GDP là gì? Các phương pháp tính GDP
Hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bạn có thể nghe hay đọc những dòng tin như “tổng sản lượng quốc gia của Việt Nam trong 06 tháng đầu năm đạt được … tỷ đồng, tăng …% so với cùng kỳ năm ngoái”, hay “mục tiêu đề ra là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 phải đạt 8.5%”,…Như vậy, sản lượng quốc gia là gì? tốc độ tăng trưởng kinh tế là gì?…
Nội Dung
1. Khái niệm tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Tổng sản phẩm trong nước hay Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ cuối cùng do nền kinh tế sản xuất ra trong một khoảng thời gian nhất định, trong phạm vi lãnh thổ nhất định.
Bạn đang xem: GDP là gì? Các phương pháp tính GDP
Trong khái niệm GDP, có ba vấn đề cần được chú ý là:
- “Hàng hóa và dịch vụ cuối cùng” là gì? Đó là những loại hàng hóa và dịch vụ mà bản thân nó không được dùng để sản xuất ra bất cứ một loại hàng hóa nào khác, mà chỉ dùng để bán cho người tiêu dùng cuối cùng mà thôi.
- “Trong một khoảng thời gian nhất định” là gì? Đó là một giai đoạn cụ thể hay một khoảng thời gian cụ thể mà hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được tạo ra, có thể là một tháng, một quí hay một năm.
- “Trong phạm vi một lãnh thổ” là gì? Là các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được tạo ra trong biên giới của một quốc gia mới được tính vào GDP của nước đó. Hay nói cách khác, hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất trong nội địa.
Ví dụ: Khi bạn nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng là: “GDP của Việt Nam năm 2004 ước tính đạt 713.071 tỷ đồng…”, điều đó có nghĩa là giá trị bằng tiền của tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong lãnh thổ nước Việt Nam trong năm 2004 là 713.071 tỷ đồng.
2. Các phương pháp tiếp cận để tính GDP
Có hai cách tiếp cận để đo lường GDP là:
Cách 1: Thông qua luồng hàng hóa
Trong một khoảng thời gian nhất định, tất cả người tiêu dùng cuối cùng trong một nền kinh tế sẽ tiêu thụ rất nhiều hàng hóa và dịch vụ thông qua thị trường hàng hóa. Những hàng hóa được mua và tiêu thụ có thể là táo, bánh mì, quần áo…; những loại dịch vụ có thể là khám chữa bệnh, cắt tóc, học hành…
Mỗi loại hàng hóa và dịch vụ có một đơn vị đo lường riêng, cho nên không thể cộng tất cả hàng hóa và dịch vụ được. Do đó, những hàng hóa và dịch vụ cuối cùng này sẽ được qui ra tiền bằng cách sử dụng giá thị trường, tức là giá được dùng để mua bán trên thị trường.
Để đơn giản, chúng ta giả sử rằng, ở một quốc gia A nào đó, trong một năm người tiêu dùng mua 4kg táo và 5 cái áo. Giá thị trường của táo là 50.000đ/kg, giá một cái áo là 150.000đ/cái. Như vậy, GDP của quốc gia này sẽ là:
GDP = (Qtáo × Ptáo) + (Qáo × Páo)
= (4 × 50.000) + (5× 150.000) = 950.000 đồng.
Nếu cả nền kinh tế có i loại hàng hóa và dịch vụ, thì tổng sản phẩm trong nước là:
Cách 2: Thông qua luồng tiền
Cách tiếp cận thứ hai để tính GDP là thông qua luồng tiền lưu thông giữa các khu vực trong nền kinh tế. Đối với cách tiếp cận này, có ba phương pháp tính GDP là:
- Phương pháp thu nhập
- Phương pháp chi tiêu
- Phương pháp sản xuất (phương pháp giá trị gia tăng).
Cách tiếp cận thứ hai này thường được dùng để đo lường GDP của một quốc gia.
3. Các phương pháp tính GDP
a. Phương pháp thu nhập
GDP tính theo phương pháp thu nhập sẽ bằng tổng thu nhập của tất cả các khu vực hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ. Khi dùng phương pháp này, tức là chúng ta sẽ tính những cái mà các thành viên trong nền kinh tế nhận được. Luồng thu nhập của các khu vực được biểu diễn bằng những đường tô đậm trong sơ đồ chu chuyển kinh tế như trong hình 1.
Nền kinh tế gồm ba chủ thể là doanh nghiệp, hộ gia đình và chính phủ. Các chủ thể này tương tác với nhau thông qua hai thị trường: thị trường hàng hóa và thị trường các yếu tố sản xuất.
Khi các hộ gia đình bán các yếu tố sản xuất cho doanh nghiệp thông qua thị trường các yếu tố sản xuất, họ sẽ thu về một số tiền, đó chính là thu nhập của khu vực hộ gia đình. Thu nhập này bao gồm:
- Tiền công và các khoản lợi ích khác, gọi chung là lương (W) khi hộ gia đình cung cấp sức lao động.
- Tiền lãi (i) khi hộ gia đình cung cấp vốn.
- Tiền thuê (R) khi hộ gia đình cho thuê tài sản.
- Ngoài ra, hộ gia đình còn có nhận một khoản chi chuyển nhượng (Tr) từ Chính phủ như trợ cấp thất nghiệp, lương hưu,… Trong thực tế, các khoản chi chuyển nhượng này có thể làm tăng thu nhập của hộ gia đình; tuy nhiên các khoản chi chuyển nhương này không được tính vào
Khi các doanh nghiệp bán hàng hóa và dịch vụ trên thị trường hàng hóa, họ sẽ thu được một số tiền thường được gọi là doanh thu. Sau khi trừ đi các khoản chi phí sản xuất, đóng thuế cho chính phủ và khấu hao tài sản cố định (De), doanh nghiệp còn lại một phần tiền, được gọi là lợi nhuận ( ∏ ).
Đối với Chính phủ, thu nhập của khu vực Chính phủ là các khoản thuế từ doanh nghiệp và hộ gia đình.
- Doanh nghiệp sẽ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài,…; những loại thuế này được gọi chung là thuế gián thu (Ti).
- Hộ gia đình sẽ nộp thuế trực thu (Td) cho Chính phủ dưới dạng thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, do thu nhập của khu vực hộ gia đình là lương, tiền lãi và tiền thuê chưa trừ ra thuế trực thu, nên khi tính thu nhập của khu vực Chính phủ, ta không tính Td để tránh tính trùng.
Như vậy, ta có thể rút ra công thức để tính GDP theo phương pháp thu nhập như sau:
GDP = W + i + R + Π + De + Ti
Hay nói một cách khác:
GDP = thu nhập từ lao động (W) + thu nhập từ vốn (∏, R, i) + Khấu hao (De) + Thuế gián thu (T i)
Ví dụ: Số liệu GDP của Việt Nam tính theo phương pháp thu nhập năm 1999 như sau:
(ĐVT: tỷ đồng)
1. Thu nhập từ lao động | 246.806,0 |
2. Thu nhập từ vốn | 49.319,0 |
3. Khấu hao | 44.120,0 |
4. Thuế gián thu | 59.641,0 |
5. Sai biệt thống kê | 56,0 |
GDP = tổng thu nhập | 399.942,0 |
b. Phương pháp chi tiêu
GDP tính theo phương pháp chi tiêu cũng chính là bằng tổng chi tiêu của tất cả các khu vực của toàn bộ nền kinh tế. Tức là phương pháp này sẽ tính những cái mà các thành viên trong nền kinh tế bỏ tiền ra mua.
Việc mở cửa nền kinh tế đã tạo nên các luồng hàng hóa và tiền tệ quan trọng, cho nên nước ngoài cũng được xem như một chủ thể kinh tế; do đó trong phương pháp chi tiêu, ta phải tính luôn khu vực nước ngoài.
Xem thêm : Hai mặt của nền sản xuất
Dòng chi tiêu sẽ được biểu diễn bằng những đường tô đậm trong sơ đồ chu chuyển kinh tế như ở hình 2.
Đối với khu vực hộ gia đình, thu nhập mà họ nhận được từ việc bán các yếu tố sản xuất như lương, tiền lãi, tiền thuê sẽ được dùng vào hai mục đích là:
- Dùng để mua hàng hóa và dịch vụ trên thị trường hàng hóa. Số tiền chi dùng cho các loại hàng hóa và dịch vụ đó được gọi là chi tiêu của hộ gia đình (C).
- Dùng để tiết kiệm, hay để dành (S).
Đối với doanh nghiệp, chi tiêu của doanh nghiệp được gọi là đầu tư (I). Đó là những khoản chi để mua các hàng hóa tài chính như máy móc thiết bị, nhà xưởng, …
Đối với Chính phủ, các khoản chi tiêu của Chính phủ được ký hiệu là G.
Đối với khu vực nước ngoài, khu vực này chi tiền để mua hàng hóa và dịch vụ trong nước thông qua xuất khẩu (X), đồng thời bán hàng hóa và dịch vụ để thu tiền về thông qua việc nhập khẩu (M) của quốc gia đó.
Như vậy, ta có thể rút ra công thức tính GDP theo phương pháp chi tiêu như sau:
GDP = C + I + G + X – M
Có hai khái niệm mới ở đây, đó là giá trị xuất khẩu (X) và giá trị nhập khẩu (M) của một quốc gia. Chênh lệch giữa chúng gọi là xuất khẩu ròng (NX) tức là:
NX = X – M
Từ đây, công thức tính GDP được viết lại thành:
GDP = C + I + G + NX
Ví dụ: Số liệu GDP của Việt Nam tính theo phương pháp chi tiêu năm 1999 như sau:
ĐVT: tỷ đồng | |
1. Chi tiêu hộ gia đình (C) | 276.192,0 |
2. Đầu tư (I) | 108.837,0 |
3. Chi tiêu Chính phủ (G) | 25.498,0 |
4. Xuất khẩu ròng (NX) | 11.418,0 |
– Xuất khẩu (X) | 199.836,0 |
– Nhập khẩu (M) | 211.254,0 |
5. Sai biệt thống kê | 833,0 |
GDP = tổng chi tiêu | 399.942,0 |
c. Phương pháp giá trị gia tăng
Tính GDP theo phương pháp giá trị gia tăng tức là tính những cái mà doanh nghiệp sản xuất ra. Phương pháp này còn được gọi là phương pháp sản xuất.
Theo phương pháp này, GDP sẽ bằng tổng giá trị gia tăng của tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Giá trị gia tăng = Giá trị đầu ra – Chi phí đầu vào.
Chi phí đầu vào bao gồm chi phí trả tiền lương nhân công, tiền thuê máy móc, thiết bị, nhà xưởng, tiền chi để mua nguyên vật liệu hay các hàng hóa trung gian, …
Hàng hóa trung gian là những loại hàng hóa được dùng làm đầu vào để sản xuất ra hàng hóa khác và chỉ được sử dụng một lần trong quá trình đó, nghĩa là giá trị của nó chuyển hết vào giá trị hàng hóa mới.
Một hàng hóa được xem là hàng hóa trung gian hay hàng hóa cuối cùng còn tuỳ vào mục đích sử dụng nó. Ví dụ: Một cái bóng đèn được xem là hàng hóa cuối cùng khi được các hộ gia đình mua về để thắp sáng trong gia đình. Tuy nhiên, nó sẽ được xem là hàng hóa trung gian nếu các doanh nghiệp mua về để thắp sáng trong văn phòng, nhà xưởng, tạo điều kiện để sản xuất ra một loại hàng hóa khác.
