Cá nhân, nhân cách là gì? [Triết học Mác Lenin]

0

Cá nhân là gì? Nhân cách là gì? Tại sao nhân cách là bản sắc độc đáo, riêng biệt của mỗi cá nhân?

Cá nhân là gì?

Cá nhân là một hiện tượng mang tính lịch sử với tính cách là những con người cụ thể và đồng thời là sản phẩm của sự phát triển xã hội, là chủ thể lao động của các quan hệ xã hội, và của nhận thức. Cá nhân là một con người hoàn chỉnh trong sự thống nhất những khả năng riêng có của con người đối với chức năng xã hội do người đó thực hiện.

Xã hội do các cá nhân tạo nên. Các cá nhân sống và hoạt động trong cộng đồng xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau như gia đình, giai cấp, dân tộc, v.v… yếu tố xã hội là đặc trưng căn bản để hình thành cá nhân. Mỗi cá nhân có đời sống riêng, có quan hệ xã hội riêng, có nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích riêng, nhưng điều đó không loại trừ tính chung của mỗi cá nhân là thành viên của xã hội, mang bản chất xã hội.

Trong quan hệ xã hội, cá nhân được phân biệt với những đặc trưng sau đây:

  • Cá nhân là phương thức tồn tại cụ thể của loài người một cách trực tiếp cảm tính.
  • Cá nhân là cái riêng lẻ, đơn nhất tạo thành cộng đồng xã hội, cơ sở hình thành lịh sử xã hội loài người.
  • Cá nhân là một chỉnh thể toàn vẹn có nhân cách và nhân cách cũng là tiêu chuẩn để phân biệt sự khác nhau giữa các cá nhân.
  • Cá nhân mang tính lịch sử, phụ thuộc vào những điều kiện lịch sử nhất định.

Nhân cách là gì?

Nhân cách là khái niệm chỉ bản sắc độc đáo, riêng biệt của mỗi cá nhân, là nội dung và tính chất bên trong của mỗi cá nhân. Nếu cá nhân là khái niệm chỉ sự khác biệt giữa cá thể với loài thì nhân cách là khái niệm chỉ sự khác nhau giữa các cá nhân. Cá nhân là phương thức biểu hiện cụ thể của giống loài còn nhân cách vừa là nội dung, vừa là cách thức biểu hiện của mỗi cá nhân riêng biệt.

Nhân cách biểu hiện thế giới cái tôi của mỗi cá nhân, là sự tổng hợp các yếu tố sinh học, tâm lý, sinh lý, xã hội tạo nên đặc trưng riêng về di truyền, về sinh lý thần kinh, về hoàn cảnh sống của cá nhân theo cách riêng của mình. Mỗi cá nhân tiếp thu những giá trị phổ biến của văn hóa xã hội, từ đó thông qua sự lọc bỏ, tự tiếp nhận của cá nhân để hình thành các giá trị định hướng của nhân cách. Đó là các giá trị như lý tưởng, niềm tin, v.v…

Vì vậy, nhân cách là toàn bộ những năng lực phẩm chất giữ vai trò chủ thể tự ý thức, tự khẳng định và tự điều chỉnh hành vi trong mọi hoạt động của mỗi cá nhân

Sự hình thành và phát triển nhân cách phụ thuộc vào ba yếu tố sau đây:

  • Tiền đề sinh học và tư chất di truyền học, một cá thể phát triển cao nhất của giới hữu sinh;
  • Môi trường xã hội là yếu tố quyết định sự hình thành, phát triển nhân cách thông qua mối quan hệ gia đình – nhà trường – xã hội;
  • Thế giới quan cá nhân, bao gồm các yếu tố như quan điểm, niềm tin, định hướng các giá trị, v.v.. Yếu tố quyết định để hình thành thế giới quan cá nhân là tính chất của thời đại; lợi ích, vai trò địa vị cá nhân trong xã hội; khả năng thẩm định đánh giá đạo đức – nhân văn và kinh nghiệm của mỗi cá nhân để hình thành những thuộc tính bên trong về năng lực, phẩm chất xã hội như năng lực trí tuệ, chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức, pháp luật, thẩm mỹ, v.v…

Nhân cách là thế giới quan bên trong của mỗi cá nhân. Một xã hội tiến bộ là một xã hội mà mỗi cá nhân phát triển nhân cách của mình theo hướng tích cực, phát huy vai trò động lực, chủ thể sáng tạo của mỗi cá nhân. Chủ nghĩa xã hội, vừa khắc phục chủ nghĩa cá nhân cực đoan, vừa tạo ra những điều kiện mới cho cá nhân phát triển sáng tạo.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.