tạo nên đạo đức học; còn chính trị học của ông là sự khai triển đạo đức học vào trong đời sống xã hội. Khi phủ nhận quan điểm Platông coi hạnh phúc của con người gắn liền với thế giới ý niệm, Arixtốt cho rằng:
Lý trí và lẽ phải đời thường là cơ sở của điều thiện, là nền tảng của phẩm hạnh con người; còn ngu dốt, sai lầm là nguồn gốc của cái ác. Phẩm hạnh của con người chỉ là thói quen hiểu thấu chân lý (thông qua giáo dục và đào tạo) hay lẽ phải đời thường (thông qua tập quán lâu đời của cộng đồng) và làm theo chúng một cách tự nhiên, không gò bó. Vì vậy, có hai loại phẩm hạnh. Phẩm hạnh lý tính là hành động dựa theo cái tất yếu và phổ biến. Phẩm hạnh luân lý chính là hành động dựa theo cái trung dung, tức là không thái quá. Con người cảm thấy khoái lạc khi bản thân sống có đức hạnh, khi mình làm điều thiện một cách tự nhiên. Khoái lạc chỉ là một cơ sở của cuộc sống hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự của con người phải gắn liền với cuộc sống trần gian, gắn liền với bản tính tự nhiên của mình. Hạnh phúc của con người không chỉ bị chi phối bởi các yếu tố chủ quan như sự khôn ngoan của lý trí, đức hạnh trong hành vi, sự khoái lạc trong trạng thái… mà còn bị chi phối bởi các điều kiện khách quan như tiền bạc, sức khỏe, tình bạn, xã hội công bằng…
Vậy theo Arixtốt, đời sống đạo đức, hạnh phúc của con người không nằm trong thế giới ý niệm trên trời mà nằm trong thế giới hiện thực dưới đất, nơi trần gian; đồng thời chúng phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu của từng người trong cộng đồng xã hội.
Khi phê phán lý luận về nhà nước lý tưởng của Platông là xa rời thực tế, quá đề cao công ích coi thường lợi ích và sáng kiến cá nhân…, Arixtốt vận dụng thuyết trung dung xây dựng lý luận chính trị – xã hội của riêng mình. Trung tâm của lý luận này là học thuyết về nhà nước. Theo Arixtốt, con người không chỉ là sinh thể biết nhận thức, biết sống có đạo đức mà còn là một động vật chính trị. Con người không thể sống ngoài cộng đồng, bên ngoài sự giao tiếp. Nhà nước là một hình thức giao tiếp cộng đồng cao nhất, trên cả gia đình, dòng họ, làng xã. Con người về bản chất phải thuộc về nhà nước. Chỉ có động vật thuần túy hay Thượng đế mới tồn tại bên ngoài nhà nước.
Sứ mạng của nhà nước là đảm bảo cho mọi người (trừ nô lệ, vì nô lệ không phải là con người mà chỉ là công cụ sống biết nói) trong cộng đồng một cuộc sống hạnh phúc với mức độ phúc lợi ngày càng cao. Để thực hiện sứ mạng này nhà nước phải tiến hành hoạt động trên 3 lĩnh vực lập pháp, hành chính và xét xử. Theo ông, chính quyền không nên thuộc về người giàu mà cũng chẳng nên rơi vào tay người nghèo, chính quyền nên thuộc về tầng lớp chủ nô trung lưu. Chế độ chính trị tốt nhất không phải là chế độ dân chủ hay chế độ quân chủ mà là chế độ cộng hòa quý tộc.
Trật tự xã hội bấy giờ (chiếm hữu nô lệ), đối với Arixtốt, là một trật tự xấu, nhưng đó lại là một trật tự xấu cần thiết, vì vậy cần phải bảo vệ nó. Arixtốt xem xét cả mối liên hệ giữa đạo đức và kinh tế trên bình diện xã hội. Theo ông, công bằng trong trao đổi sản phẩm là nền tảng của công bằng xã hội và bình đẳng giữa các cá nhân trong cộng đồng. Arixtốt đòi hỏi phải quan tâm đến lao động và phân công lao động.
Là một con người “khổng lồ” về tư tưởng, Arixtốt đã mở ra một chân trời mênh mông cho khoa học phương Tây phát triển và lý trí Hi Lạp nẩy nở. Nhưng do những hạn chế của lịch sử, và bản thân là nhà tư tưởng của giai câp chủ nô quý tộc, nên về mặt triết học, ông do dự giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm; về mặt chính trị, ông chỉ bảo vệ lợi ích cho tầng lớp chủ nô trung lưu của chính mình.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức