Học thuyết về chủ nghĩa tư bản độc quyền: Nội dung, ý nghĩa

0

a) Nội dung cơ bản của học thuyết

Đầu thế kỷ XX, khoa học, kỹ thuật phát triển dẫn đến sự phát triển nhanh của lực lượng sản xuất. Chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền với 5 đặc điểm cơ bản:

Một là, sự tập trung sản xuất và tư bản hình thành các tổ chức độc quyền. Quá trình thay thế các xí nghiệp nhỏ, phân tán bằng cách xí nghiệp lớn có vốn tư bản lớn, đông công nhân và làm ra một khối lượng sản phẩm lớn. Sự tích tụ và tập trung tư bản đã dẫn tới sự tích tụ và tập trung sản xuất, đến một mức độ nhất định sẽ hình thành các tổ chức độc quyền. Liên minh giữa các nhà tư bản để nắm phần lớn việc sản xuất và tiêu thụ một số loại hàng hoá nào đó nhằm thu lợi nhuận cao.

Hai là, hình thành tư bản tài chính và đầu sỏ tài chính. Đồng thời với sự tích tụ và tập trung sản xuất công nghiệp, trong ngân hàng cũng có tích tụ và tập trung tư bản, hình thành nên các ngân hàng lớn cạnh tranh với nhau, ra đời các tổ chức độc quyền ngân hàng. Do nắm được lượng tư bản tiền tệ lớn, các ngân hàng có khả năng chi phối nhiều hoạt động kinh tế- xã hội.

Tư bản tài chính là loại tư bản được hình thành trên cơ sở xâm nhập lẫn nhau giữa tư bản công nghiệp và tư bản ngân hàng. Tư bản ngân hàng tham gia vào các tổ chức độc quyền sản xuất công nghiệp để theo dõi việc sử dụng vốn vay. Để hạn chế sự chi phối của ngân hàng, các nhà tư bản công nghiệp cũng can thiệp vào hoạt động của tư bản ngân hàng bằng cách mua cổ phiếu hoặc thành lập ngân hàng cho riêng mình. Hai quá trình thâm nhập ấy gắn kết với nhau, làm cho tư bản công nghiệp và tư bản ngân hàng dần trở nên thống nhất, hình thành nên nhóm tư bản tài chính. Các nhóm tư bản tài chính có tiềm lực đủ mạnh trở thành các đầu sỏ tài chính, thao túng đời sống kinh tế – chính trị ở các nước.

Ba là, xuất khẩu tư bản là thủ đoạn để các nhà tư bản ở các nước phát triển tiến hành bóc lột các nước chậm phát triển thông qua trao đổi không ngang giá. Xuất khẩu tư bản là xuất khẩu giá trị ra nước ngoài nhưng tiến hành dưới hình thức đầu tư tiền ra nước ngoài để tổ chức sản xuất hoặc cho vay nặng, bóc lột giá trị thặng dư và một số nguồn lợi khác ở các nước nhập khẩu tư bản.

Bốn là, sự phân chia thế giới về kinh tế. Khi lượng hàng hoá sản xuất tăng, nảy sinh nhu cầu thị trường và nguyên liệu ngoài nước. Mặt khác, hàng hoá bán ở nước ngoài cũng như đầu tư tư bản ở ngoài thu được lợi nhuận lớn hơn so với bán hàng hoá và đầu tư trong nước nên giữa các nước tư bản diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt giành thị trường thế giới. Những thoả thuận có tính chất lũng đoạn giữa các tổ chức độc quyền trong việc sản xuất và tiêu thụ một số loại hàng hoá, tạo nên những tổ chức độc quyền quốc tế. Liên minh giữa các tổ chức độc quyền lớn của các nước để phân chia thị trường thế giới, độc chiếm nguồn nguyên liệu, quy định quy mô sản xuất, định ra giá cả độc quyền nhằm thu lợi nhuận độc quyền cao.

Năm là, sự phân chia thế giới về lãnh thổ là hệ quả tất yếu của sự phân chia thế giới về kinh tế, biểu hiện ở việc các nước đế quốc xâm chiếm và thuộc địa hoá những nước chậm phát triển hòng độc chiếm nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ hàng hoá và địa điểm lập căn cứ quân sự. Quá trình phát triển kinh tế của chủ nghĩa tư bản ở các nước diễn ra không đều diễn ra sự tranh chấp thị trường. Phương pháp phổ biến là tổ chức chiến tranh để phân chia lại thị trường thế giới.

Quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản đã làm cho lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ với trình độ từ kỹ thuật thủ công, kỹ thuật cơ khí sang tự động hoá, tin học hoá và công nghệ và công nghệ ngày càng hiện đại. Cùng với quá trình đó là quá trình giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả khám phá và chinh phục thiên nhiên của con người.

b) Ý nghĩa của học thuyết

Chủ nghĩa tư bản độc quyền thúc đẩy nền sản xuất hàng hoá phát triển đạt tới mức điển hình trong lịch sử sản xuất của nhân loại. Sự phát triển cả về chiều rộng, chiều sâu đã dẫn đến phân công lao động xã hội, sản xuất tập trung với quy mô hợp lý. Quá trình sản xuất được liên kết và phụ thuộc lẫn nhau thành hệ thống. Trình độ chuyên môn hoá sản xuất và hợp tác lao động, mối liên hệ kinh tế giữa các ngành, các lĩnh vực ngày càng chặt chẽ. Sản xuất độc quyền góp phần xây dựng tác phong công nghiệp, thay đổi thói quen của người sản xuất nhỏ, hoàn thiện hơn một bước nền dân chủ tư sản so với trước.

Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản độc quyền gắn với quá trình bóc lột chiếm lợi nhuận cao;  bản chất bóc lột thể hiện rõ dưới nhiều hình thức. Các mâu thuẫn xã hội vốn có trong xã hội tư bản không những không khắc phục nổi mà càng gay gắt hơn. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất phát triển cao với chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất ngày càng lớn lên về quy mô và phạm vi. Sự cạnh tranh quyết liệt là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến xung đột và chiến tranh đe doạ hòa bình và ổn định của nhân dân toàn thế giới.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.