Lịch sử Trung Quốc thời trung đại: Tần đến Thanh (221 TCN – 1840)
Lịch sử Trung Quốc thời trung đại.
Nội Dung
I. Các triều đại từ Tần đến Thanh (221 TCN – 1840)
1. Triều Tần (221-206):
a/ Sự thống trị của triều Tần:
Bạn đang xem: Lịch sử Trung Quốc thời trung đại: Tần đến Thanh (221 TCN – 1840)
Sau khi thống nhất Trung Quốc, vua nước Tần là Doanh Chính xưng làm hoàng đế, lịch sử quen gọi là Tần Thủy Hoàng. Triều đại phong kiến thống nhất do ông thành lập cũng gọi là triều Tần.
Công việc đầu tiên của Tần Thủy Hoàng là xây dựng bộ máy nhà nước chuyên chế tập quyền trung ương, chia cả nước thành 36 quận, ngoài ra còn thi hành chế độ thống nhất trong cả nước về tiền tệ, đo lường, chữ viết và pháp luật.
Tuy nhiên, Tần Thủy Hoàng là một ông vua rất tàn bạo, thích chém giết để ra uy, lại bắt nhân dân phải xây dựng nhiều công trình kiến trúc đồ sộ như Vạn Lý trường thành, lăng Li Sơn, cung A Phòng v.v…
Tần Thủy Hoàng còn tiếp tục dùng đường lối pháp gia để trị nước, do đó ông đã ra lệnh tịch thu và thiêu hủy Kinh Thi, Kinh Thư của phái Nho gia và các tác phẩm của các nhà tư tưởng thời Chiến quốc. Đồng thời Tần Thủy Hoàng còn ra lệnh chôn sống 460 nhà nho vì đã vi phạm lệnh cấm của triều Tần.
Năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng chết, người con nối ngôi là Tần Nhị Thế tiếp tục thi hành đường lối thống trị tàn bạo nhưng lại là một kẻ ngu đần, mọi việc đều do quan hoạn Triệu Cao lũng đoạn.
b. Phong trào khởi nghĩa cuối Tần:
Sống dưới sự thống trị tàn bạo của nhà Tần, nhân dân Trung Quốc vô cùng cực khổ. Hơn nữa, những người bị xử tử và tù đày không thể kể hết. Bởi vậy, nhân dân Trung Quốc chỉ còn chờ thời cơ để nổi dậy lật đổ nhà Tần.
– Phong trào khởi nghĩa do Trần Thắng và Ngô Quãng lãnh đạo:
Trần Thắng và Ngô Quãng là những nông dân bị bắt đi trấn thủ ở Ngũ Dương. Năm 209 TCN, từ hướng Đại Trạch, hai ông hô hào đồng đội nổi dậy khởi nghĩa. Lực lượng nghĩa quân phát triển rất nhanh chóng. Đến đất Trần, Trần Thắng xưng làm vua. Nửa năm sau phong trào bị thất bại.
– Phong trào chống Tần của Hạng Lương, Hạng Vũ và Lưu Bang:
Khi nghe tin Trần Thắng, Ngô Quãng khởi nghĩa, ở nhiều nơi nhiều người đã nổi dậy hưởng ứng, trong đó có chú cháu Hạng Lương, Hạng Vũ và Lưu Bang. Năm 206 TCN, quân Lưu Bang tiến vào kinh đô Hàm Dương của Triều Tần, vua cuối cùng của Tần là Tử Anh phải đầu hàng. Triều Tần sụp đổ. Ngay sau đó, Hạng Vũ kéo quân vào Hàm Dương, giết Tử Anh, đốt cung thất, thu của cải châu báu và làm chủ đất Tần.
2. Triều Tây Hán. Triều Tân. Triều Đông Hán
2.1. Triều Tây Hán
a/ Cuộc chiến tranh Hán – Sở và sự thành lập triều Tây Hán (206 TCN – 8 CN):
Sau khi lật đổ nhà Tần, Hạng Vũ tự xưng làm Tây Sở Bá Vương và phong cho Lưu Bang làm Hán Vương. Ngay sau đó, giữa Hạng Vũ và Lưu Bang xảy ra một cuộc chiến tranh, lịch sử gọi là cuộc chiến tranh Hán Sở. Đến năm 202 TCN, Hạng Vũ thua phải tự tử. Lưu Bang lên làm Hoàng đế, hiệu là Hán Cao Tổ, đóng đô ở Trường An nên gọi là Tây Hán.
b/ Sự đấu tranh trong nội bộ triều Tây Hán:
– Khi nhà Hán mới thành lập, Hán Cao Tổ đã phong đất phong vương cho những người thân thích và các công thần nhưng không bao lâu, Hán Cao Tổ sợ lực lượng của các vương khác họ như Hàn Tín, Anh Bố, Bành Việt,… quá lớn, do đó đã gán cho họ tội có mưu đồ làm phản để tiêu diệt họ.
– Năm 195 TCN, Hán Cao Tổ chết, Huệ Đế được nối ngôi, nhưng mọi việc đều do Lữ Hậu (hoàng hậu của Cao Tổ) quyết định. Năm 188 TCN, Huệ Đế chết, Lữ Hậu nghiễm nhiên trở thành người cầm quyền như hoàng đế. Trong thời gian đó, Lữ Hậu đã giao cho những người họ Lữ quyền cao chức trọng. Năm 180 TCN, Lữ Hậu chết, ngai vàng của họ Lưu lại được củng cố.
c/ Sự cường thịnh của Triều Hán:
Sau một thời gian ổn định, năm 140 TCN, Hán Vũ Đế (140 – 87 TCN) lên ngôi, triều Tây hán bước vào thời kỳ hùng mạnh nhất. Để tăng cường chế độ tập quyền Trung ương, Hán Vũ Đế thi hành chính sách làm giảm thế lực của các vương, đồng thời để được thống nhất về mặt tư tưởng, năm 136 TCN, Hán Vũ Đế ra lệnh chỉ đề cao Nho học, từ đó học thuyết này trở thành công cụ tinh thần để bảo vệ chế độ phong kiến Trung Quốc trên 2000 năm lịch sử.
Đối với bên ngoài, Hán Vũ Đế đã phát triển thế lực sanh Trung Á, xâm lược Cổ Triều Tiên, chinh phục Nam Việt do đó đã thành lập một đế quốc có cương giới rất rộng lớn.
2.2. Triều Tân (9- 23):
Đến cuối thế kỷ I TCN, triều Tây Hán bước vào thời kỳ suy yếu. Trong khi đó, vua thường nhỏ tuổi, quyền binh rơi vào tay ngoại thích. Đến năm 8 TCN, nhà Tây Hán bị một người họ ngoại là Vương Mãng cướp ngôi. Triều Tây Hán kết thúc.
Sau khi cướp ngôi của Tây Hán, Vương Mãng lên làm vua lập nên một triều đại mới gọi là Tân.
Để cứu vãn tình hình nguy ngập cuối thời Tây Hán, Vương Mãng đã thi hành một số cải cách về quyền sở hữu ruộng đất, về nô tỳ,… nhưng không thành công.
2.3. Phong trào chiến tranh nông dân Lục Lâm- Mày Đỏ và sự thành lập triều Đông Hán:
Cuộc cải cách của Vương Mãng không giải quyết được những khó khăn trong xã hội. Nông dân vẫn rất đói khổ.
