Chuỗi giá trị là gì?

0

1. Khái niệm chuỗi giá trị

Theo Nguyễn Việt Khôi (2013), “Chuỗi” nhấn mạnh trật tự theo chiều dọc của các hoạt động dẫn đến việc phân phối, tiêu dùng và duy trì các hàng hóa, dịch vụ. Các chuỗi đều mang đặc điểm năng động  theo nghĩa lặp đi lặp lại một trật tự nào đó.

Theo Michael Porter (1985), định nghĩa chuỗi giá trị được hiểu như là “Tổng thể các hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu thụ một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó. Trong chuỗi giá trị diễn ra quá trình tương tác giữa các yếu tố cần và đủ để tạo ra một hoặc một nhóm sản phẩm và các hoạt động phân phối, tiêu thụ sản phẩm, nhóm sản phẩm đó theo một phương thức nhất định”.

Kaplinsky (2000) cũng đưa ra khái niệm về chuỗi giá trị: “Chuỗi giá trị nói đến một loạt các hoạt động cần thiết để biến một sản phẩm (hoặc dịch vụ) từ lúc còn là khái niệm, thông qua các giai đoạn sản xuất khác nhau, đến khi phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng và vất bỏ sau khi đã sử dụng. Tiếp đó, một chuỗi giá trị tồn tại khi tất cả những người tham gia trong chuỗi hoạt động để tạo ra tối đa giá trị lợi nhuận trong chuỗi”.

Nguyễn Việt Khôi (2013) đưa ra khái niệm về chuỗi giá trị dưới góc nhìn từ các tập đoàn xuyên quốc gia: “Một phức hợp những hoạt động do nhiều người tham gia khác nhau thực hiện (người sản xuất sơ cấp, người lắp ráp, người cung ứng dịch vụ…) để sản xuất ra bất cứ một hàng hóa hay dịch vụ nào đó”.

Như vậy, chuỗi giá trị có thể hiểu là một loạt các hoạt động mà công ty thực hiện khi tạo ra một sản phẩm từ khi những ý tưởng, những khái niệm còn manh nha, cho tới khi sản phẩm đó được hoàn thiện, được đưa tới tay người tiêu dùng cuối cùng và những dịch vụ chăm sóc khách hàng có liên quan tới sản phẩm đó.

2. Một số luồng nghiên cứu chính về chuỗi giá trị

Trong quá trình hình thành nên khái niệm chuỗi giá trị từ những năm 1960, phổ biến có ba luồng nghiên cứu chuỗi giá trị, cụ thể là:

Thứ nhất là phương pháp filiere mô tả dòng đầu vào vật chất và dịch vụ trong quá trình sản xuất ra một sản phẩm sau cùng (hàng hóa hay dịch vụ) và thực chất không khác gì với dòng giá trị của Porter cũng như Womack và Jones trên phương diện liên quan đến các mối quan hệ kỹ thuật định lượng.

Thứ hai là khung khái niệm do Porter tạo ra (1985): dùng khung phân tích chuỗi giá trị để đánh giá xem một công ty nên tự định vị mình như thế nào trên thị trường và trong mối quan hệ với các nhà cung cấp, khách hàng và đối thủ cạnh tranh.

Thứ ba là phương pháp tiếp cận toàn cầu: Trong khuôn khổ chuỗi giá trị, các mối quan hệ thương mại quốc tế được coi là một phần của các mạng lưới những nhà sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và bán lẻ, trong đó tri thức và quan hệ được phát triển để tiếp cận được các thị trường và các nhà cung cấp.

3. Phân tích chuỗi giá trị

a. Sơ đồ hóa mang tính hệ thống

Những nhà nghiên cứu đã sơ đồ hóa toàn bộ quá trình sản xuất hàng hóa trong chuỗi từ khi còn là khái niệm cho đến sản phẩm cuối cùng và những dịch vụ hậu mãi. Từ đó, đánh giá các đặc điểm của các tác nhân tham gia, sự phân bố về lợi nhuận và chi phí giữa những tác nhân, dòng hàng hóa trong chuỗi, những địa điểm tiêu thụ sản phẩm, lượng hàng hóa bán ra trong nước và ngoài nước.

b. Sơ đồ hóa những mối quan hệ và sự kết nối giữa các nhân tố trong chuỗi

Nghiên cứu những mối quan hệ biện chứng giữa các nhân tố trong chuỗi và ảnh hưởng trực tiếp của những mối quan hệ này tới khả năng sản xuất của mỗi nhân tố trong chuỗi có thể gợi mở những góc nhìn sâu sắc về chuỗi giá trị. Sự liên kết và những mối quan hệ có thể tồn tại trong những bước khác nhau trong toàn chuỗi hoặc trong cùng một bước trong toàn chuỗi.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.