Cấu trúc xã hội là gì? Các yếu tố cơ bản, Ý nghĩa

0

Cấu trúc xã hội là gì? Quan niệm và các yếu tố cơ bản của cấu trúc xã hội.

1. Quan niệm xã hội học về cấu trúc xã hội

Cấu trúc xã hội được hiểu là tập hợp các nhân tố có mối quan hệ biện chứng với nhau hợp thành xã hội. Có nhiều định nghĩa khác nhau về cấu trúc xã hội hay cơ cấu xã hội. Có tác giả cho rằng, cấu trúc xã hội biểu hiện mối liên hệ vững chắc của các thành tố trong hệ thống xã hội mà trong đó, các cộng đồng xã hội như dân tộc, nghề nghiệp, giới tính, tuổi tác là những thành tố cơ bản mà mỗi cộng đồng xã hội lại có cơ cấu phức tạp, luôn tồn tại với những tầng lớp bên trong và những mối liên hệ qua lại giữa chúng. Lại có quan điểm cho rằng, cấu trúc xã hội là mô hình của các mối liên hệ, quan hệ giữa các thành phần cơ bản trong một hệ thống xã hội có tác dụng tạo nên bộ khung cho cả xã hội loài người mà tính chất của các thành phần và các mối quan hệ giữa chúng có thể được thay đổi từ xã hội này đến xã hội khác.

Những thành phần quan trọng nhất của cấu trúc xã hội là địa vị, vai trò, nhóm, mạng lưới và thiết chế xã hội. Nội hàm của khái niệm cấu trúc xã hội có liên quan mật thiết với nội hàm của khái niệm hệ thống xã hội. Khái niệm thứ nhất là một bộ phận của khái niệm thứ hai. Hệ thống xã hội bao gồm hai thành tố là các thành phần xã hội bao gồm tập hợp các yếu tố tạo thành cấu trúc xã hội nhất định và mối liên hệ xã hội bao gồm tập hợp các mối liên hệ giữa các yếu tố xã hội với nhau.

Như vậy:

Cấu trúc xã hội là tổng thể các thành phần cấu thành xã hội là một hệ thống lớn, bao gồm những hệ thống nhỏ (tiểu hệ thống), bao gồm các bậc (hoặc các lớp) đầu tiên là con người – đơn vị cơ bản của xã hội, gia đình – kinh tế của xã hội, rồi đến các cấu trúc nhóm, và hơn nữa là toàn xã hội như một chỉnh thể cấu trúc.

Những thành phần quan trọng nhất của cấu trúc xã hội là vị thế, vai trò, nhóm xã hội và các thiết chế xã hội.

Định nghĩa trên đã chỉ ra các đặc trưng cơ bản của cấu trúc xã hội như sau:

  • Cấu trúc xã hội không chỉ được xem xét như là một tổng thể tập hợp các bộ phận cấu thành xã hội, mà còn được xem xét về mặt kết cấu và hình thành tổ chức bên trong của một hệ thống tổ chức xã hội.
  • Cấu trúc xã hội là sự thống nhất của hai mặt các thành phần xã hội và các mối liên hệ xã hội.
  • Cấu trúc xã hội có tính chất lịch sử cụ thể mang đậm nét đặc trưng của từng giai đoạn phát triển xã hôi.
  • Cấu trúc xã hội vừa có tính kế thừa, vừa có tính biến đổi và phát triển theo xu hướng phát triển của thời đại.

2. Các yếu tố cơ bản của cấu trúc xã hội

2.1 Địa v hội

Địa vị xã hội biểu thị vị thế của bậc, chỗ đứng của con người trong xã hội. Trong giao tiếp hàng ngày, chũng ta sừ dúng tụ “địa vị” để chỉ thứ bậc của một cá nhân được xác định bởi sự giàu có về trí tuệ, kinh tế, tầm cao của nhân cách, sự ảnh hưởng và uy tín. Các nhà xã hội học cho rằng địa vị là một vị trí trong nhóm hay ở một xã hội. Dựa vào ý  nghĩa của  các địa vị,  chúng  ta sẽ xác  định được vị thế  của  một người nào đó trong những cấu trúc của nhóm xã hội khác nhau như người mẹ, giáo sư, khách hàng v.v.. Theo R. Linton, địa vị là một sự xác định rõ vị trí xã hội của một chủ thể trong một cơ cấu xã hội nhất định. Nói tới địa vị không phải chỉ sự chiếm hữu cá nhân mà chỉ mối quan hệ của chủ thể với những người khác ví như, địa vị của người mẹ chỉ có ý nghĩa xã hội đầy đủ khi nó được xét trong mối quan hệ với địa vị của con cái hoặc với người cha.