– Năm 17, nông dân vùng Hồ Bắc dưới sự lãnh đạo của Vương Khuông, Vương Phượng nổi dậy khởi nghĩa. Họ lấy núi Lục Lâm làm căn cứ nên gọi là quân Lục Lâm. Tham gia hàng ngũ khởi nghĩa có một số địa chủ như Lưu Huyền và hai anh em Lưu Điền Lưu Tú. Quân khởi nghĩa cử Lưu Huyền làm vua. Năm 23, ở Trường An nổ ra binh biến. Vương Mãng bị giết chết. Lưu Huyền vào làm vua ở Trường
– Năm 18, nông dân vùng Sơn Đông, dưới sự lãnh đạo của Phàn Sùng cũng nổi dậy khởi nghĩa. Để làm dấu hiệu riêng, nông dân bôi đỏ lông mày nên gọi là quân Mày Đỏ (Xích Mi). Quân Mày Đỏ cử Lưu Bồn Tử lên làm vua rồi tiến sang phía Tây tấn công Trường Lưu Huyền đầu hàng. Lưu Bồn Tử tiếp quản Trường An.
– Sau khi Lưu Huyền được tôn lên làm vua, Lưu Diễn bị giết còn Lưu Tú được cử lên vùng Hà Bắc để xây dựng lực lượng. Năm 25, quân Lưu Tú chiếm được Lạc Dương. Lưu Tú tự xưng làm Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Hán, vì kinh đô đóng ở Lạc Dương nên gọi là Đông Hán (25-220).
2.4. Phong trào chiến tranh nông dân Khăn Vàng:
Trong thời kỳ đầu, xã hội thời Đông Hán cũng tương đối ổn định, nhưng từ đầu thế kỷ II về sau, trong triều đình thường xảy ra cuộc đấu tranh giữa họ ngoại và hoạn quan nên tình hình chính trị hết sức rối ren, thêm vào đó, nhiều loại thiên tai thường xuyên xảy ra, nhân dân vô cùng khốn khổ.
Năm 184, Giáo trưởng của đạo Thái Bình là Trương Giác lãnh đạo nông dân nổi dậy khởi nghiã. Để làm dấu hiệu riêng, quân nông dân chít khăn vàng nên cuộc khởi nghĩa này được gọi là khởi nghĩa Khăn Vàng (Hoàng Cân). Phong trào này chỉ tồn tại 8 tháng thì bị đàn áp. Triều Đông Hán tuy chưa bị lật đổ nhưng từ đó vua Đông Hán trở thành bù nhìn trong tay các tướng quân phiệt như Đổng Trác, Tào Tháo. Đến năm 220, vua Đông Hán buộc phải “nhường ngôi” cho con của Tào Tháo là Tào Phi. Triều Đông Hán diệt vong.
3. Thời kỳ Tam quốc. Tấn – Nam Bắc triều
3.1. Tam quốc (220- 280):
Cuối thời Đông Hán, do chính phủ trung ương suy yếu, trong cả nước xuất hiện nhiều tập đoàn quân phiệt. Sau một thời gian tiêu diệt lẫn nhau, đến đầu thế kỷ III chỉ còn lại 3 thế lực: Tào Tháo ở miền Bắc, Tôn Quyền ở Đông Nam, Lưu Bị ở Tây Nam.
Năm 220, Tào Tháo chết, Tào Phi cướp ngôi của Đông Hán lên làm Hoàng đế, đóng đô ở Lạc Dương, đặt quốc hiệu là Ngụy (220-265).
Năm 221, Lưu Bị cũng xưng làm Hoàng đế, đóng đô ở Thành Đô, đặt tên nước là Hán, lịch sử thường gọi là Thục (221-263).
Năm 222, Tôn Quyền xưng vương, đóng đô ở Kiến Nghiệp, đặt tên nước là Ngô. Đến năm 229, Tôn Quyền cũng xưng làm Hoàng đế.
Năm 263, Thục bị Ngụy diệt. Năm 265, triều Tấn thay Ngụy. Năm 280, Ngô bị Tấn diệt. Thời Tam Quốc chấm dứt.
3.2. Triều Tấn (265- 420):
Tây Tấn (265-316):
Từ năm 249, Tư Mã Ý dã nắm được mọi quyền hành của nước Ngụy. Năm 265, cháu của Tư Mã Ý là Tư Mã Viêm bắt vua Ngụy phải nhường ngôi, hiệu là Vũ Đế, đặt quốc hiệu là Tân, kinh đô vẫn đóng ở Lạc Dương, lịch sử gọi là Tây Tấn.
Năm 291, trong nội bộ triều Tấn xảy ra môt cuộc nôi chiến kéo dài 16 năm gọi là “loạn tán vương”. Nhân tình hình ấy các tộc Hung Nô, Yết, Tiên Ty, Đê, Khương mà đời Tấn gọi là Ngũ Hồ không ngừng nổi dậy chống Tấn. Năm 316, Tây Tấn bị người Hán do Hung Nô thành lập tiêu diệt. Từ đó cho đến năm 439, ở miền Bắc Trung Quốc đã thành lập rất nhiều nước của các dân tộc thiểu số.
Đông Tấn (317- 420):
Sau khi Tây Tấn diệt vong, môt người trong tôn thất nhà Tấn là Tư Mã Duệ được lập nên làm vua ở miền Nam, đóng đô ở Kiến Khang (Nam Kinh), lịch sử gọi là Đông Tấn. Đến năm 420, một viên tướng là Lưu Dụ bắt vua Đông Tấn phải “nhường ngôi”. Đông Tấn diệt vong.
Nam Bắc triều (420-589):
Từ năm 317, Trung Quốc đã chia thành 2 miền nhưng từ năm 420, lịch sử Trung Quốc mới bước vào thời kỳ Nam Bắc triều.
Trong thời kỳ này, ở miền Nam có 4 triều đại kế tiếp nhau là:
- Tống (420-479) do Lưu Dụ thành lập.
- Tề (479 –502) do Tiêu Đạo Thành thành lập.
- Lương (502 –557) do Tiêu Diễn thành lập.
- Trần (557 –589) do Trần Bá Tiên thành lập.
Bốn triều đại này đều đóng đô ở Kiến Khang, được gọi chung là Nam triều.
Ở miền Bắc, thời Đông Tấn có nhiều nước nhỏ, đến năm 439 mới thống nhất dưới triều Bắc Ngụy. Năm 535, Bắc Ngụy chia thành 2 nước nhỏ là Đông Ngụy, Tây Ngụy. Năm 550, Đông Ngụy bị Cao Dương cướp ngôi đổi thành Bắc Tề. Năm 557, Tây Ngụy cũng bị Vũ Văn Giác cướp ngôi và đổi thành Bắc Chu.
Năm 557, Bắc Chu diệt Bắc Tề, miền Bắc lại được thống nhất.
Năm 581, Dương Kiên (ông ngoại của vua Bắc Chu) giành được ngôi vua, đổi tên nước là Tùy, đóng đô ở Trường An. Năm 589, Tùy đem quân vượt Trường Giang diệt Trần. Thời kỳ Nam Bắc triều chấm dứt.
4. Triều Tùy (581-618):
a/ Sự thống trị đối với nhân dân trong nước:
Đầu thời Tùy, tình hình Trung Quốc tương đối ổn định. Năm 604, Dương Kiên (Tùy Văn Đế) bị con mình là Dương Quảng đầu độc chết. Dương Quảng lên ngôi hiệu là Dương Đế. Ngay sau khi lên làm vua, Dương Đế huy động hàng triệu người để xây dựng Đông đô (Lạc Dương), vườn Tây uyển, hàng chục hành cung và một mạng lưới sông đào nối liền các con sông lớn để ông tổ chức xây dựng những cuộc du ngoạn rầm rộ bằng thuyền.
Đồng thời để chuẩn bị phát động chiến tranh xâm lược Cao Câu Ly, Dương Đế huy động trai tráng trong cả nước phải gấp rút vận chuyển lương thực vũ khí…đến quận Trác (vùng Bắc Kinh ngày nay). Vì vất vả đói khát, người gối đầu lên nhau mà chết đầy đường.
b/ Những cuộc chiến tranh xâm lược:
Triều Tùy tuy ngắn ngủi nhưng đã gây nhiều cuộc chiến tranh xâm lược các nước xung quanh.
– Thời Tùy Văn Đế (581-604), năm 598, nhà Tùy đã đưa 30 vạn quân tấn công Cao Câu Ly nhưng bị thất bại phải rút
Ở nước ta, từ năm 544, Lý Bí đã đánh đuổi được quân Lương, thành lập nước Vạn Xuân. Năm 603, Tùy sai Lưu Phương đem 10 vạn quân tấn công nước Vạn Xuân. Nước ta lại bị nội thuộc Trung Quốc.
– Thời Tùy Dương Đế (605-618), năm 605, Lưu Phương lại được giao nhiệm vụ tấn công Lâm Ấp (Chiêm Thành) nhưng bị tổn thất phải rút
Về hướng Tây, nhà Tùy khuất phục được nhiều nước nhỏ, thành lập 4 quận rồi đày tội phạm đến lập đồn điền để trấn giữ.
Về hướng Đông, năm 612, 613, 614, Tùy Dương Đế liên tiếp 3 lần đưa quân sang xâm lược Cao Câu Ly nhưng đều bị thất bại.
c/ Phong trào chiến tranh nông dân cuối Tùy:
Chính sách thống trị và hiếu chiến của Tùy Dương Đế làm cho nhân dân rất khốn khổ. Vì vậy, từ năm 611, khi Tùy Dương Đế đang gấp rút chuẩn bị chiến tranh, ở Sơn Dương đã có người đứng dậy hô hào phản chiến. Đến cuối năm 615, phong trào khởi nghĩa lan rộng khắp cả nước.
Năm 618, Tùy Dương Đế rời Trường An xuống Giang Đô ở miền Nam. Năm 618, Dương Đế bị các tướng tùy tòng làm binh biến giết chết. Triều Tùy diệt vong.
5. Triều Đường (618- 907)
a/ Sự thành lập triều Đường và nền thịnh trị thời Trinh Quán:
Nhân khi nhân dân cả nước nổi dậy chống Tùy, năm 617, một viên quan của Tùy là Lý Uyên khởi binh ở Thái Nguyên (Sơn Tây) rồi chiếm được Trường An.
Năm 618, Lý Uyên xưng làm vua, hiệu là Cao Tổ, đặt quốc hiệu là Đường.
Năm 626, trong nội bộ nhà Đường xảy ra vụ biến Huyền Vũ Môn. Thái tử Lý Kiến Thành cùng người em thứ tư là Lý Nguyên Cát định mưu giết Lý Thế Dân (em thứ hai), người có nhiều công lao trong việc dựng nên cơ nghiệp của triều Đường, nhưng bị Lý Thế Dân phát hiện và giết chết. Năm đó Lý Uyên (Đường Cao Tổ) thoái vị. Lý Thế Dân lên ngôi hoàng đế, hiệu là Đường Thái Tông. Ông là hoàng đế lỗi lạc nhất của triều Đường. Dưới thời trị vì của ông, Trung Quốc được ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế và văn hóa. Tình hình ấy được gọi là “nền thịnh trị thời Trinh Quán” (Trinh Quán là niên hiệu của Đường Thái Tông).
b/ Sự chuyên quyền của nữ hoàng Vũ Tắc Thiên (Võ Tắc Thiên):
Năm 649, Đường Thái Tông chết. Cao Tông nối ngôi là một người nhu nhược nên dần dần mọi việc đều do hoàng hậu Vũ Tắc Thiên quyết định.
Năm 683, Cao Tông chết. Trung Tông, Duệ Tông lần lượt được lập lên làm vua, nhưng mọi quyền hành hoàn toàn nắm trong tay Thái hậu họ Vũ. Tuy vậy vẫn chưa thỏa mãn, nên đến năm 690, Vũ Tắc Thiên xưng làm hoàng đế, đổi quốc hiệu thành Chu (690-705). Năm 705, Vũ Tắc Thiên già yếu lại ốm nặng, trong cung đình nổ ra chính biến, Vũ Tắc Thiên phải thoái vị, nhà Đường lại được khôi phục.
c/ Những cuộc chiến tranh xâm lược đầu đời Đường:
Đầu đời Đường, Trung Quốc đã phát động nhiều cuộc chiến tranh xâm lược các nước xung quanh.
– Ở phía Bắc, Đường Thái Tông chinh phục được Đông Đột Quyết (630) và Tiết Diên Đà (646). Trên đất đai mới chiếm được, nhà đường thành lập một cơ quan cai trị mà đến năm 669 gọi là An Bắc Đô hộ phủ.
– Ở phía Tây, nhà Đường thôn tính được nhiều nước nhỏ. Trên cơ sở đó, năm 640, nhà Đường thành lập An Tây Đô hộ phủ.
– Ở phía Đông Bắc, lúc bấy giờ có 3 nước là Cao Câu Ly, Bách Tế và Tân La.
Xem thêm : Chính sách đô hộ của nhà Minh và khởi nghĩa Lam Sơn (Tkỷ XV)
Năm 645, Đường Thái Tông tự mình chỉ huy 10 vạn quân đi đánh Cao Câu Ly nhưng bị thất bại.
Năm 660, do mâu thuẫn giữa ba nước Cao Câu Ly, Bách Tế và Tân La, nhà Đường đã tiêu diệt Bách Tế.
Năm 667, nhà Đường tấn công Cao Câu Ly. Năm 668, Cao Câu Ly thất bại phải đầu hàng.
Trên đất đai mới chiếm được, nhà Đường thành lập An Đông Đô hộ phủ. Như vậy trải qua gần 40 năm, các vua đầu đời Đường đã thôn tính được nhiều nước xung quanh lập thành một đế quốc rộng lớn vào bậc nhất thế giới đương thời.
An Đông Đô hộ phủ: Ở nước ta, năm 622, nhà Đường lập Giao Châu Đô hộ phủ, đến năm 679 đổi thành An Nam Đô hộ phủ. |
d/ Sự thịnh suy thời Đường Huyền Tông. Vụ loạn An Sử:
Sau khi Vũ Tắc Thiên thoái vị, trong 7 năm tiếp theo, tình hình nhà Đường rất rối ren. Năm 712, Huyền Tông lên ngôi, nhà Đường lại bước vào một thời kỳ thịnh trị, lịch sử gọi là “ nền thịnh trị thời Khai Nguyên ” (Khai Nguyên là một niên hiệu của Huyền Tông). Nhưng đến cuối đời mình, Huyền Tông say đắm Dương Qúy Phi nên không chú ý đến việc trị nước.
Nhân tình hình đó, năm 755, An Lộc Sơn và Sử Tử Minh khởi binh chống Đường, sử sách gọi là loạn An Sử (755-763). Khi quân phiến loạn tấn công đến gần Trường An, triều đình nhà Đường phải chạy sang Tứ Xuyên.
Đến năm 763, với sự giúp đỡ của người Hồi Hột, nhà Đường mới dẹp được vụ loạn này, nhưng từ đó nhà Đường càng ngày càng suy.
Phong trào chiến tranh nông dân cuối Đường:
Đến cuối thế kỷ IX, do tình hình xã hội rối ren, đời sống của nhân dân càng cực khổ, vì vậy, nhân dân liên tiếp nổi dậy khởi nghĩa.
Năm 874, Vương Tiên Chi nổi dậy khởi nghĩa ở Sơn Đông. Năm 875, Hoàng Sào cũng tụ tập được mấy nghìn người nổi dậy hoạt động rồi gia nhập lực lượng của Vương Tiên Chi.
Năm 877, Vương Tiên Chi tách khỏi lực lượng của Hoàng Sào, đến năm 878, bị thất bại và bị giết chết. Từ đó, Hoàng Sào trở thành người lãnh đạo chủ yếu của phong trào. Năm 880, Hoàng Sào chiếm được kinh đô Trường An, triều đình nhà Đường lại phải chạy sang Tứ Xuyên. Năm 884, Hoàng Sào bị thất bại, phải tự tử.
Phong trào khởi nghĩa này tuy chưa lật đổ được nền thống trị của triều Đường, nhưng làm cho nhà Đường càng suy yếu, đến năm 907, nhà Đường bị một hàng tướng của nông dân là Chu Ôn cướp ngôi. Nhà Đường diệt vong.
6. Thời Ngũ Đại và triều Tống:
a/ Năm triều đại và mười nước:
Cướp được ngôi của nhà Đường, Chu Ôn lập nên một triều đại mới gọi là Hậu Lương (907-923) đóng đô ở Biện Lương (Khai Phong). Tiếp đó, ở miền Bắc Trung Quốc lần lượt thành lập 4 triều đại là:
– Hậu Đường (923-935).
– Hậu Tấn (936-947).
– Hậu Hán (947-950).
– Hậu Chu (951-960).
Năm triều đại này chỉ quản lý được miền Bắc Trung Quốc và được gọi chung là “Ngũ đại”.
Còn ở miền Nam, các thế lực quân phiệt thành lập 9 nước nhỏ, trong đó có nước Nam Hán ở vùng Quảng Đông, Quảng Tây đã từng đem quân sang tấn công nước ta nhưng bị Ngô Quyền đánh bại năm 938. Ngoài ra, còn có nước Bắc Hán ở miền Bắc nên thời kỳ này gọi là thời Ngũ đại thập quốc (năm triều đại và mười nước).
b/ Sự đe dọa của người Khiết Đan:
Người Khiết Đan là một tộc du mục ở Đông Bắc Trung Quốc, bắt đầu thành lập nước năm 916. Ngay sau đó, họ xâm chiếm được nhiều châu ở phía Bắc Trung Quốc.
Năm 937, Khiết Đan đổi tên nước thành Liêu. Từ đó, Liêu nhiều lần tấn công miền Bắc Trung Quốc, đã từng chiếm được Biện Lương nhưng sau đó đã rút về phía Bắc Hoàng Hà.
c/ Sự thành lập triều Tống và quan hệ giữa Bắc Tống với Liêu, Hạ:
Năm 960, một đại thần của Hậu Chu là Triệu Khuông Dận cướp được ngôi vua lập nên nhà Tống, đóng đô ở Khai Phong (Biện Lương cũ), lịch sử gọi là Bắc Tống (960-1127).
Sau khi thành lập, Bắc Tống phải tốn mất ngót 20 năm để đánh bại các thế lực chia cắt thời Ngũ đại, nhưng tiếp đó phải thường xuyên đối phó với nước Liêu và nước Hạ ở phía Bắc.
Năm 1004, Khiết Đan đồng ý giảng hòa. Hai bên kí hòa ước với những nội dung:
- Vua Khiết Đan gọi vua Tống bằng anh, vua Tống gọi vua Khiết Đan bằng em.
- Mỗi năm, Tống phải “tặng” Khiết Đan nhiều lụa và bạc.
Năm 1044, Hạ cũng đề nghị giảng hòa và yêu cầu Tống hàng năm phải “ban” cho Tây Hạ nhiều lụa, bạc và chè.
d/ Cải cách Vương An Thạch:
Do Bắc Tống có nhiều khó khăn về tài chính, nhân dân cực khổ, nên năm 1069, được Tống Thần Tông đồng ý, Tể tướng Vương An Thạch đã thi hành một số cải cách nhằm làm cho nước giàu quân mạnh nhưng hiệu quả chẳng được bao nhiêu, trái lại càng ngày càng bị nhiều người phản đối.
Quan hệ Tống và Kim:
Những cuộc tấn công Bắc tống của nước Kim:
Kim là quốc gia do tộc Nữ Chân lập nên năm 1115 ở Đông Bắc Trung Quốc. Ngay sau khi lập nước, Kim đem quân tấn công nước Liêu và đến năm 1125 thì tiêu diệt quốc gia này. Thừa thắng, Kim tiến quân xuống phía Nam đánh Bắc Tống. Năm 1127, quân Kim chiếm Khai Phong, bắt toàn bộ triều đình Bắc Tống đưa về Bắc. Bắc Tống diệt vong.
Sự thành lập triều Nam Tống và quan hệ giữa Nam Tống và Kim:
Sau khi quân Kim rút về Bắc, dòng dõi nhà Tống là Triệu Cấu được lập lên làm vua hiệu là Cao Tông. Về sau, Cao Tông đóng đô ở Lâm An (Chiết Giang) nên từ đó triều Tống gọi là Nam Tống (1127-1279).
Vì sợ hãi những cuộc tấn công của Kim nên trước sau Nam Tống đều thi hành chính sách đầu hàng. Chính sách đê hèn của Nam Tống được thể hiện ở việc Tống Cao Tông phong cho tên tay sai của Kim làm Tể tướng, trái lại những tướng lĩnh yêu nước mà tiêu biểu là Nhạc Phi thì bị giết hại. Năm1141, Nam Tống phải kí hòa ước đầu hàng, Nam Tống trở thành một nước phụ thuộc của Kim, hàng năm phải nộp cho Kim rất nhiều bạc và lụa.
Đến đầu thế kỷ XIII, cả Kim và Tống đều trở thành mục tiêu chinh phục của Mông Cổ. Năm 1234, Mông Cổ diệt Kim. Đến năm 1279, Nam Tống hoàn toàn diệt vong trước sự tấn công của Mông Cổ.
7. Triều Nguyên (1271-1368):
a/ Sự thành lập triều Nguyên:
Nước Mông Cổ bắt đầu thành lập năm 1206 do Thành Cát Tư Hãn đứng đầu. Ngay sau đó, Thành Cát Tư Hãn chỉ huy đội kỵ binh thiện chiến của mình tấn công các nước xung quanh. Sau khi chinh phục được một khu vực rộng lớn trải dài từ bờ Thái Bình Dương đến Đông Au, năm 1227, Thành Cát Tư Hãn chết.
Năm 1234, Mông Cổ diệt Kim.
Năm 1251, cháu của Thành Cát Tư Hãn là Mông Ca giành được ngôi Đại Hãn.
Năm 1253, Mông Ca sai em mình là Hốt Tất liệt đem quân xuống tiêu diệt nước Đại Lý ở Vân Nam ngày nay.
Năm 1258, Mông Ca và Hốt Tất Liệt tấn công Nam Tống, nhưng sang năm 1259, Mông Ca bị tử trận, Hốt Tất liệt rút quân về Bắc giành ngôi Đại Hãn.
Sau bốn năm huynh đệ tương tàn, Hốt Tất Liệt giành được thắng lợi. Năm 1271, Hốt Tất Liệt đổi xưng làm hoàng đế, đặt quốc hiệu là Nguyên, dời đô xuống Đại Đô (Bắc Kinh).
Năm 1274, Hốt Tất Liệt sai tướng đem đại quân đi đánh Nam Tống. Năm 1276, Nam Tống đầu hàng, nhưng một số quan lại yêu nước lập dòng dõi nhà
Tống lên làm vua và tiếp tục kháng chiến đến năm 1279 mới hoàn toàn bị tiêu diệt.
b/ Chính sách thống trị của triều Nguyên:
Trong quá trình chinh phục nước Kim, mỗi khi đánh chiếm được nơi nào, quân Mông Cổ đều thi hành chính sách giết sạch, cướp sạch, đốt sạch để lấy đất làm bãi chăn nuôi, về sau mới bắt đầu chú ý đến nông nghiệp.
Sau khi tiêu diệt Nam Tống, triều Nguyên bắt chước cách tổ chức bộ máy nhà nước, chế độ phân phong ruộng đất, chế độ thuế khóa… của Trung Quốc, nhưng đồng thời thi hành chính sách áp bức dân tộc rất trắng trợn. Vì vậy, nhân dân Trung Quốc rất cực khổ.
c/ Những cuộc chiến tranh xâm lược:
Đầu thời Nguyên, Hốt Tất Liệt phát động nhiều cuộc chiến tranh để xâm lược Nhật Bản, Miến Điện, Chiêm Thành, Đại Việt và Gia Va.
– Năm 1274 và 1281, quân Nguyên 2 lần tấn công Nhật Bản nhưng đều thất bại. Đặc biệt trong cuộc tấn công lần thứ 2, quân Nguyên gặp bão nên bị tổn thất hết sức nặng nề.
– Đối với Miến Điện, thời Hốt Tất Liệt, quân Nguyên tấn công 3 lần vào các năm 1277, 1283 và 1287 nhưng không thu được kết quả gì đáng kể.
Sau khi Hốt Tất Liệt chết (1294), nhân khi tình hình Miến Điện rối ren, năm 1300, nhà Nguyên lại cho quân sang tấn công Miến Điện lần thứ tư nhưng lần này do các tướng nhận hối lộ của Miến Điện nên rút quân.
– Đối với Chiêm Thành, do Chiêm Thành không đồng ý để nhà Nguyên lập cơ quan hành tỉnh ở nước họ nên năm 1283, quân Nguyên tấn công chiếm được kinh đô Chiêm Thành nhưng sau đó Chiêm Thành phản công, quân Nguyên bị tổn thất phải rút
– Đối với Đại Việt, từ năm 1258, quân Mông Cổ ở Vân Nam đã tấn công nước Sau khi thành lập triều Nguyên, quân Nguyên lại xâm lược nước ta 2 lần vào năm 1285 và 1288 nhưng cũng đều bị thất bại.
– Đối với Giava (ở Inđônêxia), năm 1292- 1293, nhà Nguyên cũng cho quân sang tấn công nhưng cũng bị thất bại phải rút quân.
d/ Phong trào khởi nghĩa cuối Nguyên:
Thời Nguyên, xã hội Trung Quốc tồn tại hai mâu thuẫn chủ yếu: mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp. Thêm vào đó nhiều loại thiên tai thường xuyên xảy ra nên nhân dân vô cùng khốn khổ.
Năm 1351, phong trào khởi nghĩa lớn bắt đầu bùng nổ. Tham gia khởi nghĩa phần lớn là những tín đồ đạo Bạch Liên, đạo Di Lặc, Minh giáo (những giáo phái của Phật giáo). Họ chít khăn đỏ lên đầu để làm dấu hiệu riêng nên gọi là quân Khăn Đỏ.
Lúc đầu ở trong nước có nhiều lực lượng khởi nghĩa, về sau người có vai trò quan trọng nhất là Chu Nguyên Chương. Năm 1367, sau khi thâu tóm được miền Nam, Chu Nguyên Chương sai quân tiến đánh miền Bắc.
Năm 1368, Chu Nguyên Chương xưng làm hoàng đế ở Kim Lăng (Nam Kinh), đặt quốc hiệu là Minh, hiệu là Minh Thái Tổ.
Mùa thu năm đó, quân đội của Chu Nguyên Chương tấn công Đại Đô, triều đình nhà Nguyên phải rút về Bắc.
Tiếp đó, Chu Nguyên Chương tiêu diệt các thế lực cát cứ vốn là các nhóm khởi nghĩa và lực lượng còn lại của triều Nguyên, đến năm 1387 thì hoàn toàn thống nhất Trung Quốc.
8. Triều Minh (1368-1644):
a/ Thời kỳ cường thịnh của triều Minh:
Đầu thời Minh, Minh Thái Tổ thi hành nhiều chính sách nhằm khôi phục kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân như:
- Trả lại tự do cho những người bị biến thành nô tỳ, đồng thời cấm cưỡng bức hoặc mua bán dân tự do làm nô tỳ.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục phát triển sản xuất nông nghiệp như kêu gọi nhân dân lưu tán trở về quê quán, đồng thời kêu gọi nhân dân khai khẩn đất hoang…
- Bỏ những hình phạt tàn khốc thời Nguyên.
- Nghiêm trị bọn quan lại tham ô.
Nhờ những chính sách nói trên, đầu đời Minh, kinh tế được khôi phục nhanh chóng và bước đầu phát triển, tình hình chính trị được ổn định.
Năm 1398, Minh Thái Tổ chết. Vì người con cả chết sớm nên cháu đích tôn của ông được lên nối ngôi, nhưng người con thứ là Chu Đệ đem quân tấn công Kim Lăng.
Năm 1402, Chu Đệ giành được ngôi hoàng đế. Đó là Minh Thành Tổ (1403-1424), một ông vua nổi tiếng triều Minh.
Minh Thành Tổ sau khi lên ngôi đã nhiều lần sai sứ giả đi đến nhiều nước, đặc biệt còn sai Thái giám Trịnh Hòa chỉ huy một đoàn thuyền có vũ trang 6 lần đi xuống các nước ở vùng biển phía Nam châu Á. Những hoạt động ngoại giao ấy đều nhằm phô trương sự giàu mạnh của Trung Quốc và lôi kéo các nước xa xôi đến thần phục triều Minh.
Đối với nước ta, nhân việc Hồ Qúy Ly cướp ngôi của họ Trần, năm 1406, nhà Minh đã cho quân sang xâm lược nước ta, mãi đến năm 1427, tức là sau khi Minh Thành Tổ chết mới chịu thất bại và rút quân về nước.
b/ Sự thâm nhập của người phương Tây:
Từ năm 1517, tức là sau khi tìm được con đường biển sang phương Đông không lâu, người Bồ Đào Nha bắt đầu đến Á Môn (Ma Cao), sau đó được cử sứ giả đến Bắc Kinh. Năm 1553, nhân việc thuyền gặp bão, người Bồ Đào Nha xin được lên bờ Á Môn phơi hàng hóa bị ướt. Nhờ đút lót cho quan địa phương, họ được lên cư trú ở Á Môn và đến năm 1557 thì bắt đầu biến mảnh đất này thành thuộc địa của họ.
