Phương pháp khoa học (Scientific method) là gì?

0

Trong bài viết về Tri thức khoa học, chúng ta đã coi khoa học là tri thức thu thập được thông qua phương pháp khoa học. Vậy “phương pháp khoa học” hiểu một cách chính xác là gì?

Phương pháp khoa học là gì?

Phương pháp khoa học (scientific method) là một tập hợp các kỹ thuật được chuẩn hóa dùng để tạo ra tri thức khoa học, chẳng hạn như cách quan sát, cách giải thích và cách khái quát kết quả đã thu nhận được. Phương pháp khoa học cho phép các nhà nghiên cứu kiểm chứng độc lập, khách quan các lý thuyết, các phát hiện trước đó và mở ra chủ đề tranh luận, sửa đổi hoặc cải tiến lý thuyết hoặc phát hiện trước.

Những ngành khoa học khác nhau cũng có thể có những PPKH khác nhau. Ngành khoa học tự nhiên như vật lý, hoá học, nông nghiệp sử dụng PPKH thực nghiệm, như tiến hành bố trí thí nghiệm để thu thập số liệu, để giải thích và kết luận. Còn ngành khoa học xã hội như nhân chủng học, kinh tế, lịch sử… sử dụng PPKH thu thập thông tin từ sự quan sát, phỏng vấn hay điều tra.

Phương pháp khoa học phải đáp ứng bốn đặc điểm sau:

Đặc điểm

Tính lặp lại (Replicability): Những người khác sẽ có thể độc lập thực hiện lại các nghiên cứu khoa học với cùng phương pháp và đạt được kết quả giống nhau hoặc tương tự.

Tính chính xác (Precision): Thường rất khó đo lường, song các khái niệm lý thuyết phải được định nghĩa chính xác để những người khác có thể sử dụng những định nghĩa đó để đo lường khái niệm và kiểm nghiệm lý thuyết.

Tính phản nghiệm (Falsifiability): Một lý thuyết phải được trình bày theo cách mà nó có thể bị bác bỏ. Lý thuyết mà không thể kiểm nghiệm được hoặc không thể bị bác bỏ thì không phải là lý thuyết khoa học; bất kỳ tri thức nào tạo ra như vậy đều không phải là tri thức khoa học. Một lý thuyết xây dựng trên các thuật ngữ mơ hồ hoặc các khái niệm không chính xác, không kiểm nghiệm được thì không phải là lý thuyết khoa học. Ý tưởng của Sigmund Freud về phân tâm học thuộc loại này và do đó không được coi là một “lý thuyết”, mặc dù phân tâm học có giá trị thực tiễn trong điều trị một số loại bệnh.

Tính tối giản (Parsimony): Khi có nhiều giải thích về một hiện tượng, các nhà khoa học chỉ luôn chấp nhận lời giải thích đơn giản nhất hoặc logic hợp lý nhất. Khái niệm này là gọi là tính tối giản hoặc “nguyên lý dao cạo Ockham” (nguyên lý Ockham‟s razor). Tiêu chuẩn tối giản giúp hạn chế việc các nhà khoa học theo đuổi các lý thuyết quá phức tạp hoặc kỳ dị với số lượng vô tận của các khái niệm và mối quan hệ chỉ để giải thích một khía cạnh nhỏ của những vấn đề không có gì đặc biệt.

Ngành học nào không chấp nhận sử dụng phương pháp khoa học để kiểm nghiệm các quy luật hoặc các lý thuyết cơ bản đều không thể được gọi là “khoa học”. Chẳng hạn, thần học (nghiên cứu của tôn giáo) không phải là khoa học, bởi lẽ những ý niệm thần học (sự hiện diện của Chúa Trời) không thể kiểm chứng bằng các nhà quan sát độc lập, không thoả mãn tính lặp lại, tính chính xác, tính phản nghiệm và tối giản. Tương tự như vậy, nghệ thuật, âm nhạc, văn học, nhân văn và pháp luật cũng không được coi là khoa học, mặc dù cũng mang tính sáng tạo và cố gắng tạo ra giá trị trong từng lĩnh vực.

Khi áp dụng vào khoa học xã hội, phương pháp khoa học chứa đựng một loạt chủ đề như hướng tiếp cận vấn đề nghiên cứu, các công cụ và kỹ thuật thu thập dữ liệu định tính và định lượng, phân tích thống kê, thực nghiệm, khảo sát thực địa, nghiên cứu trường hợp, và v.v… Phần lớn nội dung trong cuốn sách này trình bày về các chủ đề này ở cấp độ nghiệm, ví dụ như làm thế nào để quan sát, phân tích và giải thích những dữ liệu thực nghiệm. Chỉ một phần nhỏ trong số các chủ đề này liên quan trực tiếp đến cấp độ lý thuyết, là cấp độ phức tạp hơn rất nhiều trong nghiên cứu khoa học.

Các bước cơ bản trong phương pháp khoa học

BướcNội dung
1Quan sát sự vật, hiện tượng
2Đặt vấn đề nghiên cứu
3Đặt giả thuyết hay sự tiên đoán
4Thu thập thông tin hay số liệu thí nghiệm
5Kết luận

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.