Truyện cổ tích là gì? Nội dung truyện cổ tích Việt Nam
Nội Dung
1. Truyện cổ tích là gì?
Có một một thực tế mà hầu hết các nhà nghiên cứu đều thừa nhận, đó là sự phức tạp trong việc đưa ra một định nghĩa khoa học về thể loại truyện cổ tích. Trước hết bởi lẽ đây là một thể loại có số lượng lớn nhất, phong phú nhất trong các thể loại của văn học dân gian. Không những thế, truyện cổ tích còn có một lịch sử sinh thành, tồn tại và phát triển vào loại lâu đời nhất; chưa nói đến nội dung và nghệ thuật hết sức đa dạng, không thuần nhất.
Những lý do đó cũng đủ cho thấy rằng những định nghĩa chúng tôi sưu tầm dưới đây chỉ tiếp cận thể loại này ở mặt này mặt khác (và cố gắng tiếp cận những đặc trưng tiêu biểu nhất) chứ khó có thể bao quát một cách đầy đủ với một định nghĩa mẫu mực làm thỏa mãn người nghiên cứu và học tập văn học dân gian.
Bạn đang xem: Truyện cổ tích là gì? Nội dung truyện cổ tích Việt Nam
Trước hết xin được dẫn giải một định nghĩa của sách giáo khoa hiện hành, tài liệu đòi hỏi tính khoa học cơ bản ở việc nêu ra khái niệm khá cao. Ở đây, ông Chu Xuân Diên (SGK 10 Tập 1) cho rằng truyện cổ tích là những truyện dân gian có nội dung kể lại những câu chuyện tưởng tượng về một số nhân vật như dũng sĩ, nhân vật bất hạnh, nhân vật chàng ngốc. Tuy nhiên, cũng tác giả này, trong “Từ điển văn học”, có nói một cách đầy đủ hơn. Truyện cổ tích nảy sinh từ trong xã hội nguyên thủy, nhưng phát triển chủ yếu trong xã hội có giai cấp. Chủ đề chính là chủ đề xã hội, phản ánh nhận thức của nhân dân về cuộc sống xã hội với những xung đột đặc trưng cho các thời kỳ lịch sử khi đã có chế độ tư hữu tài sản, có gia đình riêng, có mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp. Truyện cổ tích biểu hiện cách nhìn hiện thực của nhân dân đối với thực tại, đồng thời nói lên những quan điểm đạo đức, những quan niệm về công lý xã hội và ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Truyện cổ tích là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú của nhân dân và ở một bộ phận chủ yếu, yếu tố tưởng tượng thần kỳ tạo nên một đặc trưng nổi bật trong phương thức phản ánh hiện thực và ước mơ. Có lẽ các nhà nghiên cứu chủ yếu dựa vào tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ – một tiểu loại chiếm số lượng lớn và khá đặc trưng cho truyện cổ tích nói chung để đưa ra khái niệm cho thể loại này. Cũng tiếp cận với truyện cổ tích thần kỳ như một tiểu loại tiêu biểu của truyện cổ tích, ông Đỗ Bình Trị (SGK 10 Tập 1- Ban KHXH) nêu ra khái niệm truyện cổ tích là những truyện kể có tính chất tưởng tượng về những cuộc phiêu lưu kỳ lạ chiến thắng những trở ngại khác thường của một số nhân vật tiêu biểu cho phẩm chất và số phận chung của những kẻ bị áp bức trong xã hội đã phát sinh tình trạng người áp bức người. Và ông nói rõ thêm rằng khái niệm này là nói về truyện cổ tích thần kỳ, ngoài ra còn có truyện cổ tích về loài vật và truyện cổ tích sinh hoạt ; nhưng ông không nêu ra định nghĩa của hai tiểu loại vừa nêu.
Riêng ông Trần Hoàng (ĐH Huế), thay vì đưa ra khái niệm truyện cổ tích, ông lại phân biệt một loạt các khái niệm mà người gọi đã vô hình trung đánh đồng với khái niệm truyện cổ tích. Đó là các thuật ngữ như Truyện đời xưa, Truyện cổ dân gian hay Truyện kể dân gian. Sau đó, dựa vào bản chất, đặc trưng nội dung và thi pháp để xác định khái niệm truyện cổ tích (chủ yếu nhằm để phân biệt với các thể loại khác của văn học dân gian, mà điều này chắc chắn sẽ không thể bỏ qua khi ta đi sâu tìm hiểu thể loại này). Cũng bằng cách này, ông Nguyễn Tấn Phát ( ĐHSPTPHCM) mượn đặc trưng thể loại của truyện cổ tích để xác định khái niệm truyện cổ tích (tức là tiếp cận khái niệm bằng cách phân biệt với các thể loại khác).
Một cách có hệ thống hơn, ông Hoàng Tiến Tựu (CĐSP) đi vào trình bày lịch sử khái niệm của thể loại truyện cổ tích. Từ năm 1945 trở về trước, truyện cổ tích (hay còn gọi là Truyện đời xưa) được dùng theo nghĩa rộng, chỉ chung toàn bộ truyện kể dân gian. Từ năm 1945 đến nay, giới hạn phạm vi truyện cổ tích như một thể loại trong truyện kể dân gian. Từ đó, ông đã trình bày tính phức tạp của khái niệm. Chính quá trình xuất hiện, phát triển và tồn tại của loại truyện này đã tạo nên mối quan hệ khó phân định rạch ròi với các thể loại khác (các nhà nghiên cứu gọi đây là hiện tượng “cổ tích hóa”). Và vì lý do đó, dù chưa xác định khái niệm truyện cổ tích một cách chính xác đầy đủ nhưng các nhà nghiên cứu đã tương đối thống nhất về những đặc điểm cơ bản của truyện cổ tích.
Đồng ý với nhận xét trên, ta có thể mượn định nghĩa của ông về truyện cổ tích để kết thúc phần này. Truyện cổ tích là loại truyện dân gian có tính phổ biến hình thành từ thời cổ đại, phát triển và tồn tại qua nhiều thời kỳ xã hội khác nhau. Nó hướng vào những vấn đề xã hội cơ bản, những số phận, những quan hệ và xung đột có tính chất riêng tư và phổ biến trong xã hội có giai cấp. Nó dùng một kiểu tưởng tượng và hư cấu riêng để phản ánh đời sống và khát vọng của nhân dân, đáp ứng nhu cầu nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ và tiêu khiển của nhân dân.
2. Phân loại truyện cổ tích
Trong phần tìm hiểu khái niệm về truyện cổ tích, ít nhiều ta cũng nhận thấy rằng, các nhà nghiên cứu khi tiếp cận tư liệu truyện, đã phân định thành ba tiểu loại truyện. Đó là bên cạnh truyện cổ tích thần kỳ – như một nhóm truyện tiêu biểu của truyện cổ tích, còn có truyện cổ tích sinh hoạt (hay còn được gọi là truyện cổ tích thế sự) và truyện cổ tích loài vật (hay còn được gọi là truyện cổ tích động vật). Cách phân loại này được rất nhiều ý kiến đồng tình. Dù không hẳn là cách phân chia tối ưu nhưng đã tạm thời giúp cho công việc tiếp cận truyện cổ tích thuận lợi và hiệu quả hơn.
Nhưng bên cạnh đó, thật ra là trước đó, một số nhà nghiên cứu dựa vào tiêu chí đề tài, chủ đề hoặc nội dung để phân loại truyện cổ tích. Và rõ ràng cách làm này rất thiếu tính khoa học, nó chỉ giúp sắp xếp tư liệu sưu tầm có hệ thống hơn là tạo điều kiện nghiên cứu một cách bao quát mà đầy đủ. Trong tài liệu “Tìm hiểu và phân tích truyện cổ tích Việt Nam”, ông Trần Thanh Mại đã phân thành hai loại: Loại đấu tranh chống thiên nhiên và loại đấu tranh xã hội (Cụ thể là: Loại ý thức quốc gia dân tộc, loại đấu tranh chống thiên nhiên, loại đấu tranh chống phong kiến, loại có tính chất hiện thực nhiều yếu tố nô dịch hóa). Nghiêm Toản – Thanh Lãng lại chia thành: truyện mê tín hoang đường, truyện ma quỷ, truyện thần tiên, truyện luân lý… Những cách phân chia như vậy nói lên sự tìm tòi cố gắng của nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, không thể không thừa nhận rằng giữa các tiểu loại có sự nhập nhằng mà chưa có sự phân định rạch ròi, rõ ràng. Chẳng hạn trong thế giới thần kỳ của truyện cổ tích, ngay ở một truyện cụ thể vừa có nhân vật ma quỷ, phù thủy, hung thần… vừa tồn tại cả những tiên ông, tiên bà, thần, phật… thì sẽ xếp vào tiểu loại nào giữa truyện ma quỷ và truyện thần tiên? Và có hay không yếu tố hoang đường, và nếu có thì loại truyện này có phải cũng có thể được xếp vào loại mê tín hoang đường? Chưa nói đến hầu như truyện cổ tích nào yếu tố luân lý với đạo đức dân gian, những quan niệm thẩm mỹ về cái thiện – cái ác, chính nghĩa -gian tà, lành – dữ…cũng đều tồn tại như một yếu tố không thể thiếu. Vậy như thế nào là một tiểu loại truyện luân lý?
Ở đây, nếu đặt ra vấn đề tranh luận thì có lẽ những cách phân chia nêu trên chỉ để tham khảo, không có gì bàn cãi. Vấn đề đáng nói là một số nhà sưu tầm và nghiên cứu như Nguyễn Đổng Chi (Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam), Đinh Gia Khánh – Chu Xuân Diên (Giáo trình Văn học dân gian Việt Nam) lại đưa ra một tiểu loại gọi là Truyện cổ tích lịch sử như để phản ảnh một thực tế của truyện cổ tích trong mối quan hệ với lịch sử. Vậy, trong truyện tự sự dân gian có hiện tượng “Truyền thuyết hóa” truyện cổ tích hay “cổ tích hóa” những truyền thuyết? Có thể điều này là một gợi mở cho những công trình Folklore học mới mẻ chăng? Nhưng có lẽ hiện tượng vừa nêu ở phạm vi học phần văn học dân gian có giới hạn này chỉ nên được tìm hiểu ở một số tác phẩm cụ thể, từ đó khái quát lên mối quan hệ giao thoa giữa hai thể loại này (xem phần câu hỏi thảo luận ở cuối bài)
Dưới đây, dựa vào cách phân loại phổ biến nhất hiện nay – như đã nói là chưa thể tối ưu – để điểm qua vài nét về từng tiểu loại.
a. Truyện cổ tích động vật
Truyện cổ tích động vật là một nhóm truyện hình thành sớm nhất trên cơ sở tiếp thu những quan niệm nguyên thủy về vạn vật hữu linh, vạn vật tương giao.
Mảng truyện này là sản phẩm của thời kỳ con người sống săn bắt, hái lượm chuyển sang trồng trọt, chăn nuôi và thuần dưỡng động vật. Tất nhiên vì thế mối quan tâm lý giải của họ là đời sống sinh hoạt của những con vật ấy, từ những con vật còn hoang dã đến những con vật nuôi gần gũi. Trong đó có cả những con vật đang trong quá trình thuần dưỡng của người xưa. Chính sự quan tâm đó đã làm nên nét riêng biệt về nội dung của nhóm truyện này. Đó là sự phản ánh đặc điểm của loài vật ( Chẳng hạn như tại sao lông quạ có màu đen, tại sao trâu chỉ có một hàm răng dưới, tại sao chân vịt có màng, gốc tích tiếng kêu của vạc, cộc, dủ dỉ, đa đa và chuột…), trong đó nhóm truyện ca ngợi những con vật thông minh nổi bật hơn cả (Ví dụ truyện Con thỏ và con hổ; Voi, hổ, thỏ và khỉ, Mưu con thỏ…)
Khi sáng tạo ra những truyện cổ loại này, người xưa – một cách không có ý thức đã đồ chiếu quan hệ của xã hội loài người vào quan hệ của các con vật và càng về sau, điều này càng rõ. Thậm chí một số truyện có xu hướng ngụ ngôn hóa.
Truyện Trí khôn của ta đây vừa giải thích bộ lông hổ và hàm răng trâu vừa có tính ngụ ý rằng có trí thông minh thì có thể dùng yếu chống mạnh, lấy nhỏ thắng lớn. Truyện Quạ và Công cũng vậy, vừa giải thích nguồn gốc của bộ lông của quạ và công vừa triết lý nếu vì mối lợi trước mắt mà hấp tấp thiếu cẩn thận sẽ đưa đến những hậu quả đáng tiếc về sau)
Tuy nhiên dù nội dung phong phú thế nào, nhân vật chính trong nhóm truyện này vẫn là con vật với đúng nghĩa của nó. Có điều trong một số tác phẩm thần thoại và hầu hết truyện ngụ ngôn, nhân vật chính cũng là con vật. Và tất nhiên, nhân vật là con vật trong truyện cổ tích động vật khác nhân vật là con vật trong thần thoại và truyện ngụ ngôn. Ở cả ba loại truyện vừa nêu, loài vật đều được nhân cách hóa nhưng với mục đích và quan niệm không hoàn toàn giống như nhau. Nhân vật là con vật trong thần thoại được nhân hóa một cách hồn nhiên, tự phát. Người thời cổ không hề có ý thức làm nghệ thuật. Họ nhân hóa loài vật chủ yếu từ quan niệm vạn vật hữu linh đã có. Khác với thần thoại, nhân hóa trong truyện ngụ ngôn hoàn toàn có ý thức, có mục đích. Tác giả dân gian cố ý nhân cách hóa loài vật để mượn chuyện con vật gửi gấm vào đó những ngụ ý về cuộc sống, về con người. Nhân cách hóa trong cổ tích loài vật vừa có nguồn gốc sâu xa từ những quan niệm cổ xưa vừa là một biện pháp nghệ thuật để phản ánh và nhận thức đối tượng. Từ đó mà trong cổ tích loài vật ta nhận thấy có những nội dung sinh học của con vật, đồng thời có cả những nội dung mang ý nghĩa xã hội với những mức độ khác nhau.
b. Truyện cổ tích thần kỳ
Trong ba tiểu loại đã nêu thì nhóm truyện này phong phú hơn về số lượng, đa dạng hơn về nội dung và phức tạp hơn về kết cấu. Sự phong phú, đa dạng và phức tạp trước hết thể hiện ở các lớp truyện nổi bật như những truyện phản ánh bi kịch gia đình(Trầu cau, Ông đầu rau…); những truyện có đề tài là thân phận người mồ côi, người em út, người đi ở (Tấm Cám, Cây Khế, Hà rầm hà rạc, Người con út hiếu thảo…); những truyện người đội lốt thú (Sọ Dừa, Lấy vợ Cóc, Lấy chồng Dê…) những truyện dũng sĩ (Thạch Sanh, Ba chàng thiện nghệ…). Và tất nhiên, các lớp truyện vừa nêu chỉ có tính chất tiêu biểu chứ không thể đầy đủ trong kho tàng truyện cổ tích dân gian được.
Nhưng có thể tạm kết luận như thế này, truyện cổ tích thần kỳ có đề tài đời sống xã hội với những mối quan hệ phức tạp và đa dạng của nó, lấy con người làm nhân vật trung tâm (ở thế giới trần gian). Và bên cạnh đó, những nhân vật thần kỳ và yếu tố thần kỳ (ở thế giới siêu nhiên kỳ ảo) có vai trò quan trọng trong kết cấu, xung đột và quá trình dẫn dắt truyện. Tất cả những điều này sẽ được trình bày rõ hơn ở phần thi pháp truyện cổ tích.
c. Truyện cổ tích sinh hoạt
Trong ba nhóm truyện thì nhóm truyện này ra đời muộn hơn cả (chủ yếu ra đời trong xã hội phong kiến, nhất là khi chế độ phong kiến bắt đầu xuống dốc trầm trọng). Loại truyện này đề cập đến những tình huống bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Truyện cổ tích sinh hoạt cũng phong phú không kém truyện cổ tích thần kỳ với đời sống muôn màu muôn vẻ của người xưa. Và một số nhà nghiên cứu quả là có lý do để nhận xét rằng có một mối quan hệ rất gần gũi nhau giữa truyện cổ tích sinh hoạt với những truyện ngắn của văn học viết.
Nhóm truyện này cũng có rất nhiều các lớp truyện như những truyện cổ tích về sinh hoạt gia đình (Gái ngoan dạy chồng, Mài dao dạy vợ, Giết chó khuyên chồng…); những truyện cổ tích về quan hệ xã hội (Người học trò và con chó đá,
Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng, Cái cân thủy ngân…); những truyện về anh chàng ngốc và người thông minh (Làm theo vợ dặn, Chàng ngốc được kiện, Phân xử tài tình…)…và nhiều lớp truyện khác nữa.
Ở truyện cổ tích sinh hoạt, càng về sau, có vẻ như kết thúc có hậu quen thuộc của nhóm truyện cổ tích thần kỳ mất đi (Trương Chi, Vợ chàng Trương, Sự tích chim hít cô, Sự tích chim Đa Đa…). Ở từng truyện có sự tăng thêm nội dung thế sự và nhạt mất dần yếu tố thần kỳ . Một số lượng truyện không nhỏ, yếu tố thần kỳ hầu như không còn dấu vết. Và như đã nói, giữa truyện cổ tích sinh hoạt và truyện ngắn trung đại – cận đại đã có sự tương đồng gần gũi với nghệ thuật hư cấu chi tiết đời thường thay vì hư cấu bằng các yếu tố thần kỳ. Một số nhà nho – lực lượng sáng tác của văn học viết đã lấy cảm hứng từ nguồn truyện cổ tích sinh hoạt của dân gian đê xây dựng lên những tác phẩm văn học viết (Một số truyện trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dư).
3. Nội dung truyện cổ tích Việt Nam
Như đã trình bày, truyện cổ tích rất đa dạng, phong phú, khó có thể trình bày đầy đủ nội dung của nó. Ở đây chỉ khái quát một số nội dung cơ bản:
a. Truyện về những người lương thiện đau khổ:
Thế giới nhân vật truyện cổ tích rất rộng lớn, đa dạng và phong phú. Đó là những người nông dân, thợ thủ công, thương nhân, ngư dân, tiều phu, binh lính, phú ông, quan lại, vua chúa, nhà sư, đạo sĩ…Nhưng đối tượng phản ánh chủ yếu của truyện cổ tích là những người lương thiện chịu nhiều đau khổ thiệt thòi trong gia đình phụ quyền và xã hội bất công. Trong phạm vi xã hội, đó là những người lao động nghèo khổ, không thế lực, không địa vị (những người làm thuê, đi ở, những trẻ mồ côi, những người có hoàn cảnh bất hạnh…). Còn trong gia đình, họ là đàn em, là bề dưới (Tấm, Thạch Sanh, Chữ Đồng Tử, anh chồng bán hành, người em với cây khế…). “Sự tập trung hướng về những con người, những số phận như vậy phản ánh rất rõ giá trị hiện thực và tư tưởng nhân đạo mang tính giai cấp sâu sắc của truyện cổ tích” (Hoàng Tiến Tựu).
Tuy nhiên khi khảo sát nhân vật trong hai tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ và truyện cổ tích sinh hoạt, ta thấy có sự khác biệt khá rõ nét. Ở truyện cổ tích thần kỳ nhân vật có hai phần đời đối lập nhau (Phần đời thực ở đầu truyện và phần đời mơ ước ở cuối truyện) nhưng ở truyện cổ tích sinh hoạt, cuộc đời thực cũng như kết thúc đều có phần bi thảm, không có hậu.
b. Triết lý “ở hiền gặp lành” và ước mơ công lý của nhân dân:
Triết lý này chi phối toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của truyện cổ tích – đặc biệt là truyện cổ tích thần kỳ về nhiều mặt như chủ đề, đề tài, cách xây dựng cốt truyện, nhân vật…
Về đề tài, chủ đề, hầu hết các truyện cổ tích thần kỳ đều tập trung thể hiện triết lý “ở hiền gặp lành” và những ước mơ công lý của nhân dân. Thông qua các truyện cổ tích như Sọ Dừa, Tấm Cám, Thạch Sanh, Người con út hiếu thảo, Lấy vợ Cóc, Ai mua hành tôi…, dân gian đã nêu lên một triết lý mang tính đạo lý rất nhẹ nhàng mà sâu sắc. Rằng trong cuộc sống, dù cho có phải đối đầu với hoàn cảnh khắc nghiệt đến đâu đi nữa, con người vẫn phải sống hiền lành nhơn đức, bao dung và độ lượng, chí tình chí nghĩa. Tất cả điều đó rồi sẽ được đền đáp xứng đáng. Rằng ngày mai bao giờ cũng tươi sáng hạnh phúc hơn ngày hôm nay.
Nổi bật hơn cả, triết lý và ước mơ lý tưởng nêu trên thể hiện trong cách xây dựng nhân vật và sự phát triển của các nhân vật trong truyện cổ tích thần kỳ. Nhân vật chính diện thường được đền bù xứng đáng cho những đau khổ. (Người em trong Cây khế, Hà rầm hà rạc trở nên giàu có; cô Tấm trong Tấm Cám trở thành hoàng hậu; Sọ Dừa trong truyện truyện Sọ Dừa thi đỗ Trạng nguyên, chàng trai hiền lành trong Cây tre trăm đốt được cưới con gái phú ông…). Ngược lại, nhân vật phản diện thường bị phê phán, tố cáo, bị trừng trị, bị tiêu diệt (người anh trong Cây Khế rơi tõm xuống biển, Mẹ con Cám trong Tấm Cám bị chết một cách thê thảm, Lý Thông trong Thạch Sanh bị sét đánh chết…). Còn lực lượng siêu nhiên làm nên cái không khí thần kỳ trong truyện cổ tích lại là trí tưởng tượng bay bổng của nhân dân để thực hiện triệt để triết lý này. Lực lượng này rất đa dạng, phong phú. Đó là các nhân vật thần kỳ như Tiên, Bụt, Thần linh, Diêm Vương…; là các con vật siêu nhiên như Trăn thần, Rắn thần…; các vật thiêng có phép lạ như gậy thần, đàn thần, nồi cơm thần, áo tàng hình…Tất cả dù nảy sinh từ nhiều nguồn gốc khác nhau (từ quan niệm của người thời cổ, từ tín ngưỡng dân gian, từ các học thuyết tôn giáo du nhập vào nước ta…) nhưng hầu hết đã được tiếp biến theo văn hóa dân gian, theo quan niệm thẩm mỹ dân gian.
Cách xây dựng kết cấu truyện cổ tích cũng thể hiện rõ nét triết lý và ước mơ của dân gian. Truyện mở đầu thường là hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo của nhân vật chính. Nhân vật bị đày đọa, hành hạ, bức hiếp, hãm hại với bao nhiêu thử thách khắc nghiệt được sắp xếp theo chiều tăng dần đầy kịch tính. Đặc biệt ở kết thúc có hậu là sự khẳng định ngạo nghễ nhưng lại rất chân thành triết lý, đạo lý và ước mơ của dân gian. Kết thúc có hậu phổ biến đến nỗi nói đến kết thúc tốt đẹp trong cuộc đời thường là người ta nghĩ ngay đến chuyện cổ tích.
Thiết nghĩ cũng cần lý giải thêm về cơ sở của triết lý và mơ ước nêu trên. Xuất phát từ ước muốn có một cuộc sống công bằng trong một xã hội còn đầy dẫy những bất công; nhân dân – những con người thuộc tầng lớp bị áp bức khao khát có cơ hội, khả năng và điều kiện để thực hiện nó. Cơ sở của triết lý, vì vậy có nguồn gốc hiện thực rất rõ nét. Nhân dân, bằng cách này, đã thực hiện những mơ ước trong cuộc đời thực bằng truyện cổ tích qua sự tưởng tượng và hư cấu. Điều đó không loại trừ có sự can thiệp, hỗ trợ của những yếu tố thần kỳ để thực hiện một cách triệt để triết lý và ước mơ ấy của mình.
c. Đạo lý truyền thống của nhân dân:
Yêu đời, thương người, lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Điều này thể hiện không chỉ ở kết thúc có hậu mà ngay cả những truyện kết thúc không có hậu. Bởi lẽ tinh thần lạc quan, yêu đời, thương người gắn chặt với niềm tin vào con người và sự dũng cảm nhìn thẳng vào hiện thực cuộc sống. Vì vậy cho dù nhân vật chính của truyện cổ tích có chết đi nhưng cái đạo lý và cách sống cao đẹp của
Xem thêm : STT Tháng 10, Cap Tháng 10 Hay, Giữ Thu Đầy Yêu Thương
họ vẫn tồn tại mãi. Trong một xã hội đầy dẫy những bất công tàn bạo như xã hội phong kiến, bức tranh hiện thực trong truyện cổ tích không khác nào một tấn bi kịch lớn. Cái gì đã làm cho con người tồn tại và vươn lên dù phải trải qua bao nhiêu khó khăn gian khổ của máu xương và nước mắt, nếu không phải là đạo lý làm người, tình thương người, tinh thần lạc quan yêu đời?
Truyện cổ tích – một cách trực tiếp hoặc gián tiếp – có mục đích, nội dung và tác dụng giáo dục đạo đức. Một số có đề tài, chủ đề đạo đức rõ ràng. Ví dụ Sự tích con muỗi lên án người vợ bạc tình; Sự tích chim đa đa phê phán đứa con bất hiếu; Cái cân thủy ngân vạch trần tệ buôn gian bán lận. Đạo đức ở đây vừa là đạo đức thực tiễn mà nhân dân đang sống và đối diện hàng ngày hàng giờ, vừa là đạo đức lý tưởng mà nhân dân luôn khao khát, ước mơ vươn tới.
4. Đặc điểm thi pháp
Như đã trình bày, nhóm truyện cổ tích thần kỳ chiếm một số lượng khá lớn trong kho tàng tư liệu truyện tự sự dân gian và có những đặc trưng tiêu biểu cho truyện cổ tích nói chung. Vì lý do đó, phần thi pháp truyện cổ tích sẽ tập trung khai thác sâu hơn phần truyện cổ tích thần kỳ.
a. Truyện cổ tích thần kỳ
- Nhân vật:
Các nhân vật tương đồng căn bản về tính cách, hành động và số phận tạo thành một kiểu nhân vật chính như người em (em út), người con riêng (mồ côi), người mang lốt vật, người đi ở, người dũng sĩ, người có tài lạ…
Sự xuất hiện và phát triển của nhân vật chính trong truyện cổ tích thần kỳ thể hiện ở những đặc điểm như nguồn gốc xuất thân và cuộc đời đau khổ, đạo đức, tài năng và chiến công, phần thưởng dành cho nhân vật…
Đầu tiên nhân vật hiện ra mang ngay đặc điểm của kiểu truyện và bước vào dòng vận động thông thường của cốt truyện. Tên gọi của nhân vật phụ thuộc vào những đặc điểm phẩm chất bên ngoài hoặc bên trong của chúng. Cụ thể là hình dạng, sức mạnh thể lực, tính cách. ta có các nhân vật nàng Út ống tre, Sọ Dừa, nàng Cóc, anh Vật voi, anh Siêng, anh Húc núi. Hướng đến địa vị, hoàn cảnh sống, nghề nghiệp của nhân vật ta có các nhân vật người em út, người mồ côi, anh trai cày, anh nông dân nọ………………….. Dù là danh từ riêng hay chung, tên nhân vật cũng không mang tính xác thực lịch sử (như tên của nhân vật truyền thuyết) nhưng thường có chức năng tô đậm đặc điểm nhân vật, nội dung tác phẩm làm gia tăng ý nghĩa xã hội và gây những ấn tượng sâu sắc cho người nghe. Hầu hết nhân vật đều có nguồn gốc xuất thân và cuộc đời giống như nhau, thường sống lẻ loi, không tài sản, không nơi nương tựa, có địa vị thấp kém, bị thua thiệt và bị ức hiếp. Nhân vật thường bị ruồng bỏ, bị đẩy vào hoàn cảnh côi cút, họ bị bóc lột sức lao động, bị chiếm đoạt tài sản, còn bị dè bỉu, khinh miệt, hắt hủi, thậm chí còn bị tìm cách giết hại. Có khi nỗi tủi cực của nhân vật còn thể hiện ở hình hài quái dị, xấu xí, rách rưới…
Điều này góp phần làm tăng ý nghĩa xã hội của truyện cổ tích, ít nhiều phản ánh thực trạng xã hội thời xưa – khi chế độ thị tộc nguyên thủy tan rã, xã hội phân hóa, mâu thuẫn giai cấp và các lực lượng áp bức xuất hiện. Nhân dân đã nhận thức sâu sắc địa vị và số phận của mình và bước đầu lên tiếng đấu tranh chống lại bất công áp bức. Thể hiện những cuộc đời như thế, cổ tích và đời thực đã có những điểm tương đồng. Người nghe đã được khơi gợi, đánh thức sự đồng cảm sâu sắc và tình cảm giai cấp tự nhiên. Đồng thời, về mặt nghệ thuật, truyện tiếp tục mở ra những tình huống cần thiết để nhân vật bộc lộ phẩm chất tài năng và chiến công của mình (đây là phần chiếm dung lượng lớn trong truyện).
Chiến công và tài năng của nhân vật thường không thể tách rời khỏi các yếu tố thần kỳ nhưng chủ yếu nhân vật phải mang đạo đức, tài năng của nhân dân.
Các thử thách sẽ là cơ hội cho nhân vật chứng tỏ lòng tốt và sự trung thực (giúp đỡ người hoặc vật gặp khó khăn hoạn nạn – có khi là do Tiên, Bụt thử lòng); chứng tỏ trí tuệ (để vượt qua những câu đố hóc búa); chứng tỏ tài năng (từ những thử thách lớn như đi tìm báu vật, đi cứu công chúa, dẹp giặc, giết quái vật…đến những cuộc thi tài mà tính chất thách đố cũng gây hồi hộp, hào hứng không kém như tài nấu nướng, may vá, thêu thùa, nhan sắc…)…
Để làm nổi bật các phẩm chất , đạo đức, tài năng của nhân vật, tác giả dân gian thường đặt nhân vật chính vào thế đối chiếu, so sánh với nhân vật đối kháng qua những tình huống lặp lại của cốt truyện mà thử thách sau bao giờ cũng cao hơn thử thách trước (vấn đề này thuộc về xung đột và kết cấu truyện sẽ được trình bày ở phần kế tiếp). Với đạo đức, tài năng của mình, nhân vật lý tưởng đã đem đến cho người nghe lòng cảm phục và niềm tin vào con người, vào tương lai, vào ước mơ của nhân dân về công lý xã hội, về cái đẹp hoàn hảo, lý tưởng. Điều đó cũng thể hiện ở những phần thưởng xứng đáng mà nhân dân dành cho nhân vật của mình. Không chỉ là một kết thúc có hậu – tập trung cao nhất giá trị của tất cả những phần thưởng mà đó còn là những chi tiết thần kỳ được lồng vào quá trình vượt qua thử thách, khắc phục trở ngại Mỗi lần như thế, nhân vật được trao tặng một món quà có giá trị để tiếp tục vượt qua những thử thách cao hơn đang chờ đợi phía trước như một thanh kiếm, một con dao, một con ngựa, con chim, cây đàn, cung tên, đôi giày, cây sáo, viên ngọc ước …Và phần thưởng sau thường lớn lao và vẻ vang hơn phần thưởng trước. Tuy nhiên kết thúc có hậu tốt đẹp vẫn là một phần thưởng giá trị nhất mà đó lại là phần ước mơ lý tưởng nhất – những cái mà người dân lao động thậm chí không bao giờ có được nhưng luôn khao khát vươn tới để nắm bắt lấy. Như trên đã nói, chính đặc điểm của nhân vật lý tưởng và ước mơ công lý của nhân dân đã qui định cái kết thúc có hậu tươi sáng của cổ tích thần kỳ (kể cả đòn trừng phạt – không phải là sự trả thù – dành cho nhân vật đại diện cho cái xấu, cái ác).
Nói đến cổ tích thần kỳ mà không nói đến thế giới nhân vật thần kỳ siêu nhiên- điều làm nên sự kỳ ảo của thế giới cổ tích quả là điều thiếu sót. Tất nhiên, trong thực tại, không có và không thể có các nhân vật này. Nhưng trong sự tưởng tượng và hư cấu thần kỳ của tác giả dân gian, nếu thiếu đi các nhân vật thần kỳ siêu nhiên sẽ không có cổ tích thần kỳ nữa.
Đó là các nhân vật ở cõi trời như Ngọc Hoàng, Thiên Lôi, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thiên Binh, Thiên Tướng. Các nhân vật “thần” này có nguồn gốc từ thần thoại và đi từ thần chức năng chuyển thành thần tính cách có nội dung xã hội rõ rệt. Trong quan niệm dân gian, cõi trời hiện hữu và chi phối cõi người. Dân gian quan niệm “Trời cao có mắt”, “Trời chứng giám”, “Nói có trời”, “mang tội với Trời”. Vì vậy Trời – và các lực lượng thần kỳ ở cõi trời đóng vai trò hết sức quan trọng trong triết lý – đạo lý và ước mơ lý tưởng của dân gian.
Dân gian cũng quan niệm có một thế giới của cõi âm. Nơi đó là chỗ trú ngụ của linh hồn người chết. Do ảnh hưởng của tôn giáo, cõi âm còn là nơi con người chuốc lấy những sự trừng phạt để trả giá những lỗi lầm đã có ở cõi người. Vì vậy, nếu người tốt khi chết đi thường hay bay về trời thì người ác, kẻ xấu sẽ về với cõi âm để làm tội đồ với những hình phạt thảm khốc. Thực hiện sự trừng phạt này, trong sự tưởng tượng của dân gian là các nhân vật thần kỳ như Diêm Vương, các Âm Binh, Âm Tướng.
Bên cạnh đó là các nhân vật vua Thủy Tề (hay Long Vương), hoàng tử, công chúa , các thủy thần và bộ hạ của vua Thủy Tề (Do cảm thức thẩm mỹ của người Việt gắn liền với môi trường địa lý sông nước, biển cả). Ngoài ra là một loạt các nhân vật khác vô cùng phong phú như Tiên (đạo giáo), Bụt (Phật giáo), Chim Thần, Rùa Thần (Bái Vật giáo hay vật tổ Tôtem), Trăn Tinh, Hồ Tinh, Chằn Tinh, ma quỷ,… Các nhân vật này cùng với các nhân vật thần kỳ nêu trên đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia vào giải quyết các xung đột của truyện cổ tích.