Sau người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha ở Luxôn nhờ phối hợp với quan quân Trung Quốc tiêu diệt được một băng cướp biển Trung Quốc nên được triều Minh cho đến buôn bán ở Chương Châu (Phúc Kiến).
Sang thế kỷ XVII, người Hà Lan cũng đến Trung Quốc. Năm 1624, họ chiếm được đảo Đài Loan mãi đến năm 1662 mới bị Trịnh Thành Công đánh đuổi.
Đi theo các thương nhân, nhiều giáo sĩ đạo Thiên Chúa cũng sang phương Đông truyền đạo. Giáo sĩ châu Âu đến Trung Quốc đầu tiên là một người Ý tên là Matêô Rixi. Năm 1601, ông được đến Bắc Kinh truyền đạo, còn được ban cho nhiều ruộng đất.
Sau Matêô Rixi, giáo sĩ các nước Ý, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…tiếp tục đến Trung Quốc.
Xem thêm : Lịch sử Nền văn minh Trung Hoa
Thời Minh, các giáo sĩ phương Tây một mặt biết khéo léo lấy lòng các hoàng đế, một mặt tỏ ra tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân Trung Quốc nên họ được tự do truyền đạo.
c/ Phong trào chiến tranh nông dân cuối triều Minh:
– Nguyên nhân chủ yếu của phong trào khởi nghĩa của nông dân cuối Minh là:
- Nông dân bị mất ruộng đất.
- Tô cao thuế nặng.
- Thiên tai xảy ra liên tiếp. Nhân dân đói đến nổi phải ăn rễ cỏ, vỏ cây, đất, bột đá…
– Phong trào bắt đầu bùng nổ năm 1627 ở Thiểm Tây, đến năm 1631 thì tập hợp lại thành một lực lượng thống nhất do Cao Nghênh Tường, Trương Hiến Trung, Lý Tự Thành cầm đầu. Năm 1636, Cao Nghênh Tường tử trận, Lý Tự Thành trở thành người lãnh đạo chủ yếu của lực lượng khởi nghĩa ở miền Bắc. Còn Trương Hiến Trung thì chỉ huy một cánh quân tiến xuống hoạt động ở phía Nam.
Năm 1644, Lý Tự Thành xưng làm hoàng đế ở Tây An (Thiểm Tây). Tiếp đó, ông tấn công và chiếm được Bắc Kinh. Triều Minh sụp đổ.
Trong khi đó, viên tổng binh của nhà Minh là Ngô Tam Quế đang đóng quân ở Sơn Hải Quan đã đầu hàng Mãn Thanh để chống lại Lý Tự Thành.
Lý Tự Thành đem quân đánh Ngô Tam Quế nhưng bị liên quân của Ngô Tam Quế và Mãn Thanh đánh bại, do đó phải rút khỏi Bắc Kinh. Đến năm 1645, Lý Tự Thành bị thất bại hoàn toàn phải tự tử.
Còn Trương Hiến Trung ở miền Nam đến năm 1646 cũng bị quân Thanh đánh bại. Bản thân Trương Hiến Trung bị quân Thanh bắt và bị giết.
9. Triều Thanh (Từ khi thành lập đến chiến tranh thuốc phiện):
a/ Sự thành lập triều Thanh và những hoạt động bình định Trung Quốc:
Triều Thanh do người Mãn Châu thành lập. Tộc Mãn Châu vốn gọi là tộc Kiến Châu, một chi nhánh của tộc Nữ Chân mà đầu thế kỷ XII đã thành lập nước Kim.
Đầu thời Minh, tộc Kiến Châu đang sống trong giai đoạn tan rã của xã hội thị tộc. Đến năm 1616, họ mới thành lập nước và cũng gọi là nước Kim, lịch sử gọi là Hậu Kim, đến năm 1636 mới đổi thành Thanh.
Năm 1644, ngay sau khi Lý Tự Thành bị thất bại trong trận đánh nhau với Ngô Tam Quế và quân Thanh ở Sơn Hải Quan, vua Thanh Thế Tổ liền tiến vào Bắc Kinh thành lập một triều đại mới gọi là triều Thanh (1644-1911).
Sau đó, quân Thanh phải chiến đấu với hai lực lương là tàn quân nông dân và lực lượng kháng chiến của Nam Minh. Đến năm 1661, vua cuối cùng của Nam Minh là Quế Vương phải chạy sang Miến Điện, nhưng bị Ngô Tam Quế đem quân truy kích, Quế Vương bị bắt đem về Côn Minh (Vân Nam) xử tử.
Trong quá trình ấy, nhiều tướng lĩnh yêu nước đã kiên cường bền bỉ chống Thanh mà người tiêu biểu nhất là Trịnh Thành Công. Năm 1661, Trịnh Thành Công đem 25.000 quân vượt biển ra Đài Loan, đánh đuổi được người Hà Lan, lấy hòn đảo này làm căn cứ để đánh Thanh.
Sau khi diệt được triều Nam Minh không lâu, triều Thanh lại phải đối phó với “vụ loạn Tam Phiên”. Tam phiên là 3 lãnh địa lớn do nhà Thanh phong cho các tướng lĩnh Hán tộc làm tay sai gồm: Ngô Tam Quế được phong ở Vân Nam, Thượng Khả Hy được phong ở Quảng Đông và Cánh Kế Mậu được phong ở Phúc Kiến.
Năm 1673, vua Khang Hy ra lệnh bỏ các phiên, do vậy ba phiên đã nổi dậy chống Thanh. Hai phiên họ Cánh và họ Thượng đến năm 1676 đầu hàng Thanh. Còn Ngô Tam Quế đến năm 1678 xưng làm hoàng đế nhưng đã chết trong năm đó, cháu là Ngô Thế Phiên nối ngôi. Đến năm 1681, trước sự tấn công xuống Vân Nam của quân Thanh, Côn Minh thất thủ, Ngô Thế Phiên phải tự tử.
Tiếp đó, năm 1683, quân Thanh tấn công và chiếm được Đài Loan. Đến đây, mọi phong trào đấu tranh vũ trang chống Thanh đều chấm dứt.
b/ Sự hình thành đế quốc Thanh:
– Trước khi thành lập triều Thanh, nước hậu Kim đã thần phục được các tiểu quốc ở miền Nam Mông Cổ. Sau khi thống trị Trung Quốc, triều Thanh thôn tính được miền bắc Mông Cổ vào năm 1697 và miền Tây Mông Cổ vào năm 1757.
– Về phía Tây Nam, lấy lý do giúp đỡ Tây Tạng chống lại sự xâm lược của người Mông Cổ, năm 1718, nhà Thanh đưa quân vào vùng này, đến năm 1727 thì chính thức chiếm được vùng Tây Tạng.
– Ở phía Tây Bắc, vùng Tân Cương ngày nay là nơi cư trú của người Ngô Duy Nhĩ. Năm 1758-1759, Thanh tấn công và chiếm được vùng này và đặt tên là Tân Cương.
