Phương pháp sáng tác (phương pháp nghệ thuật)

0

Phương pháp sáng tác là một hệ thống hoàn chỉnh hữu cơ những nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật được xác định bởi một thế giới quan nhất định trong những điều kiện lịch sử – xã hội nhất định, dùng để phản ánh cuộc sống bằng hình tượng. Nó là phương thức thể hiện mối quan hệ thẩm mỹ giữa nhà văn và hiện thực, là cách thức, là con đường khám phá hiện thực khách quan, thể hiện, chuyển hóa thành tác phẩm nghệ thuật. Phương pháp sáng tác còn được gọi là phương pháp nghệ thuật. Cũng là nguyên tắc phản ánh, nhưng kiểu sáng tác chỉ là nguyên tắc tư duy nghệ thuật, không ràng buộc với thực tại và thế giới quan, còn phương pháp sáng tác là nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật được xác định bởi cơ sở thực tại và ý thức hệ.

Phương pháp sáng tác lâu nay vẫn được coi là “một phạm trù nằm trong khuôn khổ nghiên cứu văn học và nghệ thuật ở Liên Xô được đề xuất vào những năm hai mươi của thế kỷ XX” (Lại Nguyên ân, Từ điển văn học, bộ mới, Sđd, tr. 1443), nhưng thực ra đã được thi hào Đức vĩ đại Goeth nêu ra trong cuộc đàm thoại với Eckheman ngày 21.3.1830, tức là trước đó hàng thế kỷ: “Tôi ra sức làm cho tất cả đều có hình thù rõ ràng theo ý nghĩa cổ điển, không có chút gì phù hợp với những thứ mơ hồ theo phương pháp sáng tác của phái lãng mạn…” (Dẫn theo Chu Quang Tiềm, Ghi chép những cuộc đàm thoại của Goeth, Nhân dân văn học xuất bản xã, Bắc Kinh 1978, tr. 182). Là những nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật, phương pháp sáng tác không chỉ là sự tổng hợp những phương thức, thủ pháp, biện pháp nghệ thuật, mà còn là sản phẩm của thế giới quan ở đây đã được cụ thể hóa thành một số nguyên tắc sáng tác nghệ thuật cơ bản. Cho nên phương pháp sáng tác vừa là nội dung, vừa là hình thức, vừa biểu hiện mối quan hệ nhuần nhuyễn có tính biện chứng giữa nội dung và hình thức.

Về nội dung của phương pháp sáng tác, Viện sĩ Timofiev cho rằng, nó bao gồm những “vấn đề lý tưởng, nhân vật tích cực, sự nhận thức quá trình sống, vấn đề tính nhân dân” (Nguyên lý lý luận văn học, tập 1, Nxb Văn học, H. 1967, tr. 178). Thật ra, đây là những vấn đề liên quan đến nhau thuộc về nguyên tắc tư tưởng. Sáng tác văn học bao giờ cũng thể hiện lý tưởng và thái độ với nhân dân, thông qua việc xây dựng nhân vật tích cực. D. Marcov, lại cho rằng phương pháp là hệ thống nguyên tắc xuất phát từ ý thức hệ và thi pháp. Như vậy, ngay từ trong yêu cầu của nội dung phương pháp đã đòi hỏi cả những yếu tố thuộc về nội dung và những yếu tố thuộc về hình thức.

Nhân vật là nơi chứa đựng tư tưởng nội dung, nhưng không phải nhân vật nào cũng biểu hiện tư tưởng của tác giả. Luận điểm của Engels về điển hình nhân vật không chỉ là yêu cầu của phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa mà còn có ý nghĩa về phương pháp luận cho việc xác định nội dung của phương pháp sáng tác nói chung. Đó là việc khắc họa “những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình”. Văn học phải lấy con người làm đối tượng trung tâm. Nhưng để miêu tả những tính cách, lịch sử văn học đã trải qua một chặng đường dài:

Phi nhân (hoặc nhân vật thần) => bán nhân hóa (nửa người nửa vật hoặc nửa thần) => nhân vật (chưa có tính cách) => tính cách (nhân vật đã có tính cách) => điển hình (tính cách đã đạt đến độ sâu sắc)

Như vậy, tính cách là quá trình tích lũy nghệ thuật lâu dài, là cốt lõi, là điểm quy tụ bên trong để luận giải mọi biểu hiện và diễn biến bên ngoài. Con đường hình thành của tính cách như sau:

Chi tiết => nhân vật => tính cách => điển hình

Tính cách là tổng hòa các phương diện cấu thành như ngoại hình, nội tâm, hành động, được nhà văn đầu tư năng lực tâm hồn chăm chút để tạo ra những nét riêng trong nhân vật này so với nhân vật khác, chỉ đến lúc ấy, mới xuất hiện những điển hình. Điển hình không chỉ là nơi tập trung tiêu biểu, có tính chất đại diện cho một lớp người, một loại người, một loại sự vật hiện tượng, mà còn là nơi tác giả đầu tư năng lực nghệ thuật ở cấp độ cao.

