Chứng khoán là gì? Phân loại và Đặc điểm

0

1. Khái niệm Chứng khoán (Securities) là gì?

Có nhiều quan điểm khác nhau về chứng khoán tùy theo mục đích tiếp cận. Theo Luật Chứng khoán của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 70/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Việt Nam:

“Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử”.

Như vậy, trước hết, chứng khoán là một bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu chứng khoán. Tùy theo loại chứng khoán đầu tư mà người sở hữu chứng khoán có được các quyền và lợi ích khác nhau. Nếu đầu tư mua cổ phiếu, nhà đầu tư có quyền là người chủ sở hữu một phần vốn của công ty cổ phần, được hưởng thu nhập do cổ phiếu mang lại đó là cổ tức. Nếu đầu tư mua trái phiếu, nhà đầu tư có quyền là chủ nợ đối với tổ chức phát hành, được hưởng thu nhập do trái phiếu mang lại đó là trái tức. Ngoài ra, nhà đầu tư còn có quyền chuyển nhượng chứng khoán do mình nắm giữ theo các quy định của pháp luật. Vì thế, chứng khoán có thể được mua bán và được lưu thông với tư cách là hàng hoá trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Thứ hai, tùy theo điều kiện phát triển kinh tế nói chung, tình hình phát triển TTCK của mỗi quốc gia nói riêng mà chứng khoán có thể phát hành theo một, hai hoặc cả ba hình thức: chứng chỉ, bút toán ghi sổ, dữ liệu điện tử. Ở những nước phát triển, chứng khoán thường được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ và dữ liệu điện tử. Ở những nước TTCK chưa phát triển, chứng khoán thường được phát hành dưới hình thức chứng chỉ.

chứng khoán là gì

Theo Luật Chứng khoán 2019, chng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:

a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;

c) Chứng khoán phái sinh;

d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

2. Phân loại chứng khoán

Chứng khoán có nhiều loại. Tùy theo các tiêu thức phân loại mà có thể chia chứng khoán thành các loại khác nhau.

– Theo khả năng chuyển nhượng, chứng khoán được phân thành chứng khoán ghi danh (đích danh / ghi tên) và chứng khoán vô danh (không ghi tên).

  • Chứng khoán ghi danh là loại chứng khoán có ghi tên người chủ sở hữu. Loại chứng khoán này được phép chuyển nhượng nhưng phải tuân theo những quy định pháp lý cụ thể về chuyển nhượng quyền sở hữu, như thủ tục xác nhận của tổ chức phát hành, hoặc của cơ quan công chứng.
  • Chứng khoán vô danh là loại chứng khoán không ghi tên người chủ sở hữu. Loại chứng khoán này được chuyển nhượng dễ dàng, không phải tuân theo những quy định pháp lý cụ thể về chuyển nhượng quyền sở hữu. Người mua có trách nhiệm chi trả cho người bán theo giá cả đã được xác định.

– Theo tính chất sở hữu và nguồn gốc của chứng khoán, các chứng khoán được phân thành chứng khoán vốn, chứng khoán nợ, chứng khoán phái

  • Chứng khoán vốn (Equity Securities): là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn của tổ chức phát hành. Người mua chứng khoán này (cổ phiếu – stock hoặc các loại chứng khoán khác đại diện cho một tỉ lệ sở hữu) có vai trò là người chủ sở hữu một phần vốn của tổ chức phát hành chứng khoán.
  • Chứng khoán nợ (Debt Securities): là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành. Người mua chứng khoán này có vai trò là người chủ nợ, người cho vay đối với tổ chức phát hành chứng khoán. Tổ chức phát hành có nghĩa vụ trả cho người sở hữu chứng khoán nợ một khoản tiền nhất định bao gồm cả gốc và lãi trong những khoảng thời gian đã xác định.
  • Chứng khoán phái sinh (Derivatives Securities) là các công cụ tài chính có nguồn gốc từ chứng khoán và có quan hệ chặt chẽ với chứng khoán gốc như: quyền mua cổ phần (rights certificate), chứng quyền (warrants), quyền chọn (options), hợp đồng kỳ hạn (forward), hợp đồng tương lai (future), hợp đồng hoán đổi (swap)…

– Theo thu nhập do chứng khoán mang lại, chứng khoán được chia thành:

  • Chứng khoán có thu nhập cố định (trái phiếu có lãi suất cố định, cổ phiếu ưu đãi),
  • Chứng khoán có thu nhập biến đổi (trái phiếu có lãi suất thả nổi, cổ phiếu thường).

3. Đặc điểm của chứng khoán

Chứng khoán có nhiều loại, mỗi loại có những điểm khác nhau nhất định, nhưng chúng đều có các đặc trưng cơ bản sau:

– Tính sinh lợi (Yield): Tính sinh lợi của chứng khoán là khả năng đem lại thu nhập cho người sở hữu chúng.

Các chứng khoán luôn chứa đựng một khả năng sinh lợi nhất định bởi lẽ khi phát hành ra chúng, nhà phát hành luôn hứa hẹn, cam kết một khoản thu

nhập sẽ thanh toán cho nhà đầu tư, chính vì điều này mà nhà đầu tư mới bỏ vốn mua chứng khoán với tư cách là một hoạt động đầu tư.

Với các loại chứng khoán khác nhau thì mức độ và tính chất các khoản thu nhập mà chứng khoán đem lại cho người nắm giữ cũng khác nhau. Có những loại chứng khoán mà thu nhập của nó cho nhà đầu tư tương đối ổn định trong suốt thời gian đầu tư, ngược lại có những loại chứng khoán mà thu nhập của chúng hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế của tổ chức phát hành, cũng như tình hình quan hệ cung cầu loại chứng khoán đó trong nền kinh tế. Đối với cổ phiếu, người nắm giữ cổ phiếu sẽ được hưởng cổ tức hàng năm khi công ty cổ phần hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả và quyết định chi trả cổ tức cho cổ đông, ngoài ra họ còn có thể có thêm một khoản thu nhập tiềm năng trong tương lai dưới dạng chênh lệch giá chứng khoán nếu giá thị trường của cổ phiếu tăng. Đối với trái phiếu, theo các kỳ hạn cam kết của tổ chức phát hành, các trái chủ được quyền nhận trái tức, ngoài ra họ cũng có thể nhận thêm một khoản thu nhập thứ hai là chênh lệch giá nếu giá thị trường của trái phiếu đó tăng lên.

– Tính rủi ro (Risk): Tính rủi ro của chứng khoán là khả năng xảy ra những sự cố không lường trước, và khi nó xảy ra làm thu nhập thực tế khác thu nhập dự kiến. Rủi ro cũng có thể hiểu là những hệ quả bất lợi ngoài sự kiểm soát của người chủ sở hữu, là yếu tố khó tránh khỏi trong đầu tư và kinh Đó là việc không thu

được lãi và / hoặc vốn đã bỏ ra ban đầu. Có những rủi ro chung cho tất cả các loại chứng khoán (rủi ro hệ thống), và cũng có những rủi ro riêng gắn liền với từng loại chứng khoán nhất định (rủi ro không hệ thống). Các chứng khoán khác nhau, thì mức độ và tính chất rủi ro sẽ khác nhau. Khi đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư có thể gặp các loại rủi ro sau:

  • Rủi ro vỡ nợ: là rủi ro xảy ra khi người phát hành chứng khoán không thể thực hiện thanh toán đúng hạn các khoản lãi và gốc cho người mua chứng khoán. Rủi ro vỡ nợ có thể do rủi ro kinh doanh và rủi ro tài chính của tổ chức phát hành.
  • Rủi ro lạm phát: Trong lĩnh vực đầu tư vào các công cụ tài chính, lạm phát làm cho mức sinh lời danh nghĩa có sự khác biệt so với mức sinh lời thật. Khi mức sinh lời danh nghĩa nhỏ hơn sự mất giá của đồng tiền thì đó chính là rủi ro lạm phát.
  • Rủi ro hối đoái: khi nhà đầu tư trong nước mở rộng đầu tư chứng khoán trên thị trường vốn quốc tế, nếu sức mua của đồng ngoại tệ tại thời điểm thu hồi vốn đầu tư giảm so với lúc bỏ vốn đầu tư, sẽ làm cho nhà đầu tư bị thiệt thòi khi chuyển sang đồng bản tệ.
  • Rủi ro thị trường: là những rủi ro do biến động trên TTCK gây ra dẫn đến giảm giá chứng khoán, giảm tính thanh khoản của chứng khoán.
  • Rủi ro kĩ thuật: là những rủi ro do các sự cố kĩ thuật, hoặc kĩ năng tác nghiệp của những người hành nghề chứng khoán gây nên,v.v…