Như vậy trải qua một quá trình chinh chiến lâu dài, đến giữa thế kỷ XVIII, triều Thanh đã trở thành một đế quốc rộng lớn.
c/ Chính sách thống trị của Mãn Thanh:
– Trong quá trình chinh phục Trung Quốc, đối với những nơi kiên quyết kháng chiến, quân Thanh thi hành chính sách hủy diệt. Đồng thời, quân Thanh bắt nhân dân Trung Quốc phải theo một số phong tục tập quán của người Mãn Châu mà trước hết là bắt đàn ông phải cạo tóc theo kiểu người Mãn.
– Để củng cố bộ máy nhà nước tập quyền Trung ương, những chức quan lớn quan trọng, triều Thanh chỉ cho người Mãn được đảm nhiệm. Nhà Thanh còn thẳng tay trấn áp mọi hoạt động hoặc biểu hiện tư tưởng chống lại người Mãn, do đó đã gây nên nhiều vụ án văn tự. Ví dụ chỉ vì một quyển sách có những câu chữ chống Thanh mà 72 người có liên quan bị xử tử.
Tuy nhiên, nhà Thanh cũng thi hành chính sách mua chuộc địa chủ người Hán. Vua Khang Hy (1662-1722) còn nói: “Mãn Hán là một”.
d/ Những cuộc chiến tranh xâm lược:
Vào thế kỷ XVIII, triều Thanh liên tiếp tấn công Miến Điện ba lần vào các năm 1766, 1767, 1769 nhưng cả 3 lần đều bị thất bại phải rút quân.
Đối với nước ta, cuối năm 1788, dưới chiêu bài giúp đỡ họ Lê khôi phục ngai vàng, nhà Thanh sai Tôn Sĩ Nghị đưa 20 vạn quân sang xâm lược, nhưng trong trận Tết Kỷ Dậu (1789) đã bị nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của vua Quang Trung đánh bại.
e/ Chính sách đóng cửa và cấm đạo:
– Sau người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha và người Hà Lan, đến đời Thanh, người Anh, người Pháp cũng đến Trung Quốc buôn bán, nhưng trong thời kỳ đầu, triều Thanh sợ nhân dân Trung Quốc liên kết với người phương Tây chống lại mình nên thi hành chính sách đóng cửa tương đối nghiêm ngặt. Sau khi chiếm được Đài Loan (1683), lệnh đó được nới lỏng một thời, nhưng đến 1757, vua Càn Long chỉ cho các thương nhân nước ngoài được buôn bán ở Quảng Châu mà thôi.
– Đối với việc truyền đạo Thiên Chúa, đầu đời Thanh, các giáo sĩ phương Tây ở Bắc Kinh vẫn được ưu đãi, do vậy, đạo Thiên Chúa được truyền bá rất Về sau, phần vì các giáo sĩ ngầm hoạt động gián điệp, phần vì đến đầu thế kỷ XVIII, Giáo hoàng La Mã ra lệnh cấm các giáo sĩ ở Trung Quốc không được tiếp tục cho các tín đồ đạo Thiên Chúa được thờ cúng Khổng Tử và tổ tiên, nhà Thanh ra lệnh cấm việc truyền đạo.
– Trong khi Trung Quốc thi hành chính sách đóng cửa thì nền công nghiệp dệt của Anh phát triển nhanh chóng, đồng thời Anh thu và mua rẻ được rất nhiều thuốc phiện ở An Độ. Để tiêu thụ những thứ hàng đó, Anh chủ yếu nhằm vào thị trường Trung Quốc.
Tuy không lập được quan hệ thông thương chính thức, nhưng đến nửa đầu thế kỷ XIX, thuyền buôn của Anh vẫn không ngừng chở thuốc phiện đến bán ở Trung Quốc. Do vậy, năm 1838, nhà Thanh cử Lâm Tắc Từ làm Khâm sai đại thần đến Quảng Châu để thực hiện lệnh cấm bán thuốc phiện.
Để buộc chính phủ Thanh phải mở cửa biển, năm 1840, Anh gây chiến tranh với Trung Quốc. Cuộc chiến tranh ấy gọi là “chiến tranh thuốc phiện”. Kết quả, triều Thanh phải nhượng bộ. Sự kiện đó đánh dấu xã hội Trung Quốc bước vào một giai đoạn mới – Giai đoạn nửa phong kiến nửa thuộc địa.
II. Tình hình Kinh tế xã hội
1. Chế độ ruộng đất:
Thời trung đại ở Trung Quốc có hai hình thái sở hữu ruộng đất cùng tồn tại, đó là ruộng đất của nhà nước và ruộng đất của tư nhân.
a/ Ruộng đất của nhà nước:
Trên cơ sở quyền sở hữu về ruộng đất, các triều đại phong kiến đã thi hành nhiều chính sách như ban cấp cho quý tộc quan lại để làm bổng lộc, một bộ phận ruộng đất thì tổ chức thành đồn điền, điền trang để sản xuất hoặc chia cho nông dân cày cấy để thu tô thuế. Trong các chính sách xử lý ruộng đất công, đáng chú ý nhất là “chế độ quân điền” được thi hành từ năm 485 dưới triều Bắc Ngụy, tiếp đó được các triều Bắc Tề, Tùy, Đường tiếp tục thực hiện.
Về quy định cụ thể:
Chính sách quân điền của các triều đại nói trên có ít nhiều khác nhau, nhưng tinh thần chung của chế độ đó là:
– Nhà nước đem ruộng đất do mình trực tiếp quản lý căn cứ theo các tiêu chuẩn chia cho nông dân cày cấy. Nhận ruộng đất của nhà nước, nông dân có nghĩa vụ phải nộp thuế và làm lao dịch. Thời Tùy, Đường, nghĩa vụ thuế khoá ấy được gọi là chế độ “tô dung điệu”.
- Tô là thuế nộp bằng thóc.
- Điệu là thuế hiện vật nộp bằng tơ lụa bông vải.
- Dung là thuế hiện vật thay cho nghĩa vụ lao dịch, cũng nộp bằng tơ lụa hoặc bông vải.
– Đồng thời với việc chia ruộng đất cho nông dân, các quan lại tùy theo chức vụ cao thấp được cấp cho ruộng đất làm bổng lộc. Ví dụ thời Đường, quý tộc quan lại được ban cấp ruộng vĩnh nghiệp (ruộng được truyền cho con cháu), ruộng thưởng công, ruộng chức vụ…
Ý nghĩa:
- Chế độ quân điền một mặt đã làm cho những nông dân không có hoặc có ít ruộng đất, những người đi lưu tán trở về quê hương được cấp ruộng đất, do đó, họ đã trở thành nông dân cày cấy ruộng đất công, thoát khỏi sự lệ thuộc vào địa chủ.
- Một mặt khác, do việc giao ruộng đất cho nông dân nên toàn bộ ruộng đất bị bỏ hoang vì chiến tranh đều được canh tác trở lại, do đó, nông nghiệp được phát triển, nhà nước và nông dân đều có lợi.
Sự phá hoại của chế độ quân điền:
Từ giữa thời Đường, do nạn chiếm đoạt ruộng đất của địa chủ, một số nông dân phải rời bỏ quê hương đi tha phương cầu thực. Đặc biệt vụ loạn An Sử (755-763) đã gây nên sự xáo trộn lớn về nhân khẩu, do đó, chế độ quân điền bị phá hoại dần dần.
Trước tình hình ấy, năm 780, nhà Đường phải đặt ra một chính sách thuế khóa mới gọi là “pháp thuế hai kỳ”. Chính sách này quy định: nhà nước căn cứ theo số ruộng đất và tài sản thực có để đánh thuế; đồng thời thuế được thu làm hai lần vào hai vụ thu hoạch trong năm.
Việc căn cứ theo tài sản thực có để đánh thuế chứng tỏ rằng đến đây nhà nước đã công khai thừa nhận chế độ quân điền không tồn tại nữa.
b/ Ruộng đất của tư nhân:
Từ thời Chiến quốc, ruộng tư ở Trung Quốc bắt đầu xuất hiện. Từ đó về sau, ruộng tư trở thành bộ phận quan trọng nhất trong chế độ ruộng đất ở Trung Quốc.
Do chính sách ban cấp ruộng đất cho quan lại làm bổng lộc, đồng thời do việc chiếm đoạt ruộng đất, phần lớn ruộng tư thuộc quyền sở hữu của giai cấp địa chủ.
Trên cơ sở chiếm hữu được nhiều ruộng đất, từ thời Đông Hán, tổ chức điền trang đã ra đời và tồn tại lâu dài trong lịch sử Trung Quốc.
+ Điền trang ở Trung Quốc cũng là những đơn vị kinh tế tự sản tự tiêu: Trong điền trang, ngoài sản xuất nông nghiệp còn sản xuất thủ công nghiệp và một số hoạt động kinh tế khác.
Những người lao động trong các điền trang từ thời Đông Hán đến Nam Bắc Triều là “điền khách”, “bộ khúc”, nô tỳ.
+ Điền khách là những nông dân lĩnh canh ruộng đất của điền trang. Họ có nghĩa vụ phải nộp địa tô cho chủ.
+ Bộ khúc là những điền khách được luyện tập nghĩa vụ quân sự để bảo vệ điền trang.
Đến thời Đường Tống, do sự phát triển của kinh tế hàng hóa, tính chất tự nhiên của kinh tế hàng hóa có giảm bớt, có một số điền trang sản xuất rau, đốt than để đem bán ở thị trường.
Mặt khác, thân phận của lực lượng chủ yếu trong điền trang này gọi là “trang khách”. Sự phụ thuộc của họ vào chủ điền trang được giảm rất nhiều so với trước.
– Bên cạnh địa chủ tư nhân, chùa Phật giáo và Đạo giáo cũng chiếm nhiều ruộng đất.
– Ngoài bộ phận ruộng đất của địa chủ còn có ruộng đất của nông dân tự canh, nhưng loại ruộng đất này rất bấp bênh và chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
2. Quan hệ giai cấp:
Thời Trung đại, trong xã hội Trung Quốc có các giai cấp sau đây:
a/ Giai cấp địa chủ:
Giai cấp địa chủ ở Trung Quốc có thể chia thành hai tầng lớp chủ yếu là địa chủ quan lại và địa chủ bình dân.
- Trong địa chủ quan lại có một bộ phận giàu sang nhất, có thế lực nhất, đó là loại địa chủ quý tộc phong kiến. Loại này bao gồm vương hầu, tôn thất, công thần.
- Địa chủ bình dân là tầng lớp địa chủ không giữ chức vụ gì trong bộ máy nhà nước. Tuy vậy, do giàu có, tầng lớp này, nhiều người có thế lực lớn về chính trị.
b/ Giai cấp nông dân:
Giai cấp nông dân cũng bao gồm hai loại: nông dân lĩnh canh và nông dân tự canh.
– Nông dân tự canh là những người cày cấy ruộng đất của mình hoặc của nhà nước cấp cho theo chính sách quân điền. Họ có nghĩa vụ phải nộp thuế thường là bằng 1/10 thu hoạch, đồng thời họ phải làm nghĩa vụ lao dịch cho nhà nước. Về địa vị chính trị, họ được coi là dân tự do, nếu có điều kiện học hành và thi cử đỗ đạt thì có thể trở thành quan lại.
– Nông dân lĩnh canh là những người không có hoặc có rất ít ruộng đất nên phải trở thành tá điền của địa chủ. Họ có nghĩa vụ phải nộp tô cho chủ ruộng thường là bằng 5/10 thu hoạch. Về thân phận thì tùy theo từng thời kỳ mà có ít nhiều khác nhau.
c/ Tầng lớp công thương:
Đến thời trung đại, do sự phát triển của thủ công nghiệp, thợ thủ công tự do trở thành một tầng lớp ngày càng đông đảo. Thợ thủ công cũng có nghĩa vụ phải nộp thuế và làm nghĩa vụ lao dịch theo nghề nghiệp của mình.
Tầng lớp buôn bán từ thời Hán đã rất phát triển. Triều Thổ (đời Hán) đã miêu tả những người công việc thì nhàn nhã mà thu được nguồn lợi lớn. “Đàn ông không cày cấy, đàn bà không tằm tơ mà mặc thì phải có 5 màu, ăn thì phải có thịt ngon, không phải chịu cái khổ của kẻ nông phu mà có tiền trăm bạc ngàn.”
Tuy vậy, nghề buôn bị coi là nghề ngọn, không phải là cơ sở của nền kinh tế phong kiến nên các triều đại ở Trung Quốc đều thi hành chính sách kiềm chế sự phát triển kinh tế của thương nhân, đồng thời hạ thấp địa vị chính trị của họ như không cho làm quan, xếp họ vào loại cuối cùng trong “tứ dân” (sĩ, công ,nông, thương).
d/ Tầng lớp nô tỳ (tức nô lệ):
Nguồn nô tỳ chính vẫn là tù binh, những người phạm tội và những người bị phá sản.
Thân phận nô tỳ có khá hơn nô lệ thời cổ đại. Mặc dầu, họ vẫn bị coi là hàng hóa để mua bán, trao tặng, nhưng giá cả thì cao hơn trước nhiều. Có tài liệu nói đời Hán, giá một nữ tỳ bằng 5 con ngựa.
Sự giết hại nô tỳ một cách tùy tiện được hạn chế nhiều nhưng nói chung tính mạng của nô tỳ vẫn chưa được đảm bảo. Ví dụ luật đời Đường quy định nếu nô tỳ có tội chủ không trình quan mà giết chết thì chủ bị đánh 100 gậy.
Luật đời Nguyên quy định nếu người tự do giết chết nô tỳ của kẻ khác thì bị đánh 107 gậy, trong khi đó, nếu giết chết ngựa của kẻ khác thì bị đánh 100 gậy.
Số lượng nô tỳ ở Trung Quốc thời Trung đại còn khá đông đảo. Tuy họ cũng bị sử dụng vào các ngành sản xuất như nông nghiệp, chăn nuôi, thủ công nghiệp nhưng phần lớn họ bị dùng vào việc hầu hạ trong gia đình quý tộc, quan lại, địa chủ và những nhà giàu có khác.
Tóm lại, thời Trung đại, cơ cấu giai cấp ở Trung Quốc tương đối phức tạp. Hơn nữa, đối với từng cá nhân, thân phận giai cấp không cố định, có thể thay đổi, nhưng các giai cấp, các tầng lớp nói trên thì tồn tại lâu dài trong lịch sử.
(Nguồn tài liệu: Nguyễn Gia Phu, Giáo trình Lịch sử thế giới trung đại)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức