Computer Aided Manufacturing (CAM) là gì?
Thường thì khi nói về các sản phẩm, đại đa số mọi người chỉ biết đến những Kỹ sư Thiết kế đã thiết kế ra sản phẩm đó nhưng lại không ai biết rằng vẫn có một người đứng sau gia công ra sản phẩm đến tay người dùng. Nếu bạn vẫn thắc mắc người trực tiếp tạo ra sản phẩm thành hình hài đến tay bạn là ai? Vậy là bạn đã đọc đúng chủ đề rồi đấy.
Nội Dung
Giới thiệu tổng quan về CAM:
Gia công với sự hỗ trợ của Máy tính – nếu dịch sát nhất nghĩa của từ Computer Aided Manufacturing (CAM) có nghĩa là sử dụng phần mềm và máy móc điều khiển bằng máy tính để tự động hóa quá trình gia công. Hiện khái niệm CAM đang được dùng chỉ để nói về phần mềm là chưa bao quát được quy trình này, phải khẳng định CAM là một quy trình tự động hóa việc gia công.
Theo đó có 3 yếu tố để có thể ứng dụng CAM vào sản xuất:
- Phần mềm: dùng để lập trình, điều khiển máy móc gia công bằng cách tạo ra các đường chạy dao (toolpath)
- Máy móc: phải được điều khiển bằng máy tính (controller) để di chuyển theo đường dao được xuất từ phần mềm
- Post Processor: bộ giải mã để các đường chạy dao trong phần mềm lập trình gia công được dịch sang một ngôn ngữ mà máy gia công có thể hiểu và thực hiện
Cả 3 yếu tố trên gắn kết với nhau chặt chẽ, phối hợp để sản phẩm cuối cùng đạt chất lượng cao nhất với thời gian nhanh nhất. Để được sự hải hòa như vậy, các kỹ sư phải mất nhiều năm làm việc cùng rất nhiều nhân lực và tài lực để việc gia công với CAM được dễ dàng và đa năng như hiện tại.
Quy trình từ CAD tới CAM:
CAD tập trung vào thiết kế của sản phẩm hoặc một chi tiết về chức năng cũng như về mặt thẩm mỹ. CAM tập trung vào việc đưa sản phẩm trên bản vẽ thành một sản phẩm thực, cầm nắm được, ngắm nghía được. Với các phần mềm CAD mạnh mẽ hiện tại, bạn có thể thiết kế những chi tiết hay sản phẩm hoàn hảo nhưng bạn không thể tạo ra sản phẩm đó một cách hiệu quả nếu thiếu sự hỗ trợ của CAM.
Bắt đầu của tất cả sản phẩm đều bắt đầu ở bước CAD, các kỹ sư thiết kế sẽ tạo ra bản thiết kế dưới định dạng bản vẽ 2D hay mô hình 3D. Sau khi hoàn thiện bản thiết kế thì các dữ liệu sẽ được đưa qua bước CAM. Ở bước này dữ liệu sẽ được xuất ra một định dạng CAD sau đó được đưa vào phần mềm CAM, tiếp theo là bước “dọn hình” để chuẩn bị các dữ liệu tốt nhất cho quá trình lập trình gia công.
Các bước lập trình gia công thường như sau:
- Kiểm tra xem dữ liệu có các lỗi bề mặt, rách hình để tránh giảm chất lượng sản phẩm
- Tạo các đường chạy dao dựa vào file 3D theo gốc tọa độ gia công đồng bộ với vị trí chi tiết trên máy gia công
- Cài đặt các thông số cắt của dao, vật liệu, cường độ dòng điện (với phương pháp gia công cắt dây – Wire EDM, hay EDM)
- Với số lượng lớn, các phần mềm CAM còn hỗ trợ bạn gia công hàng loạt chi tiết cùng lúc với tính năng nesting
Sau đó tất cả dữ liệu lập trình gia công sẽ được đưa tới máy gia công để đưa vật liệu thô thành sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên chúng ta không thể đưa trực tiếp dữ liệu từ phần mềm CAM vào máy gia công mà phải thông qua một ngôn ngữ mà các máy này có thể hiểu và thực hiện chính xác nhất.
Lấy ví dụ với các máy CNC sử dụng hệ G-code, đây là một hệ thống các thông tin được quy định với các ký tự để chuyển thông tin về tốc độ trục chính, tốc độ cắt, chế độ tưới nguội …
Sơ lược về CNC
Hầu hết các nhà máy gia công hiện đại đều sử dụng nhiều chủng loại máy CNC để sản xuất các sản phẩm. Trước khi có máy CNC, các nguyên công được thực hiện với các máy công cụ với người vận hành trực tiếp. Với sự hỗ trợ của máy tính vai trò của con người là để lập trình chương trình điều khiển, đưa chương trình vào máy, cung cấp phôi cho mays và lấy sản phẩm ra cho nguyên công tiếp theo.
Một số dạng máy CNC phổ biến:
- CNC Router
- Máy cắt sử dụng Tia nước, Plasma hoặc Laser
- Máy phay CNC
- Máy tiện
- Máy gia công Tia lửa điện (EDM)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Hỏi Đáp