Có các loại địa vị cơ bản như địa vị gán cho, địa vị đạt được và địa vị chủ chốt mà nội dung của chúng thể hiện ở các vấn đề sau:

  • Địa vị gán cho là địa vị được qui định bởi nhóm hoặc xã hội. Những đặc điểm như lứa tuổi, giới tính, tôn giáo, chủng tộc được coi là cơ sở chung cho sự quy định các địa vị đối với cá nhân;
  • Địa vị đạt được là địa vị mà con người đã đạt được trên cơ sở của sự lựa chọn, thi đua cá nhân nhờ vào phẩm chất của năng lực và sự cố gắng trong hành động – tương tác xã hội của bản thân. Tất cả các xã hội đều công nhận sự thành công hay thất bại của cá nhân và thực tế này được phản ánh trong sự phân chia một số địa vị trên cơ sở của sự thành đạt cá nhân. Những địa vị như sinh viên đại học, giáo sư, nghệ sĩ là những địa vị đạt được. Những địa vị có thể có thứ bậc thấp hoặc cao quy định nơi mà một cá nhân thích hợp được với nó trong xã hội. Mỗi cá nhân đều chiếm giữ nhiều địa vị khác nhau và mỗi địa vị cũng có sự phù hợp nhất định với bối cảnh xã hội. Theo nhà xã hội học Mỹ R. Merton, tập hợp địa vị là tất cả các địa vị mà cá nhân chiếm giữ trong cùng một thời gian;
  • Địa vị chủ chốt là địa vị hạt nhân hoặc địa vị chính yếu mà nó có tác dụng quan trọng trong sự vận hành các tương tác, quan hệ xã hội của cá nhân với những người khác. Một vài địa vị trong các địa vị của chủ thể có thể có tác dụng làm lu mờ những địa vị khác ví như, giới tính là một địa vị chủ chốt trong hầu hết các xã hội.

2.2. Vai trò hội

Trong xã hội, mỗi con người đều giữ một cương vị nhất định do đó, họ phải thực hiện một số nhiệm vụ nhất định cũng như được hưởng những quyền lợi xác định. Tổng hòa các nhiệm vụ và quyền lợi của cá nhân theo một vị thế nhất định ở trong nhóm xã hội được gọi là vai trò. Vai trò được coi là động lực để đưa các địa vị vào cuộc sống. Theo quan điểm của nhà xã hội học Mỹ R. Linton, con người đồng thời phải chiếm giữ các địa vị nhưng cũng đóng các vai trò nhất định trong nhóm xã hội.

Các nhà xã hội học đã vay mượn từ lý luận kịch của sân khấu học những khái niệm

để miêu tả các vai trò của cá nhân đã có ảnh hưởng thế nào đối với người khác cũng như với nhóm trong đời sống xã hội. Giống như các nghệ sỹ trên sân khấu, tất cả các chủ thể cũng luôn phải sắm các vai để diễn các trò khác nhau trong cuộc sống hàng ngày của mình. Gắn với mỗi vai trò là một kịch bản để chủ thể biết cách phải ứng xử như thế nào với người khác cho hợp lý và biết họ sẽ hành động, tác động trở lại mình ra sao trong mọi hoạt động – quan hệ xã hội. Vai trò là một tập hợp các mong đợi, các quyền và nghĩa vụ được gán cho một địa vị cụ thể.

Các nhà xã hội học đã xác định được một số vấn đề xã hội học có liên quan đến vai trò theo nội dung sau:

  • Thực hiện vai trò được biểu hiện bằng những hành động – tương tác thực tế của chủ thể khi đang chiếm giữ một địa vị nhất đị Trong đời sống hiện thực, thường tồn tại một khoảng cách giữa cái mà con người sẽ làm với cái mà họ thực sự làm. Việc thực hiện vai trò có thể bị tác động bởi sự hiểu biết của chủ thể về tính chất của vai trò đó;
  • Tập hợp vai trò biểu hiện ở chỗ, một địa vị có thể có nhiều vai trò góp phần tạo thành một tập hợp vai trò. Các tính chất của vai trò có liên quan đến chủ thể như một tập hợp những chuẩn mực được hiểu là những nghĩa vụ và quyền lợi;
  • Xung đột vai trò biểu hiện ra khi các chủ thể phải đương diện với những trông đợi có các mâu thuẫn phát sinh do cùng lúc phải chiếm giữ hai hay nhiều hơn hai địa vị mà trong đó, tính chất của các địa vị này lại có sự xung đột với nhau về lợi ích. Khi chủ thể thực hiện vai trò theo các địa vị thì hành động, tương tác xã hội của họ diễn ra không theo một hướng sẽ dẫn tới sự xung đột vai trò;
  • Căng thẳng vai trò sẽ xuất hiện nếu chủ thể nhận thấy những trông đợi về một vai trò không thích hợp làm cho họ cảm thấy lo lắng, băn khoăn và gặp phải khó khăn trong khi thực hiện vai trò đó. Nhất là những vai trò được nhiều người mong đợi, kỳ vọng và đòi hỏi quá nhiều ở vai trò của cá nhân đang đóng thì chủ thể luôn phải sống trong trạng thái căng thẳng, có sự nỗ lực ý chí cao khi thực hiện vai trò đó.

2.3. Nhóm xã hội

Nhóm xã hội bao gồm từ hai – ba hay nhiều hơn hai – ba người cùng thực hiện việc chia sẻ một tình cảm, một ý nghĩ thống nhất và được giới hạn trong những mẫu hình tương đối bền vững của những hành động – tương tác xã hội. Các vai trò như trên đã nói sẽ có tác dụng nối các cá nhân lại với nhau bằng các mối quan hệ xã hội xác định. Khi các mối quan hệ này được kéo dài theo thời gian, người ta có thể quy cho nhóm một số thuộc tính sau:

  • Quan hệ trong nhóm được bao quanh bởi những đường biên do đó, mỗi người có thể ở bên trong hoặc ngoài nhóm ;
  • Người ta chỉ có thể quy cho một “đối tượng” đang được tồn tại với các nhóm và có sự tác động mạnh đến các nhóm đó nếu như các nhóm ấy là tồn tại thực tế và xác thực ;
  • Khi chủ thể đã nhìn nhận một nhóm như một sự phân biệt tiểu văn hóa hay phản văn hóa thì tính chất của nhóm đó được coi là một tập hợp các giá trị và chuẩn mực duy nhất ;
  • Khi có được sự nhận thức, ủng hộ với nhóm và từ đó, chủ thể sẽ cho rằng, nhóm là một khối thống nhất với bản sắc riêng biệt. Nhóm xã hội khác một tập hợp người. Tập hợp người chỉ đơn giản là sự tụ tập của các cá nhân ẩn danh, những người có mặt ở một địa điểm vào một thời điểm nhất định. Các cá nhân này tạo nên một tập hợp tạm thời, một mô hình về trật tự xã hội trong thời gian ngắn.

2.4. Mạng lưới xã hội

Mỗi cá nhân thuộc về nhiều nhóm đều giành phần lớn thời gian của cuộc đời mình để tiến hành thực hiện hành động, tương tác trong các nhóm và những tổ chức xã hội. Như vậy, mỗi người phải duy trì cái mà các nhà xã hội học gọi là một mạng lưới xã hội. Nó được bao gồm toàn bộ mạng lưới những mối quan hệ của một cá nhân với các thành viên của nhóm. Các mạng lưới xã hội bao gồm hệ thống những mối quan hệ xã hội gữa mọi người trong gia đình, bè bạn, láng giềng cùng với những những người khác và với các nhóm mà chúng ta có quan hệ. Người ta có thể tạo ra và duy trì các mạng lưới xã hội vì những lý do chức năng như sự thuận lợi về nghề nghiệp, trợ giúp xã hội hay thúc đẩy lợi ích xã hội và các nhu cầu khác.

Các mạng lưới xã hội không có ranh giới rõ ràng và các thành viên của nhóm có thể tương tác hoặc không tương tác một cách đều đặn với nhau. Trong mạng lưới xã hội này, mọi người không thường xuyên có nhận thức rằng họ thuộc về nhau, cần có những mục đích chung như là thành viên của nhóm. Tuy nhiên, mạng lưới xã hội rất quan trọng và hữu ích đối với cá nhân và hầu hết các nhóm xã hội. Thông qua mạng lưới xã hội mà thông tin, kiến thức và các nguồn lực được chia sẻ giữa các cá nhân và các nhóm xã hội với nhau.

