Kinh tế Chính trị là gì?

0

Từ thời xa xưa, trong các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Hy Lạp, La Mã, Trung Quốc thời cổ đại đã xem xét tới nhiều quá trình kinh tế. Tuy nhiên, đó mới chỉ là các kiến thức kinh tế rời rạc, pha trộn với các kiến thức khoa học khác, chưa được tách ra thành một khoa học độc lập.

Với tư cách là một khoa học độc lập, Kinh tế Chính trị học ra đời muộn hơn, nó xuất hiện vào thời kỳ hình thành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Thuật ngữ “Kinh tế Chính trị” được nhà kinh tế học người Pháp là Mông crêchiên sử dụng để đặt tên cho môn khoa học này xuất hiện vào năm 1615.

Vậy Kinh tế Chính trị là gì? Đối tượng nghiên cứu của Kinh tế chính trị Mác – Lênin là gì?

Kinh tế Chính trị là gì?

Kinh tế Chính trị (political economy) là một môn khoa học xã hội, nó nghiên cứu mối quan hệ giữa người với người được hình thành trong quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng của cải vật chất, tức nghiên cứu quan hệ sản xuất.

Đối tượng nghiên cứu của Kinh tế Chính trị Mác – Lênin là quan hệ sản xuất nhưng quan hệ sản xuất lại tồn tại và vận động trong sự tác động qua lại với lực lượng sản xuất. Mặt khác, quan hệ sản xuất tức là cơ sở hạ tầng xã hội cùng tác động qua lại với kiến trúc thượng tầng, nhất là quan hệ chính trị, pháp lý có tác động trở lại mạnh mẽ đối với quan hệ sản xuất. Vậy đối tượng của Kinh tế Chính trị là quan hệ sản xuất trong sự tác động qua lại với lực lượng sản xuất và kiến trúc thượng tầng.

Kinh tế Chính trị là khoa học nghiên cứu quan hệ sản xuất nhằm tìm ra bản chất của các hiện tượng và quá trình kinh tế, phát hiện ra các phạm trù kinh tế, quy luật kinh tế ở các giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội loài người.

Các phạm trù kinh tế là những khái niệm phản ánh bản chất của những hiện tượng kinh tế như hàng hóa, tiền tệ, giá trị, tư bản,…

Còn các quy luật kinh tế phản ánh những mối liên hệ tất yếu, bản chất, thường xuyên, lặp đi lặp lại của các hiện tượng và quá trình kinh tế.

Quy luật kinh tế có những tính chất:

Cũng như các quy luật khác, quy luật kinh tế mang tính khách quan, nó xuất hiện, tồn tại trong những điều kiện kinh tế nhất định và mất đi khi các điều kiện đó không còn; nó tồn tại độc lập ngoài ý muốn chủ quan của con người. Người ta không thể sáng tạo hay xóa bỏ các quy luật kinh tế mà chỉ có thể phát hiện, nhận thức và vận dụng quy luật kinh tế để phục vụ cho hoạt động kinh tế của mình.

Quy luật kinh tế là qui luật xã hội, nên khác với các quy luật tự nhiên, quy luật kinh tế chỉ phát sinh tác dụng thông qua hoạt động kinh tế của con người. Nếu nhận thức đúng và hành động theo quy luật kinh tế sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển, ngược lại nó sẽ kìm hãm sự phát triển sản xuất.

Khác với các quy luật tự nhiên, phần lớn các quy luật kinh tế có tính lịch sử, chỉ tồn tại trong những điều kiện kinh tế nhất định. Khi các điều kiện phát sinh ra nó, nuôi dưỡng nó không còn thì các quy luật kinh tế sẽ tự tiêu vong.

Người ta chia các quy luật kinh tế thành 3 loại: quy luật kinh tế chung, quy luật kinh tế đặc biệt, quy luật kinh tế đặc thù.

Các quy luật kinh tế chung bao gồm những quy luật kinh tế tồn tại trong mọi phương thức sản xuất như quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất,…

Các quy luật kinh tế đặc biệt bao gồm những quy luật kinh tế tồn tại trong một số phương thức sản xuất như quy luật giá trị, quy luật lưu thông tiền tệ,…

Các quy luật kinh tế đặc thù là những quy luật kinh tế chỉ tồn tại trong một phương thức sản xuất nhất định. Trong hệ thống các quy luật kinh tế đặc thù của mỗi phương thức sản xuất có một quy luật kinh tế cơ bản. Đó là quy luật kinh tế biểu hiện bản chất của nền sản xuất, quy định mục đích và phương hướng của nền sản xuất.

Nghiên cứu các quy luật kinh tế không chỉ giúp cho chúng ta hiểu biết được đối tượng của Kinh tế Chính trị mà còn tạo ra cơ sở cho việc xây dựng và ban hành các chính sách kinh tế. Chính sách kinh tế là sự vận dụng các quy luật kinh tế vào hoạt động kinh tế. Nó chỉ đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả kinh tế cao khi nó phù hợp với yêu cầu của quy luật kinh tế, đáp ứng được lợi ích kinh tế của con người. Không hiểu biết, vận dụng sai hoặc coi thường quy luật kinh tế sẽ không tránh khỏi bệnh chủ quan, duy ý chí, chính sách kinh tế sẽ không đi vào cuộc sống, thậm chí còn gây hậu quả xấu cho nền kinh tế.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.