Tục ngữ là gì? Nguồn gốc, nội dung, đặc điểm thi pháp

0

Tục ngữ là một trong những thể loại gần gũi và quen thuộc nhất của văn học dân gian Việt Nam. Tục ngữ gắn liền với đời sống của mỗi con người bởi nó chính là lời ăn tiếng nói thường ngày.

1. Tục ngữ là gì?

Ông Chu Xuân Diên định nghĩa tục ngữ là những sáng tác dân gian ngắn gọn, có đơn vị là câu, nội dung ghi lại những điều quan sát về thiên nhiên con người và xã hội, những kinh nghiệm sống, những lời khuyên răn. Có thể coi tục ngữ là một thể loại triết lý dân gian. Cũng đồng nhất với ý kiến này, ông Đỗ Bình Trị nói tục ngữ là những câu (nói) chắc gọn, xuôi tai, diễn đạt những kinh nghiệm về thiên nhiên, về con người và về xã hội của nhân dân. Những sáng tác dân gian “nhỏ” nhất ấy (bằng một câu tục ngữ) kết tinh hầu như toàn bộ kho tàng kinh nghiệm đời sống, kinh nghiệm xã hội – lịch sử của nhân dân suốt mấy ngàn năm.

Cụ thể hơn, Giáo trình ĐHSP(1978) cho rằng tục ngữ là câu nói thường ngắn gọn có vần hoặc không có vần, có nhịp điệu hoặc không có nhịp điệu, đúc kết kinh nghiệm sản xuất hay đấu tranh xã hội, rút ra một chân lý phổ biến, ghi lại một nhận xét về tâm lý, phong tục tập quán của nhân dân. Tục ngữ do nhân dân sáng tác và được toàn thể xã hội công nhận.

Ta có thể liệt kê ra đây một loạt các ý kiến khác như “Một câu tục ngữ tự nó phải có một ý nghĩa đầy đủ, hoặc khuyên răn hoặc chỉ bảo điều gì” (Dương Quảng Hàm – Việt Nam Văn học sử yếu ); Tục ngữ là một câu tự nó diễn trọn một ý, một nhận xét, một luân lý, một công lý, có khi là một sự phê phán (Vũ Ngọc Phan – Tục ngữ ca dao dân ca )

Ông Hoàng Tiến Tựu cũng góp vào một định nghĩa, tục ngữ là một thể loại văn học dân gian có chức năng chủ yếu là đúc kết kinh nghiệm, tri thức, nêu lên những nhận xét dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, giàu vần điệu, hình ảnh, dễ nhớ, dễ truyền. Xét về chức năng ngữ pháp và nội dung ý nghĩa thì dù ngắn, mỗi câu tục ngữ đều diễn trọn một ý (một phán đoán). Và
cuối cùng là ý kiến của ông Trần Hoàng (Giáo trình ĐH Huế):Tục ngữ là một loại sáng tác dân gian – một loại câu nói ngắn gọn, có cấu trúc tương đối bền vững và thường có vần, nhịp được dùng trong lời nói, trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.

Nội dung tục ngữ là những nhận xét phán đoán, những kinh nghiệm, kết luận của nhân dân về tự nhiên, lịch sử – xã hội và con người.

Như vậy, các định nghĩa trên đã giới thuyết nội hàm khái niệm tục ngữ khá rõ ràng và đầy đủ. Theo chúng tôi, tục ngữ là lời ăn tiếng nói của dân gian, thường có dung lượng rất ngắn gọn, nội dung hàm súc mà ở đó, dân gian đã thể hiện trí tuệ sâu sắc và thâm thúy về những kinh nghiệm, triết lý về tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống. Để hiểu rõ hơn thể loại này cũng cần đặt nó vào trong sự so sánh giữa thành ngữ và tục ngữ. Dù đã có rất nhiều công trình khoa học đi vào giải quyết vấn đề này nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn mà lý do chủ yếu là vì hầu hết đều thiên về cách nhìn nhận tục ngữ như là một hiện tượng ngôn ngữ hơn là một loại hình văn hóa dân gian độc lập, một hiện tượng ý thức xã hội. Ông Hoàng Trinh (Dẫn theo “Tìm hiểu thi pháp tục ngữ Việt Nam” – Phan Thị Đào), thậm chí còn khẳng định ngay cả một số nhà tục ngữ học đầu ngành cũng đã phải thừa nhận là không một định nghĩa nào có thể cho phép xác định rõ ràng như thế nào là một câu thành ngữ, tục ngữ.

Rõ ràng có một hiện tượng là các công trình sưu tầm công phu về thể loại này đã xếp chung thành ngữ và tục ngữ thành “Tự điển thành ngữ – tục ngữ”, hoặc giả tựa đề là Tục ngữ Việt Nam, nhưng nội dung bên trong lại nhập nhằng hai thể loại này.

Xét về phương diện lý thuyết, không thể tách biệt rõ ràng, chính xác ranh giới giữa thành ngữ và tục ngữ. Bởi chúng có mối quan hệ thâm nhập, giao hòa và cách sử dụng linh hoạt ngoài thực tế. Còn xét về phương diện thực tế, có trường hợp, thành ngữ kết hợp với thành ngữ hoặc thành ngữ kết hợp với một số từ để tạo ra một câu tục ngữ. “Rồng đến nhà tôm” là một câu thành ngữ, nhưng “Mấy đời rồng đến nhà tôm” lại là một câu tục ngữ. Hay các câu sau đây đứng độc lập thì chúng tồn tại như những thành ngữ: Thuận buồm xuôi gió; Chén chú chén anh; Lên thác xuống ghềnh; Mày tao chi tớ. Nhưng khi kết hợp chúng lại với nhau thì nó lại là một câu tục ngữ rất thâm thúy và đặc sắc: Thuận buồm xuôi gió (thì) chén chú chén anh (còn khi) lên thác xuống ghềnh (là) mày tao chi tớ.

Tóm lại, ta có thể dựa vào một số tiêu chí cụ thể như sau để phân biệt thành ngữ và tục ngữ. Về hình thức, thành ngữ thể hiện một cụm từ cố định, còn tục ngữ thể hiện bằng câu. Về nội dung, thành ngữ thể hiện khái niệm còn tục ngữ thể hiện một phán đoán. Về chức năng, thành ngữ có chức năng định danh trong khi tục ngữ có chức năng thông báo.

2. Nguồn gốc tục ngữ

Theo nội dung biểu hiện trong từng câu tục ngữ, có thể khái quát thành ba nguồn gốc hình thành tục ngữ.

Đầu tiên, đại bộ phận tục ngữ được hình thành từ sự đúc rút kinh nghiệm trong đời sống lao động sản xuất và chiến đấu của nhân dân, từ trong cuộc sống thực tiễn của nhân dân. Ta có thể kể ra hàng loạt những câu tục ngữ như thế: Ăn kỹ no lâu cày sâu tốt lúa, Con trâu là đầu cơ nghiệp, Làm ruộng có năm chăn tằm có lúc, Tháng bảy heo may chuồn chuồn bay thì bão, Được mùa lúa uá mùa cau được mùa cau đau mùa lúa, Ăn một miếng tiếng một đời, Của như non ăn mòn cũng hết, Bà con vì tổ vì tiên không ai bà con vì tiền vì gạo, Trẻ cậy cha già cậy con, Măng không uốn uốn tre sao được, Miếng ngon nhớ lâu lời đau nhớ đời, Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường……

Một số tục ngữ được rút ra từ các sáng tác dân gian khác (hay các sáng tác dân gian ra đời để minh họa cho câu tục ngữ?). Trường hợp này, ta có thể tìm thấy tựa đề của một số truyện dân gian là một câu tục ngữ hoặc kết thúc một truyện dân gian là một câu nói có vần có điệu đúc kết chân lý ở đời thông qua câu chuyện kể . Chẳng hạn như Cái kiến mày kiện củ khoai, Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng, Tham thì thâm, Cứu vật trả ơn cứu nhân nhân trả oán, Của thiên trả địa, Bụng làm dạ chịu, Nợ như chúa chổm, Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày, Sự giàu mang đến dửng dưng- lọ là con mắt tráo trưng mới giàu, Con vợ khôn lấy thằng chồng dại- như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu, To đầu mà dại bé dái mà khôn, Nói dối như cuội….

Ngoài ra, tục ngữ còn hình thành do con đường dân gian hóa những lời hay ý đẹp rút ra từ các tác phẩm văn học viết, những điển tích, điển cố; những lời nói bất hủ của các nhà tư tưởng, văn hóa, các nhà hoạt động nổi tiếng của các thời đại. Trường hợp này dù đã được dân gian hóa nhưng một số trong những câu nói ấy dường như vẫn chưa có một độ lùi lịch sử nhất định để đo độ bền sức sống của nó như một thể loại dân gian đích thực. Tuy nhiên, thực tế tồn tại của những câu nói này trong dân gian đã cho nó một đời sống diễn xướng như những câu tục ngữ do dân gian sáng tác. Thậm chí có trường hợp người dùng đưa vào những tình huống sinh động mà phù hợp của cuộc sống để khai thác tối đa tính chất triết lý của nó mà không hề biết, không hề quan tâm tác giả là ai.

Tức là nó đã được dân gian hóa. Ta có Có tài mà cậy chi tài – Chữ tài liền với chữ tai một vần / Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ / Ngày vui ngắn chẳng tày gang/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau … (Nguyễn Du); Còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi (Nguyễn Bỉnh Khiêm); Ví không có cảnh đông tàn, thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân / Sự vật vần xoay đà định sẵn, hết mưa là nắng hửng lên thôi / Không có gì quý hơn độc lập tự do / Vì lợi ích mười năm trồng cây, Vì lợi ích trăm năm trồng người (Hồ Chí Minh). Trong số những câu nói của danh nhân được dân gian hóa thành tục ngữ, chúng ta phải kể đến một số câu nói có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài, du nhập vào nước ta và được Việt hóa. Trường hợp này cũng khá phổ biến, đặc biệt là kho kinh sách Nho – Phật – Lão với những lời tầm chương trích cú. Ta có các câu như Ôn cố nhi tri tân (Ôn cũ biết mới), Nhân chi sơ tính bổn thiện, Lương y như từ mẫu (Thầy thuốc như mẹ hiền), Time is money (Thời giờ là vàng bạc)…

3. Bản chất thể loại

Ở góc độ ngôn ngữ, tục ngữ là một hiện tượng ngôn ngữ đặc biệt: một cấu trúc ngôn ngữ hoàn chỉnh, hàm súc, ngắn gọn …

Ở góc độ xã hội, tục ngữ là một hiện tượng ý thức xã hội, là tư tưởng nằm trong hệ thống quan niệm của người xưa về cuộc sống.

Ở góc độ nghệ thuật, tục ngữ là một đơn vị thông báo có tính nghệ thuật, là một dạng văn học đặc biệt – “văn học đúc kết kinh nghiệm” (Cao Huy Đỉnh).

4. Nội dung phản ánh của tục ngữ

a. Tục ngữ về lao động sản xuất:

Tục ngữ, như đã nói, hình thành trong thực tiễn lao động, sản xuất của nhân dân. Tục ngữ biểu đạt những kinh nghiệm của con người về công việc lao động và các hiện tượng tự nhiên mà họ tích lũy được trong quá trình lao động sản xuất. Ở một nước nông nghiệp mà khoa học kỹ thuật còn rất thô sơ, công việc phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên – thời tiết, khí hậu như nước ta, những kinh nghiệm được đúc kết và truyền lại cho đời sau trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Nó giúp cho nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh sinh tồn với tự nhiên, trong lao động ở mọi lãnh vực ngành nghề phong phú khác nhau có thể tự tin hơn, đạt được hiệu quả thành công cao hơn, hạn chế những sai lầm không đáng có, là lời hướng dẫn đáng tin cậy mỗi khi người đời sau vấp phải khó khăn, trở ngại (thường thì sự thất bại bao giờ cũng để lại những bài học kinh nghiệm đáng quý).

Đó là những câu tục ngữ dự báo thời tiết (nắng, mưa, gió, bão…) như

Mau sao thì nắng vắng sao thì mưa / Tháng ba bà già chết cóng / Trăng quần thì hạn trăng tán thì mưa / Tháng bảy heo may chuồn chuồn bay thì bão…;

Những câu tục ngữ nói về những kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi như

Làm ruộng ba năm không bằng chăn tằm một lứa / Cày ruộng tháng năm xem trăng rằm tháng tám, cày ruộng tháng mười, xem trăng mồng tám tháng tư / Gió đông là chồng lúa chiêm gió may gió bấc là duyên lúa mùa / Khoai ruộng lạ mạ ruộng quen…

Mặc dù phần lớn những câu tục ngữ dân gian chỉ mới dừng lại ở mức độ kinh nghiệm thực tiễn chứ chưa nâng lên thành những kiến thức khoa học hoàn chỉnh. nhưng trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, những kinh nghiệm ấy, những tri thức ấy trở nên vô cùng quí báu.

Sở dĩ tục ngữ về thời tiết, về lao động sản xuất chiếm một vị trí đáng kể là vì nước ta là một nước nông nghiệp. Nền nông nghiệp ấy đã tồn tại trong một thời gian lạc hậu thủ công thô sơ kéo dài. Nền sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, vào thiên thời địa lợi là chính. Đó là mảnh đất màu mỡ cho tục ngữ mang nội dung này nảy sinh, tồn tại và phát triển. Ta có thể thấy mọi vấn đề liên
quan đến lĩnh vực này trong tục ngữ. Nào là đặc tính các loại lúa (Lúa chiêm bóc vỏ, lúa mùa xỏ tay / Lúa chiêm đào sâu chôn chặt, lúa mùa vừa đặt vừa đi / Chiêm cập cời, mùa đợi nhau…); nào là kinh nghiệm làm mạ (cơm quanh rá, mạ quanh bờ…); nào là kinh nghiệm cày bừa (Nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa / Nhất cày ải, nhì rải phân…); rồi thì kinh nghiệm chăm bón (Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân / Một lượt tát, một bát cơm …); rồi thì kinh nghiệm trồng các loại cây khác ( khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen)….

Ngoài ra là kinh nghiệm một số ngành nghề khác chẳng hạn như kinh nghiệm đi lưới: Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông; Kinh nghiệm nuôi tằm: Một nông tằm năm nong kén / Làm ruộng ăn cơm nằm , chăn tằm ăn cơm đứng ; Kinh nghiệm chọn giống gia súc: Lấy vợ xem bà vải, tậu trâu xem con nái đầu đàn / Gà đen chân trắng mẹ mắng cũng mua – Gà trắng chân chì mua chi giống ấy).vv …và vv…

b. Tục ngữ về các hiện tượng lịch sử, xã hội

Không chỉ đúc kết những kinh nghiệm về thời tiết, về lao động sản xuất, tục ngữ Việt Nam còn là một kho tàng về văn hóa, lịch sử dân tộc. Trong tục ngữ, ký ức về một thời lịch sử xa xôi của dân tộc ta được nhắc lại một cách vô cùng sinh động (Ăn lông, ở lỗ; Con dại cái mang; Chồng chung vợ chạ…). Tục ngữ còn ghi lại những hiện tượng, sự kiện lịch sử, những biến đổi về kinh tế, chính trị ảnh hưởng đến nhân dân và các nhân vật lịch sử (Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi / Cờ bay Sơn Đồng, ngựa lồng Chương Dương).

Bên cạnh đó, tục ngữ phản ảnh đời sống của những giai cấp tầng lớp khác nhau trong xã hội phong kiến (Ngồi mát ăn bát vàng / Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột / Con đóng khố, bố cởi truồng / Cá lớn nuốt cá bé / Con giun xéo lắm cũng quằn…). Qua đó, thể hiện rõ quan điểm tư tưởng tình cảm của nhân dân.

Ở tục ngữ, chúng ta còn bắt gặp trong đó đời sống tinh thần phong phú của dân tộc ta. Một phần lớn tục ngữ phản ảnh phong tục, tập quán sinh hoạt của nhân dân các vùng quê khác nhau.(Phép vua thua lệ làng / Đất lề quê thói / Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp / Miếng trầu là đầu câu chuyện / Cha truyền con nối / Chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ / Chồng cô, vợ cậu, chồng dì, ba người ấy chết đều thì không tang…).

c. Tục ngữ về đạo đức truyền thống (Của nhân dân lao động):

Tục ngữ về đạo đức truyền thống (Của nhân dân lao động)

Tục ngữ Việt Nam luôn đề cao quí trọng giá trị của con người (Người ta là hoa của đất / Người sống đống vàng / Một mặt người hơn mười mặt của / Cứu một người hơn xây mười kiểng chùa…); đề cao giá trị của lao động, lao động sáng tạo để làm ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội (Người làm ra của của không làm ra người / Khen nết hay làm, ai khen nết hay ăn / Có làm thì mới có ăn…); đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người như cần cù, nhẫn nại, chung thủy, thật thà, lạc quan, nhân ái trong đối nhân xử thế (Có công mài sắt có ngày nên kim / Còn nước còn tát / Đói cho sạch, rách cho thơm / Chị ngã em nâng/ Lá lành đùm lá rách / Máu chảy ruột mềm / Môi hở răng lạnh / Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ / Thật thà là cha quỷ quái…).

Tóm lại: Tục ngữ được ví như “túi khôn dân gian”, “kho báu của trí tuệ nhân dân”. Chức năng quan trọng và cơ bản nhất của tục ngữ là diễn đạt, truyền bá kinh nghiệm đời sống. Đề tài của tục ngữ rất rộng bao quát hầu như tất cả các lĩnh vực của thực tại. Có thể nói: ở đâu, lĩnh vực nào nhân dân có kinh nghiệm thì ở đó, lĩnh vực đó có tục ngữ.

Trên đây chỉ là một số nội dung tiêu biểu, thiết nghĩ với một kho tàng tục ngữ hết sức đa dạng và phong phú, rộng lớn và sâu sắc, chúng ta cần tìm hiểu thêm để thấy được sự phản ánh rất đầy đủ của tục ngữ về những kinh nghiệm mà nhân dân đã đúc kết được trong đời sống.

5. Đặc điểm thi pháp

a. Tính hàm súc (Lời ít ý nhiều, tiết kiệm ngôn ngữ tới mức tối đa)

Những kinh nghiệm, trí tuệ, tư tưởng của dân gian được thể hiện trong những câu tục ngữ cô đúc. Mỗi câu tục ngữ thường rất ngắn gọn, hàm súc cô đọng, thậm chí tục ngữ còn có khuynh hướng rút gọn đến mức tối đa. Khuynh hướng rút gọn tiếp tục phát huy trong quá trình lưu truyền:

Ví dụ: Nhất nước nhì phân tam cần, tứ giống lại được sử dụng phổ biến thành câu Nước, phân, cần, giống.

Khảo sát kho tàng tục ngữ Việt Nam, ta thấy câu tục ngữ ngắn nhất chỉ có ba tiếng (May hơn khôn, Túng thì tính…) và câu dài nhất chỉ có hai dòng lục bát (Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng bay vừa thì râm).

Vì tục ngữ ra đời và được sử dụng chủ yếu trong giao tiếp, trong lời ăn tiếng nói hằng ngày nên tính ứng dụng trong đời sống của nó rất cao. Thực ra, thể loại nào của văn học dân gian cũng có chức năng thực hành sinh hoạt cả nhưng trường hợp của thể loại tục ngữ đặc biệt ở chỗ nó cũng chính là lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Ngắn gọn để dễ nhớ, dễ lưu truyền. Ngắn gọn để kinh nghiệm truyền lại cho đời sau có thể có một đời sống lâu dài thậm chí vĩnh cửu trong lòng quần chúng nhân dân – những người không phải lúc nào cũng có điều kiện học hành chữ nghĩa đến nơi đến chốn nhưng vốn sống thì rất phong phú. Tục ngữ đã trở thành kho tàng trí tuệ của quần chúng mà ở đó làm sao trong một dung lượng nhỏ nhất nhưng nội dung được chuyển tải nhiều nhất đã trở thành một yêu cầu thử thách sự sáng tạo của thể loại độc đáo mà sâu sắc này. Vì vậy, ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều ý tưởng, tục ngữ đã giúp cho lời nói thêm sâu sắc, diễn đạt một cách tốt nhất những điều khó diễn đạt hoặc không thể diễn đạt thành lời.

b. Giàu hình ảnh hình tượng cụ thể:

Tục ngữ sở dĩ ngắn gọn nhưng lại khơi gợi nhiều ý tưởng phong phú sâu sắc bởi tính cụ thể sống động của những hình ảnh quen thuộc. Những hình ảnh ấy được sử dụng để diễn đạt những kinh nghiệm có tính trừu tượng, khái quát.

Nhờ thế, tục ngữ dễ đi vào trí nhớ của người nghe.

Trong cách diễn đạt, tục ngữ thường sử dụng các biện pháp tu từ miêu tả – so sánh, ẩn dụ, nhân hóa… (Đàn gãy tai trâu / Đũa mốc chòi mâm son / Vỏ quít dày móng tay nhọn / Kiến tha lâu đầy tổ…). Và bao giờ những hình ảnh đó cũng tạo ra sự liên tưởng tức thì đầy hiệu quả mà đôi khi cách nói thẳng vừa dài dòng, vừa khô khan, khó hiểu, khó nhớ. Cách nói giàu hình ảnh, hình tượng cụ thể như thế vừa gợi nghĩa vừa gợi cảm.

Vì sử dụng hình ảnh nên tục ngữ hầu như ít diễn đạt một nghĩa (nghĩa đen, nghĩa thực) mà diễn đạt nhiều nghĩa (nghĩa đen – nghĩa bóng / nghĩa hẹp – nghĩa rộng/ nghĩa trực tiếp – gián tiếp/ nghĩa tường minh – nghĩa hàm ẩn… theo cách nói của khoa ngôn ngữ học).

Một số câu tục ngữ, người nói và người nghe đều muốn truyền đạt và tiếp nhận nghĩa bóng của nó mà thôi (Nồi da nấu thịt / Rút dây động rừng / Rau nào sâu ấy…). Sự phong phú về nét nghĩa nói lên tính chất tiềm ẩn về ngữ nghĩa của tục ngữ rất lớn. Nghĩa đen và nghĩa bóng của tục ngữ đem lại sự nhận thức vừa gần gũi, cụ thể vừa khái quát, sâu sắc.

c. Kết cấu ngữ pháp và quan hệ ngữ nghĩa trong tục ngữ:

Nói đến kết cấu ngữ pháp của tục ngữ, các nhà nghiên cứu cũng có nhiều cách phân chia, chủ yếu là dựa vào cấu trúc ngữ pháp của câu để khảo sát. Vì vậy có câu tục ngữ tương đương với một câu đơn, có câu lại có cấu trúc của một câu ghép (hay còn được gọi là câu phức). Ở đây, cách phân chia sau sẽ đơn giản hóa kết cấu ngữ pháp của tục ngữ hơn. Dù có thể không phải là một cách phân chia tối ưu, nhưng lại là một cách tiếp cận khá bao quát các hình thức ngữ pháp phong phú của tục ngữ. Đó là các loại kết cấu theo vế câu: một vế, hai vế, ba vế trở lên….

Kết cấu một vế gần như là một câu đơn. Chẳng hạn như Con trâu là đầu cơ nghiệp / Người ta là hoa của đất / Lòng vả như lòng sung / Chơi dao có ngày đứt tay / Cái nết đánh chết cái đẹp / Không thầy đố mày làm nên / Trâu buộc ghét trâu ăn….

Bên cạnh đó là kết cấu hai vế, dạng kết cấu này chiếm đa số. Ví dụ như những câu tục ngữ Người tốt vì lụa, lúa tốt vì phân / Ăn trông nồi, ngồi trông hướng/ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng/ Tấc đất tấc vàng/ Chạy buồm xem gió/ Buôn có bạn, bán có phường/ Cùng nghề đi tát, mạt nghề đi câu/ Thứ nhất cày nỏ, thứ nhì bỏ phân/ Cá không ăn muối cá thối, người không ăn lời người hư/ Mềm nắn rắn buông/ Đàn bà không biết nuôi heo đàn bà nhác, đàn ông không biết nuột lạt đàn ông hư….

Ít phổ biến hơn là kết cấu ba vế. Trường hợp này là các câu như Của làm ra để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ / Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò/ Dạy đĩ vén xống, dạy ông cống vào tràng, dạy bà lang bốc thuốc/ Ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng lò dò chạy đi/ Gái một con trông mòn con mắt, gái hai con vú quặt đàng sau, gái ba con thì đâu ngồi đấy/ Hàm chó, vó ngựa, cựa gà, ngà voi….

Phong phú và đa dạng hơn là quan hệ ngữ nghĩa.

Một loại quan hệ ngữ nghĩa rất phổ biến là sự thể hiện bằng những phán đoán khẳng định giản đơn: Người sống đống vàng / Tấc đất tấc vàng/ May hơn khôn / Nhiều tay thời vỗ nên bộp / Là lượt là vợ thông hai, nhễ nhại là vợ học trò / Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa / Chó chê mèo lắm lông / Tửu tam trà nhị / Ăn hết nhiều ở hết bao nhiêu / Cọc tìm trâu / Con gà tức nhau tiếng gáy / Cháy nhà mới ra mặt chuột…

Tuy nhiên, tạo thành một kho tàng kinh nghiệm đầy đặn hơn cả đó là nhờ dân gian đã khéo léo xây dựng các câu tục ngữ bằng cách suy luận dựa trên mối quan hệ giữa các vế.