Các loại rủi ro liên quan đến đầu tư chứng khoán rất đa dạng. Hiểu rõ, tiên liệu và sẵn sàng có các giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa, phòng chống rủi ro là điều kiện có ý nghĩa quan trọng khi quyết định đầu tư vào chứng khoán. Xác định rủi ro còn là cơ sở xác định tỉ lệ lợi tức mong muốn trong đầu tư. Hơn thế nữa, trên TTCK, hàng hóa được giao dịch rất phong phú làm gia tăng cơ hội lựa chọn cho các nhà đầu tư. Song, vấn đề đặt ra là sự lựa chọn đó xuất phát từ những căn cứ nào? Rủi ro của chứng khoán là một trong những căn cứ quan trọng mà các nhà đầu tư phải tính toán, so sánh để có một quyết định tối ưu cho khoản đầu tư của mình.

– Tính thanh khoản (Liquidity)

Tính thanh khoản của chứng khoán (còn được gọi là tính hoán tệ, tính lỏng, tính lưu thông) là khả năng chuyển đổi chứng khoán thành tiền của người nắm giữ chứng khoán.

Các chứng khoán khác nhau thì có tính thanh khoản khác nhau. Một chứng khoán được coi là có tính thanh khoản cao nếu nó có thể chuyển đổi thành tiền một cách dễ dàng trong thời gian ngắn và không có rủi ro sụt giảm giá trị tiền tệ của chứng khoán đó.

Tính thanh khoản của mỗi chứng khoán cao hay thấp phụ thuộc vào:

  • Thời gian và chi phí cho việc chuyển đổi chứng khoán thành tiền,
  • Việc đảm bảo, duy trì giá trị ban đầu của chứng khoán.

Một số yếu tố cơ bản tác động đến thời gian, chi phí và giá trị chứng khoán khi chuyển đổi là: loại chứng khoán, thị trường giao dịch (niêm yết hay không niêm yết), kết quả kinh doanh và triển vọng của doanh nghiệp phát hành, tình hình cung cầu thị trường…

Ba đặc trưng: tính sinh lợi, tính rủi ro, tính thanh khoản nói trên của chứng khoán có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Thông thường, các chứng khoán có rủi ro tiềm ẩn cao thì khả năng sinh lợi cao. Đó chính là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư nắm giữ các chứng khoán có mức rủi ro dự kiến cao. Giữa khả năng sinh lợi và tính hoán tệ cũng có mối liên hệ mật thiết. Các chứng khoán có tính hoán tệ cao khi mức sinh lời cao đồng thời ít rủi ro. Vì vậy, các nhà đầu tư thường chọn các chứng khoán có tính hoán tệ cao, bởi những chứng khoán này thường có lợi thế trong giao dịch. Bất cứ lúc nào người nắm giữ chứng khoán cũng có thể bán nó với thời gian ngắn nhất, ở mức giá hợp lý nhất.

Tính sinh lợi của chứng khoán đã thu hút một số lượng nhất định nhà đầu tư nắm giữ chúng. Tuy nhiên, tính rủi ro lại là yếu tố tác động buộc họ phải cân nhắc xem lúc nào thì nên đầu tư nắm giữ chứng khoán và lúc nào nên rút vốn đầu tư. Còn tính thanh khoản của chứng khoán, sẽ chuyển hoá hình thức đầu tư trung và dài hạn thành ngắn hạn, làm linh hoạt hoá các công cụ đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chứng khoán có thể thu hồi vốn đầu tư hoặc di chuyển vốn đầu tư một cách dễ dàng.

Ý nghĩa

Không loại chứng khoán nào có lợi thế tuyệt đối. Vì vậy, nghiên cứu các đặc trưng của chứng khoán giúp người đầu tư lựa chọn loại chứng khoán phù hợp với tâm lý, khả năng tài chính và kết quả phân tích, đánh giá, dự báo về mỗi loại chứng khoán trong từng thời kỳ.

Mỗi nhà đầu tư có tâm lý khác nhau. Để phát triển TTCK, nhà nước cần có cơ chế tổ chức, quản lý phát hành thích hợp nhằm đa dạng hóa các loại chứng khoán phát hành. Đây cũng là điều kiện quan trọng để khai thác triệt để tiềm năng cung ứng vốn của nền kinh tế, nâng cao khả năng huy động vốn cho các tổ chức phát hành.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.