Phép biện chứng của Engels, đòi hỏi mối quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh là mối quan hệ tạo lập, sinh thành. Tính cách tạo ra hoàn cảnh và ngược lại. Sự chi phối lẫn nhau giữa hai yếu tố này có thể tìm thấy trong bất kỳ sáng tác nào của các nhà văn hiện thực như Balzac, Stendhal, Lỗ Tấn, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… Tính cách nhân vật thường thể hiện ở nhân vật trung tâm, nơi biểu hiện lý tưởng thẩm mỹ của tác giả, thể hiện cảm hứng chủ đạo của tác giả và tư tưởng – nghệ thuật của tác phẩm. Nhân vật trung tâm còn là nhân vật xâu chuỗi, xuyên suốt toàn bộ các sự kiện, có quan hệ ảnh hưởng, chi phối toàn bộ số phận các nhân vật khác. Giữa nhân vật trung tâm với những nguyên tắc miêu tả tính cách có liên quan mật thiết với nhau, mặc dù những nguyên tắc này còn phụ thuộc vào kinh nghiệm sáng tác của tác giả và sự phát triển tư duy nghệ thuật của thời đại.

Hình thức nghệ thuật nhằm xây dựng tính cách nhân vật, nội dung tác phẩm, qua đó bộc lộ tư tưởng – nghệ thuật của tác giả, chính là hệ thống thi pháp, hay nói đúng hơn là những quy luật về hình thức để kiến tạo nội dung. Trong đó, bao gồm việc sử dụng chi tiết, tình tiết, các biện pháp và thủ pháp nghệ thuật có tính chất đặc trưng và tương ứng với nội dung, nó chỉ thích hợp với một phương pháp sáng tác nhất định. Chi tiết chân thực là biện pháp hữu hiệu cho việc xây dựng những điển hình, chi tiết cũng phải được điển hình hóa. Mối quan hệ giữa chi tiết => hình ảnh => hình tượng => điển hình là mối quan hệ song song không loại trừ lẫn nhau giữa hai kiểu quan hệ, đó là quan hệ đồng đẳng và quan hệ phát  triển theo cấp số nhân. Đồng đẳng có nghĩa là bản thân chi tiết đã là một hình ảnh, bản thân chi tiết cũng đã là hình tượng, bản thân chi tiết cũng có thể là điển hình. Phát triển theo cấp số nhân, nghĩa là nhiều chi tiết mới tạo ra được một hình ảnh, nhiều hình ảnh mới tạo ra được hình tượng, nhiều hình tượng mới tôn cao một điển hình.

Tóm lại, nội dung cụ thể của phương pháp sáng tác chủ yếu được xem xét trên ba lĩnh vực là nhân vật trung tâm thể hiện lý tưởng thẩm mỹ của tác giả, nguyên tắc miêu tả tính cách trong mối liên hệ với hoàn cảnh và thi pháp. Tuy tỷ lệ và vai trò khác nhau, nhưng ba lĩnh vực này đều mang tính chất tư tưởng – nghệ thuật. Về mặt đạo đức, cách chọn nhân vật trung tâm phần lớn là nhân vật chính diện, đã trực tiếp khẳng định thế giới quan, tư tưởng, tình cảm, thái độ của nhà văn. Nghĩa là thế giới quan một khi đã đi vào tác phẩm nó không còn là hệ tư tưởng thuần túy mà đã biến thành lý tưởng thẩm mỹ. Nguyên tắc xây dựng tính cách, vừa liên quan tới nội dung lịch sử xã hội của nhân vật trung tâm, vừa liên quan với sự phát triển của tư duy và sự tích lũy kinh nghiệm nghệ thuật, cho nên nó có tính chất tư  tưởng – nghệ thuật. Thi pháp, tuy là qui luật hình thức của tác phẩm nghệ thuật, nhưng hình thức mang tính nội dung.

Cơ sở của phương pháp sáng tác là thế giới quan và thực tại. Vì vậy đã có phương pháp sáng tác chung và phương pháp sáng tác riêng thì phải có thế giới quan chung và thế giới quan riêng, thực tại chung và thực tại riêng. Phương pháp chung là phương pháp của cả một trào lưu văn học, phương pháp riêng là phương pháp của mỗi người. Phương pháp chung là sự nhất trí trên cùng một phương hướng, còn phương pháp riêng là con đường của mỗi người nhằm tiếp cận tâm hồn người đọc. Phương pháp chung là sự nhất trí trên cùng một phương hướng, còn phương pháp riêng là sự biểu hiện phương hướng đó trên những mức độ khác nhau. Thế giới quan vừa có nghĩa chung cho hệ tư tưởng của một giai cấp, một lực lượng xã hội, lại vừa là tư tưởng, tình cảm xã hội của cá nhân nhà văn. Thực tại cũng được hiểu ở nghĩa chung là toàn bộ điều kiện lịch sử – xã hội của một thời đại nhất định, vừa là đối tượng miêu tả của một quá trình sáng tác cụ thể của một tác giả nhất định.

Đối với phương Đông, do tiến trình văn học nằm trong phạm trù xã hội phong kiến lâu dài, ít khi có sự vận động thay đổi, nên phương pháp sáng tác văn học cũng có những đặc điểm riêng, khi nghiên cứu cần chú ý những vấn đề sau:

Một là, phải đặt các hiện tượng trong một chỉnh thể mang tính hệ thống mới có thể nhận thức được những đặc điểm nảy sinh của các hiện tượng văn học từng khu vực với những đặc điểm riêng biệt của nó. Chẳng hạn, đối với phương Tây, chủ nghĩa hiện thực phê phán ra đời là nhằm đối lập và thay thế cho chủ nghĩa lãng mạn, còn ở phương Đông thì nó hình thành trong thế đối lập với phương pháp sáng tác mang nặng ý thức hệ phong kiến chính thống. Ở nước ta, tiếp tục truyền thống của quá khứ, khi tiếp thu tư tưởng Âu Tây vào Việt Nam, cả phương pháp sáng tác của chủ nghĩa lãng mạn và phương pháp sáng tác của chủ nghĩa hiện thực phê phán ra đời cùng một lúc và song song tồn tại cạnh nhau.

Hai là, phải có cái nhìn lịch sử – cụ thể, bởi vì phương pháp sáng tác là một bộ phận trong hình thái ý thức, nó phải chịu sự quyết định của cơ sở xã hội và chi phối của các hình thái ý thức xã hội khác, nhất là triết học, mỹ học và điều kiện lịch sử xã hội.

Ba là, cần phải có phương pháp so sánh lịch sử mới xác định được đặc điểm của hình thái xã hội, giữa phong kiến và tư bản không phải bao giờ cũng phân biệt một cách tách bạch rạch ròi mà còn có sự song trùng, gối đầu, chuyển giao quá độ cho nhau. Có khi cùng một phương pháp sáng tác với những nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật nhưng ở phương  Tây nó ra đời trong chế độ tư sản, nhưng ở phương Đông lại ra đời trong chế độ phong kiến, bởi vì nó còn có ít nhiều tiến bộ, phù hợp với quyền lợi của xã hội nói chung. Vì vậy, ở phương Đông, các tiến trình diễn ra không phải bao giờ cũng hoàn chỉnh đầy đủ, từ cấp độ lý luận đến thực tiễn sáng tạo như ở phương Tây, cho nên, có những phương pháp chỉ mới tạm gọi là “khuynh hướng” chứ chưa đặt vấn đề “chủ nghĩa” như khuynh hướng cổ điển, khuynh hướng lãng mạn…

Bốn là, phải có phương pháp logic. Phương pháp sáng tác là nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật được xác định bởi một thế giới quan nhất định trong những điều kiện lịch sử – xã hội nhất định, nhằm phản ánh cuộc sống bằng hình tượng, nó cần phải được xem xét một cách chặt chẽ trong mọi thành tố làm nên nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật. Bỏ sót bất kỳ yếu tố nào, đều ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu và giá trị học thuật.

(Theo: Phạm Phú Phong, Giáo trình Tiến trình Văn học)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.