Quá trình tính GDP theo phương pháp giá trị gia tăng như sau:
Ví dụ: Giả sử có ba doanh nghiệp trong nền kinh tế, doanh nghiệp 1 không tốn chi phí để sản xuất gạo. Cách tính và kết quả tính.
4. Những quy tắc tính GDP
- Quy tắc 1: Để tính tổng giá trị bằng tiền của các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau, người ta sử dụng giá thị trường.
- Quy tắc 2: Những hàng hóa đã sử dụng không được tính vào GDP.
- Quy tắc 3: Hàng hóa và dịch vụ trung gian không được tính vào GDP.
- Quy tắc 4: Những hàng hóa và dịch vụ được sản xuất và tiêu thụ tại nhà và không được bán trên thị trường không được tính vào
- Quy tắc 5: GDP không bao gồm những hàng hóa và dịch vụ kinh doanh bất hợp pháp (như hàng lậu), những hoạt động kinh tế không đăng ký.
5. GDP thực và GDP danh nghĩa
GDP danh nghĩa còn được gọi là GDP theo giá thực tế hay GDP theo giá hiện hành là GDP được tính theo giá thị trường của năm đang tính hay còn gọi là năm hiện hành.
Nếu gọi năm đang tính là năm t, nền kinh tế có i hàng hóa và dịch vụ, thì GDP danh nghĩa năm t là:
GDP = Σ PtiQti
GDP thực (hay còn gọi là GDP theo giá so sánh) là GDP được tính theo giá của một năm nào đó được gọi là năm gốc.
Ví dụ: Nếu Tổng Cục Thống Kê đưa ra số liệu GDP theo giá thực tế của Việt Nam năm 2004 là 713.071 tỷ đồng, có nghĩa là tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong lãnh thổ Việt Nam trong năm 2004 được qui ra giá trị bằng tiền thông qua giá thị trường của năm 2004. Đó chính là GDP danh nghĩa năm 2004.
Nếu ký hiệu năm gốc là năm 0 thì GDP thực tính theo năm gốc là:
GDP = Σ POiQti
Ví dụ: Nếu Tổng cục Thống kê đưa ra số liệu GDP theo giá so sánh 1994 của Việt Nam năm 2004 là 362.092 tỷ đồng, có nghĩa là tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong lãnh thổ Việt Nam trong năm 2004 được qui ra giá trị bằng tiền thông qua giá thị trường của các loại hàng hóa đó vào năm 1994. Trong trường hợp này, năm 1994 được chọn làm năm gốc. Đó chính là GDP thực của Việt Nam năm 2004 theo giá 1994.
Xem thêm : Quản trị quan liêu (Bureaucratic management)
Thông qua hai ví dụ của GDP danh nghĩa và GDP thực, chúng ta thấy rằng giá trị của hai chỉ tiêu này khác nhau, mặc dù cả hai đều nói đến giá trị của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra ở Việt Nam trong năm 2004.
Khi sử dụng giá của năm gốc, hay cụ thể là năm 1994 như trong ví dụ trên thì giá trị của GDP thực đã được loại trừ yếu tố lạm phát. Yếu tố lạm phát này được biểu diễn thông qua các chỉ số giá; do đó, GDP thực còn có một cách tính khác như sau:
6. GDP và Các chỉ số giá
Chỉ số giá dùng để biểu thị sự biến động của mức giá chung của toàn bộ nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định.
Có hai loại chỉ số giá: chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số điều chỉnh lạm phát.
a. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
CPI dùng cùng một nhóm hàng hóa và dịch vụ của năm gốc (tức là năm 0) để thấy được sự biến động của giá qua các thời kỳ.
b. Chỉ số điều chỉnh lạm phát (GDPdeflator)
GDPdeflator dùng cùng một nhóm hàng hóa và dịch vụ của năm hiện hành (tức là năm t) để thấy được sự biến động của giá qua các thời kỳ.
Hay nói cách khác
7. GDP và Tăng trưởng kinh tế
Như vậy, ta có thể thấy rằng, GDP thực dùng để phản ánh giá trị của hàng hóa và dịch vụ cuối cùng mà một nền kinh tế có thể tạo ra mà không có sự biến động của giá, hay loại trừ yếu tố lạm phát.
