Ngôn từ nghệ thuật là gì?

0

1. Khái niệm ngôn từ nghệ thuật

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người. Chúng ta sử dụng ngôn ngữ cùng với các phương tiện phi ngôn ngữ như ánh mắt, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ trong cuộc sống hàng ngày để truyền đạt thông tin, cảm xúc, để phá vỡ khoảng yên lặng giữa con người với con người và vạn vật xung quanh.

Ngôn từ nghệ thuật, xét trên bình diện rộng, là ngôn ngữ của các ngành nghệ thuật, trong đó có văn học. Song, ở một góc độ nào đấy, ngôn từ nghệ thuật được hiểu trong phạm vi hẹp là ngôn ngữ văn chương, được dùng trong các văn bản văn chương, có chức năng thẩm mĩ – tức đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ của con người bằng chính ngôn ngữ.

Ngôn từ nghệ thuật là một hiện tượng nghệ thuật do nghệ sĩ sáng tạo theo quy luật chung của nghệ thuật. Điều này cũng nhằm khẳng định sự khác biệt về bản chất giữa ngôn từ nghệ thuật và ngôn ngữ nói chung – mặc dù “văn học là nghệ thuật của ngôn từ”, văn học sử dụng ngôn ngữ, lấy ngôn ngữ làm chất liệu để dệt nên hình tượng, để sáng tạo và thụ cảm. Đồng thời với việc sử dụng, người nghệ sĩ cũng gia công ngôn ngữ để biến nó thành phương tiện biểu hiện nghệ thuật có hiệu quả cao. Từ “quặng ngôn ngữ”, người sáng tác tôi luyện, gọt giũa để có được chất liệu cho hành trình sáng tạo và thể nghiệm. Có thể nói, ngôn từ nghệ thuật là ngôn từ được lựa chọn và xử lí một cách tinh tế. Điều này phần nào được thể hiện trong một ý thơ nói về công việc của người “luyện đan ngôn từ”:

Nhà thơ như ong biến trăm hoa thành một mật

Một giọt mật thành, đời vạn chuyến ong bay.

Ngôn từ nghệ thuật được lấy từ chính cuộc sống nhưng khi đi vào tác phẩm, chúng mang những đặc trưng của một loại hình kí hiệu đặc biệt. Và nếu ngôn từ hàng ngày trong đời sống phụ thuộc vào ngữ cảnh trực tiếp thì ngôn từ nghệ thuật dựa vào nguyên tắc thủ tiêu đặc trưng trực tiếp của ngữ cảnh. Lúc này, ngôn từ nghệ thuật chỉ có ngữ cảnh thời đại, ngữ cảnh văn hoá, ngữ cảnh nội tại của chính nó.

2. Đặc trưng cơ bản của ngôn từ nghệ thuật

a. Những đặc trưng chung

Ngôn từ nghệ thuật – cũng như ngôn ngữ tự nhiên, đời thường, ngôn ngữ văn bản phi nghệ thuật khác – đều có những đặc điểm chung như tính hình tượng, tính cụ thể, gợi cảm, tính cá thể hoá, tình hàm súc, tính chính xác, tính đa nghĩa, tính tạo hình, tính nhịp điệu… V. Scơlôpxki còn đề xuất thêm về tính lạ hoá, còn R. Jakobson thì xuất phát từ các chức năng giao tiếp mà xác định tính thơ trong ngôn từ thơ… Song, cần phải hiểu đặc trưng ngôn từ nghệ thuật với một nội dung sâu sắc hơn, gắn liền với đặc trưng phản ánh đời sống của văn học và nghệ thuật. Trên cơ sở đó có thể xác định những đặc trưng cơ bản của ngôn từ nghệ thuật như sau:

– Đặc trưng thứ nhất: Tính hình tượng

Văn bản là một sản phẩm của một hoạt động giao tiếp đặc thù. Tính hình tượng của ngôn ngữ trước hết phát sinh từ tính hình tượng của chủ thể lời nói được sáng tạo bằng tưởng tượng. Và do vậy, tính hình tượng của bản thân ngôn từ nghệ thuật có những biến đổi về chất. Toàn bộ ngôn từ đều là sản phẩm hư cấu cùng với chủ thể lời nói, là thứ ngôn từ miêu tả mà từ vần, nhịp, từ, câu và tổ hợp trên câu đều có chức năng biểu diễn như diễn viên trên sân khấu nhằm tái hiện thực tại nghệ thuật.

Tính hình tượng đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật nằm sâu trong bản chất hình tượng của sáng tác. Nói như Letxing, lời văn là lời của thế giới hình tượng muốn tự nói lên bằng ngôn từ và hơn thế, ngôn từ trong nghệ thuật tự bản thân nó là một hình tượng của ngôn ngữ.

– Đặc trưng thứ hai: Tính tổ chức

Tính tổ chức cao không phải là một độc quyền của ngôn từ nghệ thuật song đó là một đặc trưng nổi bật, có ý nghĩa trong việc giải phóng tính hình tượng của từ. Lời văn nghệ thuật nói chung không bao giờ chỉ thông báo giản đơn các việc xảy ra với nhân vật mà còn tái hiện cả một phức hợp quan hệ chủ quan và khách quan trong sự kiện đó. Sự tổ chức ngôn từ tạo nên sự cân đối, hài hoà cho tác phẩm, gia tăng sức biểu hiện và cao hơn, tạo ra những cách thức biểu đạt mới. Trong thơ, tính tổ chức cao biểu hiện ở vần, nhịp, niêm, đối… Trong văn, đó là sự nối kết khéo léo các đơn vị ngôn ngữ để tạo nên những chuỗi lời nhịp nhàng, có khi đẩy thành những đợt sóng cảm xúc trào dâng. Trong Tôi đi học của Thanh Tịnh, đó là những dư vị ngọt ngào trở về vào mỗi độ thu sang:

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường.

Tôi quên sao được những cảm xúc trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng…

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”

Dòng thời gian chảy qua những kí ức êm ái của một khoảnh khắc quan trọng đầu đời nhân vật trữ tình “tôi”. Nếu không quá chú ý tới một lớp tính từ chỉ xúc cảm như “nao nức”, “mơn man”, “trong sáng”… thì chính cách chọn lựa về thời gian, chính sự “sắp xếp” đầy dụng ý những khoảng nhớ, Thanh Tịnh đã kéo người đọc đi từ nao nức đến hồi hộp đợi chờ. Cuối cùng, khi những mảnh ngôn từ được ráp lại hoàn chỉnh, trọn vẹn, bức thông điệp mới được hé mở: “Chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.

b. Ngôn từ nghệ thuật trong văn học thiếu nhi

Văn học thiếu nhi luôn là cuộc hành trình thi vị tìm về với ấu thơ, với những thanh âm trong trẻo nhất, hồn nhiên nhất. Tính hình tượng, tính tổ chức cao hay cả tính lạ hoá, tính đa nghĩa… trong các sáng tác dành cho trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học chính vì thế cũng có những dư vị riêng, những biến điệu riêng.

Thơ, truyện viết cho thiếu nhi sử dụng một thứ ngôn từ rất chọn lọc, giản dị, trong sáng, dễ hiểu và ngắn gọn… Bùi Công Hùng trong “Nhịp điệu thơ thiếu nhi” đã lí giải những điệu thơ trên cơ sở nhịp điệu của hơi thở con người và cả của nhịp tim. Và do đó, những bài thơ dành cho trẻ thường có những câu ngắn 4, 5 chữ, thậm chí là 2 đến 3 chữ, nhịp thơ cũng được ngắt nhiều lần trong một câu:

… Tiếng gà Giục quả na Mở mắt Tròn xoe

Giục hàng tre Đâm măng Nhọn hoắt

Giục buồng chuối Thơm lừng Trứng cuốc…

(Ò… ó… o…, Trần Đăng Khoa)

Sự nhịp nhàng còn thể hiện ở cách thức tổ chức câu, gieo vần, ở ngữ điệu đơn giản và một âm sắc có chọn lọc. Những từ ngữ chỉ sự bừng tỉnh của vạn vật được đặt trong chuỗi ngôn từ tinh tế tạo nên điểm nhấn cho thơ:

Mở mắt (tròn xoe)

(Đâm măng) nhọn hoắt

Thơm lừng (trứng cuốc)

… nảy mầm

… uốn câu

… ra đồng

… chạy trốn

Một đặc điểm nữa của ngôn từ trong văn học thiếu nhi là kết cấu ngôn ngữ trùng điệp được sử dụng khá nhiều như chính một đặc điểm tâm lí trẻ: Thích nghe kể mãi một câu chuyện mà không biết chán, đố nhau một câu dù ai cũng biết đáp án là gì… Trong văn (truyện), những câu dài cũng thường được “tự động” chia cắt thành nhiều câu ngắn theo đúng lối nghĩ, lối nói của các em. Đối với trẻ, hình thức hội thoại hình thành sớm hơn là độc thoại. Cho nên, văn cũng hướng tới những cuộc trò chuyện giữa các nhân vật.

Trẻ rất hứng thú và dễ bị hấp dẫn bởi màu sắc, hình tượng và cũng đặc biệt thích tìm tòi, khám phá. Văn học viết cho thiếu nhi đã lấp đầy những “cơn khát huyền diệu” đó bằng những từ ngữ giàu màu sắc, lấp láy, tươi vui, đồng thời cũng mở ra chân trời của sự mới lạ qua phép so sánh, nhân hoá trữ tình:

Trăng ơi… từ đâu đến?

Hay biển xanh diệu kì

Trăng tròn như mắt cá

Chẳng bao giờ chớp mi…

… Trăng bay như quả bóng

Đứa nào đá lên trời?

(Trăng ơi… từ đâu đến?, Trần Đăng Khoa)

Và:

Cánh diều no gió

Sáo nó thổi vang

Sao trời trôi qua

Diều thành trăng vàng…

… Diều hay chiếc thuyền

Trôi bên sông Ngân…

Diều là hạt cau

Phơi trên nong trời…

… Diều em lưỡi liềm

Ai quên bỏ lại…

Cánh diều no gió Nhạc trời réo vang

Tiếng diều xanh lúa Uốn cong tre làng…

(Thả diều, Trần Đăng Khoa)

3. Chức năng cơ bản của ngôn từ nghệ thuật

Về chức năng của ngôn từ nghệ thuật, GS. Trần Đình Sử đã khẳng định: “Chức năng của ngôn từ nghệ thuật là sáng tạo ra thực tại nghệ thuật, sáng tạo ra khách thể thẩm mĩ, đồng thời sáng tạo ra bản thân các hình tượng ngôn từ, các biểu hiện nghệ thuật, các hình thức lời thơ, lời văn xuôi nghệ thuật, để thoả mãn nhu cầu giao tiếp nghệ thuật” (Tài liệu 4, mục I, trang 210).

Để hiểu rõ chức năng của ngôn từ nghệ thuật, cần nhận diện đúng vai trò của ngôn từ trong sáng tác nghệ thuật. Một số khuynh hướng nên tránh:

  • Xem ngôn từ nghệ thuật như một phương tiện bề ngoài, phương tiện giản đơn để truyền đạt cái hình tượng có sẵn.
  • Ngôn từ cần nhưng không quan trọng, chỉ chú ý tới cá tính của ngôn từ nhân vật và ngôn từ tác giả.
  • Xem ngôn từ nghệ thuật không đáng tin cậy, chẳng qua là trò chơi dựa trên sự tương đồng và khác biệt của các kí hiệu.
  • Xem giá trị, bản chất của văn học nằm trong văn bản ngôn từ, coi việc phân tích ngôn từ thay thế cho việc phân tích nội dung cuộc sống được thể hiện trong đó.

Khám phá tác phẩm nghệ thuật qua ngôn từ là một con đường, song cần xem xét mối quan hệ biện chứng giữa ngôn từ và nội dung để không sa vào những cách tiếp cận cực đoan. Về chức năng, sự chú ý đúng mức đến tính “sáng tạo” của ngôn từ là việc làm hữu hiệu giúp người nghiên cứu giải mã được những giá trị tiềm ẩn của một phạm trù thi pháp học rất hấp dẫn và lí thú. Sự thể hiện của chức năng sáng tạo thực tại nghệ thuật, sáng tạo khách thể thẩm mĩ… trong những tác phẩm cụ thể cũng rất đa dạng và có độ khúc xạ thẩm mĩ lớn. Bởi ngôn từ nghệ thuật là một hiện tượng do nghệ sĩ sáng tạo theo quy luật chung của nghệ thuật, nó in đậm dấu ấn chủ quan của người sáng tác. Ngôn ngữ khi đi vào tác phẩm nghệ thuật đã mang những nét cách điệu, hay nói cách khác, tự bản thân ngôn từ nghệ thuật đã sáng tạo ra các hình tượng ngôn từ, cung cấp cho nghệ thuật những biểu tượng, những hình thức biểu đạt mới mẻ và do vậy, làm cho con người cảm thụ đời sống cũng như ngôn từ một cách mới mẻ hơn.

Trong số các tác giả viết cho thiếu nhi, Phạm Hổ là một cây bút luôn kiếm tìm không mệt mỏi những chất liệu ngôn từ vừa mộc mạc, gần gũi vừa mới lạ và đầy tính sáng tạo. Bài thơ Đàn gà mới nở là một thể nghiệm dễ thương về ngôn từ:

… Lông vàng mát dịu Mắt đẹp sáng ngời Ôi! chú gà ơi

Ta yêu chú lắm!

Mẹ dang đôi cánh Con biến vào trong

Mẹ ngẩng đầu trông Bọn diều, bọn quạ.

Bây giờ thong thả Mẹ đi lên đầu Đàn con bé tí

Líu ríu chạy sau.

Con mẹ đẹp sao Những hòn tơ nhỏ

Chạy như lăn tròn Trên sân, trên cỏ.

Vườn trưa gió mát Bướm bay dập dờn

Quanh đôi chân mẹ Một rừng chân con.

Phạm Hổ chọn những câu thơ bốn chữ để kiến tạo bài thơ. Một hiện thực cuộc sống rất ngộ nghĩnh, rất đáng yêu được ngôn từ nghệ thuật chuyển tải qua những gam màu đẹp và những nét vẽ điểm xuyết tinh tế. Màu vàng mịn màng, mát dịu của bộ cánh non nớt, đôi mắt đẹp sáng ngời. Hình ảnh gà mẹ đưa đàn con đi tìm mồi cũng được khắc chạm một cách khéo léo. Đàn gà con bé tí lúc thì “biến” vào trong đôi cánh của mẹ, khi lại “líu ríu” chạy theo sau. Phép so sánh đẩy tứ thơ bay lên cùng tưởng tượng bay bổng về những viên ngọc trẻ thơ sáng lấp lánh:

Con mẹ đẹp sao Những hòn tơ nhỏ Chạy như lăn tròn Trên sân, trên cỏ.

Ngôn ngữ bài thơ căng tròn sức sống, sức sống mới nảy sinh với vẻ đẹp non tơ. Sau lớp vỏ ngôn từ ấy là những sáng tạo mới mẻ về hình tượng ngôn từ, hình tượng nghệ thuật: đàn gà “biến” vào cánh mẹ, những chú gà nhỏ xinh lăn tròn như “hòn tơ” và từ “rừng” như một điểm nhấn tuyệt vời của sự bừng nở sức sống.

Lời thơ trong trẻo. Ý thơ cũng tràn ngập sự yêu thương. Và ngôn từ nghệ thuật, với “sứ mệnh” của nó đã chuyển tải những giai điệu đẹp từ cuộc sống vào nghệ thuật.

(Nguồn tham khảo: Bùi Thanh Truyền, Giáo trình văn học 2)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.