Nội dung chủ yếu của tái sản xuất xã hội

0

Ở bất cứ xã hội nào, quá trình tái sản xuất cũng bao gồm những nội dung chủ yếu là tái sản xuất của cải vật chất, tái sản xuất sức lao động, tái sản xuất quan hệ sản xuất và tái sản xuất môi trường sinh thái.

1. Tái sản xuất của cải vật chất

Những của cải vật chất (bao gồm tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng) sẽ bị tiêu dùng trong quá trình sản xuất và sinh hoạt xã hội. Do đó cần phải tái sản xuất ra chúng. Tái sản xuất mở rộng của cải vật chất là điều kiện cho sự tồn tại và phát triển xã hội.

Trong tái sản xuất của cải vật chất thì tái sản xuất ra tư liệu sản xuất có ý nghĩa quyết định đối với tái sản xuất ra tư liệu tiêu dùng, nhưng tái sản xuất ra tư liệu tiêu dùng lại có ý nghĩa quyết định để tái sản xuất sức lao động của con người, lực lượng sản xuất hàng đầu của xã hội.

Trước đây, chỉ tiêu đánh giá kết quả tái sản xuất xã hội là tổng sản phẩm xã hội. Đó là toàn bộ sản phẩm do lao động trong các ngành sản xuất vật chất tạo ra trong một thời kỳ nhất định, thường được tính là một năm. Tổng sản phẩm xã hội được xét cả về mặt hiện vật và giá trị. Về hiện vật, nó bao gồm toàn bộ tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng. Về giá trị, nó bao gồm giá trị của bộ phận tư liệu sản xuất bị tiêu dùng trong sản xuất và bộ phận giá trị mới, gồm có giá trị của toàn bộ sức lao động xã hội, ngang với tổng số tiền công trả cho người lao động sản xuất trực tiếp và giá trị của sản phẩm thặng dư do lao động thặng dư tạo ra.

Hiện nay, do các ngành sản xuất phi vật thể (dịch vụ) phát triển và ở nhiều nước nó tạo ra nguồn thu nhập ngày càng lớn so với các ngành sản xuất khác, mặt khác, hầu hết các nền kinh tế quốc gia là nền kinh tế mở cửa với bên ngoài, Liên hợp quốc dùng hai chỉ tiêu là: tổng sản phẩm quốc dân (GNP = Gross National Product) và tổng sản phẩm quốc nội (GDP = Gross Domestic Product) để đánh giá quy mô và tốc độ tăng trưởng của cải vật chất của mỗi quốc gia.

  • GNP là tổng giá trị thị trường của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng mà một nước sản xuất ra từ các yếu tố sản xuất của mình (dù là sản xuất ở trong nước hay ở nước ngoài) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm).
  • GDP là tổng giá trị thị trường của toàn bộ hàng hóa và dịch vụ cuối cùng mà một nước sản xuất ra trên lãnh thổ của mình (dù nó thuộc về người trong nước hay người nước ngoài) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm).

So sánh GNP với GDP thì ta có:

GNP = GDP + thu nhập ròng từ tài sản ở nước ngoài.

Thu nhập ròng từ tài sản ở nước ngoài bằng thu nhập của người trong nước làm việc hoặc đầu tư ở nước ngoài chuyển về nước trừ đi thu nhập của người nước ngoài làm việc hoặc đầu tư tại nước đó chuyển ra khỏi nước.

Như vậy, nếu chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc dân phản ánh kết quả cuối cùng của các hoạt động kinh tế của một nước không kể các đơn vị kinh tế của nước đó nằm ở đâu (gồm các đơn vị nằm trên lãnh thổ nước sở tại và nằm trên lãnh thổ của nước khác), thì chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc nội chỉ phản ánh kết quả cuối cùng của các hoạt động kinh tế nằm trên lãnh thổ nước sở tại (gồm các đơn vị kinh tế của nước sở tại và các đơn vị kinh tế của nước khác nằm trên lãnh thổ nước sở tại).

Quy mô và tốc độ tăng trưởng của cải vật chất phụ thuộc vào quy mô và hiệu quả sử dụng các nguồn lực như: tăng khối lượng lao động (số người lao động, thời gian lao động và cường độ lao động) và tăng năng suất lao động mà thực chất là tiết kiệm lao động quá khứ và lao động sống trong một đơn vị sản phẩm, trong đó tăng năng suất lao động là vô hạn.

2. Tái sản xuất sức lao động

Cùng với quá trình tái sản xuất của cải vật chất, sức lao động xã hội cũng không ngừng được tái tạo. Trong các hình thái kinh tế – xã hội khác nhau, việc tái sản xuất sức lao động có sự khác nhau. Sự khác nhau này do trình độ phát triển lực lượng sản xuất khác nhau, nhưng trước tiên là do bản chất của quan hệ sản xuất thống trị quy định. Nhìn chung quá trình tái sản xuất sức lao động diễn ra trong lịch sử thể hiện ở sự tiến bộ xã hội. Tất nhiên, tiến bộ luôn gắn liền với sự phát triển của những thành tựu khoa học, công nghệ mà thời đại sáng tạo ra. Vì vậy, tái sản xuất sức lao động ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng.

Tái sản xuất sức lao động về mặt số lượng chịu sự chi phối của nhiều điều kiện khác nhau, trước hết là của quy luật nhân khẩu. Quy luật này đòi hỏi phải đảm bảo sự phù hợp giữa nhu cầu và khả năng cung ứng sức lao động của quá trình tái sản xuất xã hội. Tái sản xuất mở rộng sức lao động về mặt số lượng chịu sự chi phối của các nhân tố chủ yếu:

  • Tốc độ tăng dân số và lao động.
  • Xu hướng thay đổi công nghệ, cơ cấu, số lượng và tính chất của lao động (thủ công, cơ khí, tự động hóa).
  • Năng lực tích lũy vốn để mở rộng sản xuất của mỗi quốc gia ở từng thời kỳ.

Tái sản xuất mở rộng sức lao động về mặt chất lượng thể hiện ở sự tăng lên về thể lực và trí lực của người lao động qua các chu kỳ sản xuất. Tái sản xuất sức lao động về mặt chất lượng phụ thuộc vào nhiều nhân tố như: mục đích của nền sản xuất của mỗi xã hội; chế độ phân phối sản phẩm và địa vị của người lao động; những đặc trưng mới của lao động do cách mạng khoa học – công nghệ đòi hỏi; chính sách y tế, giáo dục và đào tạo của mỗi quốc gia.

3. Tái sản xuất quan hệ sản xuất

Nền sản xuất xã hội chỉ có thể diễn ra trong những quan hệ sản xuất nhất định. Quá trình tái sản xuất ra của cải vật chất và sức lao động gắn liền với tái sản xuất quan hệ sản xuất .

Sau mỗi chu kỳ sản xuất, quan hệ sản xuất được tái hiện, quan hệ giữa người với người về sở hữu tư liệu sản xuất, về quản lý sản xuất và phân phối sản phẩm được củng cố, phát triển và hoàn thiện hơn, làm cho quan hệ sản xuất thích ứng với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất tạo điều kiện để nền sản xuất xã hội ổn định và phát triển.

4. Tái sản xuất môi trường sinh thái

Sản xuất của cải vật chất là quá trình con người tác động vào tự nhiên, khai thác các vật thể của tự nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu cho cá nhân và xã hội. Do đó, các tài nguyên thiên nhiên có nguy cơ cạn kiệt (đất đai canh tác bị bạc màu, tài nguyên rừng, khoáng sản, biển không khôi phục kịp tốc độ khai thác, các nguồn nước ngầm bị cạn kiệt…).

Mặt khác, do sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp và nhiều nguyên nhân khác cũng làm cho môi trường thiên nhiên bị ô nhiễm (đất, nước, không khí). Vì vậy, tái sản xuất môi trường sinh thái (khôi phục các nguồn tài nguyên có khả năng tái sinh như độ màu mỡ của đất đai, trồng và bảo vệ rừng, nuôi trồng thuỷ hải sản và bảo vệ môi trường trong sạch, bao gồm cả môi trường nước, không khí và đất) là điều kiện tất yếu của mọi quốc gia và cả loài người đang quan tâm nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững, phải được thể hiện trong chính sách kinh tế và pháp luật của mỗi quốc gia.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.