Do đó, người ta thường dùng GDP thực để đo lường tốc độ tăng trưởng kinh tế theo công thức sau:
8. GDP và Tổng sản phẩm quốc gia (GNP)
Chỉ tiêu này còn được gọi là tổng thu nhập quốc gia (GNI). Một số quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển hay dùng chỉ tiêu này thay vì chỉ tiêu GDP.
GNP là tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ cuối cùng của một nền kinh tế do công dân của một quốc gia sản xuất ra trong một khoảng thời gian nhất định.
Ví dụ: Tổng cục Thống kê đưa ra số liệu về GNP (GNI) của Việt Nam năm 2004 là 701.906 tỷ đồng. Con số này chính là giá trị hàng hóa và dịch vụ cuối cùng của những người Việt Nam sản xuất ra trong năm 2004, cho dù là họ đang sống và làm việc ở bất kỳ nơi đâu trên toàn thế giới.
Trong một quốc gia sẽ có những người nước ngoài sinh sống và tham gia hoạt động kinh tế tại quốc gia đó. Những người nước ngoài này sẽ chuyển một phần thu nhập của họ về nước họ.
Trong khi đó, một số công dân của quốc gia đó cũng sẽ sinh sống và làm việc ở các nước khác trên thế giới; và họ cũng sẽ chuyển một phần thu nhập của họ về cho gia đình.
Như vậy, tổng sản phẩm quốc gia sẽ được tính theo công thức sau:
GNP = GDP + Thu nhập ròng từ nước ngoài (NIA)
GNP = GDP + (thu nhập từ nước ngoài chuyển vào – thu nhập từ trong nước chuyển ra)
Sự khác nhau giữa GDP và GNP
- GDP được tính theo lãnh thổ
- GNP được tính theo quốc tịch.
Một số điểm lưu ý
- Khi tính tốc độ tăng trưởng phải dùng GDP thực.
- Mặc dù có ba phương pháp tính GDP khác nhau, nhưng kết quả của ba phương pháp này thường khác nhau không đáng kể, đó là do sai số thống kê.
- Hàng hóa trung gian là loại hàng hóa được dùng để sản xuất ra các loại hàng hóa khác; còn hàng hóa cuối cùng là hàng hóa được tiêu thụ bởi người tiêu dùng và không được dùng để sản xuất ra hàng hóa khác.
9. GDP Việt Nam 2020
Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD vào năm 2020.
GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020.
Tham khảo thêm tại: https://nhandan.vn/nhan-dinh/vi-the-va-co-do-kinh-te-viet-nam-631311/
Tóm tắt
- GDP là tổng giá trị hàng hóa dịch vụ cuối cùng của nền kinh tế sản xuất ra trong một thời kỳ nhất định, trong phạm vi lãnh thổ nhất định.
- Có ba phương pháp để tính GDP, đó là phương pháp thu nhập, phương pháp chi tiêu và phương pháp giá trị gia tăng.
- GDP danh nghĩa là GDP được tính theo giá hiện hành
- GDP thực là GDP được tính theo giá của năm gốc.
- GNP là tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ cuối cùng của một nền kinh tế do công dân của một quốc gia sản xuất ra trong một khoản thời gian nhất định.
- Có hai loại chỉ số giá: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số điều chỉnh lạm phát (GDPdeflator).
Cần trả lời được:
- GDP là gì?
- Trình bày các cách tính GDP?
- Thế nào là GDP thực và GDP danh nghĩa?
- Phân biệt những điểm giống nhau và khác nhau giữa GDP và GNP?
- Tại sao khi tính tăng trưởng của nền kinh tế bắt buộc ta phải dùng GDP thực mà không được dùng GDP danh nghĩa?
- Phân biệt những điểm giống nhau và khác nhau giữa GDPdeflator và CPI?
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Ảnh Đẹp