Quan hệ tương đồng: Đất lề, quê thói / Đường đi hay tối, nói dối hay cùng / Đầu gà má lợn / Ăn vóc học hay / Ăn cơm lừa thóc, ăn cóc bỏ gan / Trẻ cậy cha già cậy con / Lớn thuyền lớn sóng….

Quan hệ tương phản: Được mùa cau đau mùa lúa / Miệng nam mô, bụng bồ dao găm / Được làm vua, thua làm giặc / Tre già măng mọc / Khôn ba năm dại một giờ / Người ăn thì còn, con ăn thì mất / Đàn ông rộng miệng thì sang, đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà…

Quan hệ điều kiện – nhân quả: Gieo gió gặt bão / Ở hiền gặp lành / Rút dây động rừng / Đời cha ăn mặn đời con khát nước / Chạy buồm xem gió / Có thực mới vực được đạo / Con dại cái mang / Trèo cao ngã đau / Nước chảy đá mòn…

Quan hệ so sánh: Cái răng cái tóc là góc con người / Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống / Một mặt người bằng mười mặt của / Một con sa bằng ba con đẻ / Miếng ăn là miếng nhục / Ăn cơm không rau như đánh nhau không có người gỡ / Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu / Người không học như ngọc không mài / Thương người như thể thương thân / Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng / Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng…

Quan hệ phụ thuộc: Con sâu làm sầu nồi canh / Môi hở răng lạnh / Quạ tắm thì ráo sáo tắm thì mưa / Măng không uốn uốn tre sao được / Nhà sạch thì mát bát sạch thì ngon….

Quan hệ liệt kê: Thứ nhất phao câu, thứ nhì chéo cánh / Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ nhì nhà dột, thứ ba nợ đòi / Thứ nhất cày nỏ, thứ nhì bỏ phân / Nhất quỉ nhì ma, thứ ba học trò / Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống… )

d. Vần nhịp và tính chất hòa đối trong tục ngữ:

Phần lớn, tục ngữ Việt đều có vần. Vần chính là chất keo gắn liền các yếu tố ngôn từ trong tục ngữ làm thành những kết cấu vững chắc, bền vững làm cho tục ngữ dễ nhớ, dễ thuộc, dễ lưu truyền. Cách gieo vần trong tục ngữ rất phong phú đa dạng. Ta có vần liền (Hay khen hèn chê / Ăn vóc học hay / Cốc mò cò xơi / Ăn chắc mặc bền / Bút sa gà chết); vần cách ( Trẻ lên ba cả nhà học nói / Thứ nhất cày ải thứ nhì rải phân / Không thầy đố mày làm nên/ Khéo ăn thì no khéo co thì ấm.      )

Nhịp cũng là một yếu tố quyết định sự bền vững của tục ngữ. Nhịp xuất hiện trong đa số các trường hợp mà giữa các vế có số âm tiết đều nhau tạo nên sự đối xứng giữa các vế: (3/3 ; 2/2 ; 4/4). Nhịp càng giúp tục ngữ (đặc biệt là những câu không có vần) dễ nhớ, dễ truyền ( Ăn cây nào rào cây nấy / Người khôn của khó / Đời cha ăn mặn đời con khát nước. )

Ngoài ra, cách cấu tạo cân đối hài hòa thể hiện dưới nhiều hình thức cụ thể khác nhau như đối thanh, đối ý, đối cân, đối lệch. Chẳng hạn câu tục ngữ Mềm

nắn rắn buông, ta thấy có hiện tượng đối thanh, mềm là thanh bằng, rắn là thanh trắc, nắn là thanh trắc, buông là thanh bằng; đối ý tức là nghĩa của mềm và rắn hoàn toàn trái ngược nhau; còn đối cân tức là câu tục ngữ này có hai vế, mỗi vế có hai âm tiết đều và rất cân đối. Còn câu Xấu như ma – vinh hoa cũng đẹp, ngoài đối thanh và đối ý ra, câu tục ngữ này là một dạng đối lệch – tức là hai vế không đều nhau.

(Nguồn tham khảo: Trần Tùng Chinh, Giáo trình văn học dân gian Việt Nam)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.