Mối quan hệ giữa phân phối, trao đổi, sản xuất, tiêu dùng

0

C. Mác viết: “Vì trao đổi chỉ là một yếu tố trung gian, giữa một bên là sản xuất và phân phối do sản xuất quyết định, và bên kia là tiêu dùng, còn bản thân tiêu dùng thì thể hiện ra là một yếu tố của sản xuất, vì rõ ràng là trao đổi đã bao hàm trong sản xuất với tư cách là yếu tố của sản xuất”

Phân phối bao gồm phân phối các yếu tố sản xuất và phân phối các sản phẩm, phân phối cho sản xuất và phân phối cho tiêu dùng cá nhân. Phân phối cho sản xuất là sự phân chia các yếu tố sản xuất (tư liệu sản xuất và người lao động) cho các ngành, các đơn vị sản xuất khác nhau để tạo ra sản phẩm. Sự phân phối này, nếu chỉ xét một chu kỳ sản xuất riêng biệt, thì dường như là sự phân phối trước sản xuất, quyết định quy mô và cơ cấu sản xuất. Nhưng xét trong tính chất vận động liên tục của sản xuất, thì nó thuộc về quá trình sản xuất, do sản xuất quyết định. Phân phối cho tiêu dùng là sự phân chia sản phẩm cho các cá nhân tiêu dùng theo tỷ lệ đóng góp của họ vào việc tạo ra sản phẩm. Sự phân phối này là kết quả trực tiếp của sản xuất, do sản xuất quyết định, vì ta chỉ có thể phân phối những cái đã được sản xuất tạo

Sản xuất quyết định phân phối trên các mặt: số lượng và chất lượng sản phẩm, đối tượng phân phối; quy mô và cơ cấu của sản xuất quyết định quy mô và cơ cấu của phân phối; quan hệ sản xuất quyết định quan hệ phân phối; tư cách của cá nhân tham gia vào sản xuất quyết định tư cách và hình thức của họ trong quan hệ phân phối.

Phân phối cũng tác động trở lại sản xuất. Nếu quan hệ phân phối tiến bộ, phù hợp sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất phát triển và ngược lại, quan hệ phân phối không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển của sản xuất.

Trao đổi bao gồm trao đổi hoạt động thực hiện trong quá trình sản xuất và trao đổi sản phẩm xã hội. Trao đổi sản phẩm là một khâu trung gian giữa một bên là sản xuất và phân phối với một bên là tiêu dùng. “Trao đổi chỉ độc lập đối với sản xuất, không dính gì với sản xuất ở trong giai đoạn cuối cùng mà thôi, khi sản phẩm được trao đổi trực tiếp để tiêu dùng”. Sự trao đổi này là sự kế tiếp của phân phối, đem lại cho cá nhân những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình, “cường độ trao đổi, tính chất phổ biến cũng như hình thái trao đổi, là do sự phát triển và kết cấu của sản xuất quyết định”. Song, trao đổi cũng tác động trở lại đối với sản xuất và tiêu dùng khi nó phân phối lại, cung cấp sản phẩm cho sản xuất và tiêu dùng, nó sẽ thúc đẩy hay cản trở sản xuất và tiêu dùng.

Tóm lại, sản xuất – phân phối – trao đổi – tiêu dùng thành một thể thống nhất của quá trình tái sản xuất. Chúng có quan hệ biện chứng với nhau, trong đó sản xuất là gốc, là cơ sở, là tiền đề đóng vai trò quyết định; tiêu dùng là động lực, là mục đích của sản xuất; phân phối và trao đổi là những khâu trung gian tác động mạnh mẽ đến sản xuất và tiêu dùng.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.