- Xung đột:
Trong truyện cổ tích thần kỳ có hai loại xung đột (có truyện kết hợp cả hai loại xung đột này). Đó là xung đột xã hội và xung đột giữa con người với những trở lực của thiên nhiên. Trong đó xung đột xã hội là đề tài chính của truyện cổ tích. Xung đột này thường diễn ra trong phạm vi những quan hệ gia đình (Và trong truyện cổ tích, hiện tượng nhìn xung đột xã hội thông qua xung đột gia đình rất phổ biến). Bên cạnh đó, xung đột giữa con người với những trở lực của thiên nhiên là đề tài tiếp nối thần thoại và sử thi cổ đại. Có thể xem mảng truyện về sự xung đột này là chiếc cầu nối giữa thần thoại, sử thi với truyện cổ tích.
Ở đây nói về xung đột xã hội thể hiện qua sự xung đột giữa hai tuyến nhân vật diễn ra trong xu thế phát triển. Kẻ thù đối kháng luôn tìm cách gây hại, chiếm đoạt những thành quả do đạo đức tài năng của nhân vật lý tưởng tạo nên. Xung đột ấy biểu hiện ở những hành động tiêu biểu có tính lặp lại như một motip trong truyện cổ tích thần kỳ. Motip kẻ thù đối kháng tiến hành dò la chẳng hạn vợ chồng người anh dò hỏi vì sao người em trở nên giàu có, mẹ con mụ dì ghẻ dò hỏi vì sao cô gái mồ côi trở nên xinh đẹp khác thường. Motip kẻ thù đối kháng tìm cách đánh lừa nhân vật lý tưởng như Lý Thông đánh lừa Thạch Sanh, lão nhà giàu vờ hứa gả con gái cho anh trai cày để bóc lột sức lao động……………………. Motip giam hãm hoặc giết nhân vật và đánh tráo, cướp công như mẹ con mụ dì ghẻ giết Tấm, những người chị giết vợ Sọ Dừa để muốn thế làm bà Trạng………………… Tuy nhiên, yếu tố chủ yếu để giải quyết mọi xung đột là nhân vật lý tưởng bao giờ cũng chiến thắng. Trước những mâu thuẫn gay gắt của những xung đột mà truyện cổ tích đặt ra, nhân vật lý tưởng bao giờ cũng vượt qua và giành được thắng lợi nhờ đạo đức, lòng dũng cảm, sự thông minh, mẫn tiệp của mình. Và cũng không loại trừ sự giúp đỡ và can thiệp của các yếu tố thần kỳ.
Thật vậy, xung đột trong truyện cổ tích thần kỳ luôn được sự can thiệp giải quyết của các lực lượng thần kỳ. Lực lượng thần kỳ đã làm nên nét nổi bật trong truyện cổ tích thần kỳ, ít nhiều giúp phân biệt truyện cổ tích thần kỳ với các tiểu loại truyện cổ tích khác. Lực lượng này như đã trình bày, rất phong phú và đa dạng, bao gồm những nhân vật thần kỳ (như thần, tiên, bụt, Phật bà quan âm…; phù thủy, diêm vương…); những vật có phép màu (như đôi hia bảy dặm, chiếc thảm bay, cái mũ tàng hình, nồi cơm thần của Thạch Sanh…) và những biến hóa siêu tự nhiên (người hóa thân thành cây, đá, con vật, vật hóa thành người hoặc trút bỏ lớp da thú để thành người)
Các lực lượng thần kỳ ấy chia làm ba loại hoặc trợ thủ hoặc đối thủ của nhân vật chính hay chỉ là lực lượng thần kỳ có tính chất trung gian.
Loại trợ thủ luôn có mặt giúp đỡ các nhân vật chính, hoặc ban tặng cho những vật thần kỳ có phép màu giúp nhân vật vượt qua trở ngại. Để khẳng định ước mơ của mình và chỉ ra sự chiến thắng tất yếu của những giá trị đạo đức cao thượng, trong một xã hội mà con người chân chính gần như bị tước đoạt hết mọi quyền lợi, sự độc đoán và áp bức là thống trị, nhân dân cần đến sự kỳ ảo để trao cho chính nghĩa những sức mạnh phi thường. Do đó yếu tố kỳ diệu thuộc nhóm này đã làm ấm lại không khí truyện cổ tích, ấm cả lòng người đọc khi dõi theo số phân các nhân vật chính.
Loại đối thủ luôn có mặt gây cản trở hoặc tìm mọi cách hãm hại, gây khó khăn cho nhân vật chính.Trí tưởng của dân gian không ngần ngại tạo nên các nhân vật thần kỳ đại diện cho cái ác và sự xấu xa để khẳng định sự ngạo nghễ của chiến thắng chính nghĩa, nhờ vậy mà xung đột giữa hai tuyến nhân vật càng trở nên gay gắt và quyết liệt hơn, chiến thắng càng khó khăn thì càng vẻ vang và vinh quang hơn. Đó cũng là dụng ý của dân gian.
Loại trung gian xuất hiện vào tay của người ác hay kẻ xấu đều phát huy tác dụng. Ở trong tay nhân vật lý tưởng thì có tác dụng tốt, rơi vào tay kẻ thù sẽ gây tai họa; hoặc khi nhân vật vi phạm điều cấm kỵ, nó cũng phản tác dụng. Trong một số trường hợp, chính tính cách của nhân vật xấu xa, ác độc lại làm cho nhân vật – đồ vật thần kỳ có tính chất trung gian này quay trở lại làm hại chính nhân vật ấy. Ta có thể xác định nhân vật chim phượng hoàng trong truyện Cây khế thuộc loại nhân vật trung gian. Dù là người anh tham lam ích kỷ hay người em hiền lành, chất phác, phượng hoàng đều mách giống như nhau về đảo châu báu để rồi sau đó, tính thật thà đã mang đến cho người em sự giàu có. Trong khi chính sự tham lam, ganh tỵ của người anh đã làm cho hắn phải bỏ xác nơi biển sâu.
- Kết cấu:
Truyện cổ tích thường được xây dựng theo một sơ đồ chung nhất định từ cơ sở là hành động của nhân vật chính. Kết cấu phổ biến của truyện cổ tích thần kỳ là sau phần mào đầu có tính chất công thức nói về thời gian, không gian, đưa ra đôi nét dị thường về bức tranh thiên nhiên và đời sống ở một thế giới nào đó, kéo người nghe khỏi dòng đời hàng ngày để bước vào một thế giới kỳ ảo xa xưa; truyện cổ tích bắt đầu giới thiệu với người nghe nguồn gốc xuất thân và cuộc đời đau khổ của nhân vật chính (xem phần thi pháp nhân vật).
Kế tiếp, truyện cổ tích đưa người đọc nhập vào cuộc phiêu lưu của nhân vật chính trong thế giới cổ tích, qua đó thể hiện đạo đức, tài năng và chiến công của nhân vật. Đầu tiên, nhân vật rời nhà đi xa, bước vào tình huống, hoàn cảnh khác thường. Ở đó có những thử thách thể hiện qua sự đối đầu với một hoặc nhiều lực lượng thù địch mà sau đó việc chiến thắng thử thách, chiến thắng lực lượng thù địch là tất yếu (tất nhiên có sự trợ giúp của các yếu tố thần kỳ – làm nên sự hấp dẫn của truyện cổ tích).
Cuối cùng, nhân vật được đổi đời (như được phần thưởng , được đền bù thích đáng như được kết hôn, được lên ngôi). . Phần thưởng có thể đã được ban tặng trong quá trình nhân vật khắc phục hàng loạt trở ngại để đi đến kết thúc của truyện nhưng để tạo nên một kết thúc có hậu, thì ở phần cuối truyện, nhân vật nhận được phần thưởng lớn nhất, quý nhất
Để làm sáng tỏ hơn cách xây dựng kết cấu của truyện cổ tích cần thiết phải khảo sát những công thức cố định trong kết cấu. Ở đây, chỉ nói về công thức mở đầu, công thức kết thúc và công thức trần thuật – ba công thức tiêu biểu nhất của kết cấu truyện cổ tích thần kỳ.
Trước hết là Công thức mở đầu. Nói đến cổ tích là nói đến lời mở đầu quen thuộc “ngày xửa ngày xưa” gắn với một không gian phiếm chỉ nào đó như ở một làng kia, ở nhà vợ chồng người nông dân nọ, ở ngọn núi cao thật là cao……………………………………….. Lời mở đầu ấy biểu thị tính chất đặc biệt cổ xưa, lôi kéo người đọc nhập vào thế giới cổ tích. Ta có thể tìm thấy tính phổ biến của công thức ấy trong hầu hết các truyện cổ tích: Ngày xửa ngày xưa, ở một làng kia có một…; Ngày xưa, vào cái thời chim chích nuốt con sóc, con sóc nuốt con cầy, có một…; Ngày xưa, lúc chiếc bánh giầy còn biết thổi khèn, đánh trống, người H’ Mông còn chưa biết may quần áo, chưa có vàng bạc, chưa có nhẫn đeo tay. Và sẽ không quá lời nếu cho rằng, không có công thức mở đầu quen thuộc này, truyện sẽ chỉ là truyện mà không còn là truyện cổ tích nữa.
Tương tự là Công thức kết thúc nêu lên “dấu vết xưa còn lại”, một tục lệ, một sự vật… làm bằng chứng cho tính chất có thật của câu chuyện kể. Chẳng hạn, “Từ đó dân Việt mới có tục ăn trầu “- Sự tích Trầu cau vôi ;” Ngày nay, những con sam thường đi cặp đôi, lúc nào con sam đực cũng ôm lấy con sam cái ở dưới nước, như khi chồng ôm vợ để bay qua biển” – Sự tích con sam). Đây cũng là một trong những cách hình thành tên truyện của truyện cổ tích.
Cuối cùng là Công thức trần thuật: Đây là những công thức về thời gian kể vắn tắt ước lệ về một sự việc, tách nhân vật ra khỏi chuỗi hành động của nó, đánh dấu sự bắt đầu hành động của trợ thủ thần kỳ…Đây cũng là công thức miêu tả đặc điểm nhân vật như nêu vài nét ước lệ về hình dạng khác thường hoặc vẻ đẹp nhân vật. Việc miêu tả trạng thái bên trong của nhân vật hầu như chỉ được thể hiện qua một công thức đơn giản chẳng hạn như “Anh trở về nhà, buồn rầu…”. Hay công thức miêu tả hoàn cảnh tình huống. Chẳng hạn như về hoàn cảnh mở đầu như “nhà nghèo đến nỗi…”, “hai vợ chồng già mà chưa có con…”; hoặc về những trở ngại, thử thách trên đường phiêu lưu của nhân vật như “một hôm…”, “bỗng nhiên”, “bất ngờ”…
- Không gian – thời gian nghệ thuật:
Khảo sát truyện cổ tích, các yếu tố thời gian và không gian đã xuất hiện nhiều hơn và dễ nhận dạng hơn so với thần thoại. Nhìn chung, không gian và thời gian trong cổ tích thần kỳ mang tính chất tượng trưng, phiếm chỉ. Đó là thời gian – không gian của cái gọi là thế giới cổ tích thần kỳ, đôi khi có khoảng cách rất xa với thời gian và không gian thực tại.
Dù là phiếm chỉ nhưng thời gian trong truyện cổ tích đã được chắt lọc để tập trung thể hiện triết lý và mơ ước dân gian. Những thời điểm xảy ra các sự kiện, xung đột của truyện cổ tích đều nằm trong hệ thống của nó để lý giải số phận nhân vật một cách đầy đủ và tiêu biểu nhất. Có sự liên hệ mật thiết với xung đột trong truyện cổ tích thần kỳ, thời gian nghệ thuật thường gắn với hệ thống trùng lặp ( Lần thứ nhất, lần thứ hai, lần cuối cùng) tạo sự chờ đợi căng thẳng. Như vậy, thời gian của truyện cổ tích là dòng chảy của chuỗi hành động của nhân vật chính (nhanh hoặc chậm).
Khảo sát truyện cổ tích thần kỳ Tấm Cám quen thuộc, ta thấy, thời gian truyện bắt đầu cho đến khi truyện kết thúc, người kể không xác định là bao nhiêu năm, người nghe cũng không quan tâm đến điều đó, chỉ biết đó là một khoảng thời gian kéo dài với bao nhiêu lần hóa kiếp theo kiểu trùng lặp của nhân vật Tấm trong thế đối đầu với mẹ con Cám. Thời gian dài hơn – và cũng không xác định rõ – là ở truyện Từ Thức. Khi Từ Thức cưới vợ tiên đã ở trong một không gian “trời” và thời gian “vũ trụ”, hoàn toàn khác với thời gian và không gian ở mặt đất (một ngày trên trời bằng một đời hạ giới).
Riêng không gian cổ tích cho ta giải mã nhiều ý nghĩa thực tế từ sự tưởng tượng thần kỳ của người xưa về thế giới cổ tích. Bằng những yếu tố không gian xuất hiện trong truyện, ta thấy môi trường sống của người xưa bắt đầu mở rộng khám phá, tìm kiếm những vùng đất mới. Ở đó có cả những vùng đất của hiện thực (chẳng hạn các nước láng giềng, lân cận hoặc xa hơn nữa) và cả những vùng đất của sự tưởng tượng bay bổng, của những ước mơ lãng mạn (cõi trời, cõi âm, cõi thủy phủ, những nơi chốn đầy bạc vàng châu báu…)
Cụ thể là trong truyện cổ tích thần kỳ, liên hệ trực tiếp đến nhân vật chính là một không gian rộng lớn bao quát nhiều xứ sở (Bốn anh tài sang Bắc quốc để đòi nợ vua Tàu), đi hết cùng trời cuối đất (anh học trò nghèo hay chữ đến tận nơi trời đất giao nhau để kêu các vị tiên về việc thi cử của mình) ; rồi nào là ở cõi âm (người họ Liêu xuống Âm phủ kiện Diêm Vương về việc họ nhà mình toàn chết non), cõi thủy phủ (Thạch Sanh cứu thái tử con vua Thủy tề, cùng Thái tử xuống Thủy cung, được vua Thủy tề ban cho cây đàn thần), cõi tiên (Từ Thức lên tiên lấy nàng tiên Giáng Hương), đảo vàng bạc châu báu( Người em được chim phượng hoàng đưa đi lấy vàng sau khi ăn khế…).
Xem thêm : Vốn kinh doanh là gì? Cơ cấu và chiến lược nguồn vốn kinh doanh
Thời gian dài, không gian rộng, sự việc nhiều mà lại được diễn xướng – phản ánh và truyền đạt – bằng con đường truyền miệng, truyện cổ tích thần kỳ đã phải dùng thủ pháp phiếm chỉ, ước lệ và tượng trưng để thể hiện một cách ngắn gọn dễ hiểu và dễ nhớ. Và điều này như trên đã trình bày, làm nảy sinh những công thức cố định trong truyện cổ tích.
b. Truyện cổ tích sinh hoạt
- Nhân vật:
Do tính chất đời thường về nội dung phản ánh, nhân vật chính của tiểu loại truyện cổ tích sinh hoạt vô cùng phong phú và đa dạng với đủ loại người, hạng người trong xã hội…Tuy nhiên, quan sát một cách hệ thống, các kiểu nhân vật trong truyện cổ tích sinh hoạt tạo thành những cặp đối nghịch như nhân vật đức hạnh và nhân vật xấu xa, nhân vật thông minh mưu trí và nhân vật khờ khạo ngốc nghếch…
Nhân vật đức hạnh thường là những người mẹ hiền, người con thảo (Mẹ hiền con thảo) người vợ, người chồng tình nghĩa (Nghĩa cũ tình nay, Mài dao dạy vợ, Giết chó khuyên chồng…), người dân lương thiện (Người ăn mía và chủ vườn)
Ngược lại, nhân vật xấu xa lại là hình ảnh đứa con bất hiếu (Đứa con trời đánh- Tiếc gà chôn mẹ…), người vợ, người chồng bất nghĩa (Đồng tiền Vạn lịch…), người bạn bất lương (Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông), kẻ lừa đảo để lấy vợ giàu (Dì phải thằng chết trôi, tôi phải đôi sấu sành…)
Ở một tuyến nhân vật khác là nhân vật mưu trí, phổ biến là hình tượng nhân vật Trạng (loại nhân vật này, một số nhà nghiên cứu đã xếp vào nhóm truyện cười kết chuỗi). Trí thông minh, sự linh hoạt, mưu trí, khôn ngoan là nét nổi bật ở những nhân vật này (Nói dối như cuội, Em bé thông minh, Phân xử tài tình)
Đối trọng với nhân vật thông minh nêu trên là loại nhân vật khờ khạo. Tương tự, có nhà nghiên cứu đã dựa vào đặc điểm tính cách tạo nên tình huống gây cười của loại nhân vật này nên đã xếp chúng vào một tiểu loại của truyện cười (Đặt lờ trên ngọn cây, Thằng chồng khờ, Con vợ khôn lấy thằng chồng dại như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu, Chàng ngốc được kiện, Làm theo vợ dặn,…)
Ngoài ra, khi khảo sát các truyện cổ tích loại này, ta còn có thể phân chia làm hai loại nhân vật khác. Đó là nhân vật tích cực và nhân vật tiêu cực. Tuy nhiên sự phân chia này cũng không hề mâu thuẫn với cách phân chia đã nêu trên bởi lẽ dù là tích cực hay tiêu cực thì họ cũng dựa vào hai tiêu chí đạo đức và trí khôn để phân loại nhân vật mà thôi.
- Xung đột:
Từ cách phân loại nhân vật nêu trên, xung đột của truyện cổ tích sinh hoạt khai thác hai đề tài lớn.
Một là đề tài đạo đức. Đây là những truyện kể mang tính chất minh họa về những tấm gương kiểu mẫu, về phẩm hạnh (hiếu đễ tiết nghĩa). Khác với truyện cổ tích thần kỳ có cùng đề tài vừa răn dạy đạo đức, vừa lên án những bất công tồn tại để mơ ước một xã hội lý tưởng tốt đẹp hơn, những câu chuyện cổ tích sinh hoạt đề tài đạo đức diễn ra gần như đơn tuyến, hầu như không có những xung đột gay gắt quyết liệt một mất một còn, vấn đề đạo đức đặt ra khá đơn giản, trực diện và ý nghĩa của truyện cũng chỉ giới hạn ở sự giáo dục đạo đức ấy thôi. Đọc truyện Mài dao dạy vợ chẳng hạn. Anh chồng chỉ giải quyết chuyện cơm không lành canh không ngọt giữa vợ mình và mẹ bằng hành động mài dao từ ngày này qua ngày khác. Đến khi chị vợ quan tâm và thắc mắc; anh giải thích rằng mài dao để giết mẹ cho mẹ chồng và nàng dâu khỏi bất hòa thì chị vợ tỉnh ngộ. Cách giải quyết khá đơn giản ấy lại phổ biến trong nhiều truyện cùng đề tài.
Hai là đề tài trí khôn. Có thể coi loại truyện này diễn tả những xung đột xã hội. Tuy chỉ giới hạn trong đời thường, không nhiều tình tiết ly kỳ, uẩn khúc nhưng truyện khai thác xung đột ở ngay điểm đỉnh căng thẳng. Điều đó đáp ứng phần nào nhu cầu khao khát một chút ly kỳ – như thể yếu tố thần kỳ của truyện cổ tích thần kỳ – để quên đi cái tẻ nhạt của cuộc sống thường ngày. Truyện thường kể về những sự phân xử tài tình thể hiện ước mơ về một nền công lý sáng suốt công bằng. Ở đây lại có sự chuyển tiếp giao nhau giữa hai tiểu loại truyện cổ tích. Có một nét gì đó rất gần gũi với truyện cổ tích thần kỳ về những nhân vật có sức khỏe khác người và có khả năng kỳ lạ. Nhưng thay vì hướng đến những xung đột giữa con người và những trở lực của thiên nhiên, truyện cổ tích sinh hoạt về đề tài trí khôn là những xung đột xã hội. “Nói đúng hơn, đó là những câu chuyện kể về cuộc tả xung hữu đột của nhân vật mưu trí với đám cường hào, quan lại…thậm chí với cả vua chúa, thần thánh hay sứ thiên triều. Tài trí của nhân vật ở đây thường không có sự hỗ trợ của các yếu tố thần kỳ mà sự thông minh mưu trí ở đây mang tính chất trí khôn dân gian, gần gũi với lối suy lý và kinh nghiệm sống thông thường của quần chúng nhân dân” (Đỗ Bình Trị).
Vậy, xung đột làm nền cho truyện cổ tích sinh hoạt vẫn là xung đột xã hội, nhìn chung đã vượt ra ngoài khuôn khổ của những quan hệ gia đình. Và điều đáng nói là nhân vật đã giải quyết xung đột xã hội ấy bằng tài năng trí tuệ thật sự của chính bản thân mình mà rất ít hoặc hầu như không hề dựa dẫm vào bất cứ một trợ thủ thần kỳ nào cả.
- Kết cấu:
Truyện cổ tích sinh hoạt chủ yếu dựa trên hai kiểu kết cấu cơ bản.
Trước hết là kiểu kết cấu “kể sự việc”. Ở đề tài đạo đức, dung lượng truyện thường ngắn gọn, đơn giản. Truyện kể về những tấm gương “người tốt việc tốt” lẫn những “tấm gương” phản diện “người xấu việc xấu” trong quan hệ gia đình và quan hệ xã hội xưa kia. Nói chung, đó là những tấm “gương thế sự”. Ở dạng này, kết cấu các truyện tự do, đa dạng, ít có truyện nào giống truyện nào. Còn ở đề tài phân xử tài tình, các tác giả dân gian chọn những sự kiện khá điển hình để khắc họa nét tính cách đạo đức hoặc tính cách mưu trí của nhân vật.
Thứ hai là Kiểu kết cấu “Xâu chuỗi”. Kiểu này nhiều tình tiết hơn, dung lượng cũng lớn hơn. Vì có nhiều điểm tương đồng, thậm chí các nhà nghiên cứu cũng chưa có sự phân định rõ ràng, ta có thể tìm hiểu dạng kết cấu này kỹ hơn ở loại truyện cười kết chuỗi (đề tài trí khôn như nhóm truyện Trạng và truyện về các nhân vật khờ khạo).
- Không gian – thời gian nghệ thuật:
Trong ba tiểu loại truyện cổ tích, gần gũi với người kể và người nghe truyện hơn cả là không gian của truyện cổ tích sinh hoạt. Bối cảnh câu chuyện hầu hết đều quen thuộc với cuộc sống đời thường của người bình dân. Đó là khung cảnh nông thôn và gia đình nông dân; những chuyện áp bức bóc lột diễn ra đầy dẫy ở thôn cùng xóm tận; rồi nào là đời sống xã hội trong làng xã; kẻ buôn bán và chuyện lừa đảo ở một ngôi chợ; người học trò và chuyện thi cử ở một vùng quê nào đó quen thuộc; chuyện kiện tụng ở chốn cửa quan…).
Thời gian trong truyện cổ tích sinh hoạt thường không dài lắm. Câu chuyện như xảy ra không xa, chưa lâu trong cuộc đời hàng ngày – thời mà ở đó ta như vẫn còn thấy rõ mối đồng cảm sâu sắc giữa người kể và người nghe. Ở truyện Vợ chàng Trương, từ khi bắt đầu (người chồng đi lính, người vợ có thai), đến khi kết thúc (người chồng mãn hạn trở về, đứa con lên ba, người vợ bị nghi oan…), tất cả chỉ khoảng ba đến bốn năm. Và bối cảnh thời gian xảy ra câu chuyện ấy – do không có yếu tố thần kỳ lại gắn với lịch sử Việt Nam với những cuộc nội chiến kéo dài giữa những tập đoàn phong kiến – như vừa mới xảy ra chưa lâu. Nó không hướng người đọc vào một thế giới thần kỳ biến ảo mà lại tạo nên sức hấp dẫn riêng bởi sự gần gũi với đời sống và chất hiện thực đậm đà của nó.
Chất hiện thực ấy có được, phần lớn là do không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện cổ tích sinh hoạt là không gian hiện thực, thời gian hiện thực.
- Thực tại và hư cấu:
Do ra đời muộn, yếu tố thực tế lớn hơn hư cấu và trở thành cái nền của câu chuyện kể, những motip xã hội chiếm một vị trí lớn như thể câu chuyện kể ấy được truyền lại bằng mắt thấy tai nghe. Không là những hư cấu kỳ ảo như truyện cổ tích thần kỳ (nếu có thì không đáng kể, ví dụ trời đánh đứa con bất hiếu hay truyện về người bắt được chum vàng…), hư cấu trong cổ tích sinh hoạt chủ yếu được xây dựng trên sự miêu tả phi lý từ tính hiện thực của nó tạo nên sự miêu tả phóng đại một tính cách, một tình huống khác thường. Truyện khai thác những tình huống bất thường trong cuộc sống đời thường, tập trung miêu tả nó để gửi gấm những thông điệp dân gian. Ở một số truyện, đó còn là cơ sở tạo nên tình huống gây cười. Chính vì lẽ đó mà ranh giới phân định giữa tiểu loại này với thể loại truyện cười có lúc đã bị xoá nhòa, khó phân biệt.
c. Truyện cổ tích loài vật
- Nhân vật:
Nhân vật trong truyện cổ tích loài vật tất nhiên là các con vật. Đó chính là tiêu chí để xác định tiểu loại này. “Con vật” là tất cả các loài vật từ muông thú đến cả côn trùng. Nhân vật là con vật gồm có thú vật như truyện Tại sao cọp ăn thịt người, Voi cọp thi tài, Chó rừng và cọp, Tại sao trâu không biết nói, Trâu và voi, Voi ngựa đua nhau, Lừa thi tài với ngựa, Chuột và mèo, Chó ba cẳng… Có cả họ lông vũ như truyện Diều với cắt và quạ, Diều quạ tranh nhau, Tại sao chân vịt có màng, Vịt đi xin chân, Gà vịt và chim khách…Loài vật gồm cả cá như truyện Con lươn và con rô, Cá chép hóa rồng…; côn trùng như truyện Tại sao dơi ăn muỗi, Mọt và tò vò, Con nhện báo tin…Tuy nhiên, nhân vật chủ yếu trong tiểu loại này hoặc là vật nuôi hoặc là những con vật sống gần gũi với con người.
Điều đáng lưu ý là không loại trừ khả năng ở một số truyện – thông qua nhân vật chính là con vật với những mối quan hệ đã được nhân cách hóa – đã có dáng dấp của truyện ngụ ngôn khi tác giả dân gian biểu hiện một ý nghĩa nào đó nào đó về con người và cuộc sống .
Nhân vật là con vật đóng vai trò quan trọng trong kết cấu câu chuyện. Nó có mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với con vật khác hoặc con người để tập trung thể hiện nội dung sinh vật học của động vật và cả những ý nghĩa xã hội xuất hiện một cách tự nhiên với những mức độ khác nhau.
Hầu hết loài vật trong cổ tích động vật đều được nhân cách hóa và xã hội hóa để qua đó phản ánh về con người và xã hội loài người. Sự nhân cách hóa và xã hội hóa các con vật thường rất đậm nét và sâu sắc. Điều này khiến cho nội dung và ý nghĩa xã hội gắn chặt với nội dung sinh vật học, đôi khi còn đậm nét và nổi bật hơn cả nội dung sinh vật học của truyện. Truyện Quạ và công, hai con vật quạ và công như hai con người trong xã hội, cũng khéo tay, cũng vụng về, cũng háu ăn, cũng làm công việc của con người (Vẽ). Truyện Nguồn gốc tiếng kêu của Vạc, Ngốc, Dủ dỉ, Đa đa, các con vật được nhân cách hóa và xã hội hóa sâu sắc. Chúng đều có “ruộng vườn nhà cửa”, sống với nhau “hòa thuận như anh em một nhà” và đều có máu mê cờ bạc. Cách giải thích này do gắn với cuộc sống của xã hội loài người ở giai đoạn sau này nên không giống như cách giải thích suy nguyên trong thần thoại. Ở đây cần phân biệt rõ một số truyện có tựa đề là sự tích một con vật nào đó nhưng thực chất không phải lúc nào đó cũng là truyện cổ tích động vật.
Ở mảng truyện của dân tộc Tây nguyên, truyện cổ tích động vật có nhân vật chính là những con vật hoang dã. Nổi bật là truyện về con Thỏ – vai chính xuyên suốt qua một loạt truyện kể kết chuỗi (Thỏ cứu voi già khỏi nanh hổ, Thỏ cứu đàn cá và tự cứu mình thoát chết, Thỏ cứu dê thoát bị hổ ăn thịt, Thỏ cứu người và trừng phạt cá sấu, Thỏ lừa hổ, Thỏ chơi khăm báo, Con thỏ thầy thuốc, Thỏ xử kiện…) . Đó là một con vật bé nhỏ, yếu ớt nhưng thông minh, mưu trí, đa tài lại dũng cảm, là người hùng cứu tinh cho kẻ yếu (Thỏ cứu voi già khỏi nanh hổ, thỏ cứu đàn cá và tự cứu mình thoát chết, thỏ cứu dê thoát bị hổ ăn thịt, thỏ cứu người và trừng phạt cá sấu…), phản kháng lại kẻ cường bạo (Thỏ lừa hổ, thỏ trị cá sấu, thỏ chơi khăm báo…). Ngoài ra, thỏ còn biết dạy làm thuốc, làm vị quan tòa giỏi xử kiện. Tuy nhiên, nhân vật loài vật thông minh ở đây không hoàn toàn trùng lặp với nhân vật thông minh trong truyện cổ tích sinh hoạt bởi ở nó không chỉ là những đức tính tốt, tích cực mà còn là những đức tính xấu, tiêu cực. Nên thái độ của người kể chuyện với loại nhân vật này cũng có hai mặt, vừa ưa thích vừa có lúc không đồng tình.
- Xung đột:
Tương tự như một số thần thoại giải thích nguồn gốc của muôn loài, xung đột trong cổ tích loài vật phản ánh cuộc đấu tranh của người thời cổ nhằm tìm hiểu, chi phối, chinh phục các lực lượng tự nhiên. Điều này tất yếu bởi các loài vật thời xưa đều ít nhiều liên quan đến nguồn thực phẩm và sự an sinh của họ. Nhu cầu giải thích nguồn gốc và đặc điểm của các con vật thể hiện thành những truyện này.
Tuy nhiên càng về sau thì truyện cổ tích động vật hầu như không đề cập xung đột trực tiếp giữa con người với loài vật trong cuộc đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên mà chuyển thành xung đột xã hội hoặc lồng vào sinh hoạt xã hội (giữa kẻ yếu và kẻ mạnh mặc dù hai phía đối kháng không hẳn đại diện cho hai tuyến nhân vật xung đột “tích cực” và “tiêu cực” như trong truyện cổ tích sinh hoạt).
Cách khai thác xung đột phụ thuộc vào quá trình diễn xướng lưu truyền tác phẩm. Nếu đối tượng là trẻ con, xung đột diễn ra cũng đơn giản dễ hiểu. Nếu đối tượng là người lớn, có thể bộ phận này ra đời muộn hơn, truyện thường mang những ý nghĩa sâu xa về mặt xã hội; các con vật trong truyện được gắn cho những tính cách của con người. Xã hội loài vật trong truyện cũng gợi sự liên tưởng tự nhiên đến xã hội loài người. Đến lúc này, một số cổ tích loài vật đã rất gần với truyện ngụ ngôn (Kiến, Ong chọi với cóc, Con công và làng chim, Cốc và cá, Trí khôn của ta đây……………………….. )
Từ đó, ta thấy xung đột trong truyện cổ tích loài vật thường phổ biến là xung đột giữa kẻ yếu và kẻ mạnh. Và điều này cho thấy rằng phần lớn truyện cổ tích loài vật với xung đột ấy một lần nữa chứng minh rằng truyện cổ tích nảy sinh trong xã hội có giai cấp.
- Kết cấu:
Đơn giản, ít sự kiện, đó là điểm nổi bật của kết cấu truyện cổ tích loài vật. Motip chủ yếu lặp lại trong hầu hết các truyện là “sự gặp gỡ” (Ví dụ con voi gặp con trâu, con cóc gặp con voi, con le gặp con vịt, con cọp con hươu con dím gặp con sư tử…). Kết cấu truyện ngắn gọn, xây dựng chủ yếu dựa trên đối thoại.
Truyện mang dáng dấp của “kịch” với độ dài thời gian của hành động thường được biểu thị bằng hệ thống trùng lặp mặc dù cũng có truyện đơn tình tiết và đa tình tiết và loại truyện có kết cấu xâu chuỗi (như truyện về con thỏ chẳng hạn)
Kết thúc câu chuyện mặc dù có hậu hay không thì truyện vẫn không hề có âm điệu bi kịch. Thông qua nội dung cốt truyện, bằng cách nào đó người nghe truyện có thể rút ra được những ngụ ý xã hội sâu xa, những ý nghĩa giáo huấn rõ ràng (Ví dụ: Thành ra từ đó, rùa có một cái mai vẫn còn dấu nối như thế…; Vì bị đốt nên lông hổ thành ra thế…). Khi liên kết lại với phần đầu truyện và diễn tiến của kết cấu truyện người ta dễ dàng nhận ra những bài học dù dân gian có ngụ ý hay không. Tuy nhiên khi người kể chuyện có chủ ý gởi gắm những ý nghĩa triết lý sâu xa thì truyện cổ tích động vật sẽ chuyển thành truyện ngụ ngôn.
- Thực tại và hư cấu:
Bên cạnh việc giữ lại đôi nét về môi trường sinh thái tự nhiên (truyện về cóc gắn với khung cảnh đầm vũng , ao truông; truyện về cua thì có bờ sông bãi bến, chuyện về chim chóc muông thú thì gắn với cảnh rừng rậm núi cao), các tác giả dân gian đã tạo ra một thế giới loài vật thật đặc biệt. Thế giới ấy hoàn toàn không phải thế giới người cũng không phải thế giới vật. Ở đó, những con vật nói năng, trò chuyện, tranh cãi, đôi khi lại còn làm thơ, phú…Quan hệ của chúng cũng đậm đà dấu ấn hư cấu dân gian mà không theo cái logic sinh học của thế giới loài vật (Ví dụ con chào mào muốn lấy con chim xanh; con gà con vịt đi kiện con chim khách; con cóc thi tài với con voi…)
Tuy nhiên như đã nói, trên cái nền chung, truyện vẫn gắn với những sinh hoạt xã hội. Câu chuyện hiển nhiên là hư cấu, thế giới nghệ thuật là thế giới cổ tích, lại là thế giới trong đó nhân vật hầu như toàn là loài vật, vậy mà nó vẫn mang màu sắc của cuộc đời hàng ngày.
(Nguồn tham khảo: Trần Tùng Chinh, Giáo trình văn học dân gian Việt Nam)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức