Quá trình và Nội dung của Tái sản xuất xã hội

0

Tái sản xuất là gì? Tái sản xuất cá biệt, tái sản xuất xã hội là gì? Tìm hiểu các khâu của quá trình sản xuất xã hội và nội dung của nó.

1. Tái sản xuất là gì? Tái sản xuất xã hội là gì?

Như đã biết, sản xuất của cải vật chất là cơ sở của đời sống xã hội, xã hội không thể ngừng tiêu dùng, do đó không thể ngừng sản xuất. Vì vậy bất cứ quá trình sản xuất xã hội nào, nếu xét theo tiến trình đổi mới không ngừng của nó, chứ không phải xét theo hình thái từng lúc, thì đồng thời là quá trình tái sản xuất.

Tái sản xuất là quá trình sản xuất được lặp đi lặp lại thường xuyên và phục hồi không ngừng. Có thể xem xét tái sản xuất trong từng đơn vị kinh tế và trên phạm vi toàn xã hội. Tái sản xuất diễn ra trong từng đơn vị kinh tế được gọi là tái sản xuất cá biệt. Còn tổng thể những tái sản xuất cá biệt trong mối liên hệ hữu cơ với nhau được gọi là tái sản xuất xã hội.

Xét về quy mô của tái sản xuất, người ta chia nó thành hai mức độ là: tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng.

a) Tái sản xuất giản đơn

Tái sản xuất giản đơn là quá trình sản xuất được lặp lại với quy mô như cũ.

Tái sản xuất giản đơn là đặc trưng chủ yếu của nền sản xuất nhỏ. Trong tái sản xuất giản đơn năng suất lao động rất thấp, thường chỉ đạt mức đủ nuôi sống con người, chưa có sản phẩm thặng dư hoặc nếu có một ít sản phẩm thặng dư thì cũng chỉ sử dụng cho tiêu dùng cá nhân, chứ chưa dùng để mở rộng sản xuất.

b) Tái sản xuất mở rộng

Tái sản xuất mở rộng là quá trình sản xuất được lặp lại với quy mô lớn hơn trước.

Tái sản xuất mở rộng là đặc trưng chủ yếu của nền sản xuất lớn. Để có tái sản xuất mở rộng thì năng suất lao động xã hội phải đạt đến một trình độ cao nhất định, vượt ngưỡng của sản phẩm tất yếu và tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm thặng dư bởi vì sản phẩm thặng dư dùng để đầu tư thêm vào sản xuất mới là nguồn lực trực tiếp của tái sản xuất mở rộng.

Lịch sử phát triển nền sản xuất xã hội cho thấy việc chuyển từ tái sản xuất giản đơn sang tái sản xuất mở rộng là quá trình lâu dài gắn liền với quá trình chuyển nền sản xuất nhỏ lên nền sản xuất lớn. Quá trình chuyển tái sản xuất giản đơn sang tái sản xuất mở rộng là một yêu cầu khách quan của cuộc sống. Bởi vì, một là, do dân số thường xuyên tăng lên; hai là, do nhu cầu về vật chất, tinh thần của con người cũng thường xuyên tăng lên. Do đó, xã hội phải không ngừng mở rộng sản xuất, làm cho số lượng và chất lượng của cải ngày càng nhiều hơn, tốt hơn.

Tái sản xuất mở rộng có thể được thực hiện theo hai hướng (có thể gọi là hai mô hình) sau:

– Tái sản xuất mở rộng theo chiều rộng

Đó là sự mở rộng quy mô sản xuất chủ yếu bằng cách tăng thêm các yếu tố đầu vào (vốn, tài nguyên, sức lao động…). Do đó, số sản phẩm làm ra tăng lên. Còn năng suất lao động và hiệu quả sử dụng các yếu tố sản xuất không thay đổi.

– Tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu

Đó là sự mở rộng quy mô sản xuất làm cho sản phẩm tăng lên chủ yếu nhờ tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào của sản xuất. Còn các yếu tố đầu vào của sản xuất căn bản không thay đổi, giảm đi hoặc tăng lên nhưng mức tăng chậm hơn mức tăng năng suất lao động và hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào. Điều kiện chủ yếu để thực hiện tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu là ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến.

Tái sản xuất mở rộng theo chiều rộng sẽ khai thác được nhiều các yếu tố đầu vào của sản xuất (đất đai, tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, sức lao động…) nhưng lại làm cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhanh chóng bị cạn kiệt và thường gây ra ô nhiễm môi trường nhiều hơn. Còn tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu sẽ hạn chế được các nhược điểm trên vì việc sử dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vừa hạn chế ô nhiễm môi trường vừa giảm được các chi phí vật chất trong một đơn vị sản phẩm làm ra.

Thông thường khi mới chuyển từ tái sản xuất giản đơn sang tái sản xuất mở rộng thì đó là tái sản xuất mở rộng theo chiều rộng, rồi mới dần dần chuyển sang tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu. Nhưng trong những điều kiện có thể, cần thực hiện kết hợp cả hai mô hình tái sản xuất nói trên.

2. Các khâu của quá trình tái sản xuất xã hội

Quá trình tái sản xuất xã hội bao gồm 4 khâu: sản xuất – phân phối – trao đổi – tiêu dùng.

Mỗi khâu của quá trình tái sản xuất có vai trò, vị trí riêng mà các khâu khác không thể thay thế được, song giữa chúng có mối quan hệ hữu cơ với nhau, trong đó sản xuất đóng vai trò quyết định, còn phân phối, trao đổi, tiêu dùng đóng vai trò phụ thuộc vào sản xuất.

a. Mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng

Sản xuất và tiêu dùng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Không có sản xuất thì không có tiêu dùng, nhưng không có tiêu dùng thì cũng chẳng có sản xuất, vì trong trường hợp đó sản xuất sẽ không có mục đích.

Sản xuất là khâu mở đầu, trực tiếp tạo ra của cải vật chất phục vụ cho cho tiêu dùng. Sản xuất giữ vai trò quyết định đối với tiêu dùng bởi sản xuất tạo ra sản phẩm cho tiêu dùng. Quy mô và cơ cấu sản phẩm tạo ra quyết định quy mô và cơ cấu tiêu dùng; chất lượng của sản xuất quyết định chất lượng và phương thức tiêu dùng.

Tiêu dùng là khâu cuối cùng của quá trình tái sản xuất. Tiêu dùng có hai loại: tiêu dùng cho sản xuất và tiêu dùng cho cá nhân. Chỉ khi nào sản phẩm đi vào tiêu dùng, được tiêu dùng thì nó mới hoàn thành chức năng là sản phẩm. Tiêu dùng tạo ra nhu cầu và mục đích cho sản xuất. Trong nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng là “thượng đế” là một căn cứ quan trọng để xác định khối lượng, cơ cấu, chất lượng sản phẩm xã hội. Sự phát triển về đa dạng của người tiêu dùng là động lực của sự phát triển sản xuất. Như vậy, với tư cách là mục đích, động lực của sản xuất, tiêu dùng có tác động trở lại đối với sản xuất.

b. Mối quan hệ giữa sản xuất và phân phối

Phân phối bao gồm phân phối cho sản xuất và phân phối cho tiêu dùng cá nhân. Phân phối cho sản xuất là sự phân chia các yếu tố sản xuất như lao động, tiền vốn, tư liệu sản xuất cho các ngành, các đơn vị sản xuất khác nhau để tạo ra sản phẩm. Sự phân phối này nếu chỉ xét một chu kỳ sản xuất riêng biệt, thì dường như là sự phân phối trước sản xuất, quyết định quy mô và cơ cấu sản xuất. Nhưng xét trong tính chất vận động liên tục của sản xuất thì nó thuộc về quá trình sản xuất, do sản xuất quyết định. Phân phối cho tiêu dùng là sự phân chia sản phẩm cho các cá nhân tiêu dùng theo tỷ lệ đóng góp của họ cho xã hội. Sự phân phối này là kết quả trực tiếp của sản xuất, do sản xuất quyết định, vì người ta chỉ có thể phân phối những cái đã được sản xuất tạo ra.

Sản xuất quyết định phân phối trên các mặt: số lượng và chất lượng sản phẩm, quy mô và cơ cấu sản xuất quyết định quy mô và cơ cấu của phân phối; quan hệ sản xuất quyết định quan hệ phân phối.

Phân phối cũng tác động trở lại sản xuất. Nếu quan hệ phân phối tiến bộ, phù hợp sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất phát triển và ngược lại, quan hệ phân phối không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển của sản xuất.

c. Mối quan hệ giữa sản xuất và trao đổi

Trao đổi bao gồm việc mua, bán các yếu tố đầu vào và đầu ra của sản xuất. Trao đổi là một khâu trung gian nối liền sản xuất, phân phối với tiêu dùng. Trao đổi là sự kế tiếp của phân phối, đem lại cho cá nhân những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình. Cường độ trao đổi, tính chất phổ biến cũng như hình thái trao đổi là do sự phát triển và kết cấu của sản xuất quyết định. Song, trao đổi cũng có tác động trở lại đối với sản xuất và tiêu dùng, có thể thúc đẩy hoặc cản trở sản xuất và tiêu dùng.

Tóm lại, sản xuất – phân phối – trao đổi – tiêu dùng thành một thể thống nhất của quá trình tái sản xuất. Chúng có quan hệ biện chứng với nhau, trong đó, sản xuất là gốc, là cơ sở, là tiền đề, đóng vai trò quyết định; tiêu dùng là động lực, là mục đích của sản xuất; phân phối và trao đổi là những khâu trung gian và tác động mạnh mẽ đến sản xuất và tiêu dùng.

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải biết giải quyết tốt mối quan hệ giữa các khâu của quá trình tái sản xuất. Phân phối, tiêu dùng phải dựa trên cơ sở phát triển sản xuất, đồng thời phải giải quyết tốt phân phối và tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất phát triển. Phát triển sản xuất phải gắn với việc mở rộng thị trường để thực hiện tốt các sản phẩm đầu vào và đầu ra cho doanh nghiệp.

3. Nội dung của tái sản xuất xã hội

Trong bất cứ xã hội nào, quá trình tái sản xuất xã hội cũng bao gồm có 4 nội dung chủ yếu là: tái sản xuất ra của cải vật chất, tái sản xuất ra sức lao động, tái sản xuất ra quan hệ sản xuất và tái sản xuất ra môi trường sinh thái.

a. Tái sản xuất ra của cải vật chất

Của cải vật chất được sản xuất bao gồm tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, do vậy tái sản xuất ra của cải vật chất cũng có nghĩa là tái sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng. Trong đó, việc tái sản xuất ra tư liệu sản xuất có ý nghĩa quyết định đối với tái sản xuất tư liệu tiêu dùng. Tái sản xuất tư liệu sản xuất ngày càng mở rộng và phát triển thì càng tạo điều kiện cho việc mở rộng và phát triển tư liệu tiêu dùng. Việc tái sản xuất tư liệu tiêu dùng lại có ý nghĩa đối với tái sản xuất sức lao động của con người, lực lượng sản xuất hàng đầu của xã hội.

Trước đây, chỉ tiêu đánh giá kết quả tái sản xuất là tổng sản phẩm xã hội. Đó là toàn bộ sản phẩm do lao động trong các ngành sản xuất vật chất tạo ra trong một thời kỳ nhất định, thường tính là một năm. Tổng sản phẩm xã hội được xét cả về mặt hiện vật và giá trị. Về hiện vật, nó bao gồm toàn bộ tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng. Về giá trị, nó bao gồm giá trị tư liệu sản xuất và giá trị mới.

Hiện nay, do các ngành dịch vụ phát triển và ở nhiều nước nó đã tạo ra nguồn thu nhập ngày càng lớn so với các ngành công, nông nghiệp, do đó, Liên hợp quốc đã dùng hai chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc dân (GNP) và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để đánh giá một cách tổng hợp kết quả hoạt động kinh tế. Ở Việt Nam, từ năm 1993 đã sử dụng hai chỉ tiêu trên.

GNP là tổng giá trị của một nền kinh tế được biểu hiện bằng tiền của những hàng hoá và dịch vụ cuối cùng, do một quốc gia tạo ra trong một thời kỳ nhất định, thường tính là một năm.

GDP là tổng giá trị của một nền kinh tế được biểu hiện bằng tiền của những hàng hoá và dịch vụ cuối cùng, được sản xuất trong phạm vi một quốc gia, trong một thời kỳ nhất định, thường tính là một năm.

Xét về cơ cấu giá trị thì GNP và GDP giống nhau. Nhưng chúng khác nhau ở chỗ trong GNP chỉ bao gồm giá trị do các công dân 1 quốc gia tạo ra nhưng chúng có thể được tạo ra trong nước hoặc từ nước ngoài, còn GDP bao gồm những giá trị do công dân nhiều quốc gia tạo ra nhưng chỉ trong phạm vi một nước.

Quy mô và tốc độ tăng của cải vật chất phụ thuộc vào tăng thêm khối lượng lao động (như thêm số lượng người lao động, thời gian lao động trong ngày, tăng cường độ lao động) và tăng năng suất lao động, trong đó tăng năng suất lao động là yếu tố vô hạn.

b. Tái sản xuất sức lao động

Cùng với quá trình tái sản xuất của cải vật chất, sức lao động của xã hội cũng không ngừng được tái tạo. Trong các hình thái kinh tế – xã hội khác nhau, ở từng thời kỳ nhất định, việc tái sản xuất sức lao động có sự khác nhau, sự khác nhau này do trình độ phát triển lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất quyết định.

Sự phát triển của lực lượng sản xuất, khoa học và công nghệ sẽ làm cho tái sản xuất sức lao động ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng.

Tái sản xuất sức lao động về mặt số lượng chịu sự chi phối của nhiều điều kiện khác nhau, trước hết là sự chi phối của quy luật khác nhau của mỗi quốc gia. Quy luật này yêu cầu phải đảm bảo sự phù hợp giữa nhu cầu và khả năng cung ứng sức lao động của quá trình tái sản xuất xã hội, nó chịu tác động của các nhân tố sau:

  • Tốc độ tăng dân số và lao động.
  • Xu hướng thay đổi công nghệ, cơ cấu, số lượng và tính chất của lao động.
  • Khả năng tích luỹ vốn để mở rộng sản xuất của mỗi quốc gia ở từng thời kỳ.

Tái sản xuất mở rộng sức lao động về mặt chất lượng thể hiện ở sự tăng lên về thể lực và trí lực của người lao động qua các chu kỳ sản xuất. Tái sản xuất sức lao động về chất phụ thuộc vào khả năng tăng trưởng kinh tế, chế độ phân phối sản phẩm, sự phát triển khoa học công nghệ, chính sách giáo dục đào tạo của mỗi quốc gia trong từng thời kỳ.

c. Tái sản xuất quan hệ sản xuất

Tái sản xuất quan hệ sản xuất là quá trình phát triển, củng cố và hoàn thiện các quan hệ giữa người với người về sở hữu tư liệu sản xuất, về quan hệ quản lý và quan hệ phân phối sản phẩm, làm cho quan hệ sản xuất thích ứng với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

d. Tái sản xuất môi trường sinh thái

Sản xuất và tái sản xuất bao giờ cũng diễn ra trong một môi trường sinh thái nhất định. Do vậy, môi trường sinh thái trở thành nhân tố quan trọng không chỉ đối với quá trình tái sản xuất, mà còn đối với điều kiện sống của con người. Bởi vì, trong quá trình khai thác tự nhiên để sản xuất ra của cải vật chất và tái sản xuất sức lao động, con người làm cạn kiệt nguồn lực tự nhiên, phá huỷ sự cân bằng sinh thái. Vì vậy, việc bảo vệ và tái sản xuất ra môi trường sinh thái để đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững của mỗi quốc gia, của cả loài người trở thành nội dung tất yếu của tái sản xuất, phải được đặt ra trong chính sách đầu tư và trong luật pháp của các nước.

Trong bốn nội dung của tái sản xuất xã hội thì tái sản xuất sức lao động là nội dung quan trọng nhất. Vì vậy, xã hội muốn phát triển phải thực hiện tốt tái sản xuất sức lao động. Ở nước ta hiện nay, tái sản xuất sức lao động còn gặp nhiều hạn chế cả về mặt số lượng và chất lượng. Để tái sản xuất sức lao động ngày càng tốt hơn, cần phải đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao mức tích luỹ cho nền kinh tế, tăng cường đầu tư cho giáo dục và y tế.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.