2.5 Thiết chế xã hội

Người ta hiểu thiết chế xã hội là những định chế, quy cách thực hiện hành động – tương tác xã hội cần thiết phải được đặt ra dùng để tổ chức và quản lý xã hội. Thiết chế xã hội được coi là mẫu hình tương đối bền vững của các vai trò, các nhóm, các tổ chức, các tập quán đảm bảo cho việc thực hiện các hành động – tương tác xã hội nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của xã hội. Một thiết chế xã hội phải thực hiện một hay nhiều chức năng và một số thiết chế có thể được dùng để cùng thực hiện những chức năng giống nhau. Nét đặc thù của một thiết chế xã hội là bao gồm cả những quan điểm về mẫu hình văn hóa và cấu trúc xã hội.

Người ta hiểu thiết chế xã hội là một tập hợp các mẫu hình văn hóa bao gồm tập hợp các chuẩn mực, các giá trị và các biểu tượng có tác dụng thiết lập ra được các hành động – tương tác xã hội trông đợi của chủ thể là một kiểu nhân cách nhất định như người con trong quan hệ với kiểu nhân cách cụ thể khác như cha, mẹ. Qua xem xét những đặc tính của các xã hội từ sơ khai tới hiện đại, các nhà xã hội học đã cho rằng, có ít nhất năm thiết chế xã hội cơ bản luôn luôn được tồn tại trong tất cả các xã hội là gia đình, tôn giáo, chính trị, kinh tế và giáo dục.

3. Ý nghĩa của việc nghiên cứu cấu trúc xã hội trong xã hội học

Nghiên cứu cấu trúc xã hội giúp chúng ta nhận thức được các đặc trưng của xã hội trong từng giai đoạn phát triển lịch sử. Qua quan sát cấu trúc xã hội, từ sự khác nhau của cấu trúc xã hội chúng ta có thể phân biệt được sự khác nhau của một xã hội trong từng giai đoạn phát triển cụ thể cũng như có thể phân biệt, so sánh khác nhau của xã hội này với một xã hội khác.

Nghiên cứu cấu trúc xã hội giúp chúng ta hiểu được các thành phần cấu trúc xã hội, hiểu rõ vai trò, chức năng của mỗi thành phần đó trong cấu trúc để đảm bảo tính hệ thống của cấu trúc và nghiên cứu động lực phát triển xã hội.

Nghiên cứu cấu trúc xã hội để thấy được quan hệ tương tác giữa các thành phần cấu trúc xã hội, hiểu rõ bản chất của các quan hệ dưới dạng các quy luật xã hội, tiến tới giải thích được hành vi của các cá nhân, các nhóm xã hội và toàn bộ xã hội trong những thời gian và không gian cụ thể.

Nghiên cứu cấu trúc xã hội cho chúng ta một bức tranh tổng quát về xã hội, từ đó có thể hoạch định được chiến lược xây dựng mô hình cơ cấu xã hội tối ưu đảm bảo sự vận hành có hiệu quả thực hiện tốt các vai trò xã hội theo chiều hướng tiến bộ.

Nghiên cứu cấu trúc xã hội đặc biệt là nghiên cứu sự phân tầng xã hội, về vị thế và vai trò xã hội của các nhóm, về mối quan hệ giữa các yếu tố kinh tế và quan hệ xã hội trong cấu trúc xã hội, giúp chúng ta có cơ sở khoa học để vạch ra một chính sách xã hội đúng đắn, nhằm phát huy những nhân tố tích cực điều chỉnh và khắc phục những hiện tượng lệch chuẩn, những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động xã hội.

Cấu trúc xã hội là một phạm trù cơ bản của xã hội học là một trong những nội dung quan trọng nổi bật chiếm vị trí trọng tâm của xã hội học. Phạm vi nghiên cứu của xã hội học về cấu trúc xã hội rất rộng, nó đề cập đến những thành tố cơ bản của cấu trúc xã hội: vị thế, vai trò, nhóm xã hội và các thiết chế xã hội, mối liên hệ tác động lẫn nhau theo nhiều chiều của các thành tố này trong quá trình biến đổi và phát triển của xã hội (những nội dung này chúng ta sẽ đề cập đến ở các chương sau), ở đây, chúng ta đi sâu vào nghiên cứu các phân hệ cấu trúc xã hội cơ bản được coi như một cách tiếp cận hệ thống khi nghiên cứu xã hội học về cấu trúc xã hội.

(Nguồn tham khảo: TS. Nguyễn Thế Phán, Giáo trình xã hội học, NXB Lao động Xã hội)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.